Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Ns Tuấn Khanh: 'Rác của một thời'

Cơn mưa bất ngờ chiều tháng Ba, khiến không ít người ngạc nhiên. Thành phố tối sầm như một ngày tháng 7. Mưa lớn đến mức như trút nước, như muốn tự mình làm sạch đời sống Sài Gòn. Mưa xối xả như muốn đẩy hết bụi bặm và những ngổn ngang chồng chất vừa được tạo ra từ chiến dịch đầy sóng gió trong đời sống và dư luận dân chúng, vốn được gọi là “dọn dẹp vỉa hè”.

(Một khoảng trời trong xanh thu mình trong một vũng nước nhỏ - Ảnh minh họa của Ns Tuấn Khanh)

Trong những bức ảnh được giới thiệu trên mạng xã hội, người ta nhìn thấy đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương. Bức ảnh nói thật nhiều điều về một chiến dịch thị uy và duy ý chí, phia trước là sự hài lòng vô minh của một nhóm người, và phía sau là tiếng thở dài của đám đông.

Cuối tháng ba, những dòng tin vội vã và ít ỏi cho biết ông Hải tạm dừng các chuyến hành quân “dọn dẹp” của mình, lừng lẫy không khác gì các cuộc tuần tiễu trên biển Đông. Có bình luận là do công việc đã thành công bước đầu và ông Hải giao lại cho các quận. Nhưng cũng có lời bàn rằng ông Hải phải thu mình lại, trước những chỉ trích không vừa và các dấu hiệu sai phạm ngày càng lộ rõ.

Cơn mưa chiều tháng Ba quá lớn, tạt ướt cả khoảng nhà trước của một người dân trên đường Hồng Thập Tự cũ. Vừa che, vừa lau, người đàn ông này liên tục quát lên một mình “mẹ cha tụi nó, cái mái hiên xếp thì có ngăn cản gì vỉa hè mà tụi nó ập vô tháo rồi lấy?”.

Trong những bức ảnh ghi lại về chiến dịch này, có hình ảnh một cụ già ngồi im lặng nhìn bậc tam cấp của nhà hát Nguyễn Văn Hảo có gần trăm năm bị đập đi. Bức ảnh gợi nhớ một truyện ngắn của Pearl Buck (1892-1973) về một chiến dịch dọn dẹp nhân danh phát triển ở Trung Quốc, mà một cụ già ngồi nhìn những ngổn ngang gạch đá bị đập phá trong hiện thực của mình và ngơ ngác lắng nghe giấc mơ của những nhà làm chính trị. Cụ già không hiểu. Cụ khóc. Với cụ, chính trị cùng mọi thứ đó cũng chỉ là rác.

Mọi người dân Sài Gòn đều yêu thành phố của mình. Và chắc chắn ai cũng vỗ tay cho một đổi thay thiết thực và hợp lý cho thành phố mà mình đang sống. Nhưng khi vỗ tay, có không ít người chậm nhịp dần, buông xuôi vì nhận ra rằng đằng sau của tiếng hô đầy âm điệu chính nghĩa ấy, là những điều gì đó rất chính trị. Loại chính trị xa vời đời sống của người dân. Loại chính trị cũng như rác.
Chiến dịch dọn dẹp ấy làm dậy lên những lời bàn từ vỉa hè, có thể không hoàn hảo như một chứng cứ, nhưng đó là những lời bàn từ lòng dân bật ra, cũng không kém thú vị để lắng nghe.

Trong chiến dịch đập phá của một người miền ngoài trực tiếp chỉ huy, người ta nhìn thấy có bóng của vị bí thư - cũng ở miền ngoài - đang nắm quyền lực ở Sài Gòn. Chiến dịch như một phương án tái cấu trúc lại quyền lực giữa một tình thế mà người có quyền ấy cảm thấy không vui vì sự bất phục ở chung quanh.

Ông Hải là một giải pháp phá băng, và thị uy, và phần nào giúp giải tỏa được những sự tức giận của vị bí thư cảm giác mình lạc lõng. Thậm chí, chính ông Hải cũng là người lạc lõng đáng thương khi tự mình đương đầu với tất cả trong chiến dịch, trong cơn bão phản ứng từ mọi phía. Trong cuộc họp giao ban ngày 11/3, khó chịu vì các quan chức địa phương ở Sài Gòn thiếu hợp tác với ông Hải, bí thư Thăng phải lớn tiếng “Các anh phải xuống đường, đồng hành cùng ông Hải, đừng để dư luận bức xúc”. Có vẻ như nhiều quan chức Sài Gòn không muốn dính vào các hoạt động bị nhiều bình luận là “bất nhân” ấy.

Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ - và nếu có - thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính “cát cứ” rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở TP đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Và có vẻ như đòn quyết định được tung ra vào ngày 26/3, khi có nhận định rằng những việc làm của ông Hải, thông qua sự yểm trợ của ông Thăng là “không có luật pháp”, được phát đi từ trang cá nhân của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Con trai trưởng của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 3 ngày sau lời nhận định mạnh mẽ và trực tiếp bất ngờ này, ông phó chủ tịch quận 1 tuyên bố tạm dừng. 

Lời nhắn của ông Lê Mạnh Hà ghi rằng “Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng” có một sức mạnh khó lường. Lý do không phải chỉ bởi từ một người có chức vụ cao trong hệ thống, mà quan trọng vì ông Hà được coi là một người hết sức liêm khiết trong bộ máy. Sự lên tiếng này, không khác gì đòn điểm huyệt vào chiếc đồng hồ Patek Philippe và chiếc điện thoại Vertu mà ông Hải đã im lặng tháo đi ngay trong những ngày đầu. 

Ông Hà viết “người ta coi dân như kẻ thù, vỉa hè như chiến trường, TPHCM như trong thời chiến và không có luật pháp”.

Vang lên từ vỉa hè, sau những tiếng búa tiếng chày nện đinh, người ta nói rằng có thể đó là lương tâm của những người có trách nhiệm trước viễn cảnh Sài Gòn hoang tan bật lên tiếng. Nhưng cũng có người nói rằng đó là những phần phông màn phía trước của các câu chuyện thâm sâu khó lường đang diễn ra trước Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5 sắp tới. Dĩ nhiên đó chỉ là những lời bàn từ vỉa hè, như một loại rác của thời, rác của cuộc đời, rác của chính trị.
Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.

Và trong các chiến dịch pha màu sắc dân túy cực hữu như vậy, luôn có một đám đông được sinh ra, loạn lạc và tự diệt trong những sự điên cuồng ủng hộ và điên cuồng đập phá. Thời của Hitler, để có một đám đông “ghê rợn” như ông Lê Mạnh Hà mô tả, nước Đức đã tạo ra các đoàn thanh niên Quốc xã như Deutsches Jungvolk và Bund Deutscher Mädel. Thời của Mao Trạch Đông, cũng có những đám đông “ghê rợn” như vậy từ Hồng Vệ Binh.

Trong lịch sử, từ những câu chuyện và con người đã đi qua hỗn loạn ấy, chiến dịch ấy… - nếu chúng ta lùi lại để ngắm nhìn – thì thấy mọi thứ đều chỉ là rác của một thời. 

Cám ơn cơn mưa tháng Ba. Làn gió mát và những dòng nước như đang cố rửa sạch rác rưởi còn lại từ những ngày qua. Sài Gòn, thành phố của chúng ta vẫn còn đó, dù như thế nào đi nữa, thì hôm nay đã lại dầy thêm trong lịch sử hơn 300 năm thăng trầm, về những chuyện kể từ vỉa hè. Chuyện kể về rác của một thời.

Ns. Tuấn Khanh

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Người nước ngoài cần được giải ảo trong cách nhìn về Việt Nam


Khi tôi đang ngồi vào bàn ăn với món thịt gà luộc, đối với tôi đó là một món ăn dân dã tuyệt vời, đối với một người ngoại quốc đó có thể là món ăn nhàm chán vô vị, đối với những con gà khác khi tình cờ đi ngang qua thì đó có thể là một tội ác ghê tởm mà tôi là thủ phạm.

(Hình ảnh minh họa: TT Mỹ Obama ăn thịt gà và phản ứng của con gà)

Tôi dẫn dắt câu chuyện như vậy để bắt đầu cho phần chia sẻ bên dưới đây mà bạn đọc có thể sẽ phải nhìn rộng hơn một chút để hiểu người Việt, nước Việt Nam được định vị như thế nào trong con mắt của người nước ngoài cũng như trong trong việc phân định đúng-sai và hợp lý.

Đó chắc hẳn là sẽ là câu chuyện gồm nhiều phần bao gồm những phần dẫn giải, ví dụ điển hình và cách để làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Khác với thường lệ là viết phần mở đầu trước, thì tôi sẽ viết phần giải pháp trước để bạn đọc đã hiểu chuyện có thể áp dụng ngay tức thì. Phần đông bạn đọc còn lại hãy kiên nhẫn chờ những phần khác sẽ được viết trong những bài chia sẻ khác.

III. Phần giải pháp

Kinh nghiệm cá nhân khi nói chuyện với người nước ngoài về những chủ đề phức tạp ở Việt Nam. Ce Phan nhận thấy, ngoài người Trung Quốc và Nhật Bản khá hiểu về Việt Nam, thì phần lớn người từ nơi khác đều có những nhìn nhận thiếu chính xác.

1. Thông thường, phần lớn người ngoại quốc đều có cái nhìn thiên lệch về Việt Nam (tích cực quá, hoặc tiêu cực quá). Để họ hiểu ra được câu chuyện mà bạn đang nói tới thì ngoài chuẩn bị các ý để chia sẻ, bạn luôn phải bắt đầu câu nói với: "Although, ........" ; "I know that you hold the view ...., but ...." hoặc tương tự như thế.

2. Người nước ngoài có niềm tin rất lớn vào chân lý, văn minh, khoa học ... và "đạo" nên trong phần lớn nhưng câu nói của họ ở thì tương lai đều khá lạc quan. Bên cạnh đó, họ thường rất tự tin về nền tảng giáo dục mà họ được học do đó sẽ có thể tranh luận tới cùng cho một chủ đề mà bạn đang nói tới. Nếu bạn muốn thuyết phục họ cho một điều bạn cho là đúng thì hãy kiên nhẫn "gỡ rối" từng phần trong hệ quy chiếu của họ cho một chuyện khác hệ quy chiếu đang diễn ra ở Việt Nam.

Ví dụ: người phương Tây nhìn vào cách ăn mặc vest, cách họp hành nội các, quốc hội, các biểu hiện trong nền kinh tế thị trường, nói tiếng Anh .... thì phần lớn đều cho rằng Việt Nam, Trung Quốc ... đã bắt đầu chuyển mình theo cách giống họ ở phương Tây. Rồi thế nào cuộc sống ở đó cũng sớm đi theo con đường mà họ đang trải qua. Để nói cho họ biết rằng họ đang "lầm to" thì bạn nhất thiết phải kiên nhẫn và giải thích từng bước một.

3. Người nước ngoài sống cho hiện tại và tương lai vì thế thường không kiên nhẫn nghe những câu chuyện về quá khứ. Đó cũng là dấu chỉ tại sao ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế tại Đại học ở Mỹ, phương Tây đang xa rời lịch sử của họ và lịch sử thế giới. Nhiều trường còn biểu tình để không học lịch sử của phương Tây.

Chính vì vậy, để thuyết phục được họ thì phải kiên nhẫn dẫn giải những câu chuyện về địa dư và lịch sử. Điều quan trọng nhất là sự hình thành và phát triển của Việt Nam và các nước xung quanh khác khá nhiều so với những gì họ tưởng tượng.

4. Người nước ngoài liên tiếp "mắc sai lầm" trong hầu hết các đối sách với Việt Nam - xét trên khía cạnh họ hợp tác và muốn giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam.

Nên hiểu một điều rằng tất cả các đối sách ngoại giao của bất kỳ cường quốc nào cũng nhắm tới một phần lợi nhiều hơn cho dân tộc họ, đất nước họ. Vì thế việc thương thảo với Việt Nam nhiều phần thiên lệch và mang tới những hệ luỵ mà người dân Việt Nam có thể sẽ gánh phải trong nhiều đời.

Đó là điều quan trọng mà mình cần giải thích cho người Anh, người Mỹ hiểu rằng chính phủ của họ đại diện cho lá phiếu của họ "đi bày trò" khắp nơi và chưa chắc điều đó đúng với nguyện vọng của cử tri. Hầu như tất cả người dân trên thế giới này đều yêu thương nhân loại. Chỉ có số ít người tham vọng muốn can thiệp nhiều hơn với mục đích khác.

Ví dụ: việc Việt Nam mắc kẹt trong đối sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khoảng trước và sau năm 1975 đã đẩy Việt Nam vào nhiều cuộc chiến bị động.

5. Người nước ngoài nhìn tiêu cực về chính trị nước họ và tìm thấy sự chia sẻ ở Việt Nam. Những người như vậy nhiều vô số kể. Họ chán ghét chính trị là điều hết sức bình thường vì chính trị nước họ là đa cực- không thể làm hài lòng mọi nhóm người được. Và nhóm người không ưa thể chế đang điều hành họ thường di chuyển đến những nước ngoài nhóm đồng minh để sống, du lịch, làm việc. Họ yêu cuộc sống mới cũng là lẽ thường tình bởi vì họ đang được trả thù lao theo người nước ngoài như chi tiêu theo kiểu nội địa. Hơn nữa họ còn được nhiều phần kính trọng của dân chúng địa phương.

Phải nói thật đây là nhóm người "tệ hại" nhất nếu bạn muốn nói cho họ nghe về sự thật đó. Mắt và tai của họ bị "mờ và điếc" đi đáng kể nên bạn sẽ gặp khó khăn hơn 10 lần, 100 lần khi nói chuyện với họ.

Xét về mặt nhận thức, họ trông tội nghiệp chẳng khác gì phần đông người dân đang sống ở đây. Hãy chấp nhận sự hồ đồ của họ và bình tĩnh nói chuyện trong trạng thái bình thường nhất. Có thể mất 5 năm, 10 năm nữa họ mới hiểu. Đây cũng được xem là nhóm người "dân chủ" hão huyền nhất toàn cầu.

Tóm lại, mọi góc nhìn đều có thể bị giới hạn bởi kiến thức và trải nghiệm. Cách Ce Phan hiểu vấn đề đang nói có thể khác với bạn, nhưng một điều gần như trở thành chân lý đó là cách đánh giá sẽ đúng hơn, xác thực hơn nếu bạn có nhiều thông tin hơn, nhiều kiến thức hơn trong một chiều gì đó. Niềm tin thông thường sẽ khó áp dụng trong những câu chuyện phức tạp mà tôi đang nói tới ở trên.

Việc giúp người nước ngoài hiểu về giá trị, con người, lịch sử và bối cảnh Việt Nam cũng chính là cách chúng ta giúp chính mình. Họ sẽ cư xử trên tinh thần là người bạn và đặt chúng ta ở vị trí hợp lý hơn trong tính toán ngoại giao của họ.

Đất nước và con người Singapore là một ví dụ tốt đẹp để chúng ta nhìn nhận. Họ làm ăn tốt với Trung Quốc, bang giao mật thiết với Anh và là bạn hàng tin cậy của Mỹ. Họ bang giao được với phần đông thể chế chính trị đối lập. Đó là điều tốt mà chúng ta cần học hỏi.


Ce Phan

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Lời của cha: 'đấu tranh tới cùng cho những gì mà con xứng đáng được nhận'

Có những câu nói mang lại cho bạn niềm tin để hướng tới những điều tốt đẹp mặc dù chúng không hề mới, cũng có những câu nói cũ rích mà chẳng biết từ đâu mà ra nhưng lại hoàn toàn cản trở mọi ngả đường đưa đến cuộc sống mà bạn mơ ước.

Câu chuyện bên dưới đây là một câu chuyện được thuật lại theo cách tưởng tượng của Ce Phan sau bài chia sẻ những hoạt động mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trích dẫn lại một chút để bạn đọc kịp hình dung. __ tôi muốn thử xem những người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là người Trung Quốc nghĩ gì về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và những hoạt động quân sự cũng như dân sự gần đây diễn ra trên hòn đảo này. Tôi viết bằng tiếng Anh: "Is anybody here from China? Do you think you can own the Paracel Islands legally which you took from us by force in 1974?" (Tạm dịch: Có ai trong diễn đàn này đến từ Trung Quốc không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể sở hữu quần đảo Hoàng Sa một cách hợp pháp khi mà bạn đã chiếm lấy nó từ chúng tôi bằng vũ lực vào năm 1974 không?" . Tôi chia sẻ bài viết song ngữ mà tôi đã dịch lên 2 nhóm người nước ngoài tại Việt Nam (2 nhóm sống tại Tp. HCM và 1 nhóm tại Hà Nội). Kết quả thực sự bất ngờ:

- 100% username với tên tiếng Anh đều nghĩ nên quên chuyện đó đi và bạn nên sống hướng tới tương lai thay vì nghĩ tới quá khứ và hiện tại. Chiến tranh sẽ xảy ra nếu Việt Nam muốn lấy lại cụm đảo này.
- 100% username với tên tiếng Việt thì chửi mình thậm tệ.

Tôi đã phải xóa đi các bài đăng đó, vì những lời nói quá sâu cay của những người bình luận. Tôi sẽ không làm như thế nếu đó chỉ là những "nick ảo", nhưng có vẻ không- họ là những người thật đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Nhóm những người bình luận thô tục về phần chia sẻ của tôi thì chẳng đáng để bàn, tôi đang muốn nói tới nhóm những người phản đối nhưng dùng ngôn ngữ khá hàn lâm và mạch lạc. Những lời giải thích đại loại như: "Chúng tôi chỉ muốn những hòn đảo này không thuộc sở hữu của ai hết, đó là nơi dành cho cá và muôn thú" ; hoặc là "khó lòng mà nói được hòn đảo này thuộc về ai, người Trung Quốc cũng đang nắm giữ những bằng chứng quan trọng để chứng minh hòn đảo thuộc về họ". Có người còn nhấn mạnh "Việt Nam muốn thế giới công nhận đây là hòn đảo của họ, nhưng dường như không có bằng chứng nào chứng minh được điều đó. Thủ tướng của họ là Phạm Văn Đồng đã có giấy công nhận quyền quản lý hòn đảo này thuộc về Trung Quốc".___

Tôi nghỉ trưa và nghĩ tới câu chuyện đó một lần nữa thông qua hai cuộc hội thoại bên dưới đây và liên tưởng về con người trong thế giới toàn cầu hóa và con người thuộc về một quê hương nào đó.

Câu chuyện của Vương Hùng và Luận Trung trong năm 2017, và câu chuyện giả tưởng của con cháu của 2 gia đình trên.

- Vương Hùng: Ce Phan đã hỏi câu hỏi về tính chính danh của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Nó hỏi người Trung Quốc đó. May quá, tao gặp mày, mày thấy tụi mày có muốn chơi tới cùng không vậy.
- Luận Trung: Thôi tha cho tao đi Hùng, tao ở Việt Nam đã lâu, chuyện chiến tranh giết chóc giữa 2 nước đã quá mệt mỏi rồi. Cái gì thuộc về tụi mày thì ắt sẽ là của tụi mày, việc gì mà tranh cãi.
- Vương Hùng: Đúng là thằng Tàu con. Mày nói chuyện luẩn quẩn như ông thầy Tử Khổng của mày. Tụi tao chán ghét nghe cách luận của tụi mày rồi. Tao biết mày không muốn can dự, nhưng mày có muốn đứng về phía tụi tao hay quay về Tàu.
- Luận Trung: Tao thì tao sống ở Việt Nam luôn rồi đấy, không về nữa đâu! Nhưng 3 cái đảo đó nhầm nhò gì, mặc kệ đi, cứ an vui mà sống có phải hơn không?

----------------- Một thời gian sau Vương Hùng xuống đường biểu tình vì biển đảo và thu hút hàng vạn người tham gia. Ban đầu dân chúng sợ hãi vì những lời đe dọa chiến tranh, nhưng về sau số người ủng hộ và góp tiếng nói đã lên đến vài triệu người. Không may, Vương Hùng đã bị ghép vào nhiều tội khác nhau và dành phần lớn thời gian còn lại trong đời trong ngục tù. Con trai anh là Vương Việt cũng lớn lên với khí phách của cha và đã có cách đấu tranh thông minh hơn và cuối cùng 100 năm sau đứa cháu là Vương Đại đã nhìn thấy giang sơn bờ cõi liền một dải, ải Nam quan đã thuộc về Việt Nam, đảo Hoàng Sa-Trường Sa cũng thuộc về Việt Nam như vốn dĩ của nó. Và đây là câu chuyện của những đứa cháu của Vương Hùng và Luận Trung sau 100 năm -----------------

(Hình ảnh minh họa: Phillip Dang và Phong Le, đang diễn cảnh một người Việt Nam và một người Trung Quốc đã tranh giành về chỗ đậu xe giữa hai nhà)


- Vương Đại: Ê, bài viết văn mà cô giáo đã ra đề hôm trước bạn đã làm xong chưa.
- Luận Hán: Bài nào nhỉ, có phải là bài viết về 'Làm thế nào để theo đuổi ước mơ phải không'
- Vương Đại: Đúng rồi
- Luận Hán: Mình viết và gửi cô rồi. Theo mình thì ông bà, cha mẹ là tiền đề cho con cái để đạt được ước mơ. Ông nội mình và cha mình và ví dụ điển hình. Gia đình mình xây dựng được những chuyến du lịch ra biển Đông có giá hàng triệu đô cũng là nhờ tầm nhìn của ông và cha mình.
- Vương Đại: Vậy sao? Cha mình chỉ nói "khi con muốn làm điều gì tốt đẹp cho con và cho đời thì hãy làm ngay. Con hãy đấu tranh tới cùng cho những gì mà con xứng đáng được nhận"

Đấy, các bạn thấy không? Lời dạy nào cũng mong muốn gửi gắm một thông điệp nào đó cho người nghe. Có những điều nghe có vẻ cứng nhắc, có những điều nghe có vẻ dễ dàng. Nhưng cho dù như thế nào đi nữa, lịch sử cũng sẽ ghi nhận lại những gì mà những người con sinh ra từ mảnh đất ấy như những hồn thiêng nuôi nấng hậu thế và con cháu sau này. 

Có lẽ bạn đang sống an vui, có lẽ bạn là Vương Đại hoặc Luận Hán, nhưng bạn sẽ nhận ra rằng mình hoàn toàn không phải là con khỉ đá sinh ra từ một nơi hoàn toàn không có tổ tông. Cha ông bạn không phải là cục đá, mà họ là những vị trưởng lão kiến tạo nên cuộc sống hôm nay. Hãy nhìn lại để biết mình là ai?

Ce Phan