Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Cơ hội trở lại với nghề giáo với nền giáo dục cởi mở hơn


Cả triệu giáo viên cùng với khoảng 7 triệu viên chức có lẽ sẽ sớm đối mặt với thách thức lớn về mức thù lao của họ sau khi có đề án thí điểm để bỏ chức danh "công chức" của giáo viên và thả nổi thu nhập của họ như khối tư nhân.

Cũng với số lượng giáo viên tương tự ở Nhật Bản, một cuộc cách mạng giáo dục cũng sắp diễn ra nơi đây khi ngành giáo dục của nền kinh tế hàng đầu thế giới này quyết tâm chuyển hướng để duy trì cỗ máy đào tạo nhân tài của họ đủ để cạnh tranh với thế giới.

Tuy nhiên, ở đất nước cách đây chỉ 2 giờ bay, họ quan tâm tới cách giáo dục linh hoạt giữa 2 xu hướng của thời đại là "toàn cầu hoá" và "chủ nghĩa dân tộc" với sự lo ngại về sự hiểu biết của đại đa số quần chúng về những biến chuyển của thế giới. Trong khi đó, sự thay đổi cũng mang trên mình phép màu "cách mạng" tại Việt Nam lại đánh vào thu nhập của đội ngũ giáo viên mà bấy lâu nay đã là chủ đề được cả xã hội quan tâm.

Chưa biết đây có phải bước cởi trói để những người làm trong ngành sư phạm "trưởng thành hơn" trong sự định đoạt tương lai của chính họ và sự nghiệp giáo dục mà bấy lâu họ có rất ít quyền quyết định. Cũng có thể đây là một cú giật lớn tạo nên làn sóng bỏ nghề giáo như đã từng diễn ra trong thời kỳ bao cấp khi mà lương giáo viên nhận được còn thấp hơn một nông dân làm công cho các hợp tác xã.

Thay vì tiếp tục bàn luận tới những điều còn khá mơ hồ và nhiều do dự, tôi sẽ thử viết ra một chương trình học khái quát để kêu gọi những giáo viên giỏi nhất của tương lai để cùng chung tay thực hiện.


Hướng tiếp cận khác

Nếu có cơ hội thiết kế một chương trình học phổ thông, tôi sẽ tiếp cận theo hướng sau đây:

- Học trên lớp chiếm: 1/6 tổng thời gian học sinh đi học hiện tại. Nghĩa là học sinh chỉ cần đến lớp mỗi tuần 1 buổi thay vì 6 buổi như hiện tại.
- Tự học ở nhà, thư viện, internet ... theo chương trình được hướng dẫn chi tiết: chiếm 2/6 tổng thời gian.
- Thực hành theo các hoạt động thực tế, thí nghiệm ... chiếm 3/6 tổng thời gian.

Theo đó, chương trình học phổ thông sẽ xoay quanh một số môn chính như sau:

- Toán và Khoa học
- Văn tiếng Việt và Ngoại ngữ
- Lịch sử & Địa Lý
- Văn hoá & Nghệ thuật

Như vậy 4 môn học trên chỉ cần học 2 tiết cho mỗi môn và học cách tuần. Nghĩa là tuần này học 90 phút 'Toán và Khoa học' + 90 phút 'Lịch sử và Địa lý' thì tuần sau sẽ là 2 môn còn lại.

Học sinh sẽ tự học và thực hành theo sự hướng dẫn của chương trình chuẩn và làm báo cáo hoặc thi khảo sát vào những cột mốc quan trọng.

Nên cạnh 4 môn học trên, trường học có thể sẽ mở ra một số môn phụ như: kế toán, tài chính, kỹ thuật ứng dụng, điện dân dụng, máy tính .... để học sinh có thể tự chọn và học ở mức đại cương nhưng không tính điểm trong chương trình phổ thông mà đó chỉ để dùng để ứng tuyển hồ sơ vào các trường sau phổ thông.

Mai này có thời gian nhiều hơn, mình sẽ nghiên cứu thêm tài liệu của các nước để có thể biên soạn 1 chương trình khái quát như vậy. Trước là để dạy cho con cái của mình, sau là để dành tặng cho những phụ huynh có cùng chí hướng giáo dục.


Chỗ đứng của thầy cô

Nhìn qua chương trình trên có lẽ thầy cô sẽ có nhiều thắc mắc về chỗ đứng của mình sau khi chương trình chỉ còn một số môn ít ỏi. Những thầy cô giáo đang dạy các môn như: Hoá học, Vật Lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, ... sẽ đóng góp như thế nào vào chương trình trên.

Khi mới nhìn vào đó thì chúng ta sẽ thấy có ít môn học hơn, tuy nhiên mức độ phổ quát và yêu cầu thực hành sẽ là những mảng đủ lớn để cần sự giúp đỡ của nhiều thầy cô và chuyên gia các ngành. Mặc khác, ở đây, khi định nghĩa môn học 'Toán và Khoa học' thì không có nghĩa là giáo viên toán hiện tại là người duy nhất được chính danh đảm nhận bộ môn này mà đó phải là một tổ công tác bao gồm những bộ môn khoa học tự nhiên hiện tại.

Giáo viên trực tiếp đứng giảng sẽ chính là giáo viên biên soạn bài giảng đó và được sự phản biện và đóng góp của những đồng nghiệp khác trong tổ công tác của mình. Từng thành viên trong nhóm sẽ đóng góp quan trọng vào những hướng dẫn các tự học cũng như thực hành của các em học sinh.

Lâu nay, số buổi đứng lớp của thầy cô chiếm khá nhiều thời gian trong quỹ thời gian dành cho giảng dạy mà số giờ dành ra để làm nghiên cứu cho môn học của mình gần như không có. Tất cả chỉ là cách dạy rập khuôn theo một cuốn sách giáo khoa có sẵn.

Với chương trình mới này, phạm vi hoạt động của mỗi thầy cô sẽ rộng hơn và sẽ tự do hơn trong học thuật với mục tiêu duy nhất là hướng tới một kết quả vượt trội hơn dành cho các thế hệ tương lai.

Đâu là niềm tin cho một kết quả tốt đẹp hơn

Thử nhìn qua cách giáo dục của nhiều nước tiên tiến trên toàn thế giới, hầu hết các chương trình phổ thông đều đạt những chuẩn mực cơ bản của tri thức về học thuật nhưng mỗi nước đều tự mình hướng đến những giá trị khác nhau dựa trên những điểm mạnh/ yếu của nền giáo dục của mình.

Chương trình học ở Hà Lan từ lâu đã đặc nền giáo dục cá nhân hoá lên hàng đầu với cách tiếp cận riêng biệt cho từng học sinh, trong khi đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì lại theo đuổi nên giáo dục đại chúng và bộ giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong định hướng cho bộ sách giáo khoa chuẩn. Nước Mỹ là nơi hoàn toàn không giống nước nào khác khi "thả nổi" nền giáo dục giống như nền kinh tế thị trường vượt bậc của họ. Nhưng hầu kết các chương trình học tiên tiến hiện này đề dựa vào những tiền đề rất căn bản: 

- Nền giáo dục cởi mở, khai phóng và trao tự do cho thế giới học thuật. Điều này có nghĩa là không hình thành lối tiếp cận mang tính áp đặc tư duy và chân lý giữa thế hệ đi trước và đi sau. Học sinh, sinh viên học hỏi những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm dưới lăng kính "tham khảo".

- 3 bên trong chương trình học: giáo viên, học sinh và giáo trình sẽ luôn là những "chỉ số động" tuỳ thuộc vào quyết định riêng của chương trình học tại các trường. Bộ giáo dục quản lý chất lượng đựa trên những tiêu chuẩn căn bản - được lập nên theo sự đóng góp của các chuyên gia theo từng giai đoạn. Điều đó có nghĩa là: Không có mô hình giáo dục nào sẽ là giáo dục của tương lai, giáo dục của hiện tại và giai đoạn là điều cần phải thực hiện. 


Hãy thử hình dung, 300 năm qua kể từ khi những người thầy như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An đứng lớp cho tới hôm nay thì mô hình giáo dục vẫn như vậy trong khi đó con người trên thế giới đã biết di chuyển từ đi bộ, khiêng kiệu, xe bò ... cho tới giao thông hàng không. 

Giáo dục không thể "tự sướng" và giải thích rằng không có mình thì làm sao có những cải tiến đó!? Nhưng xin thưa: hầu hết những cải tiến đến từ những nền văn hoá khác, từ những ngành nghề khác mà có rất ít sự ảnh hưởng từ giáo dục. 


Ce Phan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét