“Sở dĩ ‘giáo’ không phổ cập là do học trò không được học; mà trò không được học là do thày giảng không tinh. Sở dĩ ‘pháp’ không lập được là do người giỏi không được dùng; mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công minh. Sở dĩ ‘chính’ không thi hành được là do kẻ lại không được liêm; mà kẻ lại không được liêm là do bổng lộc không đủ. Song, thày giảng không tinh, thưởng phạt không công và bổng lộc không đủ, duyên cớ đều do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn mà ra. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó thì dù ‘trí” có thể biết được mà ‘thế’ không thể làm được.”
Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803)
Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, thơ văn đều trác tuyệt, ý thức về chiến lược thuộc loại xuất chúng và có công rất lớn khi khuông phò Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Mãn Thanh năm 1789.
Đoạn danh ngôn trên xuất phát từ lời tựa của tập “Cần Bộc Chi Ngôn” (tạm dịch là lời chân thành thô vụng), là bài khải ông dâng Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vào khoảng 1776-1780, để luận về đạo trị nước gồm ba yếu tố then chốt là giáo, pháp, chính. Đời nay ta có thể hiểu là giáo dục, pháp lệnh và hành chính công quyền.
Khi luận về đạo trị nước, ông phê phán thực trạng thời Lê Mạt tại Bắc Hà, và kết luận ở khái niệm ngày nay ta gọi là kinh tế! Trong chưa đầy 140 từ đã có 17 chữ ‘không’!
Với cái nhìn quá hiện đại, Ngô Thì Nhậm dám nói thẳng: cái gốc là kinh tế èo uột nên cái ngọn là giáo dục bị héo hon. Ở giữa là sự lỏng lẻo bất nhất của luật pháp và sự mục nát của bộ máy công quyền - vì lương quá thấp, ai cũng chỉ nghĩ tới bổng – “kẻ lại không được liêm” là hiện tượng tham nhũng.
Cái “trí” là giải pháp kinh tế cho giáo dục, cho tương lai, lại bị kẹt ở cái “thế” là pháp và chính. Là ý thức hệ…
KTG Nguyễn Xuân Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét