Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Dạy trẻ em tự lập khác biệt hoàn toàn với việc bỏ lơ để các em tự lớn

Có thể đâu đó chúng ta bắt gặp những câu chuyện ba mẹ thờ ơ với việc dành thời gian cho con cái và trông chúng rất đơn độc và tội nghiệp. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không liên quan tới việc giáo dục con cái tự lập và hoàn toàn không phải là hậu quả của xu hướng giáo dục này. 

Thực ra có một làn ranh rất rõ giữa việc dạy cho con cái trở nên độc lập và việc cứ để mặc chúng lớn lên trải nghiệm “sự đời”. Đó chính là giáo dục! 


Hình ảnh trẻ em đi bộ ở Nhật Bản - Nguồn: Jpninfor.com

Cách thức thực hành phương pháp giáo dục này  trong mỗi điều kiện có thể khác nhau nhưng để dạy cho con trở nên tự chủ hơn tiêu tốn đòi hỏi thời gian của cha mẹ và hệ thống giáo dục nhiều hơn là bạn tưởng. Tuy cha mẹ có thể không làm thay hoặc chơi chung với con, nhưng họ luôn quan sát để có những chỉ dẫn hoặc giúp đỡ kịp thời và trường học cũng rất dày công chỉ dạy rất nhiều kỹ năng khác nhau trước khi các em tự lập. Nó khác hoàn toàn với việc bỏ mặt để cho con có ra sao thì ra. 


Để nhìn rõ nét hơn về sự tương phản này, hãy nhìn vào xã hội Nhật Bản, nơi mà xu hướng giáo dục con cái trở nên độc lập luôn được đề cao. Cũng chính nơi đó, người ta có thể bắt gặp cảnh những đứa trẻ tự làm mọi thứ, tự chơi và đôi khi trông có vẻ cô đơn. 


Trẻ em ở Nhật Bản khó dựa dẫm vào cha mẹ


Xét về mặt giáo dục thì giáo dục con cái trở nên độc lập có vẻ là một lựa chọn trong nhiều sự chọn, nhưng thực ra đó gần như là yêu câu bắt buộc trong một xã hội công nghiệp như ở Nhật Bản. Trẻ em ở đây gần như có ít cơ hội để dựa dẫm lâu vào sự bảo bọc của người lớn như anh chị, cha mẹ hay ông bà bởi vì mỗi người đều có một công việc và hoạt động riêng.


Chúng sẽ tự đến trường khi chỉ mới 6 tuổi. Nếu trường học ở gần, các em sẽ tự đi bộ tới trường. Nếu trường ở xa, các em sẽ học cách bắt xe buýt, tàu điện ngầm, taxi … để đi đến trường và tự về nhà. 


Không những thế, giờ tan trường vào khoảng 3 đến 5 giờ chiều trong khi những cha mẹ người Nhật lại thường về nhà muộn hơn. Chúng sẽ ở nhà chờ cha mẹ khoảng vài tiếng đồng hồ, hoặc sẽ tự nấu ăn và tự chơi trong nhiều giờ liền nếu cha mẹ về nhà trễ. Đó là điều rất bình thường trong cuộc sống ở Nhật Bản. Cũng có những em thì thích la cà một số nơi như công viên, siêu thị, nhà sách hoặc một nơi công cộng nào đó. 


Trong khoảng thời gian mấy tiếng ở một mình đó có thể làm cho nhiều người lo lắng bởi vì sợ đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy cô đơn hoặc dễ sa ngã vào một thói quen xấu nào đó bởi vì không có người lớn giám sát.  Tuy nhiên, phần đông các em học sinh sẽ tham gia vào một lớp học ngoại khoá (after school) cho tới khi cha mẹ tới đón về. Những em có thể ở nhà một mình thường là những em có khả năng độc lập hơn các em khác và có thể tự làm một số việc mà không cần sự có mặt của cha mẹ. 


Người Nhật xem nước Nhật đủ an toàn để khuyến khích con cái độc lập 


Có rất nhiều câu chuyện tương tự nhau được chia sẻ lại của những gia đình Nhật Bản di cư ra nước ngoài sống. Họ nói rằng họ có thể cho con cái tự làm mọi thứ và cha mẹ chỉ giám sát và ít làm thay con khi họ còn sống ở Nhật bời vì họ tin vào trật tự trong xã hội Nhật. Tuy nhiên, họ không lựa chọn cách tương tự khi sống ở nước khác bởi vì có rất ít lý do để họ tin rằng nơi đó an toàn cho con họ. 


Điều đó cho thấy rằng, những cha mẹ người Nhật biết quan sát và đánh giá lúc nào là cần thiết để con tự làm và lúc nào họ cần can thiệp để tạo điều kiện cho con. Cách dạy con trong gia đình và hệ thống giáo dục của Nhật từ khi các em vừa được sinh ra sẽ cho thấy điều đó rõ hơn. 


Kể từ một tuổi các em đã được hướng dẫn để tự dọn dẹp, được hướng dẫn cách ngồi lắng nghe và vận động đúng cách. Từ ba tuổi các em được dạy hát, dạy vẽ, dạy chơi các loại nhạc cụ, chơi thể thao .... Tới khi các em bắt đầu dần rời xa sự bảo bọc trực tiếp của cha mẹ là khi bước vào trường tiểu học các em đã biết rất nhiều kĩ năng khác nhau để có thể tự tiêu khiển hoặc hoà mình vào cộng đồng. Kỹ năng giá trị nhất giúp các em thích nghi nhanh chóng vào cuộc sống bên ngoài đó là tính kỷ luật. 


Xã hội bên ngoài trường học ở Nhật cũng là môi trường an toàn hơn so với phần đông các nước khác trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng của họ rất hoàn chỉnh đặc biệt là có tính kết nối cao tới những cơ sở công cộng như trường học, thư viện, nhà sách, công viên… Ngoài ra, những tiện ích công cộng khác luôn dành sự ưu tiên cho trẻ em. Các em có lối đi riêng hoặc có những biển báo chỉ dẫn để người khác nhận thức về sự hiện diện của các em. 


Chiếc cặp của các em cũng khá đặc biệt. Đó là một chiếc cặp khá lớn đựng được rất nhiều đồ trong đó. Các em mang theo đồ dùng cá nhân, truyện, đồ chơi hơn là các dụng cụ học tập bởi vì các em thường để sách vở lại trên trường. Bề mặt của chiếc cặp có ánh dạ quang để giúp người lái xe có thể tránh các em vào buổi tối. Nó cũng có chuông báo động trong những trường hợp nguy hiểm. 


 Việc bỏ lơ con cái có xảy ra ở Nhật Bản không? 


Theo như báo chí đăng tin thì đúng là có. Có thể có những gia đình vì đặc thù công việc của họ mà thời gian dành cho con rất ít ỏi. Hoặc có những gia đình điều kiện tài chính khó khăn hơn thì không thể cho con cái tham gia các lớp học ngoại khoá cho tới khi cha mẹ đi làm về nhà. Thậm chí nhiều người đi làm cả ngày cuối tuần vì thế gần như không có thời gian để chơi với con. Nhiều trẻ em trong số các em có điều kiện gia đình như vậy chắc hẳn sẽ cảm thấy rất cô đơn và thiệt thòi hơn so với các bạn đồng lứa. 


Nhưng một điều rất rõ ràng là những trường hợp này không phải là hệ quả của xu hướng giáo dục giúp con cái tự lập. Nó xảy ra như một mặt của xã hội mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Việc giáo dục cho con cái độc lập tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả gia đình và xã hội trong khi đó việc bỏ lơ con cái tự lớn thì hoàn toàn ngược lại. Đó là hai điều hoàn toàn tách biệt nên rất quy kết sự liên quan với nhau. 


Ce Phan  

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Sự tương tác giữa gia đình và trường học rất quan trọng

Hãy suy nghĩ về ngày mai khi chúng ta ngày càng bận rộn hơn thì quỹ thời gian nào sẽ dành cho việc dạy con cái!? Một, hai tiếng để vui đùa với con cái mỗi ngày trước khi chúng lên giường đi ngủ để chuẩn bị đến trường vào ngày hôm sau cũng không hề dễ dàng gì để thu xếp huống chi là một lịch dạy học cố định dành cho con. 

Khi ông bà và con cái dần có xu hướng ở riêng thì những đứa cháu sẽ tăng thời gian học từ một buổi, thành hai buổi trên trường để lấp đi một ngày đi làm của cả cha lẫn mẹ. Đó sẽ là điều sẽ xảy ra trong một xã hội phát triển hơn và có tính phân công lao động cao hơn. 

Tuy nhiên, cho dù trường học có cải tiến như thế nào chăng nữa thì cũng không thể nào nhận hết trách nhiệm giáo dục một đứa trẻ cho trọn vẹn được. Một phần rất quan trọng trong việc giáo dục sẽ dành cho cha mẹ. Họ sẽ phải tính toán rất nhiều để làm sao cho chu toàn trong quỹ thời gian rất hạn chế còn lại. 


(Ce Phan: Con gái vui chơi ở công viên)

Bài học từ Nhật Bản về giáo dục con cái

Lợi thế lớn nhất của những gia đình Nhật đó là phúc lợi xã hội dành cho việc giáo dục con trẻ. Đầu tiên đó là chế độ nghỉ sản một năm dành cho cha hoặc mẹ. So với Việt Nam, người Nhật có nhiều hơn 6 tháng để chăm lo cho con cái mà vẫn được hưởng những phúc lợi cần thiết nhất. Hơn thế nữa, hàng tháng chính phủ Nhật còn có thêm phần trợ cấp bằng tiền mặt để hỗ trợ mỗi gia đình sau khi sinh con. 

Đó là lợi thế ban đầu nhưng trách nhiệm giáo dục con cái vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình mặc cho nền giáo dục của Nhật Bản đã rất tiên tiến. Nhiều gia đình Nhật Bản chỉ có vợ hoặc chồng đi làm toàn thời gian và người còn lại sẽ tập trung nuôi dạy con khi con còn trong tuổi ăn tuổi học. Họ có thể chỉ ở nhà nghiên cứu việc giáo dục gia đình nếu họ có nhiều con. Những gia đình ít con thì cha hoặc mẹ sẽ có thể làm thêm bán thời gian nhưng sẽ tránh những khung giờ mà họ cần phải dành cho con cái. Họ sẽ quay trở lại với công việc bình thường một khi con cái đã trưởng thành. Đó là một sự hy sinh rất lớn mà không phải ai cũng dám làm nhưng điều này lại khá phổ biến ở Nhật. 

Những cặp vợ chồng trẻ hơn ở Nhật thì có vẻ ưu tiên cho công việc hơn khi cả vợ hoặc chồng cùng đi làm. Họ chấp nhận có ít con hoặc có con muộn. Tuy nhiên, họ cũng sẽ phải dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để quan tâm và hồi đáp những thông tin của con mình mà trường học gửi về. 

Theo tôi sự liên lạc giữa trường học và gia đình chính là chìa khoá trong sự thành công trong giáo dục ở Nhật Bản khi mà nó có thể kéo cha mẹ về với trách nhiệm giáo dục con cái. Từ chính công việc dạy học của tôi trong trường, tôi được đào tạo để hiểu về tầm quan trọng trong việc chia sẻ trách nhiệm giáo dục với gia đình ở Nhật.

Trường học ở Nhật sẽ bằng nhiều cách để có thể chia sẻ chia tiết nhất về một ngày trên trường của học sinh như thế nào và ngược lại cha mẹ cũng nói cho giáo viên biết rằng con của họ như thế nào ở nhà. Đây chính là nền tảng để hình thành một nền giáo dục cá thể hoá trong sự chung sức của trường học và gia đình. Các em học sinh sẽ được động viên nhiều hơn để theo đuổi năng khiếu của mình và được quan tâm hơn cho những khuyết điểm mắc phải. 

Một điều khác nữa mà tôi cũng nhận ra đó là nước Nhật có một kho tàng sách khổng lồ hướng dẫn về giáo dục dành cho cha mẹ. Có rất nhiều những chỉ dẫn và minh hoạ dễ hiểu mà ai cũng có thể làm theo. Vừa dạy học trên trường và vừa nuôi con, tôi nhận thấy những cuốn sách như trên là cầu nối tuyệt vời để bù đắp những khiếm khuyến cơ hữu giữa hai nền tảng giáo dục trên. 

Người Nhật rất thích đọc sách nên họ rất nhanh chóng nắm bắt những chỉ dẫn giáo dục mà họ cần áp dụng cho con cái mình. Điều này dễ hiểu là tại sao người Nhật rất nổi tiếng trong việc nuôi dạy con cái. 

Những gì đang xảy ra ở Nhật Bản có thể ở một góc độ nào đó có thể nhìn thấy được từ Việt Nam. Xu hướng giáo dục này có thể sẽ dần trở nên đại chúng với những gia đình Việt. Sự chuẩn bị của cha mẹ về cách tiếp cận trong giáo dục con cái ngay từ hôm nay là điều rất cần thiết. 


Ce Phan

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Chuyện khó tin về cuốn nhật ký trong toilet ở trường học Nhật Bản

 Mình muốn chia sẻ trải nghiệm của mình về toilet trong trường học ở Nhật Bản bởi vì nó có khá nhiều điều thú vị với tôi, trái ngược với những ký ức về toilet ở Việt Nam khi tôi là một học sinh đến trường mỗi ngày.

(Hình ảnh cuốn nhật ký trong toilet- Ce Phan)


Một ký ức khó quên về toilet Việt Nam


Trường mầm non nơi tôi học vào khoảng từ 1993-1995 có một hầm cầu, nhưng con nít thì chẳng bao giờ vào đó, nó dành cho "người lớn". Chắc cũng chẳng dành cho các cô giáo vì các cô đều sống gần đó nên sẽ ưu tiên đi vệ sinh ở nhà. Dường như không có một cái toilet nào đúng nghĩa ở trường mầm non mà tôi học vì xung quanh trường lúc nào cũng đầy phân! 


Trường tiểu học thì chỉ cách đó chừng 100m. Điều kiện toilet trong ký ức tôi quả là rất tồi tệ. Có thể kể đến hàng chục sự cố xảy ra một khi bị đau bụng trên trường. Chuyện thường xảy ra nhất là sợ bị dẫm "mìn" trên đường đi ra toilet. Mùi thối của phân, mùi khai của nước tiểu dọc theo bờ rào tờ lớp học ra đến cầu tiêu. Bên trong cầu tiêu thì đúng là một nơi mà không thể tưởng tượng nổi. Cây cỏ mọc hoang bên trong đó bởi vì ngói đã vỡ và ánh sáng chiếu thẳng vào bên trong. Cũng tương tự như bên ngoài, bên trong cầu tiêu cũng đầy phân dưới sàn và khai ngấy mùi nước tiểu. 

Trường trung học cơ sở cách đó chừng 500m thì cũng trong điều kiện tương tự. Mỗi lần bị vào thế bí phải vào nhà vệ sinh thì coi như là một thử thách lớn. Tới tuổi dậy thì cũng là lúc sự ngượng ngùng tăng lên. Đi vào nhà vệ sinh mà để bạn bè khác phải biết thì cũng thấy không thoải mái rồi. "Đi vệ sinh" mặc nhiên trở thành một suy nghĩ tiêu cực vì có quá nhiều thứ dơ bẩn ở đó. 


Từ cấp này trở xuống, tôi đều học ở "trường làng" nên gần như hệ thống hạ tầng cơ sở không có, không có hệ thống thoát nước bẩn. Chỉ có hầm cầu nhưng cũng ở dạng đơn sơ chứ không phải bể tự hoại như các bạn thấy sau này. 


Đến cấp trung học phổ thông, tôi được "vào phố" để học nên cảm giác lúc đó rất sướng. Tôi bước vào toilet của trường lần đầu tiên trong ngày tựu trường tháng 9 năm 2003 và tôi cảm thấy sung sướng vì so với những cái toilet tôi biết trước đây thì toilet trong trường này phải nói là tuyệt vời. Có bồn cầu ngồi xỏm, có xô nước để dội, có thùng đựng giấy đi cầu. Nhưng có hai thứ cũng chưa được ổn lắm đó là cái máng đi tiểu và sàn. Nó luôn luôn ngậy mùi khai mặc dù có thùng nước để sẵn để dội mỗi khi đi tiểu. Có lẽ có quá nhiều học sinh tiểu vào tường hoặc xuống sàn nên lúc nào nó cũng ướt nhẹp.


Toilet trong trường học ở Nhật Bản rất tiện nghi và sạch sẽ


Chính vì những ký ức thời tuổi thơ còn giữ lại đâu đó trong tâm trí nên đi đâu tôi cũng dòm ngó toilet và để ý rất kỹ từng chi tiết trong đó. 


Làm trong trường học vì thế tôi để ý khá kỹ về toilet và những hoạt động liên quan. Giáo viên ở Nhật Bản phải tự phân công nhau về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trong trường. Dĩ nhiên, tôi cũng phải đảm đương việc lau chùi toilet như bất kỳ ai. 


Trường nơi tôi đang dạy, có khoảng hơn 20 nhân sự, khoảng 60 học trò nhưng có đến 4 toilet cho giáo viên, 10 bồn cầu cho học trò (có cả bồn tiểu đứng cho học trò nam) và có hơn 10 bồn rửa tay, 1 phòng tắm. Các thiết bị bên trong đều rất tiện dụng: có chế độ nước nóng lạnh, điều chỉnh dòng nước chảy trong vòi. Riêng cái bồn cầu thì có không biết bao nhiêu tính năng trong đó, quan trọng nhất là tính năng xịt nước rửa tự động. Tôi rất thích rửa bằng tia nước như thế vì cảm thấy sạch sẽ và thoải mái hơn sử dụng giấy. Dĩ nhiên, vẫn sẽ dùng giấy để lau khô sau đó. 


Điều đặc biệt nhất trong toilet đó là một cuốn nhật ký (giống một cuốn sổ) để mỗi khi ngồi vào bồn cầu thầy cô có thể đọc qua những ghi chú dí dỏm của nhau về những điều trong trường. Thường là những dòng ghi chú đó viết về những khoảnh khắc đáng yêu nhất của học trò mà thầy cô thấy ấn tượng. 


Không biết có nơi nào đó trên thế giới làm như vậy không? Việc đọc những dòng chữ vui vui trong toilet rất lạ đối với tôi. Tôi còn khá rụt rè trong việc viết lại những trải nghiệm của mình vào cuốn nhật ký này. Tuy nhiên, lần nào vào toilet tôi cũng mở ra đọc những chia sẻ mới trong đó. 


Về việc dạy trẻ đi toilet, tôi thấy người Nhật chỉ dẫn rất bài bản và vì thế các em biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và cũng biết cách giữ toilet sạch sẽ và ngăn nắp. Các em được “tập huấn” đi toilet đúng cách từ khi bắt đầu có ý thức về tiểu tiện và đại tiện (khoảng gần 1 tuổi), cũng vì thế mà các em đã có thể tự mình đi toilet và lau chùi cho mình khi mới 3 tuổi. 


Một vài bước cơ bản mà các em phải biết như: 

  • Biết cách xin phép đi toilet

  • Biết mở cửa, mở đèn trong toilet

  • Biết mang dép dành riêng để đi vào toilet

  • Biết sử dụng giấy toilet đúng cách

  • Biết đặt dép, đóng cửa, tắt đèn sau khi ra khỏi toilet

  • Biết 6 bước rửa tay đúng cách trước khi trở lại lớp học. 


Một điều khác biệt lớn giữ toilet ở Nhật Bản và toilet những nơi tôi từng đến là cái sàn. Nó lúc nào cũng được giữ khô ráo. Được vậy là nhờ ý thức người sử dụng toilet và cả việc lau dọn thường xuyên. 


Toilet cho người lớn thì thiết kế gọn gàng, có đủ các hộc tủ chức năng để chứa các dụng cụ. Toilet dành cho trẻ em thì rất bắt mắt với nhiều hoạ tiết và hình ảnh hoạt hình. Nói chung, trải nghiệm bên trong toilet là rất tuyệt vời nên không có chuyện “trì hoãn” việc đi toilet tại trường học để chờ về nhà mới đi. 


Tôi trải nghiệm được sự đối lập lớn như vậy về hình ảnh toilet trong quá khứ và những gì nhìn thấy mỗi ngày ở hiện tại. Đó quả là một sự thay đổi vô cùng lớn mà tôi thấy cần phải viết lại để đâu đó những nhà giáo dục tại Việt Nam có thể đọc được và cố gắng cải thiện điều kiện hiện tại cho sạch sẽ hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn cho người sử dụng nói chung mà nhất là cho trẻ em Việt Nam. 


Ce Phan

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Trẻ em Nhật học về ẩm thực trong từng bữa ăn

Khác với chương trình giáo dục ở Việt Nam, hầu hết học trò ở Nhật học toàn thời gian (từ sáng đến chiều). Điều đó có nghĩa là các em sẽ ăn trưa và ăn giữa buổi chiều ở trên trường. Với đặc thù như vậy, các nhà giáo dục ở Nhật đã xem việc giáo dục về ẩm thực (food education) là một phần quan trọng trong chương trình học, đặc biệt là cấp học mầm non và tiểu học. 


(Hình ảnh về bữa trưa của mình. Phần ăn của học trò cũng tương tự như thế nhưng ít hơn)

Trẻ em ở Nhật học được rất nhiều điều từ chương trình giáo dục về ẩm thực này. Đó không chỉ là hiểu các thành phần có trong mỗi bữa ăn mà còn hiểu các hoạt động nông nghiệp và sản xuất để tạo ra những món đồ ăn đó. Xa hơn nữa, các em có cơ hội tìm hiểu về văn hoá ẩm thực ở các nước khác khi các em được thử những món ăn mới đến từ nhiều nước. 

Trường học ở Nhật Bản thường sẽ cung cấp bữa trưa và món ăn nhẹ vào giữa buổi chiều. Học trò sẽ tự mang theo nước uống. 

Một điều rất ngạc nhiên là ở Nhật, trẻ em có thể uống trà ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở Việt Nam, trà thường được hiểu là một loại nước uống làm từ lá trà và phù hợp hơn cho người lớn. Nhưng trà ở Nhật làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau do vậy loại nước uống này rất đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng hơn. 

Mỗi em sẽ mang theo một bình đựng trà để đủ dùng cho cả ngày trên trường. Dĩ nhiên, ở trường lúc nào cũng có sẵn nước uống bổ sung nếu các em uống hết bình nước của mình. Bình đựng trà của các em cũng rất đặc biệt. Thứ nhất, đó là loại bình nóng lạnh để đảm bảo chất lượng nước uống được đảm bảo. Thứ hai, mỗi bình đều phải có túi bọc ngoài và vai sách để có thể mang theo khi các em đi bộ tập thể dục ở bên ngoài trường. Giáo viên sẽ nhắc phụ huynh nếu bình nước không đảm bảo được tiêu chuẩn trên. Họ cũng sẽ kiểm tra các bình nước để chắc chắn rằng bình nước đã được rửa sạch và đổ nước mới vào đó mỗi ngày. 

Một buổi ăn trưa ở trường học diễn ra như thế nào?

Sau các giờ học buổi sáng. Các em sẽ nghỉ giữa trưa và đó là lúc các em sẽ ăn trưa trên trường. Thường thì buổi trưa sẽ bắt đầu khoảng 11 giờ trở đi. Trước bữa ăn, các em từ 6 tuổi trở lên được hướng dẫn dọn bàn ghế ăn, sau đó sẽ rửa tay sạch sẽ. Dĩ nhiên, bàn ghế phải được lau chùi sạch sẽ. 

Mỗi trường sẽ có cách tổ chức bữa ăn khác nhau tuỳ theo số lượng học trò và điều kiện không gian trong trường học. Dẫu vậy, các yêu cầu sau đều tương tự nhau ở hầu hết các trường. 

Giáo viên hoặc người nấu bếp trong trường sẽ chuẩn bị đồ ăn vào từng phần ăn riêng biệt. Học trò sẽ tự mình bưng đồ ăn và trải ăn bàn ăn cho riêng mình. Các bé từ 3 tuổi đã được dạy để tự sắp xếp bữa ăn cho mình. 

Một bữa ăn tiêu biểu của các em gồm có: cơm, món chính, rau trộn và canh. Bàn ăn sẽ được bố trí như sau: ở giữa là món chính; bên phải là canh, muỗng và nỉa; bên trái là cơm; đồ ăn tráng miệng đặt phía trên cùng bên phải; đũa đặt ngang trước món chính theo hướng tay thuận. Nếu các em thuận tay trái thì sẽ bày trí bàn ăn ngược lại. 

Sau khi các bước chuẩn bị hoàn tất, giáo viên sẽ nói về các thành phần trong bữa ăn và cách chế biến căn bản cho những món ăn này. Bên cạnh bữa ăn được tính toán sao cho đảm bảo dinh dưỡng , nó còn có một số mục đích khác mang tính giáo dục. Chẳng hạn, nhà trường muốn dạy về một số loại lương thực theo mùa, xuất xứ của nguyên liệu, các trình bày món ăn theo chủ đề trong tháng, văn hoá ẩm thực nước ngoài … 

Bữa ăn sẽ bắt đầu bằng câu nói “Itadakimasu” (chúc ngon miệng) và kết thúc bằng câu “Gochisousama deshita” (cám ơn vì bữa ăn ngon). Bữa ăn thường kéo dài khoảng 30-45 phút (tương đối thong thả) nên các em được khuyến khích ăn hết phần ăn của mình vì nó đã được tính toán vừa đủ cho độ tuổi của học sinh. Các em cũng luôn được nhắc nhở là chỉ ăn, uống khi ngồi thong thả và không được làm như thế khi đứng và đi. Sau khi ăn xong, các em sẽ dọn dẹp và lau dọn bàn ghế và đưa về vị trí cũ. 

(Hình ảnh chén canh với những cộng mì theo hình của các chữ cái và con số)

Giáo dục về ẩm thực không chỉ trên bàn ăn

Chính vì mong muốn trẻ em lớn lên có thể có được nhận thức sâu sắc về ẩm thực một cách toàn diện. Nội dung về ẩm thực cũng được xuất hiện trong bài giảng và nằm trong các chủ đề định kỳ trong trường học.

Các em được dạy để nhận ra các thực phẩm có lợi và an toàn cho sức khoẻ. Trẻ em thường chỉ thích ăn những gì mình thích nên dạy các em ăn sao cho hợp lý cũng là một thách thức. Giáo viên ở Nhật Bản rất “có nghề” trong việc diễn giải sao cho các em dám thử những đồ ăn mới hoặc ăn được những thứ không thích. 

Xa hơn nữa là các em được tận tay làm ra những món ăn đơn giản như các loại nước ép trong những buổi học chuyên đề; hoặc tự trồng và chăm sóc các loại rau củ trong vườn; nhận biết các loại hạt giống và tìm hiểu về ẩm thực từ nhiều nước. 

Hoạt động ẩm thực nào thú vị nhất

Dường như hầu hết các em đều đã quen với với những bữa cơm trên trường nên trường học ở Nhật Bản sẽ có những ngày mà các em sẽ tự mang theo cơm hộp để ăn. 

Nghe qua rất bình thường, nhưng với các em học trò ở Nhật thì rất đặc biệt bởi vì ngày đó các em sẽ được ăn những món yêu thích nhất do ba mẹ nấu. Cũng là dịp để tìm hiểu những món ăn yêu thích của bạn bè. Các em đều rất hớn hở tìm hiểu về những món ăn mà các em mang theo trong những ngày hôm đó. Tuy nhiên, cha mẹ trong những ngày này sẽ phải bận rộn hơn trong việc chuẩn bị bữa ăn cho con, và đôi khi cũng thấy áp lực vì không biết liệu đồ ăn mình nấu có sơ sài hoặc không đúng với tiêu chuẩn ẩm thực thông thường trên trường hay không. Một điều nữa là cha mẹ sẽ phải nói chuyện đôi chút với con cái về những món ăn đó bởi vì sẽ có nhiều câu hỏi đến từ thầy cô và các bạn trên trường. Nhìn chung, người Nhật rất quan tâm về việc dạy trẻ ăn uống như thế nào để tốt cho sức khoẻ. Trường học chính là nơi mà các em trải nghiệm về ẩm thực bài bản nhất. Ce Phan

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Việt Nam đuổi kịp Mông Cổ ư?

 VIỆT NAM ĐUỔI KỊP MÔNG CỔ Ư?

Bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Hưng

1.

Tôi hỏi 100 người, thì đến 97 người bảo: Mông Cổ ấy à? nghèo lắm hả? Tới làm chi !...Sai.

Khái niệm về một nước Mông Cổ nghèo khó ngự trị trong đầu óc dân Việt Nam từ thời cùng phe XHCN.

(Nguồn hình minh hoạ www.bordersofadventure.com)

 Nhà văn Tô Đức Chiêu bảo tôi: 

"Tao đã đi Mỹ, Ai Cập, Ả rập xê út, Nga và Đông Âu, không kể châu Á như Tàu, Thái... Tức là gần hết thế giới, nhưng khi đi Mông Cổ, mới thấy mình khám phá ra một thế giới mới, nếu có dịp, tao đi 2 -3 lần nữa".

Tôi thấy thế nên cũng đú theo, đi Mông Cổ một chuyến. (Mở ngoặc ngay là, khi anh (du lịch) đến đâu, anh phải tự vấn ta đến đấy để làm gì, muốn biết gì. Nói chung là nên đi phượt. Tôi có bài học kinh nghiệm về việc này, có 1 cậu trẻ đi cùng đến thảo nguyên Mông Cổ, cậu thốt lên chán nản: Ơ, đâu cũng như đâu, mênh mông cả, chả thấy cái gì.

Nhưng vấn đề là cái gì?

Sau chuyến đi Mông Cổ, tôi rút ra kết luận, 30 năm nữa (hoặc hơn) không biết Việt Nam mình có đuổi kịp Mông Cổ hay không?)

Mông Cổ diện tích gấp hơn 6 lần nước Việt Nam, dân số hơn 3 triệu người (bằng 1/2 của thủ đô Hà Nội). Mà 1/2 dân số ở thủ đô Ulan Bato. 

Hãy tưởng tượng hơn 1 triệu người còn lại ở rải rác trên lãnh thổ gấp 6 lần Việt Nam.

Mông Cổ có đặc biệt là có biên giới với Nga và Trung Quốc. Họ bị kẹp giữa 2 nước lớn, nên phải chọn 1, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù. Chính chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vì khuất phục trước chính phủ Stalin mà phải công nhận Mông Cổ độc lập. Chuyện này chính phủ Mao cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (họ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt.

Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, mặc dù vẫn dùng từ Việt gọi "Quảng", Việt ngữ là "tiếng Quảng", họ chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.

Ở Mông Cổ, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm. Một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm Trung Quốc nữa. Nếu chiếm nó, có lẽ nước Nhật đã thành Trung Quốc rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười.

Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Chỉ kể 1 chuyện. Các công ty xây dựng ở Ulan Bato, và nói chung các công ty khác cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì người TQ sinh sôi như cỏ dại, ở đâu họ cũng mò đến. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới 6 tháng, mà trong 1 năm không được thuê quá 1 lần. Nên người làm thuê phải đi về TQ ngay sau khi hết hợp đồng. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô của họ, hình như có khoảng 7000 người, còn riêng người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ nói với tôi: Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú. Đúng vậy, họ không có tình trạng kẹt xe, không có tệ nạn nhiều, việc chính là không để lọt một cái trứng tu hú. Chuyện này 30 hay 50 năm nữa, Việt Nam cóc làm được, mà cũng chả làm.

(Một cuộc phỏng vấn hay của đài China Uncensored về Mông Cổ)


2.

Nhìn trên phim ảnh, thấy thảo nguyên là những dải đất trùng điệp, cây cỏ lưa thưa, nếu chỉ có thế, chưa biết gì về thảo nguyên Mông Cổ cả. Hồi tôi đi tầm tháng 7 dương lịch, là tháng đã hết cỏ rậm. Cỏ rậm thì đến ống chân, đến đầu gối, còn khi chuẩn bị vào đông, cỏ bị đám gia súc gặm gần hết. Chỉ còn cỏ thấp và cỏ tái sinh.

Nói từ "cỏ" với người Việt, cũng không ổn. Cỏ của Việt Nam là thứ chả để làm gì. Điều này lỗi ở các nhà làm ngôn ngữ khoa học, địa lý. Đáng lý nên dùng từ "thảo mộc thân mềm" hay cái gì đó khác với "cỏ". Cúi nhìn xuống, hàng trăm hàng nghìn loài cây gọi là cỏ rất khác nhau, riêng hình lá cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng... Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Sau khi đi thảo nguyên, tôi mới lý giải được việc ở Mông Cổ, người ta ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, ngay cả người Việt ở xứ ăn rau, đến Mông Cổ ăn toàn thịt, mà tiêu hóa bình thường, không bị táo bón. Bởi vì lũ gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng như hàng nghìn năm nay nó vẫn ăn. Không như gia súc ở nơi nuôi công nghiệp.

Mông Cổ ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông -Việt nói tiếng Việt sõi như người Việt, bảo tôi, rất may là thảm họa tập thể hóa, định canh định cư xảy ra rất nhanh, rồi thảo nguyên lại có sức sống quay lại nếp xưa.

Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn Trung Quốc (quyển này vang dội một thời trên văn đàn TQ) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. Họ dồn nén dân du mục vào hợp tác, triệt phá cách sinh hoạt truyền thống, mang hàng sư đoàn quân đội bắn sói. Sói là vật thờ của người Nội Mông, khi người chết, người ta kéo xác cha mẹ để ra một chỗ cho sói ăn. Người TQ Mao-ít bắn sói, thế là thỏ làm giặc, lại giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn, rồi đưa người Hán đến sinh sống, khiến thảo nguyên Nội Mông bị tiêu diệt. Trong quyển sách ấy, tác giả cũng nói, nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc...

Nhìn thảo nguyên thì mênh mông, nhưng hoang dã hàng trăm thứ thú hoang vẫn ngày đêm sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái của nó.

 Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà, và đàn gia súc, đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc. Thảo nguyên mênh mông, mình nhìn đâu cũng như đâu, nhưng chúng tôi đã được một chú bé 12 tuổi đưa từ thị trấn, đi xuyên 25 km đến đúng chỗ lều của bố mẹ chú bé. Hôm đi thảo nguyên, chúng tôi được đón tiếp Chủ tịch huyện đến chơi, cũng vì biết có khách Việt. Ông nói huyện ông có gần 80 hộ, diện tích huyện, khi đó làm phép so sánh, gần bằng tỉnh Hưng Yên cộng với Thái Bình. Chủ tịch huyện biết cả 80 hộ luôn. Quy định của họ chăn thả không giới hạn, nên có lúc có hộ gia đình chăn thả ở huyện khác (miễn là đăng ký vẫn ở huyện này). Chủ tịch người Đảng Dân chủ, alo gọi đồng chí Bí thư huyện ủy Đảng Nhân dân (đảng cộng sản cũ) thì đồng chí đang chăn ngựa, bèn cưỡi ngựa về. Bí thư huyện ủy đảng nào cũng làm nông dân cả và chả chức vụ gì, cười hề hề đúng là ông chăn ngựa. Riêng chuyện này, 50 năm nữa Việt Nam có theo kịp không?

3.

Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa.

Thế giới văn minh và ở các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu. Nó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người MC cao lớn.

Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu dê chết rét, không có dê cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp. Bò chỉ là loại thêm. Bò MC lông dài như voi mamut. Bây giờ cũng thoái giống, người MC buồn vì bò lông ngắn, còn gì là bò nữa.

Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông và da. Len MC đắt kinh khủng. Hình như hàng lông da là chủ lực xuất khẩu.

Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói "lều" thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Bây giờ lều có nhiều loại, từ 300 đến 30.000 đô Mỹ. Người TQ quá khôn, họ làm lều bán cho người Mông Cổ.

Trong cái lều Mông, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Vào lều không nhận ra có bếp.

Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là sinh ra và nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất 1 người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm 1 cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn thị tứ cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con học. Vì vậy, mà nhà nghèo hoặc quan điểm cũ chỉ cần đọc chữ, trẻ thất học.

Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo, cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm. Tôi không ở qua đêm ở thảo nguyên, nhưng nghe kể lại, các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Thúy Toàn có ngủ đêm thảo nguyên và được coi là khách quý trung niên. Vấn đề là các bác ấy có chịu đựng được mùi mồ hôi người ăn thịt cừu, uống sữa ngựa và 3 tuần mới tắm không thôi.

Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Tôi khá ngạc nhiên. Mọi người picnic thu dọn rác tống lên xe về bãi rác ngoại ô vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Và việc này chỉ có từ khi cách mạng dân chủ đa đảng. Người lái xe dẫn chúng tôi mặc dù xe chật, kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô.

Ở Ulan Bator, anh là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ 6, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ 7, Chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối CN, lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Và họ đã làm được rất tốt. Tương tự thảo nguyên của họ là rừng là biển của người Việt, than ôi, chúng ta đã cư xử như là tự phá hủy cơ thể! 

Đuổi kịp Mông Cổ ư?

 Không bao giờ !

Trẻ em Nhật thực hành tiết kiệm như thế nào?

 Có lẽ ai cũng đã ít nhiều nghe nói về đức tính tiết kiệm của người Nhật và dĩ nhiên bạn cũng có nghe nói về lịch sử khó khăn cùng với rất nhiều thiên tai đã diễn ra ở đất nước này. Bạn đã đúng khi hiểu ra tại sao người Nhật đã không phung phí trong chi tiêu và sử dụng đồ đạc hay lương thực.

Nguồn ảnh: Gyutte.jp

Làm thế nào mà người Nhật lại duy trì được tính cách này trong suốt chiều dài lịch sử?

Câu trả lời nằm ở nền giáo dục của nước Nhật Bản. Hệ thống giáo dục mầm non và tiểu học của Nhật Bản không phân loại học trò và hoàn toàn không có bất kỳ xếp hạng nào. Tất cả trọng tâm của chương trình xoay quanh việc giảng dạy cho các em những tính cách tốt bên cạnh những nền tảng tư duy căn bản, sau đó là chuỗi những hoạt động thực hành để biến chúng thành thói quen thường ngày.

Một điều dễ nhận thấy trong mùa dịch Covid-19 này đó là việc tái sử dụng những đồ vật như thùng giấy, báo, ly giấy... vào các hoạt động trong lớp học. Có hai lý do để làm như vậy: trước tiên để thực hành đức tính tiết kiệm, sau đó là việc hạn chế sử dụng các đồ vật phải lau chùi sau khi sử dụng (vì lý do an toàn trong thời kỳ dịch bệnh).

Bộ môn nghệ thuật (Arts) cũng dạy các em các kỹ năng tuyệt vời với những đồ dùng có sẵn. Tinh tế nhất có lẽ là nghệ thuật gấp giấy (Origami). Bài học này không chỉ giúp các em trở nên khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ mà còn còn bổ trợ các em những kỹ năng rất tuyệt vời. Theo đó, các em biết cách gấp đồ đạc rất gọn gàng và đẹp mắt. Một điều có lẽ là đặc trưng nhất và mang đậm tinh thần tiết kiệm của người Nhật là gấp các túi nilon. Các túi nilon được khuyến khích dùng lại nhiều lần và vì thế phải biết cách gấp sao cho dọn và tiện để mở ra trong lần kế tiếp.

Chính thầy cô, cha mẹ là những tấm gương sinh động để trẻ em bắt chước và làm theo. Để dạy trẻ em có những tính cách tốt, người lớn phải làm đúng trước tiên. Bởi vậy, nếu bạn có con đang trong độ tuổi đi học mà ở nhà vẫn duy trì những thói quen xấu, trong đó có phung phí thì sẽ rất dễ bị chính con cái của mình nhắc nhở.

Những thói quen tiết kiệm cơ bản nào mà trẻ em được dạy trên trường? Tôi sẽ nói về một số điều mà tôi được trải nghiệm trực tiếp trong trường mà tôi đang làm việc. Có ba thói quen tiết kiệm căn bản:

- Không phung phí đồ ăn. Bên cạnh dạy ăn uống đúng cách, thử các món ăn mới, các em luôn được khuyến khích ăn hết bữa ăn của mình vì khẩu phần ăn đã được tính toán vừa đủ cho các em. Thời gian một bữa ăn kéo dài từ 45 phút đến 60 phút nên thầy cô sẽ rất kiên nhẫn đợi các em ăn xong mà không vội vàng hối thúc khi trẻ em ăn hơi chậm.

- Không phung phí giấy toilet, giấy lau tay, nước và điện. Ngay từ khi một tuổi các em đã bắt đầu biết sử dụng toilet và luôn được giám sát và chỉ dẫn cho đến hết sáu tuổi. Cách sử dụng giấy vệ sinh cũng được chỉ dẫn để đảm bảo các em lau chùi sạch sẽ và không phung phí nhiều giấy. Khi rửa tay xong các em cũng chỉ được lấy tối đa hai miếng giấy chùi khô tay và phải chắc chắn rằng vòi nước đã được đóng. Cuối cùng là tắt điện toilet hoặc chỗ rửa tay.

- Tiết kiệm thời gian. Đây là đức tính rất giá trị được xây dựng trong trường học ở Nhật Bản. Việc giải thích lý do vì sao phải giữ trật tự, đúng giờ và tác phong nhanh chóng luôn được đảm bảo trong gần như mọi hoạt động. Các em luôn biết xếp hàng để chờ đến lượt và phản hồi lại những tương tác của người đối diện. Chính đức tính này đã tạo ra một tác phong công nghiệp khi các em lớn lên.

Dĩ nhiên, ở nhà các em cũng được ba mẹ dạy thêm rất nhiều tính cách tiết kiệm hay khác: như tiết kiệm tiền mua sắm đồ chơi, quần áo. Các em cũng rất sẵn lòng mặc quần áo và sử dụng những đồ đạc để lại của anh chị của mình.

Riêng có một thứ mà người Nhật không tiết kiệm đó là mua sách cho con cái và đầu tư cho giáo dục nói chung. Sách luôn được cập nhật mới nên những cuốn sách của năm trước chỉ còn dùng để tham khảo. Họ cũng đăng ký cho con cái tham gia những khoá học kỹ năng (như học võ, vẽ, ngoại ngữ, bơi, chơi đàn...) với mức học phí rất đắt đỏ. Như vậy có thể thấy cha mẹ người Nhật có thể tiết kiệm tiền mua quần áo, giầy dép, mũ, cặp ... cho con nhưng họ thường chi rất thoáng cho sách và các khoá học mà họ cho là cần thiết cho con cái.

Dẫu cho nước Nhật Bản là một nước có thu nhập thuộc nhóm đầu trên thế giới, người Nhật Bản vẫn coi đức tính tiết kiệm là một điều quan trọng và giáo dục chính là chìa khoá để cất giữ giá trị cao đẹp này trong suốt chiều dài lịch sử của người Nhật. 

Bài viết này Ce Phan viết cho Vnexpress.net : https://vnexpress.net/tre-em-nhat-thuc-hanh-tiet-kiem-nhu-the-nao-4147244.html

Làm thể nào để tinh hoa của cha mẹ truyền sang con cái?

Người ta có nói nhìn người lớn sẽ biết tương lai của con cái họ, ngược lại nhìn vào những đứa con sẽ biết được cha mẹ chúng là người thế nào.

Gia đình mình đi chơi biển Mito, Ibaraki vào tháng 7 năm 2020

Hình ảnh gia đình đi chơi biển Oarai, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản (tháng 7 năm 2020)

Bạn sẽ chợt giật mình khi chiêm nghiệm rằng cầu nối giáo dục giữa ba mẹ và con cái không còn quá chặt chẽ để có thể suy luận như trên.

Ngày nay, có những cha mẹ thiếu thốn mọi mặt về kiến thức, kỹ năng và tiền bạc để nuôi dạy con cái thì đứa con vẫn có nhiều cơ hội để có thể lớn lên và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt. Ngược lại, có không ít đứa trẻ lớn lên với nhiều khiếm khuyết về kiến thức, kỹ năng và cả thể chất mặc dù được sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ chúng là những người có trình độ cao. Con số "trái quấy" này sẽ còn tăng lên khi giáo dục đại chúng ngày càng hoàn thiện nhưng giáo dục gia đình bị mờ nhạt đi trong đời sống công nghiệp.

Sự tinh hoa của cha mẹ có thể sẽ khó có nhiều cơ hội để truyền thụ lại trọn vẹn tới con cái khi mà quỹ thời gian dành cho con cái của họ ngày càng thu hẹp dần. Chưa kể, để đạt cái "nhất nghệ tinh" cha mẹ cũng không còn thời gian để tìm hiểu thêm về những kiến thức và kỹ năng dạy con cơ bản.

Trí nhớ về những gì họ được học khi họ nhỏ đã không còn phù hợp để áp dụng cho con cái của họ trong bối cảnh giáo dục hiện tại. Như vậy, nhiều cha mẹ có trình độ cao cũng dần để con cái phụ thuộc nhiều vào nền giáo dục đại chúng, ở đó chúng sẽ cạnh tranh với những đứa trẻ khác trên một lộ trình học chung dành cho mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, việc định hướng của cha mẹ trong những giai đoạn nhất định cũng có thể mang đến cho các em những lợi thế hơn so với các bạn đồng lứa.

Cho dù muốn hay không, trong một xã hội ngày càng có tính phân công lao động cao, trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ càng xa rời với tầm tay của cha mẹ. Mọi người dần sẽ nương nhờ vào nó và tính ưu việt của từng ngôi trường sẽ cho ra những kết quả đào tạo khác nhau. Dẫu vậy, sự chuyển dịch chậm chạp của hệ thống giáo dục đại chúng khó làm cho nhiều người mãn nguyện nhất là những công việc của tương lai lại càng chuyên biệt hoá, và đòi hỏi sự chuyên sâu hơn cả bây giờ rất nhiều.

Như vậy, trào lưu nào đang diễn ra đã trao cho những đứa trẻ có ít thuận lợi hơn về truyền thống giáo dục gia đình nhưng lại hoàn có nhiều cơ hội khác nắm bắt tri thức? Đó chính là internet!

Có một nhóm lớn các em học sinh bứt phá được khỏi những giá trị trung bình để tự làm khôn chính bản thân mình thông qua hành trình tự học hỏi. Mặc dầu phương thức giáo dục này không chính quy nhưng lại tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức mà đặc biệt là đối diện với những tri thức sẵn có từ nhiều giác độ khác nhau.

Là người đang vào giai đoạn làm cha mẹ, những băn khoăn trong cách nhìn về giáo dục cho con cái là cảm giác chắc chắn sẽ đối diện thường xuyên. Việc tìm hiểu sau đó lựa chọn một cách tiếp cận tốt sẽ mang lại những lợi thế lớn cho con cái sau này. Trong quỹ thời gian hạn chế dành cho con cái mỗi ngày, đâu là những điều cô đọng nhất mà cha mẹ tối thiểu phải dạy cho con?

Video nói bằng tiếng Anh trong cùng nội dung với bài viết này.

Có một số thứ sau đây mà trường học khó lòng dạy cho con bạn trở nên hoàn chỉnh và chính những điều đó cần đến vai trò giáo dục của cha mẹ:

- Tương tác và trao đổi thông tin giáo dục thường xuyên với trường. Chọn học những trường mà họ có một kênh chia sẻ thông tin mỗi ngày (hoặc ít nhất là mỗi tuần) giữa nhà trường và phụ huynh. Đó có thể là qua cuốn sổ liên lạc, nói chuyện trực tiếp khi đưa và đón con, thông qua một phần mềm, họp phụ huynh... Đây là một lựa chọn cực kỳ quan trọng trong hành trình giáo dục lâu dài cho con. Nếu cha mẹ không nắm bắt được tình hình của con mình và cũng không cho thầy cô biết về những yếu điểm và những thói xấu thì chúng sẽ trở nên khó sửa hơn về sau.

- Dạy chủ động bằng một kế hoạch cụ thể. Quỹ thời gian buổi tối và cuối tuần là cố định nên hãy bố trí những giờ dạy con để "tinh hoa" của bạn có cơ hội được truyền sang cho con. Kế hoạch này bao gồm cả những thói quen tốt cần dạy, kỹ năng cần biết và những kiến thức đặc trưng khác. Mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu bạn không thu xếp được một lịch dạy cố định cho con mình.

- Dạy thụ động thông qua những việc phát sinh. Chắc chắn sẽ có rất nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra ngoài tính toán của gia đình bạn nên học cách giúp con đối diện và hiểu đúng cho những tình huống đó sẽ trở nên rất cần thiết. Nếu những điều đó xảy ra có tính lặp lại, hãy biến nó thành một hoạt động giáo dục cố định và chủ động như ý thứ hai ở trên.

Ngược lại, sẽ có những rủi ro lớn nếu cha mẹ để con cái phụ thuộc phần lớn vào giáo dục nhà trường hoặc xã hội. Nếu không may mắn lọt vào nhóm các em có thể tự học để thành tài, các em sẽ lớn lên với rất nhiều khuyết điểm và cơ hội để sửa nó sẽ càng ngày càng khó khi các em đã vào độ tuổi trưởng thành.

Bài này Ce Phan viết cho báo Vnexpress: https://vnexpress.net/lam-the-nao-de-tinh-hoa-cua-cha-me-truyen-sang-con-cai-4145148.html

Cách người Nhật giữ vệ sinh trường học mùa Covid-19

 Tôi đang dạy học tại Nhật Bản và học được rất nhiều điều hay từ việc phòng tránh lây nhiễm bệnh trong trường, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 này.

Hình minh hoạ: credited by Luu Vien
(Hình minh hoạ: được đóng góp bởi Lưu Viên)

Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là phải biết cách rửa tay đúng đắn. Con nít ở Nhật được hướng dẫn rửa tay rất kỹ (kỹ ngang ngửa với tiêu chuẩn rửa tay 6 bước trong bệnh viện). Không chỉ rửa tay trước và sau khi ăn, hoặc sau khi vào toilet, các em rửa tay ngay sau bất kỳ một hoạt động nào đó. Trung bình các em sẽ rửa tay khoảng 6-8 lần trong một ngày trên trường.

Ở Việt Nam cũng được hướng dẫn rửa tay nhưng dường như không được thực hiện đúng cách hoặc được giám sát nên đôi khi các em chỉ rửa qua loa. Nhiều trường không trang bị nước xà bông rửa tay và khăn lau tay.

Việc chạm tay vào mặt (ngoáy mũi, dụi mắt, liếm tay...) là hành động khó tránh khỏi, do vậy việc rửa tay là chỉ dẫn được ưu tiên hàng đầu ở trường của mình. Mặc dù các em được hướng dẫn từ nhỏ ( khi chỉ mới một tuổi), nhưng trong hành trình lớn lên, mỗi tháng bài học này lại được lặp lại và chỉnh từng li từng tí do vậy các em nghịch nhất cũng rửa tay 6 bước rất nghiêm túc khi lớn lên.

Bên cạnh rửa tay đúng cách, còn rất nhiều biện pháp phòng ngừa lây bệnh khác mà trường học ở Nhật Bản đang áp dụng rất triệt để. Việc giữ bàn ghế, sàn và tất cả đồ dùng luôn sạch sẽ cũng là một hoạt động quan trọng trong trường học.

Hình minh hoạ: credited by Luu Vien

(Hình minh hoạ: được đóng góp bởi Lưu Viên)

Lúc có dịch bệnh Covid-19 và ngày thông thường không có nhiều sự khác biệt. Lịch lau dọn luôn được phân công cho từng giáo viên để đảm bảo tất cả các bề mặt luôn được lau qua ít nhất một lần trong ngày. Học trò mầm non từ một tuổi đã biết cách phụ thầy cô giáo dọn dẹp đồ chơi và đồ dùng cá nhân của mình. Ba tuổi đã biết tự dọn dẹp đồ ăn trưa và 6 tuổi trở lên thì tự biết làm mọi việc về lau dọn bên trong phòng học.

"Dọn dẹp" (Clean up) luôn luôn là hoạt động đi liền với tất cả hoạt động khác. Gần như tất cả mọi sinh hoạt trong trường đều sẽ phải tự lau dọn mỗi khi kết thúc. Không có chuyện để từ từ dọn sau.

Sự khác biệt lớn nhất giữa việc lau dọn mùa Covid và bình thường đó là dung dịch tẩy rửa và khoảng cách đặt bàn ghế.

Trường học khuyến cáo dùng xà bông để lau dọn trong ngày bình thường, sau đó dùng nước sạch để lau lại. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh thì rất cả các bề mặt đều phải được lau sạch bằng dung dịch đặc biệt, dường như là một loại cồn.

Một điều mà có lẽ bạn sẽ thấy rất khó tin đó là việc lau chùi từng món đồ chơi và đồ dùng chung. Thậm chí là từng mẫu đồ chơi Lego.

Trong ngày thường đồ chơi được tẩy trùng bằng cách xịt chất khử khuẩn vào cuối ngày. Việc này không tốn quá nhiều thời gian. Học trò sẽ giúp thầy cô gom những món đồ đó lại và đến khi học trò về hết, những thầy cô trong ca làm cuối cùng ở lại sẽ xịt chất khử trùng những món đồ dùng chung đó. Sáng sớm hôm sau chúng sẽ được thầy cô giáo làm ca sớm sắp xếp lên kệ hoặc bỏ vào thùng sau khi chúng đã hoàn toàn khô ráo.

Nhưng đến ngày có dịch thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Những người quản lý về tính an toàn trong trường học cho rằng đồ dùng chung (đặc biệt là đồ chơi) là thứ dễ mang mầm bệnh nhất vì thế phải được lau sạch từng miếng một. Thầy cô sẽ là người đảm nhận công việc này vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ. Thầy cô sẽ đeo găng tay và sử dụng khăn sạch thấm cồn để lau. Việc này thường tốn khá nhiều thời gian.

Để tiết kiệm thời gian cho việc lau dọn, các em được hướng dẫn sử dụng những món đồ sử dụng một lần. Chẳng hạn các thùng carton, hộp sữa, giấy báo... đều được sử dụng lại cho những hoạt động mang tính giáo dục sau đó bỏ đi vào cuối ngày. Hoạt động này rất sáng tạo, tiết kiệm và rất đặc trưng trong tính cách của người Nhật Bản.

Trên tất cả, những công việc này luôn được giám sát kỹ để tránh trường hợp bị quên hoặc làm sai các bước an toàn. Thường thì một y tá của trường sẽ đảm nhận khâu hướng dẫn và giám sát. Công việc này cũng là một phần trong bài báo cáo hàng ngày mà thầy cô phải làm.

Nói chung, để có một môi trường an toàn cho trẻ em, một quy trình bảo vệ học trò được quan tâm rất đúng mực. Đó cũng là ưu tiên số một trong trường học ở Nhật Bản. Hàng tuần, luôn có một cuộc họp về nhân thức sự an toàn cho trẻ em và nâng cao việc giữ gìn vệ sinh trong trường học. Các tiêu chuẩn về an toàn được hiện diện trong rất nhiều câu chuyện và tranh ảnh được bày trí nhiều nơi thuận tiện trong trường và nó cũng là một vài học quan trọng cần được dạy mỗi ngày trong lớp học kể từ khi trẻ em bắt đầu biết nhận thức (thường là một tuổi trở đi).

Bài này Ce Phan viết cho Vnexpress.net: https://vnexpress.net/cach-nguoi-nhat-giu-ve-sinh-truong-hoc-mua-covid-19-4145616.html