Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Lương Kim Định: Vai trò Nho Giáo có thể đảm nhiệm trong thế giới hôm nay (phần 5)


(Xem phần trước)

IV. CHẾ

20. Ðể ngũ hành có thể trở thành khung chứa các thể chế thì tiên Nho đã kép nét ngũ hành lên: trước hết kép thành vòng trong ngoài, sự phân biệt này cung ứng cho hai chữ lưỡng hành cả một lược đồ đặc biệt, làm cho thấy rõ câu "có chân trên cả hai tàu": chân trong chân ngoài cân đối.

Vòng trong vòng ngoài là căn để của Nho, được phát triển cách cơ cấu ở đợt nhất là ngũ hành; ở đợt nhì gọi là vòng thành thì ngũ hành đã trở thành sự vật đặc. Ðây là vòng đi vào thế sự, đi vào thực hiện, nhưng vẫn lấy tâm linh làm gốc, như các số 6,7,8,9 gốc từ số 5 vậy. Vòng trong vẽ nét đứt chỉ vô, chỉ tâm, chỉ tiềm thức, làm nên phần nội thánh và phải dịch là five agents. Vòng ngoài vẽ nét liền chỉ cỏi hiện tượng tức sự vật đã thành hình, có thể dịch là five elements. Sau đó biến vòng trong vòng ngoài thành Hồng Phạm Cửu Trù.

21. Hồng phạm củu trù là đưa các số của 2 vòng trên xếp vào khung Ngũ hành kép mà thành nên như hình bên:

4 9 2
3 5 7
8 1 6

Vì có 9 lô nên Hồng phạm luôn luôn kèm theo tên cửu trù, tức đem những việc then chốt của đời sống đặt vào 9 ô của Hồng phạm để biệu thị lòng quyết tâm làm những việc đó theo như mẫu mực lớn lao nọ, tức theo trời (Thuận Thiên).

Hồng phạm chính là cái khung tiên thiên đưa ra làm mẫu mực cho các thể chế khác mà quan trọng hơn hết là nhà Minh Ðường với thể chế Nguyệt Lệnh.

Nhà Minh Ðường hay là "nhà vũ trụ" vì có ba tầng chỉ Trời, Ðất, Người. Ðó không chi khác hơn là Hồng phạm cửu trù nhưng có 12 trù (Vì 4 trù góc chia đôi thành 8) để hợp với 12 tháng. Mỗi tháng có mệnh lệnh riêng ăn gì, mặc áo màu nào, ở phòng nào... Vì thế gọi là Nguyệt Lệnh. Ðó là thể chế cho câu tu thân vi bản, tu sao cho người hợp với Trời Ðất thì đạt đạo. Ðó gọi là Thuận Thiên. Sự thuận thiên được biểu thị bằng màu, số, phương phải hợp nhau thí dụ mùa xuân thì phương Ðông, số 3, màu xanh; mùa hạ màu đỏ, thu trắng, đông đen...

Tuần cuối mỗi mùa vua phải ở căn giữa để chỉ sự siêu thoát ra khỏi thời gian và không gian, tức vào ở với hành ngũ vốn là "Hành vô hành, địa vô địa". Ðể làm chi? Thưa để không làm chi cả. Có còn trong thời gian không gian đâu mà làm. Vậy chỉ còn cách là "làm cái không làm" (Vi vô Vi). Trang Tử gọi đó là "Nhan Hồi ngồi mà quên đi" để có được "Trai tâm" hoặc "Hư tâm". Khi có hư tâm tức tâm hồn trống trơn thì linh thiêng sẽ xuất hiện, để xảy ra hiện tượng "Giao Chỉ" là chỉ Trời chỉ Ðất giao thoa, làm nên cuộc Thái Hòa. Ðó là đạt đạo. Kinh Dịch nói tóm lược trong câu "An thổ, đôn hổ nhân, cố năng ái". An thổ là vào ở trong Hành Thổ ngồi quên mọi sự, nhờ đó sẽ biết bản tính con người to lớn như vũ trụ, nên tất cả đều là anh em, do đó có thể yêu mọi người to lớn như vũ trụ, nên tất cả đều là anh em, do đó có thể yêu mọi người, yêu cách trung thực nên không làm hại người vì lòng yêu người của mình. Ðó là ý câu "cố năng ái".

Xem thế đủ biết thể chế Minh Ðường chính là bản gốc của Nho hay nói tu thân vi bản cũng thế, vì tu thân được cơ cấu hóa thành khung Minh Ðường, nên Minh Ðường cũng là nền móng đường lối tu thân, nó là gốc. Vì vậy thời nguyên nho Vua chỉ trị vì mà không cai trị. Việc cai trị để cho các quan, còn vua dùng hết thời gian mà tu thân, mà ở nhà Minh Ðường. Ðó gọi là vô vi nhi trị. Do đấy mà vua xưa là nhà tư tế thượng phẩm trước hết, còn chức hoàng đế chỉ là thứ yếu, tức cai trị coi như việc tùy có thể ủy thác cho các quan, còn vua thì phải lấy việc tu thân làm gốc.

Thiên Vũ cống không là lịch sữ (không có trong sữ ký) mà chỉ là bản tuồng lý tưởng diển tả cung cách hành đạo của người lý tưởng gọi bóng là Ðại Vũ thực hiện quy chế nhà Minh Ðường. Sau 4 năm tuần thứ 4 phương thì về trung ương hội với các thần ở Cối Kê. Sữ ký của Tư Mã Thiên (SM. T.3.p.413) nói vua tế phong trên núi Thái Sơn, rồi về tế Thiện trên núi Cối Kê (Kinh đô U Việt). Chữ Thiện cũng đọc là Thiền và nghĩa tương đương với thiện nhượng là nhường lại. Ðó là tinh thần hành ngũ: là đi về với chỗ trống trơn, nhường lại hết: tức trút bỏ tất cả để hội với các thần (Hội Kế) hầu đạt bản tính con người đại ngã tâm linh. Ðó quả là một lối thi vị hóa cách mênh mông thể chế Minh Ðường vậy.

26. Hồng Phạm còn là khung cho nhiều thể chế khác như Hà Ðồ, Lạc Thư được dùng nhất là cho việc suy tư triết lý, nó nhấn mạnh trên luật hành động và phản động. Hành động trong Hà Ðồ là đi ra ngoài thế sự rồi, thì phải phản hồi ở Lạc Thư là đi vào hành ngũ: ngồi mà quên đi để tiếp cận với giếng thiêng liêng đặng bồi bổ tinh thần đã sa sút khi tiếp xúc với trần cấu. Ngoài Hà Ðồ Lạc Thư còn có phép tỉnh điền.

Tỉnh Ðiền chính là sự áp dụng Hồng Phạm vào kinh tế. Người ta đã hiểu theo nghĩa đen, nên nẩy sinh ra rất nhiều tranh luận vô ích. Sự thực thì đó chỉ là lời dạy về sự phải phân chia tài sản trong nước sao cho đạt được đồng đều theo lý tưởng của Hồng Phạm, nói bóng là chia mảnh đất ra 9 ô theo cái mẩu mực lý tưởng kia. Vì thế tỉnh điền cũng chính là khung Hồng Phạm vậy. Nó ở tại Trời Người Ðất cùng tham dự cả vòng trong chỉ bằng số 3, cả vòng ngoài chỉ bằng số 9. Nói bóng là Nữ Thần Mộc (số 3) cũng có tên là Cửu Thiên Huyền Nữ (số 9). Thực ra đó là đại diện cho nguyên lý mẹ luôn luôn có mặt trong nguyên Nho tạo nên thế hòa giữa âm dương, giữa nguyên lý trong nguyên Nho tạo nên Kinh Dịch gọi là Càn Khôn. Sự hòa hợp này được biểu thị bằng nhạc. Vì Nhạc là bà chúa sự hòa hợp. Nên nhận xét chỉ có nước vua Thuấn mới có bộ nhạc. Xưa nay chưa đâu có bộ này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét