Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Hạt cát

 Hạt cát


Có hạt cát nào rong chơi ngoài đường

Có hạt cát nào tủ tỉ ở sân vườn

Có hạt cát được gió và dép mang đi

Có hạt cát nằm yên trong chậu cây khô

Đời là thế, có vô vàng hạt cát, lẫn vào nhau

Đời là thế, có vô vàng hạt cát, rời xa nhau


Ngày người trở thành những hạt cát nằm yên

Ngày con, hạt cát bay vẩn vơ tìm chốn bạt ngàn

Vào đô thành, từ lỗ nẻ chui lên

Ra cánh đồng, mưa sa trôi theo dòng nước


Những hạt cát cứ lăn, cứ lăn đi

Người hiền dịu, thích vào nơi khuất gió

Người phong trần, cứ để nó cuốn đi

Đường đời xuôi ngược, ngược xuôi

Mấy nẻo, trăm đường, hoa bụi gió bay.


Ce Phan

(Nhớ những người yêu quí đã nằm xuống)

Thương xót Ức Trai qua bài thơ “Đêm rượu Ức Trai”

 Đọc bài thơ này của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về bậc kỳ tài Nguyễn Trãi (Ức Trai) mà xót thương ông vô cùng trong vụ án Lệ Chi Viên. 

Nguyễn Trãi là hậu duệ cuối của nhà Trần còn sống sót do gia đình ông là thông gia với nhà Hồ Quý Ly (Nhà Hồ sau khi lên ngôi đã giết hết hoàng gia nhà Trần còn sót lại). Nhà Hồ sau đó bị sụp đổ và đất nước bị đô hộ bởi nhà Minh, chấm dứt 500 năm tự chủ của nước Đại Việt. 

Nguyễn Trãi đến với Lê Lợi lúc Lê Lợi còn chưa có gì ở Lũng Nhai và từng bước đưa Lê Lợi lên đỉnh cao của quyền lực sau chỉ 10 năm! Có thể nói, không có Nguyễn Trãi làm quân sư, lịch sử có thể sẽ không biết Lê Lợi là ai bởi vì lúc bấy giờ rất nhiều nghĩa quân địa phương cũng nổi dậy chống nhà Minh nhưng đều bị đánh bại dễ dàng. Nguyễn Trãi giỏi tới mức mà nhiều trận đánh, ông đã không cần dùng binh thì tướng giặc đã lối loạn tinh thần khi đọc thơ của ông. 

Vậy mà, một người dăm lần từ quan về ở ẩn sau đó vì nhà Lê quá bè phái và nhiều gian thần cũng không khiến ông tránh được tai hoạ. Quả đúng khi nói "chữ tài đi với chữ tai một vần". Cuộc đời của ông khép lại bằng một bi kịch tru di tam tộc (giết cả ba đời). 

Cái chết đầy oan khiên của ông không khỏi khiến người ta bùi ngùi thương cảm.

Ce Phan

=========

ĐÊM RƯỢU ỨC TRAI

Thơ Trần Mạnh Hảo


Đêm đầy như ly rượu

Rót từ thời Ức Trai


Ly rượu trong veo sao chói đỏ

Ly của ta mà rượu người xưa

Đêm Nam Quan cụng ly vào núi đá

Đất dưới chân là bóng cha già


Mưa phùn hay roi vọt

Hơi rượu từ mắt ta

Gió bấc chảy như máu

Cuốn mất người mang gông

Đôi tay tự nắm chặt đầu tóc

Nhấc mình lên không được


Giọt rượu chui vào hạt nếp

Hạt nếp núp trong bùn

Bùn ngầu trong xương thịt

Vầng trăng mười năm câm


Lam Sơn mài gươm trong bụng

Đốt lửa lên làm rượu uống

Cuốn binh thư lật hết lá rừng sâu

Một đêm uống cạn thác bạc đầu

Ly rượu Bình Ngô đại cáo

Mười năm cặn đáy ly đâu ?


Côn Sơn trăng ẩn trong bẩu rượu

Rót chửa đầy ly rượu đã rằm

Một mình mời bóng uống

Nhìn mỗi ngôi sao thấy một chiếc dằm

Đâm vào mắt cay ly rượu

Buốt lòng người sáu trăm năm


Ly rượu Lê Chi viên

Uống đến giờ còn đứt ruột

Kìa tia mắt thiên tài

Cuộc đời làm sao chịu được


Trời đất không đủ chỗ chứa Ức Trai

Ly rượu suông đời hất đổ

Đáy ly còn máu đỏ hoài

Trăng thượng tuần như ly vỡ

Rượu xưa tràn đêm nay…


Sài Gòn 7- 1981

T.M.H.

DANH NGÔN XƯA – MÀ HIỆN ĐẠI!...

“Sở dĩ ‘giáo’ không phổ cập là do học trò không được học; mà trò không được học là do thày giảng không tinh. Sở dĩ ‘pháp’ không lập được là do người giỏi không được dùng; mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công minh. Sở dĩ ‘chính’ không thi hành được là do kẻ lại không được liêm; mà kẻ lại không được liêm là do bổng lộc không đủ. Song, thày giảng không tinh, thưởng phạt không công và bổng lộc không đủ, duyên cớ đều do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn mà ra. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó thì dù ‘trí” có thể biết được mà ‘thế’ không thể làm được.”

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803)

Ngô Thì Nhậm là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, thơ văn đều trác tuyệt, ý thức về chiến lược thuộc loại xuất chúng và có công rất lớn khi khuông phò Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Mãn Thanh năm 1789. 

Đoạn danh ngôn trên xuất phát từ lời tựa của tập “Cần Bộc Chi Ngôn” (tạm dịch là lời chân thành thô vụng), là bài khải ông dâng Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vào khoảng 1776-1780, để luận về đạo trị nước gồm ba yếu tố then chốt là giáo, pháp, chính. Đời nay ta có thể hiểu là giáo dục, pháp lệnh và hành chính công quyền.

Khi luận về đạo trị nước, ông phê phán thực trạng thời Lê Mạt tại Bắc Hà, và kết luận ở khái niệm ngày nay ta gọi là kinh tế! Trong chưa đầy 140 từ đã có 17 chữ ‘không’!

Với cái nhìn quá hiện đại, Ngô Thì Nhậm dám nói thẳng: cái gốc là kinh tế èo uột nên cái ngọn là giáo dục bị héo hon. Ở giữa là sự lỏng lẻo bất nhất của luật pháp và sự mục nát của bộ máy công quyền - vì lương quá thấp, ai cũng chỉ nghĩ tới bổng – “kẻ lại không được liêm” là hiện tượng tham nhũng. 

Cái “trí” là giải pháp kinh tế cho giáo dục, cho tương lai, lại bị kẹt ở cái “thế” là pháp và chính. Là ý thức hệ…

KTG Nguyễn Xuân Nghĩa

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Nụ cười bé yêu (2)

Ngày hôm qua (4/1/2022) tức ngày 2 tháng 12 năm 2021 theo lịch cổ truyền Việt Nam, gia đình chúng tôi đón nhận thêm một thành viên mới. Bé trai được chào đời lúc 8:30 sáng tại bệnh viện Đại học Tsukuba, thành phố Tsukuba, Nhật Bản. Em bé được sinh thường và mẹ tròn con vuông. 



Em bé có nhiều đặc điểm giống Sue như cùng sinh vào mùa đông, cùng bệnh viện và những cử chỉ đầu đời. Chúc mừng Sue đã lên chức chị hai và hành trình của gia đình chúng ta sẽ được tiếp tục với một người bạn đồng hành mới. Cầu mong ơn trên ban phước lành cho con trai, em trai của chúng con để em bé được lớn lên khoẻ mạnh và chia sẻ tình yêu này đến tất cả mọi người. 

Ce Phan


Sự thấu cảm và lòng trắc ẩn trong giáo dục

 Giáng sinh và Năm mới thường mang lại cho mọi người cảm giác yêu thương và chia sẻ. Điều này đã tạo cảm hứng để tôi kể lại một vài trải nghiệm giáo dục của tôi về hai từ “sự thấu cảm” và “lòng trắc ẩn. “Sự thấu cảm” gợi lại cho tôi về những hoạt động giáo dục mà tôi đã có ở Việt Nam, trong khi đó từ “lòng trắc ẩn” thì mô tả môi trường giáo dục mà tôi đang làm việc tại Nhật Bản. 

 

Nhà triết học Maslow xác định sự thấu cảm như một nhu cầu cơ bản như sự che chở và thừa nhận từ mọi người xung quanh đối với một cá nhân. Những nhu cầu đó liên quan tới những nhu cầu cơ bản về sinh lý, an toànan ninh, thuộc về (cộng đồng), tình yêu và lòng quý trọng. Như vậy, sự quan tâm của nhà giáo tới những nhu cầu của học sinh sẽ có thể giúp học sinh thúc đẩy việc học và có thể đạt được nhu cầu ở bậc cao hơn đó là nhu cầu về nhận thức (hay nhu cầu học tập). 

 

Trước tiên, đối với tôi hình ảnh người thầy trong quá khứ của tôi được phân định thành “người thầy thấu hiểu” và “người thầy bình thường”. Những người thầy thấu hiểu là những người tạo cho tôi một cảm giác ấm áp, thuộc về cộng đồng của lớp học, trường học. Ngược lại, cũng có những người thầy đã không tạo một không khí học tập thân thiện và làm cho áp lực học tập ngày càng trở nên dồn nén. Về cá nhân, tôi rất cần những người thầy có thể thúc đẩy tôi cũng như chấp nhận những khiếm khuyết của tôi ở trường học. Thông qua sự gắn kết của một tập thể trong lớp học, tôi có thể nhận ra rằng sự thấu cảm giúp cho những con người trong tập thể có thể tương trợ nhau để cùng phát triển. Ngược lại, sự nghi kị, hà hiếp và thụ động sẽ làm cho mọi thành viên trong tập thể trở nên vỡ vụn. 

 

Gần đây, tôi trải nghiệm một lần nữa về sự thấu cảm khi tôi hỗ trợ một tổ chức từ thiện có tên là “Thư viện ước mơ”. Đây là một chương trình xây dựng những thư viện nghệ thuật miễn phí cho các trường học ở nông thôn ở Việt Nam, nơi mà trẻ em ít có cơ hội tiếp cận với sách. Chương trình này được tạo cảm hứng từ một buổi sưu tầm tranh của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh với chủ đề là “Thấu cảm và những câu chuyện chưa kể” sau những trận lũ lụt tàn phá những ngôi trường ở miền trung Việt Nam. Từ chương trình này, sự thấu cảm trong tôi đó chính là sự tương trợ, đồng hành và trao cơ hội cho người khác.

 

Trong một môi trường giáo dục khác tại Nhật Bản gợi cho tôi những suy nghĩ về lòng trắc ẩn nhiều hơn là sự thấu cảm. Theo cách hiểu của tôi, lòng trắc ẩn thôi thúc người ta hành động nhiều hơn là sự thấu cảm và vì thế nó tạo cảm giác giàu năng lượng hơn. Thông qua trải nghiệm cá nhân, tôi cảm nhận rằng phẩm chất căn bản của giáo viên ở đây đó là sự giàu lòng trắc ẩn bởi vì môi trường giáo dục ở đây lấy học sinh làm trung tâm và học sinh có tiếng nói quan trọng trong trường học. Khi một học trò có hành vi không đúng mực, giáo viên thường có xu hướng tìm kiếm lý do đằng sau nó và tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề thay vì quở phạt học trò. 

 

Quay trở lại với tháp nhu cầu của Maslow, tôi nhu cầu nhận thức (hay nhu cầu học tập) chỉ có thể được thoả mãn một cách đầy đủ sau khi những nhu cầu căn bản hơn được đảm bảo trước. Trong đó, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn là những nền tảng căn bản mà học trò cần được cung cấp trong môi trường giáo dục. Những nhà nghiên cứu giáo dục tin rằng phẩm chất đó cần được xây dựng và tạo cảm hứng từ trên xuống dưới trong hệ thống giáo dục. Ví dụ như trong trường học thì điều đó phải được đảm bảo từ hiệu trưởng, tới quan quản lý, tới giáo viên và theo đó là học sinh. Như vậy, xây dựng một nền tảng đạo đức trong trường học và tạo cảm hứng làm việc cho giáo viên là phẩm chất nền tảng mà hiệu trưởng cần có.  Tuy đó là yêu cầu cơ bản nhưng cũng không hề dễ dàng đạt được bởi vì những phẩm chất đó chỉ thường có ở những nhà giáo đầy khát vọng. 

 

Tôi tin rằng, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn là tiền đề căn bản nhất để xây dựng một cộng đồng lành mạnh bên trong trường học và sẽ tạo đủ yêu thương để mọi thành viên từ giáo viên, ban giáo hiệu và học sinh cảm thấy mình là một phần quan trọng trong tập thể ấy.

 

Ce Phan

Chúng ta có đang làm những đứa trẻ trở nên thất bại?

 Tôi đã biết đến nhận định này trong một bài diễn thuyết trên TED Talks của Sir Ken Robinson vào tháng 2 năm 2006và đã thực sự ấn tượng bởi vì ông ấy nói về sự thiên lệch của nền giáo dục đã triệt tiêu đi tính sáng tạo của rất nhiều trẻ em. Và có lẽ đó chính là nguyên nhân để dẫn đến kết luận của ông rằng hệ thống trường học của chúng ta đang làm trẻ em trở nên thất bại.

 

Như vậy có thể hình dung được rằng có thể mục tiêu giáo dục của nhiều trường học có thể không đáp ứng được mục tiêu cuộc đời của những đứa trẻ. Đến lúc này, chúng ta có thể hoài nghi rằng liệu những đứa trẻ có thực sự biết chúng muốn gì và thể hiện khả năng của mình ra sao hay không? Lời nhận định của Picasso có thể giúp gia cố cho niềm tin của chúng ta rằng khi ông nói mọi đứa trẻ sinh ra đều là nghệ sĩ và chúng chỉ biểu lộ những vấn đề khi chúng trưởng thành hơn mà thôi.  Ngày nay, chúng ta chứng kiến thêm rất nhiều những tài năng nhí thậm chí dưới 10 tuổi. 

 

Giáo dục đang định hướng phát triển con người hay giáo dục là công cụ để thực hiện những mục tiêu khác? Dễ nhận thấy rằng chúng ta vẫn ở trong quỹ đạo ảnh hưởng của sự phát triển công nghiệp hoá với những trào lưu mới như: toàn cầu hoá, kỹ nghệ số hoá. Nhu cầu đào tạo ra lực lượng lao động để giải quyết những vấn đề trong quá trình phát triển công nghiệp đã thu hút hầu hết các nền giáo dục vào tiến trình đó. Mặc dù, xã hội công nghiệp cũng mở rộng ra nhiều lĩnh vực và đạt được những sự đa dạng nhưng nó vốn dĩ vẫn bị bó buộc vào những ngành nghề theo quy luật cung cầu của thị trường công việc. Như vậy, xu hướng công nghiệp hoá đã mang lại cuộc sống với những tiện nghi nhất định nhưng cũng đồng thời bỏ qua rất nhiều những giá trị khác về nhân sinh học mà nổi bậc nhất là sự sáng tạo nghệ thuật. 

 

Trong một bài diễn thuyết khác của Sir Ken Robinson vào năm 2010, ông lại tiếp tục kêu gọi một cuộc cách mạng giáo dục để những đứa trẻ có thể phát triển toàn diện hơn. Trong đó, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong sự hiểu biết về trí thông minh của trẻ em. Theo đó, trí thông minh bao gồm 3 phần: sự đa dạng, sự năng động và sự dễ nhận biết. Ông cũng cho rằng đây là những nguyên tắc gốc rễ để nền giáo dục có thể xây dựng lại hệ thống của mình để có thể chạm tới những phạm vi mà nó chưa từng nhấn mạnh trước đây. 

 

Giáo viên dĩ nhiên là một yếu tố quan trọng trong sự cân nhắc này bởi vì giáo viên là những người gần gũi với trẻ em nhất và họ cũng hiểu những đặc điểm riêng của từng học trò. Ở khía cạnh này có thể lấy sự hiệu quả trong việc phát huy khả năng thiên bẩm của trẻ em để đánh giá sự hiệu quả của giáo viên thay vì những mục tiêu đóng khung hàng năm dành cho giáo viên. Tôi nhận thấy, trong sự dịch chuyển giáo dục này, giáo viên sẽ làm việc với hai phạm trù: xác định lại những thách thức mà họ phải đối mặt trong nền giáo dục cá nhân hoá và cách chuyển hoá chúng thành những giá trị với sự lạc quan và thích thú dành cho học trò. Để có thể phát huy được thế mạnh của nền giáo dục cá nhân hoá thì giáo viên phải có sự nhạy cảm trong quan sát và đánh giá học sinh. Họ bắt buộc phải trở thành những chuyên gia trong môi trường giáo dục ấy. Lấy giáo viên mầm non làm ví dụ, họ thường áp dụng phương pháp đánh giá tiến trình (formative assessment) thông qua quan sát biểu hiện của những đứa trẻ hơn là đánh giá thông qua kết quả học tập (summative assessment). Điều này giúp họ dễ dàng đạt được sự nhạy cảm thông qua việc ghi chú lại những thói quen cũng những biểu hiện lạ và từ đó thiết kế một môi trường giáo dục phù hợp để những khả năng của trẻ em có điều kiện phát triển. 

