Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Sự thấu cảm và lòng trắc ẩn trong giáo dục

 Giáng sinh và Năm mới thường mang lại cho mọi người cảm giác yêu thương và chia sẻ. Điều này đã tạo cảm hứng để tôi kể lại một vài trải nghiệm giáo dục của tôi về hai từ “sự thấu cảm” và “lòng trắc ẩn. “Sự thấu cảm” gợi lại cho tôi về những hoạt động giáo dục mà tôi đã có ở Việt Nam, trong khi đó từ “lòng trắc ẩn” thì mô tả môi trường giáo dục mà tôi đang làm việc tại Nhật Bản. 

 

Nhà triết học Maslow xác định sự thấu cảm như một nhu cầu cơ bản như sự che chở và thừa nhận từ mọi người xung quanh đối với một cá nhân. Những nhu cầu đó liên quan tới những nhu cầu cơ bản về sinh lý, an toànan ninh, thuộc về (cộng đồng), tình yêu và lòng quý trọng. Như vậy, sự quan tâm của nhà giáo tới những nhu cầu của học sinh sẽ có thể giúp học sinh thúc đẩy việc học và có thể đạt được nhu cầu ở bậc cao hơn đó là nhu cầu về nhận thức (hay nhu cầu học tập). 

 

Trước tiên, đối với tôi hình ảnh người thầy trong quá khứ của tôi được phân định thành “người thầy thấu hiểu” và “người thầy bình thường”. Những người thầy thấu hiểu là những người tạo cho tôi một cảm giác ấm áp, thuộc về cộng đồng của lớp học, trường học. Ngược lại, cũng có những người thầy đã không tạo một không khí học tập thân thiện và làm cho áp lực học tập ngày càng trở nên dồn nén. Về cá nhân, tôi rất cần những người thầy có thể thúc đẩy tôi cũng như chấp nhận những khiếm khuyết của tôi ở trường học. Thông qua sự gắn kết của một tập thể trong lớp học, tôi có thể nhận ra rằng sự thấu cảm giúp cho những con người trong tập thể có thể tương trợ nhau để cùng phát triển. Ngược lại, sự nghi kị, hà hiếp và thụ động sẽ làm cho mọi thành viên trong tập thể trở nên vỡ vụn. 

 

Gần đây, tôi trải nghiệm một lần nữa về sự thấu cảm khi tôi hỗ trợ một tổ chức từ thiện có tên là “Thư viện ước mơ”. Đây là một chương trình xây dựng những thư viện nghệ thuật miễn phí cho các trường học ở nông thôn ở Việt Nam, nơi mà trẻ em ít có cơ hội tiếp cận với sách. Chương trình này được tạo cảm hứng từ một buổi sưu tầm tranh của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh với chủ đề là “Thấu cảm và những câu chuyện chưa kể” sau những trận lũ lụt tàn phá những ngôi trường ở miền trung Việt Nam. Từ chương trình này, sự thấu cảm trong tôi đó chính là sự tương trợ, đồng hành và trao cơ hội cho người khác.

 

Trong một môi trường giáo dục khác tại Nhật Bản gợi cho tôi những suy nghĩ về lòng trắc ẩn nhiều hơn là sự thấu cảm. Theo cách hiểu của tôi, lòng trắc ẩn thôi thúc người ta hành động nhiều hơn là sự thấu cảm và vì thế nó tạo cảm giác giàu năng lượng hơn. Thông qua trải nghiệm cá nhân, tôi cảm nhận rằng phẩm chất căn bản của giáo viên ở đây đó là sự giàu lòng trắc ẩn bởi vì môi trường giáo dục ở đây lấy học sinh làm trung tâm và học sinh có tiếng nói quan trọng trong trường học. Khi một học trò có hành vi không đúng mực, giáo viên thường có xu hướng tìm kiếm lý do đằng sau nó và tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề thay vì quở phạt học trò. 

 

Quay trở lại với tháp nhu cầu của Maslow, tôi nhu cầu nhận thức (hay nhu cầu học tập) chỉ có thể được thoả mãn một cách đầy đủ sau khi những nhu cầu căn bản hơn được đảm bảo trước. Trong đó, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn là những nền tảng căn bản mà học trò cần được cung cấp trong môi trường giáo dục. Những nhà nghiên cứu giáo dục tin rằng phẩm chất đó cần được xây dựng và tạo cảm hứng từ trên xuống dưới trong hệ thống giáo dục. Ví dụ như trong trường học thì điều đó phải được đảm bảo từ hiệu trưởng, tới quan quản lý, tới giáo viên và theo đó là học sinh. Như vậy, xây dựng một nền tảng đạo đức trong trường học và tạo cảm hứng làm việc cho giáo viên là phẩm chất nền tảng mà hiệu trưởng cần có.  Tuy đó là yêu cầu cơ bản nhưng cũng không hề dễ dàng đạt được bởi vì những phẩm chất đó chỉ thường có ở những nhà giáo đầy khát vọng. 

 

Tôi tin rằng, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn là tiền đề căn bản nhất để xây dựng một cộng đồng lành mạnh bên trong trường học và sẽ tạo đủ yêu thương để mọi thành viên từ giáo viên, ban giáo hiệu và học sinh cảm thấy mình là một phần quan trọng trong tập thể ấy.

 

Ce Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét