Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Cách hiểu tị huý thật khôn lường của người Việt đương đại

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.
(Thi Hỏng, Trần Tế Xương)

Câu chuyện về Tú Xương và những lần lận đận trong thi cử chỉ vì nhiều lần phạm huý đã được kể bởi nhiều thầy cô giáo môn ngữ văn và cả những lời bình luận trên các diễn đàn văn học, rằng ai cũng tiếc cho tài năng của ông đã không được đánh cao chỉ bởi vì chữ nghĩa của ông dùng quá phóng khoán. Tuy vậy, những ảnh hưởng về sau của tị huý trong đời sống xã hội Việt Nam vẫn còn khá lớn mặc dù tới hôm nay người Việt đã không còn quá nhiều người biết tới xuất xứ của những kiêng kỵ mà họ phải thực hiện đã bắt nguồn từ căn nguyên nào.

Tôi vừa đọc qua một số tài liệu về tị huý trong lịch sử Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với bản nghiên cứu xúc tích của Phạm Văn Bân - phân tích những tị huý trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Nhìn chung, tác giả dẫn giải lại một số nguồn gốc tạo nên những điều phải tránh trong dân chúng mà 2 nguồn chính đó là: những mệnh lệnh từ vuaphong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

Trong một tài liệu khác với đầy đủ hơn về những phong tục của Việt Nam, cụ Phan Kế Bính cũng đã liệt kê ra 50 điều kiêng kỵ phổ biến của người Việt và những điều này đã ăn sâu vào quan niệm của đại bộ phận dân chúng tới mức mà người khác khó lòng mà thuyết phục họ làm khác đi. Phần ghi lại bên dưới, tôi muốn quan tâm một chút tới sự kiện gần đây khi mà Cục xuất bản đã quyết định thu hồi cuốn sách đã tái bản nhiều lần trước đó là "Miếng ngon Hà Nội" - tác giả Vũ Bằng, và một số "luật bất thành văn" mà luôn là những thách thức và rào cản cho văn nghệ sĩ trong sáng tác. 

Trước khi tác phẩm "Miếng ngon Hà Nội" (xuất bản lần đầu 1957) bị sờ gáy thì có rất nhiều tác phẩm văn chương, âm nhạc khác đã bị cấm xuất bản, cấm lưu hành và một số bị thu hồi sau khi đã xuất bản. Tuy nhiên, tác phẩm của tác giả Vũ Bằng được in tái bản lại là một điều thú vị khi chính tác giả chính là người của chính quyền Hà Nội cài cắm theo dòng người tỵ nạn vào Nam. Như vậy có thể hiểu tác phẩm này chính là bước "marketing" để đưa Vũ Bằng vào hàng ngũ được tin tưởng là chống cộng trong miền Nam. 

Tác phẩm này đã được kiểm duyệt kỹ và thay đổi những nội dung để đổi "số phận" cho nó khi mà câu bình luận ở trang bìa gốc ghi: "Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng Sản, quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất; toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ hết cả những miếng ngon Hà Nội." Tuy nhiên, do sai sót nào đó mà câu này vẫn còn xuất hiện và buộc phải thu hồi sau khi đã bán ra ngoài thị trường.

Nhìn chung có thể thấy những quan niệm về tị huý đã hình thành nên đời sống văn hoá và rất nhiều tập tục của người Việt từ xưa đến nay và một điều rõ ràng rằng chúng cũng tạo nên rào cản rất nguy hại cho những sáng tác nghệ thuật và cho cả những sinh hoạt bình thường của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Thật khó để yêu cầu con cái, những người trẻ tuổi hơn làm theo những quan niệm mà thế hệ cha anh cho là đúng nhưng hoàn toàn không nắm rõ và chẳng hiểu chúng bắt nguồn từ đâu? Chúng đã dẫn dắt cộng đồng đến một cuộc sống như thế nào?

Sẽ phải có những lần xét lại về những điều đã xảy ra và cân nhắc xem liệu nên giữ lại điều gì và giản lược đi điều nào để những giá trị thuần khiết và nhu cầu căn bản của con người được đảm bảo chứ không phải bị chế ngự bởi một quan niệm giàu tính quân quyền và thần bí như đã từng xảy ra.

Ce Phan 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét