Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Triết lý giáo dục bình dân

 Hiểu triết lý giáo dục theo cách bình dân


“Giáo dục bình dân”  cũng giống như cách gọi “quán cơm bình dân”.  Nếu bạn muốn tìm kiếm một thứ gì đó đơn giản trong sự phức tạp, thứ căn bản trong sự nâng cao thì đây chính là nơi dành cho bạn. 

 Khi chơi Facebook mình nhận ra có rất nhiều xu hướng giáo dục mới cùng với rất nhiều phương pháp giảng dạy được du nhập vào Việt Nam. Đôi khi cách gọi đó làm cho người muốn tìm hiểu giáo dục càng thêm rối trí . Chuỗi các bài viết này không gì khác hơn là làm cho mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn, gần gũi hơn. 

Để bắt đầu, mình nói tới 1 từ rất căn bản của việc DẠY và 2 từ của việc HỌC. Dạy chung qui lại là làm mọi thứ để dựng cho bằng được cái MÔI TRƯỜNG (environment) để việc học diễn ra thuận lợi. Còn học diễn ra từ VUI (interests) cho đến từ LIÊN TỤC (continuity). Như vậy là giáo viên bạn chỉ cần nhớ tới 3 từ đó thì có thể vận hành được một lớp học thành công. 

MÔI TRƯỜNG - Nếu các bạn để ý thì sẽ nhận ra giáo dục ở các nước tiên tiến ít chú ý tới việc dạy mà họ chỉ quan tâm tới môi trường giáo dục trong nhóm, trong lớp và trong trường. Học sinh tự “chiến” với chính họ và với các đối tác khác trong một nơi mà mọi thứ diễn ra có chủ đích của các nhà giáo dục (educator). 

VUI - không vui thì không học! Một nơi lý tưởng là nơi mà mọi học trò đều tìm thấy niềm vui cho riêng mình. Nếu giáo viên không tạo dựng bài học dựa trên sự nghiên cứu về sự hứng thú của người học thì học trò sẽ “nhấn nút STOP”  trong tâm trí ngay lập tức. Mọi thứ hay ho sẽ là vô nghĩa nếu nó không tạo ra sự lôi cuốn. 

LIÊN TỤC - có là chuỗi các hành động giúp ý tưởng ban đầu được diễn ra và kết nối. Thí dụ, học trò thích trồng cây nhưng không tưới nước và bón phân thì cây không lớn được. Một khi học trò thấy VUI với một thứ gì đó thì tiếp theo đó là những thứ mà học trò cần làm để tiếp tục phát triển nó lên. Lý tưởng nhất là tìm thấy điều gì đó hay ho trong quá trình tiếp diễn này. 

Hy vọng là cách làm đơn giản hoá những thuật ngữ về giáo dục sẽ giúp bạn yêu thích tìm hiểu về giáo dục nhiều hơn. 

Ce Phan 


Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Thơ: Em và Anh



 Em và anh 


Trăng rằm rọi thẳng mặt con đường,

Em bước đi nhanh bình minh đón.

Trăng khuya leo lắt hằng xuống lối,

Anh rảo từ từ cũng tới nơi.


Tuổi đôi mươi mắt nhìn ngang bước tới

Nhìn sự đời một mạch gọt đầu đuôi

Tuổi ba mươi miệng cười khều con mắt

Bước tới đâu ta rõ một chân trời


Ce Phan

Tết 2024: Gia đình Việt Nam và Nhật Bản

Gia đình và xã hội Việt Nam và Nhật Bản

Khi có dịp gặp gỡ với những gia đình người Nhật ở đây vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam thì chúng mình thường hay nói về sự khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Có những điều tương phản có thể nhìn thấy được bằng chính trải nghiệm cá nhân của mỗi người. 

Người Nhật cảm nhận rằng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình người Việt khăng khít hơn gia đình người Nhật. Khi nói tới chuyện này, thì một bác người Nhật tự ngẫm "chắc có lẽ người Nhật có trái tim lạnh giá như mùa đông ở đây". Mình cũng đùa rằng "chính vì vậy mà gia đình người Nhật chỉ tụ họp mỗi năm một lần vào mùa hè!". Thật vậy, gia đình ở Nhật ít gặp gỡ vào năm mới, họ thường gặp vào mùa Obon (tháng tám). Ở Nhật, người ta cũng ít liên lạc với nhau bằng điện thoại. Nếu nhớ nhau thì họ viết thư để hỏi thăm nhau. Thường thì họ cũng chỉ thường viết thư vào các dịp quan trọng chứ cũng không thường xuyên lắm. 

Người Việt chúng ta thì có vẻ ngược lại. Dù xã hội có hiện đại hơn thì các thành viên vẫn giữ liên lạc với nhau. Người Việt lưu lạc bốn phương cũng hay hỏi han nhau và nói chuyện với người nhà nếu có thể. Tình làng nghĩa xóm có thể phai dần đi như vẫn có những liên hệ với nhau chứ không hề phai nhạt hẳn. 

Khi kể như thế thì một bác già người Nhật bảo rằng ở Nhật 50,60  năm trở về trước xã hội Nhật cũng có vẻ như thế. Con người sống cần đến nhau nhiều hơn và có nhiều sự liên hệ với hàng xóm và các thành viên gia đình. Sau đó, bác lấy ví dụ về chuyện tiệc cưới ở Nhật. Ngày đó,  hễ yêu nhau lấy nhau thì sẽ làm tiệc cưới mà tiệc cưới lúc đó làm tại gia đình và đền nên có nhiều người đến chúc mừng. Ngày nay, không phải lập gia đình thì phải làm tiệc cưới. Chỉ có số ít mở tiệc mà có mở tiệc thì cũng chỉ vài ba chục khách tham dự mà thôi. 

Sau những buổi nói chuyện như vậy mình tự ngẫm lại điều gì đã làm thay đổi mối quan hệ gia đình và xã hội? Mình nhận thấy một điều rất quan trọng trong cách vận hành một xã hội hiện đại đã tạo ra những sự thay đổi lớn. Đó là "phúc lợi xã hội"! 

Khi hai đứa con mình được sinh ra ở đây, mình đọc Hiến Chương Nhi Đồng (1950) của Nhật Bản thì trong đó có ghi rõ là đứa trẻ tuy được ba mẹ bảo bọc nuôi nấng nhưng em bé đã là một con người của xã hội. Có nghĩa là con người về cơ bản là một cá thể độc lập! Vì thế cha mẹ tránh lạm dụng quyền làm cha mẹ mà xâm phạm đến những giá trị được pháp luật bảo vệ dành cho đứa trẻ. 

Thực ra, con nít ở đây được sinh ra và nhận được sự chăm sóc của gia đình cùng với phúc lợi của xã hội. Gia đình được hỗ trợ tiền sinh sản, nghỉ sinh và nuôi dưỡng. Sau đó, đứa trẻ được hỗ trợ ăn học và lớn lên thì được vay tiền để vào Đại học. Dấu ấn của gia đình tuy có nhưng không quá lớn như thời xưa.  Có nhiều gia đình tan vỡ và cha mẹ sống tách rời nhau. Người bảo trợ đứa trẻ cũng nhận được những khoản trợ cấp đặc biệt để nuôi dưỡng đứa trẻ. 

Ngược lại, người già thì có phúc lợi của người già và vì thế sự hiện diện chăm nom của con cái nhiều lúc không cần thiết. Họ tự trang trải bằng chính tiền hưu của mình và họ dự phòng tiền cho cả cái chết. Người Nhật thường vẽ ra hành trình cho cả cuộc đời ngay từ lúc còn trẻ. Đồng nghiệp của mình đều có một cuốn sổ để viết ra những chuyện quan trọng họ muốn làm trong hết cuộc đời của họ. Dựa vào những phúc lợi do chính tiền đóng thuế, con người hiện đại lại càng trở trên độc lập và tách biệt với gia đình. 

Ở Việt Nam, phúc lợi xã hội cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn chưa thay thế được cái "phúc lợi gia đình", "phúc lợi làng xóm". Khi gặp khó khăn và trở bệnh các thành viên sống dựa vào nhau và tìm sự giúp đỡ từ người thân hơn là nhà nước. Mọi người luôn thấy cần nhau là vì thế. Quả đúng là khi cuộc sống còn nhiều khó khăn thì người ta sống đùm bọc hơn, đoàn kết hơn. 

Ce Phan



Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Căn phòng nhỏ



Căn phòng nhỏ

Căn phòng nhỏ mẹ cho
Bọc ước mơ đủ lớn
Bao chí trai không sờn
Căn phòng thời vàng son

Ngày bóng lạc mây trôi
Tôi nhìn ra cửa sổ
Căn phòng vừa đủ nhỏ
Thấy niềm tin căng tròn. 

Hỏi ai đủ giỏi giang
Hỏi ai lòng đủ rộng
Che đậy một quan san
Mãi tìm hoài chửa thấy 

Trong buổi chiều mây bay
Tháng ngày dài lãnh lẽo
Mẹ tôi vẫn còn đấy
Bên căn phòng đơn sơ

Lặng nhìn mẹ bồi hồi
Tôi mới chợt hiểu ra
Giấc mơ là có thật
Của mẹ và của tôi.

Ce Phan
20/7/2017

Đêm ba mươi



Xuân nào cũng vội tựa tình ta

Sắc đêm ba mươi chưa kịp tới

Lo ra tới sáng Tết đã già




Thắp vội nén nhang lòng đợi ấm

Ngọn gió ban chiều khẽ đan qua

Mang theo chút sắc hương trong nhà




Ce Phan

Đêm 30 Tết



Thiền và tu tập của trí nhân Việt Nam

 Sáng nay dậy sớm để nghe những người rất nổi tiếng nói về thiền và tu tập. Đầu tiên là nghe chủ tịch Thái Hà Books, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Sau đó nghe kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và nhớ lại cả bài nói chuyện của ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ. 


Mặc dù nghe cũng thấy hay nhưng có một điều mình nghiệm thấy đó là khi người ta đã tu quá sâu thì họ càng muốn tách biệt ra khỏi với đời sống thực tế. Khi tu rồi chứng đắc thì họ làm cho ta thấy cái đạo mà họ thụ lý là đặc biệt và duy nhất. Như vậy, sự dung nạp những yếu tố khác biệt sẽ giảm đi rất nhiều trong các môi trường mà họ tham gia vào.

Mặc dù tui tin là họ tu thật và cũng tin rằng con đương Đức Phật chỉ ra là đúng để mọi người thực hành theo và giải thoát. Nhưng người ngoài đạo với những niềm tin tín ngưỡng khác cũng có những con đường riêng của họ. Chưa biết ai đi trên con đường nào thì hạnh phúc hơn, và mang lại lợi ích cho người khác hơn!?

Riêng trong môi trường làm việc, nếu nói nhiều về tín ngưỡng của mình và xem lơ trải nghiệm tín ngưỡng của đồng nghiệp thì đó là một điều tồi tệ. Chẳng lẽ Phật tử chỉ làm việc được với Phật tử hay sao? Cái đích đến của một công ty có phải là mục tiêu giác ngộ? Nếu một ông chủ công ty đã giác ngộ rồi thì liệu có cần cái công ty nữa hay không?

Quay trở lại chuyện của mình. Mình sẽ dung nạp như thế nào những người với niềm tin tín ngưỡng khác (kể cả các niềm tin khác như chính trị, xã hội, gia đình)? Một mảng rất hay trong giáo dục đó chính là sự “đa dạng”. Lịch sử của nó đi từ việc bị xem là rào cản trong công việc, trong học tập nhưng giờ đây người ta lại tìm thấy vô vàng giá trị hay ho từ nó. Có những bước nào trong diễn biến thay đổi cách nhìn về sự đa dạng? Tui chỉ ra vài bước sơ sơ:

1. (Ngày trước) chấp nhận sự khác biệt của người khác
2. (Ngày nay) tập trung vào những giá trị chung
3. (Ngày mai) tìm kiếm sự sáng tạo từ sự khác biệt

Là một người trẻ thì việc tốt đó là gia tăng sự va chạm với đời sống thực. Không có người thầy nào tốt hơn đời sống thực tế bởi vì đó chính là môi trường mà chúng ta sống và tương tác trong cả cuộc đời. 

Ce Phan



Nghĩ về ngày lễ Thành Nhân



Nghĩ về ngày lễ Thành Nhân (trở thành người lớn, 成人の日) ở Nhật Bản, ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 1.
Có thể với nhiều người thì đó là ngày để chúc mừng các thanh niên đã trưởng thành (20 tuổi). Nhưng xét về khía cạnh quốc gia dân tộc thì đó là ngày biểu dương sức trẻ. Một đất nước mà có hừng hừng sức trẻ thì nó báo hiệu một tương lai sáng lạn cho xứ đó.
Ngày nay, Nhật Bản đón ngày này với bao nỗi lo âu vì sự sụt giảm rất nhanh số lượng thanh niên bước vào độ tuổi này. Nguyên nhân chính từ việc tỉ lệ sinh suy giảm nhanh chóng.
Trong lúc này, có hàng vạn thanh niên Việt Nam 18, 20, 22 tuổi lên đường sang Nhật mỗi năm để thực hiện xứ mệnh "xuất khẩu lao động" giá rẻ với danh nghĩa là "tu nghiệp sinh" hoặc "sinh viên trường tiếng". Để mưu sinh nơi xứ người, các em đã đánh đổi sức khoẻ và sức trẻ của mình với những công việc chân tay nặng nhọc.
Khi nhìn nam thanh nữ tú người Nhật mặc đồ đẹp để chụp hình kỉ niệm ngày để biểu dương sức trẻ của họ mà không khỏi buồn cho một thế hệ trẻ Việt Nam.
----
Nghe kể lại rằng, cố tổng thống Park Chung-hee khi ra nước ngoài và thấy thanh niên Hàn Quốc phải làm những công việc nặng nhọc để mưu sinh xứ người. Ông đã thề rằng phải biến xứ Hàn trở thành cường quốc và người nước khác phải qua xứ Hàn mưu sinh chứ thanh niên xứ này sẽ không bán sức trẻ cho đất nước khác. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới. Không biết lãnh đạo Việt Nam khi đi qua Hàn Quốc và Nhật Bản thấy người Việt làm việc vất vả như vậy thì nghĩ gì?