Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Cha mẹ Nhật lo lắng điều gì khi con vào lớp 1?

Ở Việt Nam, bước chuyển giữa mẫu giáo và tiểu học tạo ra sự khác biệt lớn do vậy mà cha mẹ Việt quan tâm tới năm học đầu tiên trong trường tiểu học rất nhiều. Ở Nhật Bản, sự chuyển tiếp này ngày càng khó nhận ra khi mà chương trình năm cuối ở mẫu giáo và lớp 1 không khác nhau quá nhiều. 

Tuy không phân biệt thành từng môn học ở các trường mầm non tại Nhật Bản, nhưng chương trình đào tạo đều xoay quanh những yêu cầu chính như sau: sức khoẻ thể chất; tương tác xã hội (sức khoẻ tinh thần); hiểu biết thế giới;  yêu thích thiên nhiên, khoa học và nghệ thuật. Những giá trị đó phải được lồng ghép trong từng hoạt động trong trường học và luôn được đánh giá cũng như giám sát bởi cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. 

Khi trẻ em lên 6 tuổi tính đến tháng 4 hàng năm thì được nhập học vào lớp 1 trong chương trình tiểu học kéo dài 6 năm. Giai đoạn này các em sẽ chính thức được học thành từng tiết học 45 phút (giống như ở Việt Nam) nhưng các môn học thì cũng có cấu trúc giống như trong giai đoạn mẫu giáo nên học trò không cảm thấy khó khăn từ sự khác biệt hoặc quá mới mẻ. 

(Hình ảnh minh hoạ từ CBSNews)


Học ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là mối quan tâm lớn trong lớp 1 ở Nhật Bản

Hiện tại, việc học tiếng Việt ở lớp 1 thu hút sự chú ý từ nhiều người ở các vai trò khác nhau tại Việt Nam. Nhưng ở Nhật, thì tiếng Nhật không phải là mối quan tâm chính của phụ huynh khi con họ vào lớp 1 và cũng không phải là chủ đề nóng trên các mặt báo. 

Thực ra, việc học tiếng Nhật đã diễn ra rất nhẹ nhàng trong nhiều năm qua ở Nhật kể từ khi có cải cách giáo dục từ thời Minh Trị. Con nít được tiếp cận với sách từ rất sớm, có thể nói là ngay khi lọt lòng mẹ đã được người lớn đọc sách cho nghe. Chính vì vậy, trẻ em Nhật rất gần gũi với sách và chữ nghĩa.

Không quá ngạc nhiên nếu bạn nghe nói chuyện trẻ em 3 tuổi ở Nhật có thể đọc được những ký tự cơ bản trong bảng chữ cái Hiragana trong tiếng Nhật. Lớn hơn một chút nữa thì các em đã có thể nhận ra mặt chữ được in lớn trong sách dạng tranh ảnh mà người Nhật gọi là “ehon”. 

Việc dạy chữ cái không phải là yêu cầu bắt buộc trước 6 tuổi, nhưng hầu như các em đều nắm bắt được chữ nghĩa từ rất sớm thông qua các hoạt động ở trường mầm non hoặc được hướng dẫn thêm ở nhà. Chương trình dạy chữ sớm này được biết là “kumon” (một phương pháp giáo dục giúp các em biết đọc, biết viết và làm toán trong giai đoạn mầm non). 

Tuy nhiên, nếu các em không thể viết được chữ cái khi vào lớp 1 cũng không đáng lo vì các em sẽ được học lại từ đầu khi bắt đầu tiểu học. Chương trình tiểu học ở Nhật là chương trình dạng toàn thời gian, bao gồm cả buổi sáng và buổi chiều (giống kiểu chương trình học bán trú ở Việt Nam). Thường thì buổi sáng các em học 4 tiết, buổi chiều học 2 tiết và thời gian còn lại là thời gian tự học. Do có rất nhiều thời gian như thế nên các em cứ từ từ mà học. Thêm nữa là cấp học tiểu học không có đánh giá xếp hạng, chỉ có thi học kì (từ lớp 3 trở đi) nên em không phải lo chuyện thi cử từ sớm cũng như các áp lực không đáng có. 

Mặc dù tiếng Nhật được xem là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới nhưng chính trương trình học được tính toán hợp lý và phân bổ ra nhiều lớp học nên các em có thể học từ từ mà không hề thấy quá khó khăn khi tiếp cận. 

Con cái tiềm được niềm vui ở trường hay không là điều mà phụ huynh quan tâm nhất trong lớp 1

Khi cho con vào lớp 1 thì phụ huynh quan tâm tới việc con mình có cảm thấy vui không khi đến trường. Họ cũng xem mối quan hệ bạn bè là điều quan trọng nhất trong lớp học này. 

Cũng chính gì nắm bắt được tâm lý này, chính quyền địa phương rất tinh ý trong việc xếp trường và xếp lớp cho các em. Họ cố gắng đảm bảo mỗi em đều có ít nhất một người bạn từng chung trường ở cấp học mầm non. 

Mỗi ngày khi con đi học về, cha mẹ sẽ hỏi “Con đi học hôm nay có vui không?” Thay vì hỏi “Hôm nay con học được gì?”. Dĩ nhiên là ai cũng qua tâm tới kiến thức và kỹ năng con mình học được ở trường, nhưng trong năm đầu tiên ở tiểu học thì cha mẹ người Nhật mong con yêu trường, yêu lớp hơn là mong muốn nhìn thấy một kết quả học lực của con. 

Khi tôi hỏi bạn bè người Nhật để xem họ có dạy chữ cho con họ ở nhà không thì họ khẳng định là có nhưng chỉ là mức hỗ trợ. Họ sẽ mở sách bài tập luyện chữ mà con chưa làm xong trong thời gian tự học ở trường ra xem và hỏi xem con họ gặp khó khăn gì. Họ sẽ động viên để chúng hoàn thành xong bài tập và đôi lúc chỉ thêm những vấn đề khác. 

Phải nói thêm là sách tự học (hay sách bài tập) của học trò ở Nhật rất dễ học vì các kiến thức thường được mô phỏng thành hình và được chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa các bài học và không hề có đánh đố. Các em hầu như tự biết làm khi mở ra bài học kế tiếp. 

Như vậy, khác với Việt Nam khi cha mẹ Việt chú ý nhiều tới việc học chữ của con trong lớp 1, cha mẹ người Nhật chỉ quan tâm con hoà nhập như thế nào trong môi trường mới. Nếu các em cảm thấy vui khi đến trường mỗi ngày thì họ cũng cảm thấy rất nhẹ nhõm. 

Ce Phan