Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Mang một con tim khép kín thì đi muôn dặm cũng thành không

Luôn có một nhóm người xuất thân từ xứ Đao Lòng và đã bôn ba học tập cũng như mưu sinh nhiều nơi và vẫn thấy không đâu bằng chùm khế ngọt ở quê nhà!


Mình từng thấy shock thì nghe được những lời bao biện về sự ưu việt hơn trong đời sống Cộng Sản so với Tư Bản. Không chỉ một lần được nghe như thế mà phải nói là nhiều lần!
Nếu những lời nói đó đến từ những người ít tiếp cận thông tin đa chiều thì không nói gì. Đặc biệt hơn, những thiên kiến đó lại đến từ giới có ăn học nghiêm chỉnh. Được đi du học, được trải nghiệm làm việc ở ngoài nước ... nhưng con tim họ thì hoàn toàn khép kín.
Họ đã nói ra sao?. Dẫn lại nguyên văn một bình luận qua mạng để làm thí dụ cho điều trên.
Mình thường đọc các bài thơ qua trang của thầy Thái Bá Tân về đất nước-con người và thi thoảng cũng đọc luôn các lời bình luận bên dưới. Không ít lần mình đọc được những bình luận kiểu như sau:
"Bác ạ! Chế độ nào nó cũng có hạn chế. Tư bản: cho mày nói - bố kệ không làm, có phân chia quyền lực. Cộng sản: cấm nói và bố cũng không làm theo ý mày, cũng phân chia quyền lực. Còn nó giàu được là do cướp của nước khác từ thế kỷ 18. Anh - chiến tranh nha phiến với TQ, mặt trời không bao giờ lặn (vì quá nhiều thuộc địa. Pháp cũng gây hấn như thế với Vn và đông dương. Hà Lan thuộc địa từ Châu á sang châu Mỹ.... Thay vì cãi nhau thì bác nên tập trung làm kinh tế. Khi nào mình giàu tiếng nói của mình sẽ có giá trị hơn."
Khi bị người khác chỉ ra cái sai trong lỗi nguỵ biện thì bạn này tiếp tục lại mắc phải một lỗi nguỵ biện khác khi nói như sau:
"Mình sống ở tây ... bạn ở tây được bao nhiêu ngày? Ở đâu cũng cạnh tranh, ngành nào cũng cạnh tranh. Bạn làm nghề gì mà ko có cạnh tranh? Tây ko phải cái gì cũng màu hồng."
Bạn này còn nhiều bình luận khác, nhưng xin được ngưng trích vì bao nhiêu lời trên đã tương đối đầy đủ để minh hoạ rồi.
Mình luôn tự hỏi tại sao lại có những người thân cộng tới mức nhận thấy nó ưu việt mặc dù họ đã có những so sánh với những mô hình xây dựng đất nước kiểu khác?
Tới giờ mình vẫn chưa có lời lý giải cho những suy nghĩ đó. Nhưng mình cho rằng nếu bạn có một trái tim yêu thương và nhạy cảm, bạn sẽ thấy con người xứ Đao Lòng đang phải vật lộn với những nhu cầu sống cơ bản nhất (bất kể giai cấp lãnh đạo hay thường dân). Đó chính là tầng đáy trong tháp nhu cầu huyền thoại của Maslow.
- Thường dân không đảm bảo được chốn ở vì không được sở hữu ruộng đất. Ruộng vườn, đất ở của mình có thể bị đem ra quy hoạch trong một lúc nào đó. Cán bộ cũng "vật lộn" với nhà đất khi họ luôn thấy mình thiếu thốn và muốn có thêm.
- Thường dân sống trong một đất nước nông nghiệp nhưng lại lo cho miếng ăn từng bữa. Những thứ bỏ vào miệng không bao giờ được đảm bảo là an toàn. Cán bộ thì cũng từng bữa lo ăn. Họ ăn không từ thứ gì!
- Dân không được dùng súng nhưng tính mạng thì luôn trong diện có nguy cơ cao. Tai nạn giao thông, ô nhiễm môi sinh luôn sẵn sàng lấy đi mạng sống của bất kỳ ai (cả thường dân và cán bộ). Số người chết vì những thứ đó lớn hơn rất nhiều so với những vụ xả súng ở các nước tự do dùng súng.
- Những nhu cầu cao hơn như nhu cầu được nói/ phát biểu chính kiến; nhu cầu được trở thành một phần trong cộng đồng ... thì trở nên xa xỉ. Miễn bàn!
Quá đúng khi nói ở đâu cũng có tốt/xấu. Nhưng tốt xấu tương quan thế nào và tỷ lệ bao nhiêu mới đáng nói.
Và cho dù xứ khác có tốt thì dĩ nhiên là tốt cho những con người thuộc về nơi ấy. Nó chưa chắc tốt cho các du học sinh hoặc những người đến đó làm việc! Dĩ nhiên! Đất nước đó là của họ và họ phải lo cho dân họ trước tiên!
Nhưng điều đó không thể ngăn cản trái tim của bạn dể nhìn thấy bi thương của xứ sở của mình. Nó không còn là phạm trù tốt xấu như hai mặt của vấn đề mà đó chính là sự đày đoạ của kiếp nhân gian đến mức không thể tưởng tượng nổi đang diễn ra ở xứ Đao Lòng!
Ngược lại, nếu con tim của bạn đã nguội lạnh và sắc đá thì bạn chỉ có thể nhìn được sự nhiễu nhương ở nơi khác mà không bao giờ thấy những bi kịch bên trong đất nước của mình.
Mình không cần đi nhiều và đi xa như bạn để so kè "bạn sống ở nước ngoài được bao lâu?", "bạn đi được bao nhiêu nước?". Chỉ cần biết rằng khi nhu cầu sống căn bản chưa được đảm bảo thì làm sao có thể nói đến các giá trị bậc cao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét