I. TỪ
8. Từ tức là lời. Lời của Nho rất ít. Khổng Tử là hiền triết nói ít nhất trong các triết gia trên đời. Ðã vậy về đạo, về nhân thì hầu ông không có lời nào. Ðấy là nét đặc trưng mà xưa nay chưa mấy được chú ý, nên cần bàn thêm. Lời nói là một phát minh rất quan trọng của con người, nó mở đường cho mọi tiến bộ về sau. Vì thế nó có sức thôi miên, gây thành khuynh hướng thờ lời như một cái gì thần thánh, mà ta còn thấy dấu vết trong những lời chú mà người xưa đã gán cho rất nhiều uy lực; nhưng sau này người ta cũng đã nhận ra tính cách ma thuật của nó. Ngoài ra lời nói cũng có sức quyến rũ khác đến nỗi những triết gia thượng thặng như Lão Trang đã hiểu rõ rằng "Ðạo bất khả ngôn", Vì thế "tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri". Vậy mà các ông còn nói lu bù về đạo. Lão Tử thì để lại năm ngàn lời trong Ðạo Ðức Kinh. Trang Tử đề lại lối mười vạn lời trong cuốn Nam Hoa Chân Kinh. Vậy mà kể là còn ít so với các triết gia tên tuổi khác như Plato, Aristotle chẳng hạn, các vị nầy nói có cả hàng triệu lời.
Theo luật răng đau của Bernard Shaw rằng người ta chỉ nói đến răng khi răng đau. Cũng vậy nói nhiều quá về đạo là tỏ ra chưa đạt đạo. Phương ngôn quen nói "Nhất lý thông, vạn lý minh". Cái lý thì cùng cực đó, Lý trên nhất đó chính là Lý Thái Cực. Nếu đạt được thì tự nhiên mọi lý khác thuộc phần mớ liền sáng ra, khỏi cần nói nhiều. Còn khi không đạt cái Lý viết hoa đó thì cứ phải bày biện lý nọ lẽ kia rườm rà, quanh quất, nên có câu "Thất Lý nhi nhập ư thuật" không đạt lý nên bày ra muôn vàn lý lẽ quanh co (thuật). Vì Lý viết hoa đó là Lý Thái cực, vốn gồm cả âm, cả dương, cả có cả không, cả đa cả nhất, cảtĩnh cả động, cả sáng cả tối... Còn nếu không đạt Lý đó thì chỉ có một bên, một duy nào đó: thiếu mất bên kia, nên lời nói hết hiệu nghiệm: phải thêm hoài mà vẫn chưa cảm thấy đủ. Kinh Dịch nói:
"Nghi giả kỳ từ chi
cát nhơn chi từ quả
Táo nhơn chi từ đa"
Người còn nghi nan trong lòng thì lời nói rậm lời không có tư tưởng, (ngành ngọn: chi) Người đạt (may mắn) thì nói ít nhưng đủ để bao được cả trong lẫn ngoài. Người táo kết (bất thông) thì nói nhiều. Nhiều nên hiểu là nhiều chủ thuyết mà không có thuyết nào đạt địa vị ưu thắng.
9. Biết thế rồi ta mới thấy sự ít lời trong Nho có cái giá riêng biệt của nó. Ít lời đây không vì bất lực, nhưng là vì lời đã chứa đầy uy mãnh rồi; khỏi cần nói thêm. Theo đó ta phải tìm xem lời nào đầy đủ nhất trong Nho? thưa đó là ba chữ "Chí Trung Hòa". Ba chữ này tóm thâu tinh hoa Nho giáo cách tuyệt vời cũng như nói lên được nét đặc trưng của Nho cách thấu triệt. Cho nên "Kỳ Nhơn" của Nho phải là người nhận thức ra được mọi chiều kích ba chữ đó, để hiện thực vào thân tâm và diễn đạt ra cho mọi người cùng hiểu. Vậy chúng ta hãy dùng tượng hình và đồ biểu để trình bày sơ lược châm ngôn trên cho được rõ ràng. Câu đó nằm trong lời phát đoan của sách Trung Dung rằng:
"Trung dã giả, thiên hạ chi đại bồn dã.
Hòa dã giả, thiên hạ chi Ðạt đạo dã.
Chí trung hòa:
Thiên địa vi yên.
vạn vật dục yến".
Ðoạn văn trên chỉ rõ đâu là bốn gốc, đâu là ngọn ngành: Bốn là Trung, ngọn là Hòa. Hòa đây là Thái Hòa tức cái Hòa bao trùm hết tất cả: cả trời đất, cả vạn vật nữa. Và sự bao trùm diễn tả bằng chữ "dục" nghĩa là được nuôi nấng giáo dục.
10. Ðể hiểu rõ hơn tưởng cần giải rộng câu trên. Trước hết là về ba chữ "Chí Trung Hòa". Trong quyển "Chữ Thời" tôi đã giải rộng bằng câu "có chí trung thì mới đạt được chí hòa". Cần lắp lại chữ chí để nói lên hai đàng khác nhau. Chí trung là bổn, còn chí hòa là hoa trái ngọn ngành. Phải làm nổi bật cả hai để đặt nổi bước "Lưỡng hành" của Nho mà hội nghị Honolulu đã nói lên bằng hình bóng là "có chân trên cả hai tàu". Ðiểm lưỡng hành này ít được học giả chú ý, thí dụ James Legge dịch ba chữ kia là "Let the states of equilibrum and harmony exist in perfection", không dám nói là dịch sai nhưng bản dịch làm chìm mất tính chất lưỡng hành của câu nói. Ðọc lên người ta không thấy Trung là căn bổn, Hòa là hoa trái. Muốn cho dễ thấy được điều đó thiết tưởng phải dịch là "When the centering is utmost, the Harmony is the greatest". Dịch trung bằng chữ centering bao hàm được sự "tiến hành vào nội tâm", và khi tiến vào đến cùng cực thì đạt Thái Hòa là hòa âm với dương, tức cái hòa nền tảng, bao trùm cả trời cùng đất. Ðể giải rộng hơn nữa ta có thể nói: "The deeper is the centering, the greater is harmony" câu này đặt theo câu cách ngôn triết Tây: "plus la compréhension est petite, plus l'extension est grande". Tuy câu công lý này chỉ nằm trong bình diện ý niệm, nhưng chiều hướng thì cũng như chí trung hòa, là vào càng nhỏ thì sức bao gồm bên ngoài càng to. Theo đó, cái Hòa bên ngoài có thể dùng như tiêu chuẩn để đo dộ sâu của cái Trung bên trong. Trung là đi vào nội tâm: ta không thể kiểm soát nội tâm, nhưng ta nhờ cái Hòa vốn liên hệ với Trung cách cơ thể, nên có thể nương theo Hòa để biết Trung đi tới đâu. Nhất là khi Hòa còn được đèo thêm dấu hiệu cụ thể là sự nuôi dưỡng: sách nói nếu đạt chí Trung Hòa, thì:
"Thiên địa vi yên.
Vạn vật dục yên"
Khi trời đất được xếp đặt đúng chổ thì vạn vật đều được dưỡng nuôi. Hai chữ vạn vật ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng gồm cả tâm lý: ý, tình, chí đều được nuôi dưỡng. Tức triết không chỉ có duy lý hay duy tình, hoặc duy chí mà tất cả tình lý duy cùng tham dự. Còn trong siêu hình là cả thiên lẫn địa, cả âm lẫn dương đều có phần. Tóm lại là không duy nào cả nhưng bao trùm hết. Ðược như vậy thì là dấu Trung đã đi tới chốn: nên có được chí Hòa, và vạn vật được nuôi dưỡng, không còn khát vọng nào đói khát làm reo, khiến triết nhân phải nói thêm, nói hoài. Như vậy, ít lời không là dấu tốt sao? vì thế có thể kết luận được là Nho đã thành công ở bước Từ: không một nền triết nào có thể tóm thâu được vào ba Từ như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét