Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Thầy thuốc quý thuốc - Thầy giáo quý sách

Nếu thầy thuốc rất quý những viên thuốc thì thầy giáo rất quý những cuốn sách!

"Quý" ở đây nghĩa là sao? Hãy nghe Ce Phan kể câu chuyện này.

Trở lại một ngày khoảng 15 năm trước, Ce Phan bị sưng phù chân do bị trật mắc cá chân một trận bóng đá. Mình ráng đi cà nhắc ra một tiệm thuốc bắc gần nhà để được chữa trị. Thầy thuốc xem rồi bốc thuốc để đắp vào vùng bị sưng đó và nói nằng sử dụng hết bao nhiêu thuốc đó sẽ ổn. Thầy thuốc dặn rõ là cứ 6 tiếng thay thuốc 1 lần, nếu buổi tối thì để qua sáng hôm sau thay ra cũng được.

Vì thấy thuốc có vẻ quá hiệu quả nên Ce Phan đã liên tục sử dụng thuốc mới thay cho thuốc cũ để đắp vào chỗ sưng để mong nó tiến triển nhanh hơn. Thế là mới có 3-4 tiếng khi thấy thuốc cũ có vẻ khô khô, mình dã thuốc mới và đắp vào.

Tới khi hết thuốc và vết sưng chưa hết hẳn. Mình đi ra tiệm thuốc để mua thêm thuốc. Thầy thuốc có vẻ ngạc nhiên vì mới đó mà đã hết thuốc. Ông ấy nói mình là hãy về nghỉ ngơi thêm dăm ba ngày nữa và đừng vận động. Thuốc quý lắm không thể bán thêm được.

Nếu mình làm đúng chỉ dẫn thì chỉ cần thêm 1 ngày nữa là khỏi hẳn rồi. Thế là phải đợi và còn mua thêm thuốc tây bôi vào thì muốn nó dứt hẳn.

Khi Ce Phan bắt đầu nghiệp dạy học thì từng học trò đến với mình là một trải nghiệm hay và khác biệt nghề sư phạm. Duy chỉ có một điều mà dường như khá giống nhau của các trò là khả năng "ngốn" sách, giáo trình và cả thầy giáo!

Học trò sử dụng quá nhiều cuốn sách, quá nhiều giáo trình và học qua quá nhiều thầy nhưng có vẻ kết quả cũng chưa được như ý muốn. Tại sao vậy?

Đó chính là sự tập trung!
Học viên khó lòng mà tập trung cho tới nơi tới chốn để học cho dứt điểm một tài liệu nào. Thứ gì cũng biết mà thực ra lại không biết thứ gì. Nói về phương pháp học thì có thể nói liên miên nhưng chính bản thân mình lại chưa làm chủ được kiến thức đó.

Trở lại với môn học tiếng Anh.

Có rất nhiều tài liệu sẵn có, nhưng Ce Phan bắt đầu bộ môn này bằng một người thầy và một cuốn giáo trình duy nhất. Mình đã học nghiền ngẫm cho tới khi có thể nhận ra từng dấu chấm phẩy, xuống dòng trong cuốn sách đó. Một điều đương nhiên là mình nằm làu tài liệu đó chỉ trong 2-3 tháng (15 chủ điểm bài học với 15 đoạn hội thoại, giải thích từ vựng, phát âm và các cú pháp)

Mình "cưng" tài liệu đó vô cùng và cảm giác cũng tương tự như vậy cho những giáo trình mà mình áp dụng về sau.

Mỗi lần đi nhà sách thì mình thường dành rất nhiều thời gian để chọn sách và hiếm khi mua hơn 1 cuốn cho mỗi lần đi. Mình sẽ đọc rất kỹ cho đến khi nắm được hết cuốn sách đó thì mới mua thêm một cuốn khác.

Bản thân mình nghĩ: trong sách có Đạo!
Một cuốn sách được viết ra không chỉ là một công trình nghiên cứu về chuyên môn mà ẩn trong đó chính là cái cốt, cái phong cách, tiếng nói riêng của tác giả.

Thỉnh thoảng mình cũng mua phải những cuốn sách dở, nhưng không vì thế mà mình mua thật nhiều về để lựa xem cuốn nào tốt. Mình tin là qua sự tỉ mỉ quan sát bạn sẽ biết cách lựa sách sao cho mua được một cuốn sách ưng ý.

Sự gợi ý của người khác là một nguồn tham khảo tốt. Bồi dưỡng thêm sự chu toàn của bản thân nữa thì các bạn sẽ sớm hình thành được khả năng tự lựa chọn cho mình những cuốn sách hay.

Hãy biết yêu sách!
(Minh hoạ: 'sách để đọc và nghiền ngẫm chứ không phải để ăn')