Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Giọt nước mắt Obama !

Nghĩ tới đề xuất luật an ninh mạng sắp được các nghị bấm nút thông qua trong mấy ngày tới đây mà nhớ tới giọt nước mắt Obama.

Sở dĩ có liên tưởng như vậy là vì vào khoảng năm 2016, lúc ông còn tại vị, Obama đã chẳng thể thuyết phục quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép cảnh sát được quyền kiểm tra giấy phép dùng súng của người Mỹ.



Điều luật đã không được thông qua, ông đã khóc như đứa trẻ bởi vì ông cho rằng nếu ban hành được điều luật này thì sẽ có thể ngăn chặn được những người dùng súng phi pháp giữa bối cảnh khủng bố đang tăng cao ở Mỹ.

Nhưng tại sao đề xuất đó đã ngay lập tức bị bác bỏ? Những người dân biểu Mỹ cho rằng nếu cho phép cảnh sát cái quyền được ngang nhiên kiểm tra người khác khi không có dấu hiệu phạm tội có thể dẫn đến sự lạm quyền. Họ tin rằng, nếu điều luật này được ban hành, thì người ngay thì bị “hành” trong khi đó kẻ gian thì vẫn không hề hấn gì.

Các bạn thấy đó. Một đề xuất mà nghe có vẻ RẤT TỐT mà còn bị bác bỏ mặc cho những lộn xộn vẫn còn đó chỉ vì người Mỹ không muốn bị chính quyền lạm quyền và xâm hại vào sự TỰ DO của họ. Sau tất cả, nước Mỹ vẫn ổn trước những giọt nước mắt của Obama.

Ở Việt Nam thì mọi thứ hoàn toàn trái ngược. Nhà nước sắp được tăng thêm quyền để kiểm soát người dân dẫu không có tiếng súng xảy ra. Nhiều khả năng họ sẽ xâm hại đến quyền tự do ngôn luận với những điều luật hết sức mô hồ trong cái gọi là “luật an ninh mạng”. Tất cả những người phản biện với đường lối lãnh đạo của chính quyền đều có thể “vào rọ”.

Nếu ở Việt Nam, có lẽ những người lãnh đạo theo phong cách uỷ mị như Obama sẽ không cần rơi nước mắt. Ông sẽ nhanh chóng được sự đồng ý và ủng hộ của quốc hội. Bởi vì những cụm từ nghe có vẻ có ích cho người khác như “an ninh” , “sự an toàn” ... lại là dấu hiệu của sự huỷ hoại đi những quyền căn bản được trao cho mỗi người trong hiến pháp.

Thật là muốn rớt nước mắt theo Obama!
Ce Phan

Có nên nghe những lời khuyên ở đâu đó mà em coi rẻ việc học Đại học?



Phải nói ngay là chắc chắn là không nên. 

Lý do đầu tiên và đơn giản nhất đó là chưa nơi đâu có chương trình đào tạo được chứng minh là tốt hơn một trường Đại học chính quy cả. Các này khỏi cần bàn cãi. Trường đời, sách, internet ... có thể dạy cho em những kiến thức bổ sung hữu ích nhưng để coi đó là nền tảng mà em dễ dàng đạt được sự thành công mà không cần đến giáo dục Đại học ... thì cần phải xem xét cẩn thận hơn. 


Trước hết cho tất cả, sách thông thường và sách sử dụng làm giáo trình giảng dạy vốn dĩ khác nhau. Một giáo trình giảng dạy được biên soạn dựa trên tính toán tổng quát và chi tiết để giảng dạy cho một chuyên ngành nhất định, trong khi đó sách lưu hành thông thường có thể được phát triển độc lập hơn và ít dựa vào các tiêu chí giảng dạy kết hợp hơn. Theo đó, đọc sách không theo một chương trình hoàn chỉnh cho một chuyên ngành có thể sẽ có nhiều thiếu sót, nhất là khi loại sách này ít khi được hội đồng chuyên môn thẩm định như sách được chọn làm giáo trình trong trường Đại học.

