Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Có gì liên quan giữa bikini và hành vi bẩn của người Việt?


(Sưu tầm: 2 người phụ nữ người nước ngoài tắm nắng bên bờ hồ)

Câu nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" có vẻ chưa bao giờ rõ ràng nhất như bối cảnh hôm nay. Người Việt, nhìn nhận lỗi sai của người Việt và phê bình trên khắp mặt báo và các trang mạng xã hội. Tôi cũng không đứng ngoài xu hướng đang lên đó, một khi thấy một sự kiện xấu liên quan tới người Việt là thế nào cũng suy nghĩ và viết vài điều về nó. Nhưng, nói chán rồi, tôi lại đi tìm cái sự hợp lý nào đó trong những chuyện không hay trên.

Mỗi cộng đồng người được gắn chặt với những quan niệm sống, lý luận và cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi địa dư. Kể từ khi phong trào toàn cầu hoá thịnh hành kể từ sau những cuộc chiến xâm lược, hoặc đấu tranh giai cấp, mọi người trong một cộng đồng bắt đầu nhòm ngó sang những người hàng xóm của mình để biết mà có những hành động thích đáng nhất về mặt đối ngoại. Nhưng chung quy lại, lợi ích dân tộc nào, dân tộc đó giữ và hiếm có chuyện một dân tộc này đi lo chuyện của nơi khác mà bỏ bê chuyện nội tại bên trong của mình.

Chuyện tương tác tích cực với nhau có thể ít hay nhiều, nhưng những khác biệt mà từng nhóm người bên trong thể hiện thì có những khác biệt lớn mà phần đông khó lòng chia sẻ được. Có thể dễ dàng thấy, người Việt cảm thấy không mấy quen thuộc và đúng đắn với một dãy dài những cô gái, chàng trai mắt xanh, mũi lõ ăn mặc mát mẻ nằm phơi nắng ở các bãi biển. Điều đó không là vấn đề nếu họ vẫn là những người đến từ những đất nước phát triển, .... nếu giả như những người đang mặc bikini kia là bộ tộc thiểu số nào đó thì có lẽ đã có nhiều hơn những chỉ trích và cấm đoán. Ở chiều hướng đối diện, sẽ không ai có thể hiểu và thứ tha cho một người Việt trong những hành vi đáng xấu hổ như: trộm cắp, trồng ma tuý, buôn lậu ... ở nước ngoài.

Đương nhiên, chúng ta sẽ mắc phải lỗi nguỵ biện ngay lập tức nếu so sánh 2 chuyện trên. Nhưng nếu nhìn rộng ra hơn một chút: việc mặc bikini nơi công cộng là đặc sản của những người trên thế giới, thì có lẽ những hành vi bẩn của kể trên là những đặc sản của người Việt. Thế giới gửi đến Việt Nam "món quà" của họ thì Việt Nam cũng gửi lại cho họ những gì thuần tuý nhất. Khi nào chúng ta thấy những chuyện ăn mặc, cách giao tiếp, và văn hoá nói chung của thế giới bắt đầu gần gũi với người Việt, thì khi đó những chuyện của người Việt cũng sẽ không còn đáng bàn nữa trên các diễn đàn, báo chí.

Có lúc tôi nhìn đơn giản hơn về mọi thứ vì cuộc sống của một đời người gói gọn trong mấy mươi năm. Trong khi đó người Việt đương lại sinh ra, lớn lên và tiếp ngộ kiến thức trong môi trường sinh hoạt cộng sản nghèo nàn so với loài người nói chung đã trải qua những kỷ nguyên biến đổi hình thái xã hội từ giàu, cho tới giàu hơn và giàu sụ cả về tinh thần lẫn vật chất thì trách móc, so sánh để làm gì. Sự khác biệt đến từ trong trứng nước mà.

Ce Phan

Mô hình giảng dạy ngoại ngữ ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, có nhiều trường ngoại ngữ gọi học viên của họ là "khách hàng" (client) và giáo viên là "người chỉ dẫn" (instructor)

Học viên đánh giá giáo viên của họ sau mỗi buổi học từ 1 sao (rất tệ) cho tới 5 sao (rất tốt). Theo đó, giáo viên cũng được hiểu là những "nhà thầu" (contractor) cho từng lớp học mà họ nhận và thù lao được tính theo số buổi mà học viên đăng ký học với họ. Trong những trường học như thế này, bộ phận tuyển sinh và tuyển dụng của họ được xem là nòng cốt của trường học và được nhận lương cố định và phải đảm bảo số lượng đăng ký lúc nào cũng cân bằng giữa client và instructor.

Đó là môi trường làm việc khắc nghiệt nhất mà tôi từng biết. Bởi vì giáo viên chỉ có thể nhận được mức thù lao khoảng 300.000d/tiết ( chưa trừ thuế) với lịch giảng được chọn (nhưng được "lựa" bởi học viên) và duy trì tối đa 6 tháng nếu họ không đạt mức 4,5 sao (theo đánh của học viên).

Để có được quyền sinh-sát đó, học viên trong lớp học one-to-one phải trả mức học phí khá đắt đỏ, khoảng 2-2.5 triệu đồng cho 1 tiết học.

Đây là một mô hình kiểu điển hình trong các trường ngoại ngữ tư nhân ở Nhật, nhiều nhất là ở Tokyo. Thật khó biết liệu đây có phải là mô hình giáo dục tốt hay không? Nhưng 2 đối tượng chính trong một lớp học là: giáo viên - học viên được "thị trường hoá" giống như cặp phạm trù căn bản "cung-cầu".

Theo cá nhân tôi, thì cách hiểu về giáo dục như vậy như một quả đấm thép vào quan niệm giáo dục có từ xa xưa tới giờ.

Câu hỏi còn lại là:

- Với học viên: có đáng phải trả khoản phí như vậy chỉ để chọn ra một giáo viên trong số giáo viên "hoàn toàn mới mẻ" (*) trong danh sách giáo viên không?

- Với giáo viên: Mặc dù được đánh giá cao-thấp bởi học viên, họ có cảm thấy trình độ chuyên môn của mình có còn được nhìn nhận bởi hội đồng giáo viên và những người có chuyên môn hay không? (**)

Nhìn một cách lạc quan hơn, sẽ có nhiều giáo viên được tuyển dụng hàng tháng và học viên sẽ hơn bao giờ hết biết rằng họ sẽ phải tự học nhiều hơn trước để tránh phải chi tiêu tốn kém để học ngoại ngữ nữa.
----------------------

(*) xét trên lý thuyết là người học luôn được chọn giáo viên dạy họ, nhưng với hệ thống giáo dục này, thời gian trụ lại của giáo viên ở mức 2-3 năm. Có nghĩa là trong hệ thống của họ, giao viên sẽ là luôn là yếu tố biến đổi.

(**) Một học viên muốn huỷ hoại sự nghiệp của giáo viên thì có thực hiện quá dễ dàng. Chỉ cần 1 sao liên tục trong vài buổi thì giáo viên đó cho dù trước đây có được đào tạo ở đâu, buổi hôm đó giảng dạy như thế nào cũng vô giá trị.

Với hệ thống giáo dục này, thì giáo viên không được quyền giải thích. Bởi vì họ được xem là "những nhà thầu". Họ không có cấp trên để xem xét, trước mặt họ chỉ có học viên.
----------------------
Ce Phan

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Trí thông minh theo kiểu Trung Quốc và Việt Nam

Tôi đọc được bài viết "Thế nào là 'thông minh theo kiểu Việt Nam và Trung Quốc" tại trang báo www.tintucvn.net và học được những ví dụ thú vị về những hành vi được xem là thông minh theo cách hiểu của một bộ phần người, nhưng lại là phần tín nhiệm thấp trong mắt những người khác.
------------

Thế nào là “thông minh kiểu Việt Nam và Trung Quốc”?

Nhiều người Việt Nam và Trung Quốc có cùng một suy nghĩ giống nhau, đó là hay cười nhạo người Tây phương ngu ngốc, không hiểu chuyện đời, “não không có nếp nhăn”, và bản thân họ lấy làm tự mãn. Vậy rốt cuộc thông minh theo kiểu người Việt Nam và Trung Quốc là như thế nào?

Gần đây, một kênh truyền thông New Zealand đã đăng một bài viết nói về “thông minh kiểu Trung Quốc” và nhận được sự chú ý của đông đảo người sử dụng internet. Tác giả bài viết tự nhận là người Hoa, đã nhận định rằng “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng trắng đen hay thị phi, không cần biết thật giả hay đúng sai, có sơ hở liền lách vào, có tiện nghi liền chiếm lấy. “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không màng chính nghĩa hay tà ác, bất cứ lúc nào cũng có thể vì bảo hộ bản thân mình mà làm trái lương tâm. “Thông minh kiểu Trung Quốc” chính là để cho người khác phải phó xuất và gặp nguy hiểm, còn bản thân mình những gì mười phần có lợi sẽ giành lấy hết. Kỳ thực, “thông minh kiểu Trung Quốc” chính là không nói đến thành tín, ức hiếp người thiện lương, chính là các giá trị đều đã đảo lộn, không xét đến quy tắc…

Nhiều người Việt có người thân là Việt Kiều ở Mỹ, có thể đã nghe câu chuyện về việc hàng hóa sau khi mua ở Mỹ có thể được trả và lấy lại tiền mà không cần phải giải thích lý do. Vì vậy, nhiều người khi chuẩn bị tham dự một sự kiện nào đó, liền đến “mua” một bộ quần áo, sau khi tham dự sự kiện xong rồi, lập tức mang trả lại quần áo để lấy tiền về.

Hệ thống bán hàng ở Mỹ còn có một chính sách đáng chú ý, gọi là Price Match. Với chính sách này, nếu bạn mua một sản phẩm sau đó chứng minh được sản phẩm này bán giá rẻ hơn giá tại cửa hàng nào khác, thì có thể được mua sản phẩm với mức giá tương đương mức giá mà bạn tìm thấy. Do vậy, có một số người, khi đi mua hàng với giá đắt hơn những nơi khác, họ không hề mặc cả, mà lại chọn những màu sắc hay kích cỡ (mà ở các cửa hàng khác không có), sau đó khi tìm được cửa hàng nào có mức giá rẻ hơn thì sẽ mang hóa đơn quay lại nơi mua hàng để được giảm giá.

Những người này dương dương tự đắc với hành vi của bản thân, đi đến đâu cũng tự cho rằng bản thân mình thông minh, thậm chí còn đặt câu hỏi sao những người khác quá “ngu ngốc”, không biết lợi dụng “kẽ hở” này.


Coi việc chiếm tiện nghi của người ta là “thông minh”, coi gian xảo là có “năng lực lớn”… mọi giá trị dường như đều đảo lộn.

Bài viết của tác giả người Hoa trên truyền thông New Zealand còn liên hệ đến tỷ phú Warren Buffett. Rất nhiều nhà đầu tư hỏi về tiêu chí chọn đầu tư cổ phiếu của ông Warren Buffett, và thông thường ông hay nhấn mạnh rằng ông rất coi trọng sự thành tín của giám đốc điều hành công ty, nếu không phải công ty làm ăn chân chính, ông nhất định sẽ không lựa chọn đầu tư. Với ông, lợi nhuận không phải là yếu tố hàng đầu, mà là chữ tín.

Một người Hoa đưa đứa con nhỏ mới 3 tuổi đến Mỹ du lịch và ở tại nhà người thân. Người nhà đã đưa cho người Hoa này một chiếc ghế ngồi ô tô dành cho trẻ nhỏ và nói: “Ở đây quy định trẻ nhỏ khi đi xe nhất định phải dùng loại ghế này, tôi đưa cho anh dùng, nhưng vì là ghế đi mượn, nên anh phải giữ gìn cẩn thận, vì chúng ta sẽ phải trả lại cho người ta.”Hai tuần sau khi không dùng xe ô tô nữa, chiếc ghế này đã được đem đến trả lại cửa hàng. Người bán hàng không hỏi lý do tại sao, chỉ đơn giản là đưa đủ số tiền cho người trả hàng. Người nhà liền tự hào nói: “Các cửa hàng ở Mỹ đều như vậy, nếu mua hàng trong vòng 2 tuần thì đều có thể mang hóa đơn đến và trả lại, do đó chúng tôi thường đến đây ‘mượn’ một số đồ đạc. Nhiều người Đại lục thậm chí còn mượn cả TV. Anh nói xem, người Mỹ có ngốc hay không chứ? Trả lại hàng vô điều kiện đúng là sơ hở quá lớn, vậy mà họ còn chẳng biết điều đó!”

Một năm sau, người Hoa này đến Nhật Bản, một số bạn bè đồng hương ở Nhật đã tiếp đón và dùng ô tô để đi lại. Người Hoa này hỏi: “Tokyo đất chật người đông, có phải là rất khó đỗ xe không?”

Đồng hương trả lời: “Không nghiêm trọng đến như vậy đâu, chính phủ quy định cần có chỗ để xe trước rồi sau đó mới được phép mua xe, vì vậy mà không có nhiều xe như anh nghĩ đâu.”

“Ồ, vậy tức là anh có một bãi đỗ xe riêng sao? Chắc là phải đắt đỏ đến mức cắt cổ có đúng không?”

“Anh nghĩ là ai cũng ngốc giống người Nhật Bản sao! Muốn mua xe thì trước tiên đi thuê một chỗ ở bãi đỗ xe, sau khi mua xe xong thì trả lại chỗ đó, vậy chẳng phải là vấn đề được giải quyết hay sao?”

Hai ngày sau, một số bạn bè người Nhật đến đưa người Hoa này đi chơi, họ đi bộ hoặc là đi bằng tàu điện ngầm. Những người bạn Nhật phân trần rằng: “Tokyo mua xe thì dễ, nhưng tìm chỗ đỗ xe thì không dễ dàng gì. Do đó, anh chịu khó đi tàu điện ngầm vậy nhé.”

Người Hoa này lập tức truyền cho anh ấy cách để giải quyết vấn đề. Không ngờ rằng anh ấy đã không “ngộ đạo” mà còn dửng dưng nói: “Nếu muốn lợi dụng sơ hở, thì có nhiều cách lắm. Ví dụ như mẹ tôi sống ở quê, nếu muốn thì có thể dùng hộ khẩu cũ là mua được xe. Nhưng thực tế thì tôi định cư ở Tokyo, không có chỗ đỗ xe mà lại mua xe, vậy thì những người hàng xóm sẽ nhìn tôi như thế nào? Lái xe đi làm, tôi phải đối diện với đồng nghiệp ra sao? Cấp trên và những người đàng hoàng sẽ không làm như vậy.”

Cơ chế trả lại hàng vô điều kiện ở Mỹ và những quy định đầy lỗ hổng ở Nhật, đều được xây dựng trên cơ sở “tín nhiệm”. Nếu sự “tín nhiệm” sụp đổ, thì xã hội cũng sẽ có thể sụp đổ. Do đó, ở xã hội Tây phương, người ta có thể tha thứ cho các chính trị gia làm sai, nhưng không thể tha thứ cho những chính trị gia nói dối.

Nếu như chúng ta “giả đổi thành thật, thật cũng giả”, mỗi người đều hư hư thực thực, thì toàn xã hội sẽ vận hành trên cơ sở “hoài nghi”. Tư duy ảnh hưởng đến hành vi, mà hành vi của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng rộng ra đến dịch vụ kinh doanh và vận hành xã hội.

Khi đi tàu điện ngầm tại Rome bạn sẽ phát hiện rằng có máy bán vé nhưng không có soát vé. Chắc hẳn bạn sẽ thấy lạ lắm phải không? Làm thế này làm sao kiểm soát được xem hành khách lên tàu có mua vé hay không? Vận hành tàu điện ngầm thế này chẳng phải sớm muộn gì cũng bị lỗ hay sao?

Đây chính là cách nghĩ quen thuộc của chúng ta, luôn liên tưởng mọi chuyện theo kiểu khôn vặt hoặc vì tham lợi nhỏ cho bản thân mình. Đối với người Ý mà nói, nếu chúng ta hỏi câu hỏi này thì thật kỳ lạ. Đi xe có thể không mua vé chăng? Đi xe làm sao có thể không mua vé cho được? Cách nghĩ, cách tư duy của hai bên quả có sự khác biệt lớn.

Nếu như bạn thực sự muốn biết có thể đi tàu mà không cần mua vé hay không, thì câu trả lời là có thể, hoàn toàn có thể lên tàu đi một vài trạm, nhưng phải đảm bảo không để cho giới quản lý ở Ý biết được, nếu biết họ nhất định sẽ phạt bạn. Và sau này nếu bị phạt nhiều lần, có thể tạo thành tiếng xấu ở nước ngoài, thật sự là cái được không bõ cho cái mất!

Xây dựng tín nhiệm không dễ, nhưng điều này lại thực sự quan trọng! Mức độ tín nhiệm lẫn nhau càng cao, thì quản lý sẽ càng nới lỏng hơn. Nếu như đi đúng đường, thì sẽ không sợ phải đi xa!

Hồng Ngọc

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Khi chúng ta 30 hãy nghĩ đến: lập thân, lập nghiệp và lập gia

Khi 30 tuổi, bạn đã có thể tùy theo bản lĩnh của mình mà chịu trách nhiệm cho những sự việc mình phải đảm đương, cũng như đã có thể tự mình xác định mục tiêu trong cuộc sống và phương hướng phát triển. Nói đơn giản, ở cái tuổi 30, bạn đã có thể thản nhiên mà đối mặt với hết thảy mọi thứ. Ba phương diện khái quát mà một người 30 tuổi đã có thể tạo lập cho chính mình, đó là lập thân, lập nghiệplập gia.

Lập thân hay chính là xác định phẩm cách và sự tu dưỡng bản thân, bao gồm ba phương diện: tu dưỡng tư tưởng, hàm dưỡng đạo đức và bồi dưỡng năng lực.

Tự mình biết vươn lên chính là căn bản của đạo lập thân, chớ vì để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà trông nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ, cũng đừng trông mong chạy vạy ở người khác, vì đó chẳng khác nào biểu hiện của sự mềm yếu nhu nhược. Lập thân đối với mỗi cá nhân thì yêu cầu tối thiểu nhất chính là đặt chân trong xã hội.

Lập nghiệp chính là tự mình xác lập sự nghiệp của bản thân. Người 30 tuổi ít nhất cũng đã phải có được công ăn việc làm tương đối ổn định. Lập nghiệp không những là phương thức mưu sinh mà còn là chuẩn bị hoàn thành trách nhiệm đối với xã hội.

Lập gia chính là xây dựng gia đình của riêng mình. Cạnh tranh trong xã hội hiện nay đang rất kịch liệt, nên các thanh niên thường hay trì hoãn chuyện hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, khi đã bước vào tuổi 30, việc kết hôn không còn là sớm nữa. Còn chuyện lập gia trước lập nghiệp sau hay lập gia sau lập nghiệp trước, đều là tùy thuộc vào bản thân mỗi người, cũng không quan trọng chuyện trước sau. Người thanh niên tất yếu phải có khả năng đảm đương trách nhiệm gia đình lẫn xã hội, thế nên hoàn thành sớm hẳn là tốt hơn.

Đối với người trẻ tuổi, tam thập nhi lập chính là yêu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, giữa thực tế và kỳ vọng của bản thân chúng ta thường có khoảng cách rất lớn. Điều này là tất nhiên đối với trẻ em nước ta vốn luôn được cưng chiều khi gặp phải áp lực trong công việc. Đây là chuyện vốn rất thường tình.


Trích: Hành trình của cuộc đời (The sound of hope)

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Bài học muộn nhưng vẫn còn kịp: Tiền & Giá trị

Đúng ra bài học này nên được ưu tiên hơn tất cả ngay khi một đứa trẻ bắt đầu biết cầm đồng tiền trên tay. Bởi lẽ sự hiểu biết về tiền và giá trị cũng dễ hiểu như các bài học đầu đời khác như: học cách giữ vệ sinh, học cách tập thể dục, học sử dụng các dụng cụ trong gia đình.

Nhưng không may thay, người lớn vẫn né tránh việc tìm hiểu và truyền đạt lại cho con cái. Kết quả là, có nhiều thế hệ đang hiểu khá lệch lạc giữa tiền bạc & giá trị và cũng vì thế mà có nhiều chuyện tệ hại xảy ra xung quanh cuộc sống liên quan đến việc ứng xử thế nào với tiền bạc. Một phần trong đó, xét trên quan điểm cá nhân, tôi thấy người Việt đương đại đang "phản ứng" khá thường trực trước việc giữ vàng và ngoại tệ để bảo lưu tài sản của họ (1).

Để hiểu vấn đề này thêm cặn kẽ, chúng ta nên ôn lại lịch sử của tiền tệ một chút.

Lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong mỗi giai đoạn cầm quyền của một thể chế nào đó. Đi liền với những thay đổi đó là sự thay đổi về tiền và những nhiêu khê do việc trao đổi mệnh giá đồng tiền mang lại. Nguyên nhân thay đổi có thể là do mục đích về thương mại, hoặc có thể là uy quyền cai trị của một chế độ mới khi họ muốn thâu tóm lại "phần giá trị" từ tiền bạc được cung cấp bởi giai đoạn cai trị trước đó.

Có khá nhiều ví dụ điển hình qua những lần thay đổi về tiền trong suốt chiều dài lịch sử được biên lại khá cụ thể qua các nghiên cứu (2). Nhưng vòng đời của tiền tệ đã kinh qua những chặng sau:

- Trao đổi trực tiếp bằng tài sản hữu hình (nhà cữa, ruộng đất, nô lệ, gia cầm, gia súc ...)
- Sử dụng các kim loại quý như: vàng, bạc, đồng ... để làm thước đo cho giá trị của hiện vật để trao đổi.
- Sử dụng tiền bằng giấy, nhựa ... để thuận tiện hơn cho việc trao đổi và nhưng vẫn được neo giá trị bằng kim loại quý (cụ thể là vàng) và tổng sản phẩm quốc nội.
- Tín dụng hiển thị bằng con số (tiền) tiền quy ước trong các tài khoản ngân hàng. Cũng tương tự như tiền, nhưng tín dụng có mức thanh khoản cao hơn, tiết kiệm được chi phí in tiền mặt và hạn chế nạn làm tiền giả, trốn thuế.


(Phần giải thích các vấn đề về tiền - Tài Dương)

Trên chỉ là những viện dẫn lại từng bước đi của tiền, nhưng cũng không cần thiết khi phải đi sâu hơn nếu ứng dụng vào một cá nhân trong đời sống thường nhật. Bên dưới đây mới là phần tôi muốn nhắc tới.

- Thứ nhất: Kiếm tiền cũng có nghĩa là chịu phi phối bởi tiền dù ít dù nhiều.

Bất kể bạn là ai: tu sĩ, vô sản dân, nhà văn, .... một khi bạn có nhu cầu cần đến tiền thì điều đầu tiên trên tất cả là bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng trong quy luật của riêng nó. Đó là "tính trao đổi".

Điều để trao đổi để lấy tiền có thể là: sức lao động, vật chất hiện có, "cái vốn trời cho", .... và bất kể điều gì khác miễn là điều bạn có mà có người khác cần. Kể cả niềm tin!

Đó là những giá trị thật mà bạn phải đem lên "cân" để đổi lấy một điều khác mà bạn đang cần. Nhưng cũng có những xảo thuật, mà những người xấu áp dụng để đoạt được tiền từ người khác mà không phải thông qua giá trị khế ước công bằng giữa tiền-giá trị.

Chuyện vặt có thể thấy trong hành vi lạm dụng tiền là trộm, cướp. Cao hơn một tý là bán hàng giả mạo. Tinh vi hơn tý nữa là đầu cơ, tích trữ và thao túng thị trường. Nhưng bỉ ổi nhất đó là nạn tham nhũng và chủ đích bóp méo cán cân thương mại tiền-giá trị thông qua việc in tiền mà không cải thiện về kết quả sản xuất nội tại.

Như vậy có thể thấy, bất kỳ ai cũng sẽ chịu sự ảnh hưởng tích cực/tiêu cực từ bất kỳ sự kiện nào liên quan tới tiền bạc. Và, dù người lãnh đạo có trong sạch cỡ nào, nhưng nếu kém cỏi thì cũng ảnh hưởng đến túi tiền của bạn! Tiền của bạn sẽ tự động mất đi giá trị nếu mẫu số chung về năng suất lao động của đất nước bị giảm đi.
- Thứ hai: Có tiền rồi, giá trị nhận được sẽ là bao nhiêu?

Giai đoạn kiếm tiền đã có nhiều thứ cần nói đến rồi, nhưng đã có tiền rồi thì sao? Bạn có dùng nó đúng với giá trị của nó.

Tiêu tiền dễ lắm phải không nào? Không hẳn thế!

Nếu trong tủ đồ của bạn còn những chiếc váy chỉ mới dùng 1,2 lần dù mua đã lâu. Trên kệ sách có nhiều cuốn sách chỉ dùng làm trang trí. Chiếc đồng hồ, máy tính, điện thoại chỉ được dùng ở một chức năng nào đó mà bỏ qua những điều hay ho khác. ...
Bạn có quyền quyết định tài sản của mình! đương nhiên. Nhưng bạn đang lãng phí và có thể chẳng hiểu gì về tiền-giá trị. Điều đó cũng phần nào nói lên rằng bạn cũng không mấy hiểu về giá trị lao động và tài sản trước tiền của bạn. Xa hơn, bạn cũng đang góp phần làm tiêu cực đi giá trị của tiền tệ.

Trong một sản phẩm được làm ra giá trị của nó thường được tính nôm na là: chi phí sản xuất + giá trị sử dụng (hoặc giá trị niềm tin) mà người dùng có được. Tuy cách tính thực tế của mỗi nhà sản xuất khác nhau, cũng như cách từng doanh nghiệp sẽ định nghĩa khác nhau nhưng nếu bạn không sử dụng sản phẩm đó tới một ngưỡng kỳ vọng nhất định thì bạn đang lãng phí (tính theo mẫu số chung trên tổng người dùng)
Qua 2 phía mà cũng chính là 2 giai đoạn (kiếm tiền, tiêu tiền), bạn có thể thấy giá trị thật sự rất khó được bảo toàn do bên quản lý về tiền tệ, cũng như bên tham gia vào vòng tuần hoàn tiền đều có những tác động tiêu cực tới giá trị của nó. Hiện tượng thường trực mà tôi có đề cập trong phần mở đầu là có một bộ phận sẽ nắm giữ vàng hoặc ngoại tệ chỉ để bảo lưu tài sản của mình. Tôi nói bảo lưu thay vì nói đầu tư bởi vì để người giữ những tài sản như vậy để trở thành nhà đầu tư thì phải có thêm nhiều bước am hiểu nữa về loại tài sản đặc biệt này.

Chung quy lại: bài học căn bản và đơn giản nhất mà chúng ta nên dạy cho con nít là:
- Con nhận tiền đó, tại sao? Số tiền đó lớn hay nhỏ khi so với những gì đứa trẻ thể hiện?
- Con chi số tiền đó, tại sao? Điều con mua được nó quan trọng ra sao tới nhu cầu của con?

Ce Phan
-------
(1) - Tại sao người Việt giữ vàng? https://www.ft.com/content/83a29cdc-5cb9-11df-bd7e-00144feab49a
      - Tại sao ngoại tệ ở Việt Nam nhiều nhưng thiếu thanh khoản http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/kinh-te/Vietnam-is-not-short-of-foreign-currency-except-for-cash-settlement-NNguyen-07072010220253.html
(2) - Hành trình của Tiền Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tiền_Việt_Nam

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

"Cứu chữ" cho quan qua một bản đối chiếu ngữ pháp với một học trò lớp 12

Dư luận mấy ngày qua vẫn còn sục sôi khi biết một học sinh lớp 12 bị kỷ luật tại một trường học ở miền Tây Nam Bộ sau khi đăng mấy câu phê bình chất lượng phục vụ của một bệnh viện tuyến tỉnh. Sự việc còn tiến xa hơn khi nhà trường dựa vào sự kiện này để đánh giá hạnh kiểm của em trong học kỳ vừa rồi.

(Chụp màn hình về phần chia sẻ một em học sinh lớp 12 qua Facebook)


Bỏ qua những mặt tiêu cực về cách đánh giá một học sinh thông qua mấy dòng chia sẻ của em qua một trang mạng xã hội Facebook. Tôi nhìn thấy những nét sáng về văn phong trong cách mà em viết mấy dòng đó. Là một thầy giáo dạy tiếng Anh, nhưng vốn tiếng Việt của tôi cũng đủ đề phân tích ra điều gì đó trong cách viết của em khác biệt như thế nào trong một án văn phong chính thức trong một lá thư của cựu bộ trưởng bộ giáo dục Phạm Vũ Luận. 

Câu văn với ngữ pháp rất tệ của bộ trưởng Luận trong thư gửi giáo viên gửi cho giáo viên nhân ngày 21/11/2015 (ngày Nhà giáo Việt Nam). Không biết ông Luận được học hành thế nào mà viết một câu văn 121 chữ mà dấu phẩy, chữ "và" dùng tuỳ tiện vậy không biết.

"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục mọi hạn chế yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 29, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân."

Hãy đọc phần bình luận của một em học sinh lớp 12 khi viết lời chê một bệnh viện ở miền Tây và dẫn đến việc em bị đánh giá hạnh kiểm "khá" ( không phải "tốt" như đại đa số học sinh khác)

“Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.

===

So với ngữ văn của ông bộ trưởng Luận thì em này viết có nghề hơn. Một đoạn văn tương đối ổn về mặt văn phạm và nổi bật hơn rất nhiều so với những bình luận trên Facebook của nhiều bạn mà tôi biết.

Phân tích: 

- Câu văn 1: Câu tiêu đề của đoạn với từ vựng chức năng "Nói thật," đóng vai trò dẫn dắt ý và cho biết góc nhìn của quan điểm. Đây là thành tố mà nhiều người Việt khác gặp nhiều khó khăn khi viết câu/đoạn.

Tương tự: Những từ vựng chức năng như vậy cũng phổ biến trong ngữ văn Anh, như:
   + To tell (you) the truth,
   + It can be seen that,
   + It is recognised that,
      .....

Câu văn chính "thái độ phục vụ của bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém" với đầy đủ chủ vị ngữ và đặc biệt là thông tin rất rõ ràng và tỉ mỉ. Em viết rõ "khu vực Đồng Tháp Mười" là thành phần bổ nghĩa (noun modifier) cho cụm danh từ của từ "bệnh viện Đa khoa". Cụm từ "Thái độ phục vụ của bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười" là cụm danh từ đóng vai trò làm chủ ngữ. Phần vị ngữ "rất kém" có đủ tính từ và phần bổ ngữ trong chỉ duy nhất 2 chữ.

- Câu văn thứ 2: Chức năng dẫn giải của câu văn này rất rõ ràng khi em đã đưa ra thông tin để giải thích cho câu chủ đề (câu số 1) mà em đưa ra.

Cụm từ mà em sử dụng trong câu này "nạt 1 nạt 2" gợi hình và ý rất nhiều.  Hơn nữa, câu văn này sử dụng các mệnh đề (clause) rất điêu luyện:

"Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà"

Cách dùng dấu phẩy trong mệnh đề qua hệ (loại không xác định) này chuẩn xác. "Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viên" là chủ từ chung cho lần lượt các vị ngữ đứng sau là ", nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ người ta vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà" với đầy đủ động từ và tân ngữ.

Em dùng kiểu câu như trên rất hợp lý vì là câu dẫn giải nên phải đầu đủ, chi tiết.

- Câu văn thứ 3: "Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi” là kiểu câu đóng đoạn điển hình.

Có 3 loại mà những người viết văn chuyên nghiệp hay dùng là: nhượng bộ (concession), tóm lược (summary) và gợi ý (suggestion). Ở trên, em chọn loại cú pháp thứ 3. Loại này cũng khá điển hình cho đoạn văn phàn nàn, tranh luận (argument).

Tóm lại, qua những cú pháp mà em học sinh này sử dụng thì tôi tin rằng khi em ở vào độ tuổi của ông Nhạ thì em có thể là "bậc thầy" của ông về ngữ pháp tiếng Việt. Em cũng chứng tỏ rằng em là người có ăn học đàng hoàng và có trình độ văn hoá nhất định trong cách ứng xử phản biện của trí thức.

Tôi mơ ước có một cô con gái có những nét văn chương như em có ở hiện tại khi con tôi bằng tuổi em.


Ce Phan

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Người kể chuyện của bạn là ai?

Nhịp sống của tôi dần rộn ràng hơn khi tôn phải gắn chặt mình vào các công việc trong sự xoay vòng giữa số tiền chi tiêu và số kiếm được. Kể ra cũng thật tệ hại khi mà ở tuổi 30 ba của tôi đã có một cơ ngơi riêng là căn nhà rộng rãi 7x20 (m) chỉ với công việc đồng án bạc bẽo, còn tôi thì tệ hơn và lắm e ngại giữa hai phương án tốn kém là sơn phết lại căn nhà đó hay sửa lại phòng ốc một chút với số tiền kiếm được của mình. Phần thời gian còn lại ít ỏi trong ngày tôi để bản thân mình lạc vào những câu chuyện kể, một phần thích thú về những câu chuyện trong những góc ngăn lịch sử, phần nữa là góc lẩn tránh an toàn cho bản thân cho những gì sắp sửa phải đối mặt trong ngày mới.

