Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Lương Kim Định: Vai trò Nho Giáo có thể đảm nhiệm trong thế giới hôm nay (phần 3)


(Xem phần trước)

II. TƯỢNG


11. Bây giờ xét đến tượng. Tượng là bước thứ hai sau lời. Văn hóa nào bám vào lời thì phải thải bỏ hết các biểu tượng, nên Tượng chỉ có lác đác một cách cầu âu. Nhưng văn hóa muốn đi vào đời tất phải có tượng, vì nó cụ thể gần với việc, nhất là nó mềm giẻo dễ uốn nắn theo hoàn cảnh là điều cần trong đời sống muôn mặt.

Tượng lớn hơn hết trong nguyên nho là những quan niệm về Trời, Ðất, Người được biểu tượng bằng hình tròn vuông, "Thiên viên địa phương": trời tròn đất vuông. Biểu tượng này không hẳn riêng của Nho trong các nền văn hóa thời sơ khai người ta gặp hình tròn vuông lu bù, như mandala là thí dụ. Nhưng đến nay chúng đã quá lu mờ, không thể biết rõ ban đầu chúng có biểu thị trời đất chăng, cũng không biết trải qua các chặng biến hóa hình tròn vuông đã chỉ thị những gì thì chưa được tìm ra. Tuy nhiên đó là phần việc của khảo cổ và cổ sử. Riêng trong triết, người ta cũng thấy có dấu vết của một số văn hóa nghiêng về tròn, hoặc nghiệng về vuông, thí dụ như thời đại thạch thì nghiêng về tròn, như thấy trong kiểu xếp đặt theo vòng tròn trong các Menhir bên Pháp hay stonehenge bên Anh. Ấn Ðộ có biểu hiệu rắn cắn đuôi, tức cũng tròn. Ngược lại bên Sumer hay Assyria thì thiên trọng về vuông, như thấy trong hình các Ziggurat luôn luôn vuông. Quan sát theo mấy ấn tích lớn đó, ta có thể nói hầu như không nơi nào có được tròn vuông hòa hợp.

Riêng bên Nho thì tròn vuông hòa hợp và có đầy tang chứng: tiêu biểu hơn là cả đền Tế Thiên với nền vuông mái tròn. Xe vua đi thì thùng vuông mui tròn. Nho gia đi giầy vuông đội mũ tròn...

Do biểu tượng tròn vuông trên ta có thể phân ra ba loại triết. Một loại chỉ lo có tròn tức Duy Vô hoặc Duy Nhất, thiếu đa tạp chỉ bằng hình vuông. Vì vậy chỉ bằng vòng tròn. Loại hai chỉ có vuông tức là duy hữu duy đa tạp, không nghĩ tới Nhất hay Vô. Ta hãy chỉ thị bằng hình vuông. Loại ba tròn vuông hỗn hợp. Tục ngữ Việt gọi là "Mẹ tròn con vuông" tức tròn (tinh thần) thẩm thấu hay bao bọc lấy vật chất vuông.

12. Hãy soi sáng bảng trên bằng vài thí dụ tổng quát. Khi đọc Lão Trang chẳng hạn, ta thấy đó là những thiên tài cao cả, có khả năng đưa ra những cái nhìn thấu triệt, những hình ảnh ví von tuyệt vời là ta có cảm tưởng lạc vào một thế giới thần tiên, siêu thoát. Nhưng nếu tìm cách áp dụng những lời đó vào cuộc sống ta sẽ thấy lung tung. Rồi ta nhìn kỹ lại thì cảm tưởng các ngài còn ở lì lại cõi tiên mà ta gọi là cõi Nhất. Các ngài bám vào cái nhất không sao ra đa tạp được, nghĩa là trước sau chỉ có một đề tài và chỉ chuyên về nói: Nổi về Từ, Ý, không còn hơi sức cho việc làm (Dụng, Cơ), Nên ta thấy có sự bất lực kinh niên về kinh tế, chính trị của loại triết này. Như vậy theo câu "Chí Trung Hòa" thì chưa đạt đạo, tức chưa gồm cả âm, cả dương. Thực ra những lời đó không thiếu giá trị nhưng là giá trị phần mớ như về suy luận, hoặc đóng góp vào hội họa, vào tu tâm nhưng đối với đời sống toàn diện thì kể là bất lực.

13. Lối thứ hai gọi được là đa phương. Mới xem ta có cảm tưởng là rất phong phú. Tư tưởng kết nạp một cách rất mạch lạc. Nhưng khi xem kỹ lại thì tất cả chỉ có một chiều: thiếu mối liên hệ nền tảng giữa với Không, giữa động với tĩnh, giữa nhất với đa mà chỉ có đa thiếu thống nhất, nên ví được với thần Cộng công chạy vòng quanh núi Bất-chu không tìm ra lối vào thiên thai nói bóng là húc đầu vào cột chống trời, làm trời sụp. Ðó là lối suy luận của Duy lý hay Duy trí, xây trên những tượng ý (Imago - Idea) của sự vật lẻ tẻ. Kinh Dịch chỉ bằng những hình vuông rời rạc, không tìm ra được vòng tròn để bao bọc lấy, để thống nhất lại: hậu quả là vạn vật không được nuôi dưỡng "Vạn vật bất dục yên" hiểu là những ý niệm đó không được tẩm nhuận trong luồng linh lực trào lên tự thâm tâm (tiềm thức hay siêu thức) để nuôi dưỡng, nên chỉ là những ý niệm trừu tượng khô cằn, đọc vào không đủ để di dưỡng tính tình, nên triết học gia cứ phải đi tìm thêm mãi. Làm người ta liên tưởng tới chuột chạy vòng, chạy hoài mà không tới: qua hết môn phái này đến môn phái kia, quả là đa phương, nhưng thiếu hướng. Thiếu hướng đi thì môn triết học chỉ còn là cực hình Tantalus như Kant có lần đã nói thế, hoặc như Nietzsche gọi sinh viên triết là "các thánh tử vì đạo" (tử vì triết). Vì học triết đã đốc ra sự học rất nhiều ý kiến của nhiều triết gia, cuối cùng không biết theo đường nào: sự học chỉ làm khô cạn tâm hồn, trở nên cực hình và không có nuôi dưỡng, không bơm sinh lực vào tâm trí.

Bởi thế về tinh thần phải nhờ tôn giáo đảm nhận, luân lý cũng phải xây trên tôn giáo. Triết học không đủ uy tín đưa ra được nền luân lý độc lập. Thế những triết học lại thường chống đối tôn giáo: hai đàng không sao cộng tác được với nhau để hướng dẫn đời. Ðành phải đạo đời riêng rẽ. Ðó quả là một tai họa. Vì lý tưởng phải là đạo đời tương thông, và lẻ ra cả hai chỉ là một, y như xác hồn chỉ là một con người. Tuy nhiên ta cũng phải công nhận giá trị của loại này ở chổ chứng tỏ cho ta sự hạn cục của lý trí. Và vì không có lối nào mà nó đã không đi tìm kiếm nhưng đều thất bại thì điều đó cho ta một kinh nghiệm sâu xa về sự bất lực của triết học lý niệm, khiến ta phải tìm ra lối siêu thoát nẻo tâm linh. Cái giá trị của triết học duy trí ở chỗ đó.

14. Loại ba là gồm cả vào lẩn ra, cả trong lẫn ngoài, cả hữu lẩn tả , cả lý trí lẩn tâm linh. Lý trí hay vòng ngoài được biểu thị bằng hình vuông được bao bọc bằng tâm linh biểu thị bằng hình tròn thành "mẹ tròn con vuông". Hình này là biểu thị câu "vạn vật dục yên": vạn vật là vuông được vòng tròn chỉ tinh thần bao bọc. Nếu loại một là lên tiên rồi ở lì lại trên đó, thì loại ba giống Từ Thức lên tiên chơi ít lâu rồi về làng đặng cố làm cho đời sống của làng thêm tốt đẹp.

Tôi không có ý áp dụng ba loại trên vào từng nền triết đích danh nào cả, mà chỉ có ý đưa ra cái khung tiên thiên để làm cho điều muốn nói được thêm rỏ ràng. Nhưng riêng về Nho thì tôi phải cho là một trường hợp ngoại lệ, và nghĩ là nó đã đi sát loại ba hơn hết. Tôi cho chính đó là lý do Nho được hội nghị Honolulu tuyên dương là có chân trên cả hai tàu: Tinh thần và vật chất. Vật chất biểu thị bằng hình vuông được bao quanh bởi tinh thần chỉ bằng vòng tròn. Tròn vuông nói lên chữ Hòa cao sâu nhất. Trên đã nói về nét tròn như chí trung, như cột gốc. Bây giờ ta nói đến hòa như trái, và ta sẽ dùng số để triển khai điều này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét