Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Bài học muộn nhưng vẫn còn kịp: Tiền & Giá trị

Đúng ra bài học này nên được ưu tiên hơn tất cả ngay khi một đứa trẻ bắt đầu biết cầm đồng tiền trên tay. Bởi lẽ sự hiểu biết về tiền và giá trị cũng dễ hiểu như các bài học đầu đời khác như: học cách giữ vệ sinh, học cách tập thể dục, học sử dụng các dụng cụ trong gia đình.

Nhưng không may thay, người lớn vẫn né tránh việc tìm hiểu và truyền đạt lại cho con cái. Kết quả là, có nhiều thế hệ đang hiểu khá lệch lạc giữa tiền bạc & giá trị và cũng vì thế mà có nhiều chuyện tệ hại xảy ra xung quanh cuộc sống liên quan đến việc ứng xử thế nào với tiền bạc. Một phần trong đó, xét trên quan điểm cá nhân, tôi thấy người Việt đương đại đang "phản ứng" khá thường trực trước việc giữ vàng và ngoại tệ để bảo lưu tài sản của họ (1).

Để hiểu vấn đề này thêm cặn kẽ, chúng ta nên ôn lại lịch sử của tiền tệ một chút.

Lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong mỗi giai đoạn cầm quyền của một thể chế nào đó. Đi liền với những thay đổi đó là sự thay đổi về tiền và những nhiêu khê do việc trao đổi mệnh giá đồng tiền mang lại. Nguyên nhân thay đổi có thể là do mục đích về thương mại, hoặc có thể là uy quyền cai trị của một chế độ mới khi họ muốn thâu tóm lại "phần giá trị" từ tiền bạc được cung cấp bởi giai đoạn cai trị trước đó.

Có khá nhiều ví dụ điển hình qua những lần thay đổi về tiền trong suốt chiều dài lịch sử được biên lại khá cụ thể qua các nghiên cứu (2). Nhưng vòng đời của tiền tệ đã kinh qua những chặng sau:

- Trao đổi trực tiếp bằng tài sản hữu hình (nhà cữa, ruộng đất, nô lệ, gia cầm, gia súc ...)
- Sử dụng các kim loại quý như: vàng, bạc, đồng ... để làm thước đo cho giá trị của hiện vật để trao đổi.
- Sử dụng tiền bằng giấy, nhựa ... để thuận tiện hơn cho việc trao đổi và nhưng vẫn được neo giá trị bằng kim loại quý (cụ thể là vàng) và tổng sản phẩm quốc nội.
- Tín dụng hiển thị bằng con số (tiền) tiền quy ước trong các tài khoản ngân hàng. Cũng tương tự như tiền, nhưng tín dụng có mức thanh khoản cao hơn, tiết kiệm được chi phí in tiền mặt và hạn chế nạn làm tiền giả, trốn thuế.


(Phần giải thích các vấn đề về tiền - Tài Dương)

Trên chỉ là những viện dẫn lại từng bước đi của tiền, nhưng cũng không cần thiết khi phải đi sâu hơn nếu ứng dụng vào một cá nhân trong đời sống thường nhật. Bên dưới đây mới là phần tôi muốn nhắc tới.

- Thứ nhất: Kiếm tiền cũng có nghĩa là chịu phi phối bởi tiền dù ít dù nhiều.

Bất kể bạn là ai: tu sĩ, vô sản dân, nhà văn, .... một khi bạn có nhu cầu cần đến tiền thì điều đầu tiên trên tất cả là bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng trong quy luật của riêng nó. Đó là "tính trao đổi".

Điều để trao đổi để lấy tiền có thể là: sức lao động, vật chất hiện có, "cái vốn trời cho", .... và bất kể điều gì khác miễn là điều bạn có mà có người khác cần. Kể cả niềm tin!

Đó là những giá trị thật mà bạn phải đem lên "cân" để đổi lấy một điều khác mà bạn đang cần. Nhưng cũng có những xảo thuật, mà những người xấu áp dụng để đoạt được tiền từ người khác mà không phải thông qua giá trị khế ước công bằng giữa tiền-giá trị.

Chuyện vặt có thể thấy trong hành vi lạm dụng tiền là trộm, cướp. Cao hơn một tý là bán hàng giả mạo. Tinh vi hơn tý nữa là đầu cơ, tích trữ và thao túng thị trường. Nhưng bỉ ổi nhất đó là nạn tham nhũng và chủ đích bóp méo cán cân thương mại tiền-giá trị thông qua việc in tiền mà không cải thiện về kết quả sản xuất nội tại.

Như vậy có thể thấy, bất kỳ ai cũng sẽ chịu sự ảnh hưởng tích cực/tiêu cực từ bất kỳ sự kiện nào liên quan tới tiền bạc. Và, dù người lãnh đạo có trong sạch cỡ nào, nhưng nếu kém cỏi thì cũng ảnh hưởng đến túi tiền của bạn! Tiền của bạn sẽ tự động mất đi giá trị nếu mẫu số chung về năng suất lao động của đất nước bị giảm đi.
- Thứ hai: Có tiền rồi, giá trị nhận được sẽ là bao nhiêu?

Giai đoạn kiếm tiền đã có nhiều thứ cần nói đến rồi, nhưng đã có tiền rồi thì sao? Bạn có dùng nó đúng với giá trị của nó.

Tiêu tiền dễ lắm phải không nào? Không hẳn thế!

Nếu trong tủ đồ của bạn còn những chiếc váy chỉ mới dùng 1,2 lần dù mua đã lâu. Trên kệ sách có nhiều cuốn sách chỉ dùng làm trang trí. Chiếc đồng hồ, máy tính, điện thoại chỉ được dùng ở một chức năng nào đó mà bỏ qua những điều hay ho khác. ...
Bạn có quyền quyết định tài sản của mình! đương nhiên. Nhưng bạn đang lãng phí và có thể chẳng hiểu gì về tiền-giá trị. Điều đó cũng phần nào nói lên rằng bạn cũng không mấy hiểu về giá trị lao động và tài sản trước tiền của bạn. Xa hơn, bạn cũng đang góp phần làm tiêu cực đi giá trị của tiền tệ.

Trong một sản phẩm được làm ra giá trị của nó thường được tính nôm na là: chi phí sản xuất + giá trị sử dụng (hoặc giá trị niềm tin) mà người dùng có được. Tuy cách tính thực tế của mỗi nhà sản xuất khác nhau, cũng như cách từng doanh nghiệp sẽ định nghĩa khác nhau nhưng nếu bạn không sử dụng sản phẩm đó tới một ngưỡng kỳ vọng nhất định thì bạn đang lãng phí (tính theo mẫu số chung trên tổng người dùng)
Qua 2 phía mà cũng chính là 2 giai đoạn (kiếm tiền, tiêu tiền), bạn có thể thấy giá trị thật sự rất khó được bảo toàn do bên quản lý về tiền tệ, cũng như bên tham gia vào vòng tuần hoàn tiền đều có những tác động tiêu cực tới giá trị của nó. Hiện tượng thường trực mà tôi có đề cập trong phần mở đầu là có một bộ phận sẽ nắm giữ vàng hoặc ngoại tệ chỉ để bảo lưu tài sản của mình. Tôi nói bảo lưu thay vì nói đầu tư bởi vì để người giữ những tài sản như vậy để trở thành nhà đầu tư thì phải có thêm nhiều bước am hiểu nữa về loại tài sản đặc biệt này.

Chung quy lại: bài học căn bản và đơn giản nhất mà chúng ta nên dạy cho con nít là:
- Con nhận tiền đó, tại sao? Số tiền đó lớn hay nhỏ khi so với những gì đứa trẻ thể hiện?
- Con chi số tiền đó, tại sao? Điều con mua được nó quan trọng ra sao tới nhu cầu của con?

Ce Phan
-------
(1) - Tại sao người Việt giữ vàng? https://www.ft.com/content/83a29cdc-5cb9-11df-bd7e-00144feab49a
      - Tại sao ngoại tệ ở Việt Nam nhiều nhưng thiếu thanh khoản http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/kinh-te/Vietnam-is-not-short-of-foreign-currency-except-for-cash-settlement-NNguyen-07072010220253.html
(2) - Hành trình của Tiền Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tiền_Việt_Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét