Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Học trò chỉ được dùng điện thoại trong những trường hợp rất hạn chế trong trường học ở Nhật Bản

 Quyết định sửa đổi thông tư của Bộ Giáo dục Việt Nam về việc sử dụng điện thoại trên trường học đã tạo ra những ý kiến trái chiều nhau. Đây cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi ở nhiều nền giáo dục khác nhau trong sự cân bằng giữa lợi ích của việc sử dụng điện thoại trên trường và những tác hại của nó. Riêng ở Nhật Bản, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong những trường hợp rất hạn chế trong trường học. 

Cũng tương tự như ở Việt Nam, số lượng học sinh Nhật Bản sở hữu điện thoại ngày càng tăng cao. Theo số liệu được thống kê trong năm 2019, tỷ học sinh Nhật Bản có sở hữu điện thoại là 3%; 14%; 18%; 63% cho các đối tượng lần lượt là lớp 1-2; 3-4; 5-6 và trung học (1). Tỷ lệ này cũng phản ánh mức độ chấp nhận sử dụng điện thoại của phụ huynh dành cho con cái cũng tăng dần khi các em lớn lên. 

Mặc dù việc học trò có điện thoại riêng là lựa chọn mang tính cá nhân nhưng trường học ở Nhật rất dè dặt trong việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại bên trong trường học. Theo một quyết định từ Bộ Giáo dục Nhật Bản vào năm 2019 thì trung học cơ sở trở xuống bị cấm mang điện thoại lên trường học (2). Gần đây thì họ đã cân nhắc lại quyết định trên sau những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho học trò vì thiên tai khi các em đi học. 

Hiện tại, các chính quyền địa phương ở Nhật Bản sẽ có quyết định riêng của họ rằng học sinh có được phép mang điện thoại lên trường hay không. Những trường học cho phép các em mang theo điện thoại đều có những hướng dẫn sử dụng rất cụ thể để tránh việc lạm dụng điện thoại trên trường học. 

Theo đó, điện thoại các em phải để ở chế độ khoá trong suốt giờ học. Các em được phép mở điện thoại trong những giờ giải lao nhất định hoặc lúc đang di chuyển trên đường. 

Đối với học sinh trung học thì các em được đồng ý mang điện thoại lên trường nhiều hơn. Sẽ có nhiều khoảng thời gian hơn để các em sử dụng điện thoại cho mục đích học tập. Tuy nhiên, gần như rất hiếm có trường hợp các em được phép sử dụng điện thoại trong lớp học. 

Mặc dù điện thoại ngày càng được mọi người sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau, trong đó có học tập. Nó vẫn còn được xem là công cụ cần được hạn chế trong trường học ở Nhật bởi vì những tác hại mà nó mang lại. Không những thế, phụ huynh ở Nhật cũng rất dè chừng trong việc cho phép con cái của họ sử dụng điện thoại hay các phương tiện điện tử ở nhà. Những vấn nạn về nghiện game, nghiện internet và những thông tin độc hại chính là những lo ngại chính trong việc hạn chế các thiết bị công nghệ cao tới học sinh. 


Nguồn tham khảo

(1) Số liệu về tỷ lệ sở hữu điện thoại theo nhóm tuổi của học sinh ở Nhật được thống kê năm 2019

https://www.moba-ken.jp/project/children/kodomo12.html

(2) Nguồn về quyết định xem xét bỏ lệnh cấm sử dụng điện thoại cho học sinh trung học cơ sở trở xuống

https://www.japantimes.co.jp/news/2020/06/25/national/social-issues/japanese-education-panel-broadly-oks-smartphone-ban-lifting-junior-high-schools/


(Hình ảnh minh hoạ được sưu tầm từ Getty Images)


Ống hút thân thiện với môi trường và khởi nghiệp

 Dạo gần đây Starbucks đã giới thiệu ống hút giấy tới khách hàng của họ. Mình cũng là một khách hàng khá thường xuyên của thương hiệu này kể cả ở Việt Nam cũng như ở Nhật. Mình uống nhiều đến nỗi có cả thẻ thành viên gold của nó. 

Khách sau khi order nước uống sẽ được hỏi rằng liệu bạn có thể chọn ống hút giấy hay không? Nếu không thì vẫn có thể sử dụng ống hút nhựa như cũ. 

Ống hút giấy thì dĩ nhiên là sẽ thấm nước nhưng có lẽ nó không ảnh hưởng gì đến chất lượng nước uống. Nó cũng được làm từ loại giấy cứng nên không dễ bị bẫy trong vài tiếng sử dụng. 

Cách đây ít lâu mình nghe một câu chuyện khởi nghiệp trên đài NHK của Nhật về một nhóm các bạn trẻ Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu sử dụng ống hút cỏ. Ở Việt Nam có một loại cỏ mà thân của nó hoàn toàn rỗng và vỏ khá cứng vì thế người ta có thể dùng nó để thay thế cho ống hút nhựa thông thường. 

Nhóm khởi nghiệp này đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm này tới các nhà hàng ở Nhật. Sản phẩm này được lựa chọn mặc dù có giá cao hơn rất nhiều so với ống nhựa là bởi vì nó tạo được thiện cảm cho khách hàng. Hình ảnh của nhà hàng sẽ được cải thiện hơn khi họ có xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. 

Ý tưởng về những chiếc ống hút này cũng thú vị phải không? Mình sẽ chia sẻ thêm những gì mình nhìn thấy trong đời sống thường ngày ở nước Nhật để chia sẻ tới các bạn. 

Thôi mình tiếp tục uống cafe đây! Chúc các bạn một tuần mới vui vẻ. 

(Ống hút giấy trong một quán cafe của Starbucks, Tsukuba, Nhật Bản)


Một vài suy nghĩ sau khi thấy người ta đếm xe ở Nhật Bản

Mình vừa chạy dọc một con đường và thấy có nhiều điểm trên con đường ngày có người ngồi đếm xe. 

Nghề đếm xe cũng từng được một mô phỏng trong một tập trong phim hoạt hình ở nước Nhật khi mà các cô gái muốn kiếm tiền bằng việc ngồi đếm xe. 


(Hình ảnh được sưu tầm từ internet)

Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản các bạn nhé! Cụ thể như thế nào?

Người đếm xe không chỉ đếm số lượng xe chạy qua một đoạ đường mà còn phân loại các dòng xe và số người ngồi trên xe và nhiều tiêu chí khác tuỳ theo yêu cầu của nhà quy hoạch đường phố. 

Số liệu mà những người đếm xe này sẽ là dữ kiện thật để các nhà quy hoạch đô thị dựa vào đó để có những điều chỉnh phù hợp về số làn xe, độ rộng làn xe và các công trình phụ trợ khác. 

Thành phố Tsukuba nơi mình đang sinh sống ở Nhật có một đặc điểm đô thị khá thú vị mà mình cảm nhận được. Dường như các điểm thu hút giao thông bị "vỡ trận" khi có sự thiên lệch giữa những gì kỳ vọng trong bản thiết kế và thực tế diễn ra. 

Trung tâm thành phố với những công trình công cộng và thương mại chính lại "hẻo" hơn khu vực suburban (ngoại vi) do sự xuất hiện của các siêu thị lớn như Costco, Trial, Taiyo ... 

Sự tập trung trung dân cư một cách nhanh chóng xoay quanh các khu vực mới đã tạo nên một sức nóng vô cùng lớn. Những luồng giao thông từ các thành phố lân cận đổ về để mua sắm ở các siêu thị này cũng khá nhộn nhịp. Quán xá, cửa hàng, trường học cũng theo đó mà mọc lên rất nhanh. 

Hệ quả là những tuyến đường chỉ với 2 làn xe đã nhanh chóng tắt nghẽn. Nó bị nghẽn không chỉ trong giờ cao điểm mà liên tục diễn ra cảnh đông đúc trong phần lớn thời gian trong ngày. 

Khi mới tới sinh sống ở đây, mình đã phần nào nhìn ra sự thiên lệch này. Sức hút của khu vực trung tâm là không đủ lớn để là một trung tâm thực thụ mặc dù nó chính là nơi có hệ thống hạ tầng tốt nhất.

Sự chuyển dịch hôm nay bằng việc đếm xe để tiến tới bước tiếp theo là điểu chỉnh lại quy hoạch của thành phố là điều cần thiết. Các tuyến đường tại các điểm thu hút mới cần được mở rộng hoặc bổ sung hợp lý để tạo ra các luồng giao thông hài hoà hơn. 

Có lẽ mình nên xin một chân đếm xe để góp phần làm cho thành phố này ngày càng trở nên tiện nghi hơn! 


Ce Phan


-------
Đếm xe để biết lưu lượng xe trên một tuyến đường. Nói tới đây mới nhớ loáng thoáng tới một bài giảng của thầy Huỳnh Đình Lượng (môn địa lý lớp 12) rằng khi đếm xe qua một khúc đường sẽ biết chi phí người ta dành ra khi đi qua một km đường là bao nhiêu và khi có ổ gà ở đó thì sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu như không được sửa. 

Bài học này đã lưu lại trong ký ức của tôi mặc dù đã 15 năm trôi qua kể từ ngày ấy. 

(Hình ảnh được sưu tầm từ internet)


Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Học sinh được nhận sách giáo khoa miễn phí ở Nhật Bản

 Phương thức giáo dục “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” vừa mới được hiện thực bằng việc giới thiệu một bộ sách giáo khoa mới cho năm học mới 2020-2021 ở Việt Nam. Trong đó, mọi người dành nhiều sự qua tâm cho bộ sách giáo khoa lớp 1 với trên 20 cuốn sách với giá bán khoảng 800.000 Đồng.

Đối với tôi, là một giáo viên tại Nhật Bản, tôi cho rằng chuyển dịch trên của Bộ Giáo dục Việt Nam là cần thiết mặc dù tương đối trễ so với các nền giáo dục khác. Bài này tôi sẽ chia sẻ những thông tin mà tôi biết về sách giáo khoa ở Nhật Bản để bạn đọc có thể tham khảo. 


Sách giáo khoa ở Nhật Bản được tư nhân xuất bản


Trước Thế Chiến II, Nhật Bản áp dụng một bộ sách giáo khoa duy nhất cho cả nước do Bộ Giáo Dục xuất bản. Tuy nhiên, đến năm 1947, Luật Giáo Dục ở Nhật có những quy định mới về xuất bản sách giáo khoa và cơ chế đó được sử dụng cho đến hôm nay. 


Theo đó , Bộ Giáo dục của Nhật Bản chỉ quản lý và giám sát  tiêu chuẩn của chương trình giáo dục của các cấp học mà không tự sản xuất sách giáo khoa. Dựa trên các yêu cầu đó, các nhà xuất bản tư nhân sẽ xây dựng nên nhóm nghiên cứu và viết sách giáo khoa. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều bộ sách giáo khoa tồn tại xung quanh khung chương trình giảng dạy đã được Bộ Giáo dục quy định. 


Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn một bộ sách giáo khoa để áp dụng cho hệ thống trường công lập hoặc bán công mà họ quản lý trực tiếp. Các trường tư nhân thì được quyền lựa chọn bất kỳ bộ sách giáo khoa nào đã được Bộ Giáo dục phê duyệt. 


Thường thì các bộ sách giáo khoa có giá chênh lệch không quá nhiều và có giá khá rẻ bởi vì giá sách được kiểm soát bởi Bộ giáo dục. Số lượng cuốn sách và số lượng trang cũng được quy định rõ nên nếu thoạt nhìn thì các bộ sách giáo khoa sẽ tương đối giống nhau ở vẻ bề ngoài. 



Sách giáo khoa được cấp phát miễn phí ở cấp học phổ thông ở Nhật Bản


Khác với Việt Nam, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 trong trường công lập Nhật Bản được nhận sách mới miễn phí hoàn toàn. Đó là quyền lợi mà tất cả học sinh ở Nhật đều được hưởng bao gồm luôn cả học sinh là con của người ngoại quốc. 


Các trường tư nhân hoặc bán công thì có thể học phí đã bao gồm sách giáo khoa hoặc học sinh sẽ tự mua riêng sách giáo khoa. 


Chính vì tất cả học sinh đều sở hữu sách cho riêng mình nên các em tự do hoàn toàn trong việc sử dụng cuốn sách. Do vậy, việc ghi chú trên cuốn sách giáo khoa là điều mà các em được khuyến khích ở Nhật Bản. Có rất nhiều khoảng không gian để trống để học sinh có thể viết trực tiếp vào đó. 


Về lý thuyết, một bộ sách giáo khoa ở Nhật Bản chỉ được sử dụng một lần mỗi năm vì thường có những cập nhật mới trong cuốn sách giáo khoa của năm kế tiếp. Do vậy, bộ sách giáo khoa cũ chỉ còn mang tính tham khảo chứ khó lòng được sử dụng chính thức cho các lớp sau. 


Học sinh Nhật học từ rất nhiều sách bên cạnh sách giáo khoa


So với hơn 20 cuốn sách dành cho lớp một ở Việt Nam, bộ sách giáo khoa dành cho mỗi lớp trong cấp tiểu học có ít hơn về số lượng cuốn sách (có khoảng từ 10-15 cuốn). Tuy nhiên, học sinh ở Nhật xem sách giáo khoa là một phần trong danh mục sách mà các em sử dụng trong quá trình học. Các em đọc sách rất nhiều bởi vì chương trình học của các em rất mở. 


Thầy cô giáo ở Nhật cũng đặt ra rất nhiều vấn đề trên lớp bên ngoài sách giáo khoa nên việc đọc sách bên ngoài là rất cần thiết. Thư viện trường sẽ cho các em mượn bất kỳ cuốn sách tham khảo nào mà các em cần. 


Người Nhật rất nổi tiếng về khả năng đọc sách và chắc chắn thói quen này đã được hình thành từ rất sớm. Có rất nhiều thống kê về số lượng sách mà học sinh Nhật đọc mỗi tháng. Thường thì một học sinh tiểu học sẽ đọc ít nhất một cuốn sách mới trong một tháng. Con số này sẽ tăng dần lên khi các em lớn lên. 


Nhìn chung, học sinh ở Nhật may mắn hơn học sinh ở Việt Nam khi được nhà nước hỗ trợ sách giáo khoa trong nhiều năm học. Các em cũng thuận lợi hơn khi được tiếp xúc với một kho tàng sách đồ sộ và hoàn toàn miễn phí trong thư viện trường học. Đặc biệt nhất đó là tinh thần khuyến khích đọc thêm sách đã thúc đẩy các em duy trì thói quen này trong suốt hành trình của cuộc đời. Đó là điều mà rất lâu nữa học sinh Việt Nam mới xây dựng được. 


Ce Phan

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Trẻ em Nhật chịu áp lực trước, hưởng hạnh phúc sau

Người Việt ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để nói về tầm quan trọng của việc phòng tránh và chuẩn bị trước cho những điều tồi tệ có thể xảy ra. Người Nhật cũng có tâm niệm tương tự bởi vì đất nước của họ từng chứng kiến rất nhiều thảm hoạ trong quá khứ. Một cách hiện thực hơn, họ đưa những thử thách đó thành các bài học nhỏ để học trò có thể luyện tập ngay trong trường mẫu giáo. 

(Ảnh minh hoạ/ bản quyền thuộc về báo Japan Today)

Bản thân tôi không ngạc nhiên khi UNICEF liệt kê trẻ em Nhật chịu nhiều áp lực trong học đường hơn so với các nước tiên tiến khác. Đó là chủ đề lớn mà trong ngành giáo dục của họ đã chú tâm đến trong những năm gần đây. Những thống kê của từ việc khám sức khoẻ tinh thần của các em trong trường học cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Tuy nhiên, nó không tệ như người ta tưởng. 


Trẻ em Nhật mang theo một hành trang với rất nhiều kỉ năng và kiến thức để vào đời.


Trong khi phần đông trẻ em mẫu giáo ở các nước khác đến trường chỉ để vui chơi và tận hưởng một “hành trình tuổi thơ” đầy thơ mộng thì các bé ở Nhật đã học cách để sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm. Không khó để bắt gặp những cuộc diễn tập chống hoả hoạn, động đất, ngập lụt diễn ra ở các trường học ở Nhật. 


Chỉ cần một tiếng tuýt còi bất ngờ (không bao giờ báo trước) thì tất cả các em sẽ phải nhanh chóng phản ứng theo chỉ dẫn của thầy cô. Trẻ sơ sinh thì được thầy cô bế trên tay, điệu trên người; trẻ em từ 1 đến 2 tuổi thì được cho vào xe đẩy cút kít; trẻ từ 3 tuổi trở lên phải tự chạy theo hàng. Tôi trải nghiệm ít nhất một lần mỗi tháng như thế trong rất nhiều tình huống được đặt ra khác nhau. Mỗi lần như thế đều rút ra một điều gì đó cần học hỏi và rút kinh nghiệm cho lần tiếp theo.


Nhiều lần trong số đó, các em đã phải nhanh chóng học cách thoát nạn khi đang trong lúc mải chơi, đang trong giờ ngủ trưa hay thậm chí đang ở trong toilet. Mục tiêu tối quan trọng của trường học là không được để xót bất kỳ một trường hợp nào trong điều kiện khẩn cấp. 


Mới đây, chúng tôi còn được huấn luyện cách lánh nạn khi có thiên tai nhưng vẫn thực hiện giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19. Một kế hoạch tỉ mỉ được gởi xuống trường học và ngay lập tức được chỉ dẫn để triển khai thực tập. 


Khi các em học sinh lớn lên, ngoài việc duy trì đều đặn những bài thực hành như thế, các em được rèn luyền rất nhiều kỹ năng khác. Học sinh ở Nhật rất giỏi các môn thể thao và khả năng nghệ thuật. 


Dĩ nhiên, cuộc đua trong hành trình bỗi dường kiến thức thì lúc nào cũng khắc nghiệt. Áp lực để kế thừa một lượng kiến thức đồ sộ mà thế hệ trước của nước Nhật để lại cùng với việc cạnh tranh với những trào lưu bên ngoài đã làm cho nhiều học sinh đuối sức. Đã có nhiều học sinh phổ thông ở Nhật bỏ học vì cảm thấy việc học quá áp lực. Điều này cũng được phản ánh phần nào trong thống kê của tổ chức Liên Hiệp Quốc. 


Người Nhật rất chấp nhận thực tế và học hỏi để vươn lên


Những thống kê về những khó khăn mà các em học sinh ở Nhật đang phải chịu đựng có được những con số rất xác thực là nhờ sự trung thực của họ. So với những đánh giá tương tự ở Việt Nam, có lẽ người ta tin vào cách làm của người Nhật hơn. 


Lấy bản thân tôi làm ví dụ, trong suốt 2 năm mẫu giáo,  12 năm học phổ thông và các chương trình giáo dục đại học, tôi chưa bao giờ được các bác sĩ về thần kinh đánh giá về sức khoẻ tinh thần. Thậm chí gần như không nhớ một kỉ niệm nào về việc khám sức khoẻ thể chất. Tuy nhiên, người Nhật chi tiền cho việc đánh giá sức khoẻ thể chất và tinh thần rất nghiêm túc. 


Chưa kể việc cha mẹ tự đưa con đi khám rồi điền vào các mẫu sức khoẻ do trường cung cấp, trẻ em ở Nhật được khám sức khoẻ định kỳ ngay trong trường học. Rất nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau đến khám cho các em. Dĩ nhiên, bác sĩ về thần kinh cũng đến khám hàng năm. Cũng vì thế mà nhiều em đang trải qua những khó khăn được phát hiện sớm và được tư vấn để vượt qua những điều đó.


Cũng tương tự như việc xét nghiệm Covid-19, khi có càng nhiều việc giám sát và đánh giá trong trường học thì “vấn đề” của các em càng lộ rõ hơn. Tôi thử gửi kết quả của UNICEF cho những người Nhật đang có con đi học thì không ai bất ngờ cả. Họ đều đồng ý với sự thật đó. 


Người Nhật rất ham học hỏi và vì thế đất nước của họ mới được như ngày hôm nay. Họ từng rất nhiều lần đứng lên từ đau thương và mất mát do đó việc chuẩn bị dành cho các em học sinh rất  trường kỳ. 


Khi tôi hỏi về những trải nghiệm trên, một người bạn của tôi nói “có thể trẻ em ở những nơi khác được dạy để hưởng hạnh phúc trước, các em học sinh ở Nhật phải luôn sẵn sàng trước những rủi ro nên hạnh phúc sẽ đến muộn hơn”. 


Ce Phan

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Câu chuyện nhỏ về bài học "xin lỗi" trong trường học Nhật Bản

Người Nhật vừa mới nghe một lời xin lỗi từ thủ tướng Shinzo Abe khi ông không thể phục vụ với vai trò lãnh đạo đất nước được nữa vì lý do sức khoẻ. Những người quan sát trên thế giới lại một lần nữa thấy được trách nhiệm và sự lịch thiệp của người Nhật qua sự kiện này. 

(Hình minh hoạ/ Nguồn từ Internet)

Câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây lại là một điều rất nhỏ bé về bài học “xin lỗi” mà các em học sinh học được trong trường học ở Nhật. 

Trong những ngày hè, trường tôi hay cho các em học sinh đi bộ bên ngoài để vừa có thể vận động vừa học được những điều thực tế từ cuộc sống xung quanh. 

Trước khi đi các em luôn được nghe lại những chỉ dẫn khi đi bộ ngoài đường để đảm bảo an toàn và tránh làm phiền người khác.  Tuy nhiên, hôm đó có một em đã vô tình làm hỏng một chú cho sứ nhỏ vì khi đi bộ lỡ quơ tay vào nó. 

Đó là một chú chó sứ trông có vẻ khá cũ được đặt trên một chậu nhỏ hơi lộ một tý ra ngoài đường đi bộ. Tất cả đã phải dừng lại để nghe về sự cố này và cô giáo chịu trách nhiệm chính cho buổi đi bộ đã cố gắng gõ cửa chủ nhà để xin lỗi. 

Sau một hồi không thấy ai mở cửa, cô cố gắng bắt chuyện với một bác lớn tuổi đứng gần đó thì biết được rằng chủ nhà vừa mới đi bộ qua một cửa hàng gần đó. Chúng tôi cố gắng cho các em đứng dưới một bóng mát và bảo các em hãy đợi kiên nhẫn một chút. 

Không quá lâu sau đó chúng tôi cũng được gặp chủ nhà để nói lời xin lỗi. Chủ nhà là một bà lão khoảng ngoài 80 khi thấy mọi người đợi mình thì lập tức nói “sumimasen” (xin lỗi) như một cách xã giao lịch thiệp. Tôi thấy cô giáo tường thuật lại sự việc và cô ấy cứ liên tục cuối người xin lỗi sau mỗi câu nói. Còn bà lão thì liên tục nói “Daijoubu, sumimasen” (không sao, xin lỗi nhé!). Bà ấy cũng nói xin lỗi vì không may xảy ra chuyện trên. 

Các em được giải thích thêm một lần nữa về sự cố trên và cùng nhau cúi đầu xin lỗi bà lão thêm lần nữa trước khi rời đi. 

Còn thầy cô thì cũng xếp hàng xin lỗi và xin bà lão cho mang chú chó xứ bị gãy về để tìm cách dán keo lại. Bà ấy cứ bảo không sao nhưng thầy cô thì ráng nài nỉ nên cuối cùng cũng mang được nó về để sửa.

Nhưng chuyện không có thế! Khi về đến trường và tường thuật lại câu chuyện cho quản lý thì thấy không khí có căng thẳng. Lúc đó tôi chỉ biết lắng nghe chứ cũng không biết nói làm sao bởi vì tôi nghĩ sự việc không có gì quá nghiêm trọng và mọi người đều đã nói lời xin lỗi. 

Đã có một cuộc họp nhanh diễn ra sau đó để rút ra kinh nghiệm chung sau sự cố trên. Người quản lý trường cùng với cô giáo lúc sáng đã mang chú chó đã được dán keo cùng một món quà nho nhỏ tới gặp bà lão một lần nữa. 

Câu chuyện này cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt mấy ngày. Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá xin lỗi của người Nhật thì tôi mới hiểu được rằng người Nhật luôn cố gắng để tránh làm phiền lòng nhau và luôn nỗ lực để làm mọi thứ diễn ra hài hòa nhất có thể. 

Kể từ sau lần đó, danh sách những điều căn dặn các em trước khi bước ra đường được bổ sung thêm một điều lưu ý mới. Đó là những thứ trên đường mà các em có thể vô tình đụng phải và gây hỏng, hãy để tâm để không gặp những sự cố tương tự. 


Ce Phan