Thứ hai, cho dù tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm sinh viên tốt nghiệp Đại học còn cao, nhưng không có nghĩa là nhóm không học Đại học lại có kết quả khả quan hơn em tưởng. Những tấm gương không cần học qua chương trình Đại học như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Steve Jobs, bầu Đức ... cũng không đủ thuyết phục đám đông bỏ học để tìm kiếm một cơ hội khác bời vì họ thuộc nhóm rất ít người thành công được nhắc đến; dĩ nhiên phần đông những người còn lại thì không mấy ai để ý.

Thứ ba, tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, việc sử dụng các đánh giá học thuật phổ biến nhất cũng thông qua hệ thống các trường Đại học. Đặc biệt tại những đất nước phát triển, yêu cầu tối thiểu trong các chính sách cấp thị thực để được làm việc tại nước đó là người ứng tuyển phải có trình độ Đại học trở lên. Đó là chưa kể đến những quy định ngặt nghèo hơn tại các nước sở tại về chuyện bằng cấp Đại học. Ví dụ: việc bầu Đức (người được ngưỡng mộ như đã nêu bên trên) không đến dự một cuộc họp cấp cao trong Liên đoàn bóng đá trong năm nay cũng có liên quan tới tấm bằng Đại học còn thiếu của ông.

Điều cuối cùng, nhóm người khẳng định việc học Đại học chẳng mang lại giá trị gì nhiều cho các em học sinh cấp ba dường như chính là những người từng là sinh viên Đại học. Liệu khả năng tiếp thu kiến thức bên ngoài xã hội có thực sự tốt không nếu các em chưa kinh qua một lần cách rèn luyện những kỹ năng học thuật như ở Đại học? Suy cho cùng, sự đột phá của bất kỳ cá nhân nào trong một giai đoạn nhất định trong cuộc đời cũng đều dựa nào những nền tảng nhất định trước đó. Do vậy, việc nhận một lời khuyên từ một ai đó về việc rời bỏ đi một chương trình học để đón lấy cơ hội nào đó cao hơn thì phải cân nhắc kỹ để tránh trường hợp ‘lợi bất cấp hại’.

Ce Phan

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Thầy thuốc quý thuốc - Thầy giáo quý sách

Nếu thầy thuốc rất quý những viên thuốc thì thầy giáo rất quý những cuốn sách!

"Quý" ở đây nghĩa là sao? Hãy nghe Ce Phan kể câu chuyện này.

Trở lại một ngày khoảng 15 năm trước, Ce Phan bị sưng phù chân do bị trật mắc cá chân một trận bóng đá. Mình ráng đi cà nhắc ra một tiệm thuốc bắc gần nhà để được chữa trị. Thầy thuốc xem rồi bốc thuốc để đắp vào vùng bị sưng đó và nói nằng sử dụng hết bao nhiêu thuốc đó sẽ ổn. Thầy thuốc dặn rõ là cứ 6 tiếng thay thuốc 1 lần, nếu buổi tối thì để qua sáng hôm sau thay ra cũng được.

Vì thấy thuốc có vẻ quá hiệu quả nên Ce Phan đã liên tục sử dụng thuốc mới thay cho thuốc cũ để đắp vào chỗ sưng để mong nó tiến triển nhanh hơn. Thế là mới có 3-4 tiếng khi thấy thuốc cũ có vẻ khô khô, mình dã thuốc mới và đắp vào.

Tới khi hết thuốc và vết sưng chưa hết hẳn. Mình đi ra tiệm thuốc để mua thêm thuốc. Thầy thuốc có vẻ ngạc nhiên vì mới đó mà đã hết thuốc. Ông ấy nói mình là hãy về nghỉ ngơi thêm dăm ba ngày nữa và đừng vận động. Thuốc quý lắm không thể bán thêm được.

Nếu mình làm đúng chỉ dẫn thì chỉ cần thêm 1 ngày nữa là khỏi hẳn rồi. Thế là phải đợi và còn mua thêm thuốc tây bôi vào thì muốn nó dứt hẳn.

Khi Ce Phan bắt đầu nghiệp dạy học thì từng học trò đến với mình là một trải nghiệm hay và khác biệt nghề sư phạm. Duy chỉ có một điều mà dường như khá giống nhau của các trò là khả năng "ngốn" sách, giáo trình và cả thầy giáo!

Học trò sử dụng quá nhiều cuốn sách, quá nhiều giáo trình và học qua quá nhiều thầy nhưng có vẻ kết quả cũng chưa được như ý muốn. Tại sao vậy?

Đó chính là sự tập trung!
Học viên khó lòng mà tập trung cho tới nơi tới chốn để học cho dứt điểm một tài liệu nào. Thứ gì cũng biết mà thực ra lại không biết thứ gì. Nói về phương pháp học thì có thể nói liên miên nhưng chính bản thân mình lại chưa làm chủ được kiến thức đó.

Trở lại với môn học tiếng Anh.

Có rất nhiều tài liệu sẵn có, nhưng Ce Phan bắt đầu bộ môn này bằng một người thầy và một cuốn giáo trình duy nhất. Mình đã học nghiền ngẫm cho tới khi có thể nhận ra từng dấu chấm phẩy, xuống dòng trong cuốn sách đó. Một điều đương nhiên là mình nằm làu tài liệu đó chỉ trong 2-3 tháng (15 chủ điểm bài học với 15 đoạn hội thoại, giải thích từ vựng, phát âm và các cú pháp)

Mình "cưng" tài liệu đó vô cùng và cảm giác cũng tương tự như vậy cho những giáo trình mà mình áp dụng về sau.

Mỗi lần đi nhà sách thì mình thường dành rất nhiều thời gian để chọn sách và hiếm khi mua hơn 1 cuốn cho mỗi lần đi. Mình sẽ đọc rất kỹ cho đến khi nắm được hết cuốn sách đó thì mới mua thêm một cuốn khác.

Bản thân mình nghĩ: trong sách có Đạo!
Một cuốn sách được viết ra không chỉ là một công trình nghiên cứu về chuyên môn mà ẩn trong đó chính là cái cốt, cái phong cách, tiếng nói riêng của tác giả.

Thỉnh thoảng mình cũng mua phải những cuốn sách dở, nhưng không vì thế mà mình mua thật nhiều về để lựa xem cuốn nào tốt. Mình tin là qua sự tỉ mỉ quan sát bạn sẽ biết cách lựa sách sao cho mua được một cuốn sách ưng ý.

Sự gợi ý của người khác là một nguồn tham khảo tốt. Bồi dưỡng thêm sự chu toàn của bản thân nữa thì các bạn sẽ sớm hình thành được khả năng tự lựa chọn cho mình những cuốn sách hay.

Hãy biết yêu sách!
(Minh hoạ: 'sách để đọc và nghiền ngẫm chứ không phải để ăn')

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Ham muốn Blockchain và ký ức về Communism


Thời này mà nói về Blockchain và cryptocurrency thì cũng như các cụ "tiến bộ" ở thế kỷ XIX nói về Communism.

Cả hai xu hướng này đều giống nhau ở khái niệm, đó là: sở hữu toàn dân; quốc tế hoá giá trị cộng sản.

Thật vậy, Chủ nghĩa Cộng sản với triết lý hướng đến một Xã hội Chủ nghĩa và phá bỏ đi định nghĩa quốc gia, lãnh thổ và tư hữu thì Chủ nghĩa Blockchain cũng dần sẽ mang tới điều đó khi kinh tế và chính trị luôn đi liền với nhau.

Bởi vậy, những ai ghét bỏ lý tưởng Communism mà tôn thờ Blockchain thì chẳng khác nào tự tay bóp méo cái não của mình.

Communism đẹp và mạnh vào thời ấy ntn thì Blockchain cũng hấp dẫn như thế trong thời đại này. Nhưng có một điều mà ai cũng đã rõ, đó là: Communism nó nhiệm màu đến cỡ nào mà chỉ còn 1 vài nước theo đuổi và trở thành những "sinh vật lạ" trên hành tinh này.

Tôi thành thằng ngốc khi biết Blockchain đang là xu hướng mà không mua?

Đừng có đùa với những trò chơi kiểu đại chúng này chứ! Chúng ta đã ngán nó ntn rồi mà.