Tôi dần nhận ra nhiều hơn về những chuyện đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại qua những câu chuyện tưởng chừng đã bị quên lãng. Ngay cả những câu chuyện ngụ ngôn được kể với lăng kính thật dễ thương và giản đơn nhất cũng duy trì những bài học hay ho về đạo đức, quan niệm xã hội, ước mơ và những gì phải đối mặt. Tôi không dưới một lần đề cập tới điều đó trong các bài viết của mình trong blog này, hay những chia sẻ qua trang Giáo dục.

Từ những điều được ghi chép lại như thế, tôi hiểu ra ai là người duy trì mạch truyện để kể lại cũng quan trọng không kém gì những thông tin được biết qua các văn tự được giữ lại. Ý của tôi ở đây có thể mượng tượng qua ví dụ sau: có thể có ai đó nói về việc định phận nước Việt xưa dưới sức ảnh hưởng của giặc Tàu, nhưng Lý Thường Kiệt mới là người gióng lên sức ảnh hưởng ghê gớm của bài thơ "Nam quốc sơn hà" như một câu chuyện kể đầy đanh thép.

Phải nói rằng những dữ kiện lịch sử không bao giờ thiếu thốn tới mức phải liên tưởng không căn cứ, nhưng sức ảnh hưởng của một câu chuyện qua người kể lại nó mới thật sự làm cho dữ kiện được sống lại. Chẳng hạn khi một ai đó nói cho bạn biết rằng Hà Nội xưa, Sài Gòn xưa cũng có những lúc huy hoàng và giàu sang thực sự. Người xưa từng có thời ngẩng cao đầu trước những dân tộc lân cận khi mà đời sống của họ không chỉ được thoả mãn với những nhu cầu căn bản về nhà ở, ăn uống, sự an toàn mà còn có bộ phận trung lưu đến thượng lưu đã phát triển sự nghiệp cá nhân tới một trình độ rất cao. Nhưng những điều đó trong tôi thật trừu tượng cho tới khi tôi biết Alan Phan và nghe những câu chuyện về thời của ông và ở chính bản thân ông. Từ những điều thật xa, cách đây cũng hơn nửa thế kỷ, đã được ông mang về hiện tại thật đặc sắc.

Không chỉ có những người Việt biết kể chuyện, gần đây nhất là những câu chuyện được kể trong cuốn sách ngắn gọn trong vài trăm trang với tựa đề "Make American Great Again" dưới lăng kính của vị tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Lịch sử 300 năm của nước Mỹ nằm gọn lỏn trong những câu chữ của người kể chuyện tài ba này. Một bộ phần đông đảo trong tầng lớp trí thức đã góp những lá phiếu quan trọng trong hình thức bầu cử mang phong cách cộng hoà đã đưa ông trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông đã nói cho người Mỹ biết rằng vị trí của họ trước thế giới như thế nào và giờ sứ mệnh của họ nên chọn ai để truyền đạt lại những tôn chỉ đó. Ông, không ai khác, chính là một người kể chuyện thật tuyệt vời để khiến hàng trăm triệu người Mỹ biết rằng họ phải nổ lực hơn nữa để tiến lên.

Quay trở lại với công việc thường ngày của tôi với vai trò là một giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi cũng tự hào rằng mình đã chọn hướng đi đúng đắn khi khuyến khích học viên thật nhiều để nói chuyện có nhiều cảm nhận hơn, biết cách đặt mình vào bối cảnh của người nói tiếng Anh, liên tưởng đến những ranh giới cảm giác có thể mường tượng được và truyện đạt thật khéo léo để giữ lấy người nghe. Tôi vẫn sẽ tiếp tục là người nghe những câu chuyện tuyệt vời từ những con người tôi gặp và học hỏi, lẽ đương nhiên rằng tôi phải làm tốt hơn để công việc đó luôn được tiếp nối. Rồi, học trò của tôi không phải là những người nói tiếng Anh dễ bị bắt nạt với kiểu nói ba ngoa thông thường, họ cũng sẽ là những con người biết nắm lấy điều tuyệt vời nhất trong những câu chuyện Anh ngữ họ được học qua các bài học của tôi. 

Một lần nữa tôi có thể tự hào: "Để có một bài học hay, bạn cần đến một thầy giáo giỏi. Để có một lộ trình học tập thành công, bạn cần đến Ce Phan". Tôi với Timeline là những câu chuyện kể, tôi với bạn là hai đầu cầu truyền đạt những ước mơ. 

Ce Phan