Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Mùa xuân và giáo dục trẻ em Việt Nam

 Mùa xuân Việt Nam đã lan toả những năng lượng tích cực để mang những trái tim Việt lại gần nhau hơn

Đã từ rất lâu, tôi đã viết và chia sẻ những câu chuyện về giáo dục trẻ em ở Nhật Bản và Vnexpress chính là nhịp cầu đáng tin cậy mà tôi lựa chọn để truyền tải những thông điệp tích cực đến mọi người ở Việt Nam. 

Cách đây chừng một tháng, tôi không ngờ rằng những mong muốn truyền đạt lại những kiến thức, kỹ năng về giáo dục trẻ em mà tôi tích luỹ được từ công việc giảng dạy tại Nhật Bản lại được các bạn đồng nghiệp tại Việt Nam ủng hộ rất nhiệt tình. 


Tôi cảm nhận được mùa xuân ấm áp đã mang chúng tôi lại gần nhau hơn. Chúng tôi, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên dạy tiếng Anh thực sự muốn thay đổi bản thân mình và học những kiến thức mới về giáo dục trẻ em ở những đất nước tiên tiến. 

Nhìn về tương lai của những đứa trẻ rất đáng yêu ở Việt Nam, tôi và đồng nghiệp đến từ Nhật Bản, Úc đã tạo ra một môi trường chia sẻ kiến thức đến giáo viên ở Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ tất cả mọi vấn đề liên quan tới môi trường học của các em và những phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo viên. 

Thế là, một nhóm với quyết tâm trên đã ra đời và chúng tôi tự đặt tên là "ƯƠM MẦM GIÁO VIÊN VIỆT" nơi mà chúng tôi trao cho nhau những giá trị trên tinh thần tình nguyện. Những giáo viên đang sống ở nước ngoài như tôi cũng luôn mong muốn có thể làm điều gì đó cho quê nhà,   Wx mđặc biệt là cho trẻ em. Vì thế, chúng tôi đã đến với nhau để tạo ra những buổi học miễn phí cho giáo viên tại Việt Nam.

 NHÓM ƯƠM MẦM GIÁO VIÊN VIỆT: https://www.facebook.com/groups/uommamgiaovienviet

Sau một vài buổi học đầu tiên, tôi cảm nhận được niềm vui thực sự từ sự chia sẻ và tôi nghĩ những người đồng hành cùng tôi cũng có cảm nhận tương tự. Có những thứ dường như rất nhỏ, nhưng nó lại là những kiến thức hay giúp cho giáo viên cải thiện cách nhìn của mình về giáo dục trẻ em. 

Chẳng hạn, giáo viên Việt Nam thường hay nói với học trò "Là con trai, em không nên khóc như thế" hoặc "Là con gái, em không nên nói như thế". Đó là điều mà giáo viên nên tránh nói với học trò. Hoặc một điều đơn giản hơn mà giáo viên ít để ý là khi dạy về ước mơ hoặc những công việc trong tương lại, mặc nhiên hình ảnh minh hoạ thường là: nam sẽ là kỷ sư, bác sĩ, phi công ..., còn nữ thường là y tá, cô giáo, nữ tiếp viên .... Đó là cách minh hoạ không đúng và cần tránh. 

Đó là một vài ví dụ mà tôi đưa ra trong rất nhiều tính huống mà thầy cô có thể đang mắc phải những lỗi liên quan tới quyền trẻ em hoặc sự kỳ thị ở học đường. Và còn có rất nhiều những kiến thức khác mà giáo viên ở Việt Nam cảm thấy rất mới mẻ. 

Sự phản hồi của thầy cô cũng cho tôi biết được tình hình giảng dạy thực tế ở trong nước để tôi hiểu hơn và có thể chọn lọc những điều mà chúng tôi nghĩ có thể áp dụng được ở Việt Nam. Sự khác biệt giữa các nền giáo dục là điều rất rõ rệt nhưng cũng có nhiều điều từ những nền giáo dục khác có thể áp dụng vào môi trường ở Việt Nam. 

Quả thật là sự tương tác của chúng tôi là điều ngoài mong đợi. Sự hiếu học của người Việt chính là bản lề để tạo ra sự thay đổi và chúng tôi tin rằng sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn cho tương lai. 

Một mùa xuân nữa lại về, mặc dù tôi không được hưởng không khí Tết một cách trực tiếp như mọi người ở Việt Nam nhưng tôi đã cảm thấy ấm lòng. Tôi biết rằng mọi người sẽ cùng cố gắng trong năm mới để chúng tôi có thể đi xa hơn và làm được thật nhiều điều ý nghĩa. 

Ce Phan

Bài viết cũng được đăng trên báo Vnexpress: https://vnexpress.net/mua-xuan-va-giao-duc-4234980.html