 

Dĩ nhiên, sự phát triển của trẻ em ở mỗi giai đoạn là khác nhau. Tạm thời các nhà giáo dục và những nhà nhân sinh học tạm thời phân loại ra các giai đoạn như thời thơ ấu, thiếu nhi và thiếu niên trước khi các em xác định rõ các định hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Khi nhìn vào các giai đoạn trưởng thành này của trẻ em, chúng ta sẽ nhận ra cách mà nền giáo dục đang làm là xây dựng nên một cái tháp tri thức. Khi trẻ em càng lớn cũng sẽ càng giới hạn lại những phạm vi hoạt động học thuật và tập trung hơn cho những gì mà chúng cảm thấy là thế mạnh của chúng. Để quá trình này không làm trẻ em trở nên thất bại ngay từ giai đoạn đầu đời, nền giáo dục cần có những cải tổ để có thể giúp trẻ em phát triển suy nghĩ dồi dào của chúng và mang lại nhiều cơ hội hơn để trẻ em có thể trải nghiệm nhiều các khía cạnh khác nhau trong đời sống. 

 

Ce Phan

Dạy thêm - học thêm câu chuyện cũ mà vẫn còn mới ở Việt Nam

 Nhìn một cách bao quát thì việc dạy thêm và học thêm diễn ra khá phổ biến ở các nước Châu Á. Tôi có trải nghiệm dạy học ở Việt Nam và Nhật Bản nên sẽ chia sẻ đôi điều liên quan tới vấn đề này nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). 

 

Nguyên nhân gốc rễ

 

Khi nhìn vào chương trình học từ mầm non cho đến chương trình phổ thông trung học ở Việt Nam, có thể nhận thấy một điểm chung đó là nền giáo dục lấy việc đánh giá năng lực học tập của học sinh làm trung tâm. Bên cạnh nền giáo dục xem người thầy là trung tâm thì đây cũng là một triết lý giáo dục được xem là truyền thống của hầu hết các nền giáo dục trên thế giới. Chương trình học và mọi hoạt động giáo dục diễn ra để tập trung chủ yếu vào việc thi cử. Sự chuyển tiếp giữa các cấp học từ thấp lên cao cũng chỉ dựa vào điểm thi mà hầu như bỏ qua các tiêu chí khác như thái độ học tập, định hướng học tập, nghiên cứu. Giống Việt Nam ở việc vẫn duy trì các kỳ thi chuẩn hoá (standardized tests), nền giáo dục của Nhật Bản vẫn còn nặng tính thi cử mặc dù họ có rất nhiều nỗ lực giảm bớt. Hiện tại, có rất ít các kỳ thi diễn ra ở cấp tiểu học (học sinh lớp 1 và 2 thì không đánh giá thông qua điểm số). Tuy nhiên, giáo dục Nhật Bản lấy học sinh và nội dung làm trung tâm do đó họ có xu hướng chú trọng vào sự phát triển cá nhân và sự tuyền đạt được kiến thức quan trọng mà các nhà giáo dục cho rằng qua trọng với học trò. 

 

Điểm khác biệt

 

Có lẽ từ chính việc xem trọng các kỳ thi dẫn đến sự phát triển nở rộ của việc dạy thêm và học thêm. Trong khi giáo viên ở Việt Nam được tự do nhận học trò để dạy thêm thì ở Nhật Bản, giáo viên sẽ gặp rất nhiều rắc rối nếu họ nhận chính học trò trong trường để dạy thêm. Thứ nhất, không chỉ trong ngành sư phạm mà hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống, giáo viên không “kinh doanh sân sau” khi họ vẫn là người trong một tổ chức. Nó liên quan tới đạo đức nghề nghiệp và những quy định nội bộ trong các trường học. Thứ hai, phụ huynh người Nhật cũng có xu hướng sẽ không gửi con cái của mình cho chính những giáo viên dạy con mình ở trường. Lý do đơn giản là họ không muốn trả thêm tiền để học lại hoặc tương tự những gì học trò được học ở trường. Dĩ nhiên, giáo viên phải thể hiện hết năng lực của họ khi họ nhận một công việc nào đó. 

 

Có lẽ sẽ có một số người nghĩ rằng giáo viên người Nhật được trả lương cao nên họ không cần dựa vào dạy thêm. Điều này nên cần xét lại bởi vì thu nhập của giáo viên ở đây thấp hơn thu nhập bình quân của các ngành nghề khác. Tuy nhiên, cũng giống Việt Nam, nghề giáo là nghề được người Nhật xem trọng mặc dù họ không có ngày nhà giáo được tổ chức đặc biệt như ở Việt Nam. 

 

Như vậy các trung tâm dạy kèm ở Nhật Bản diễn ra như thế nào? Những trung tâm này thường được hiểu là các trung tâm giáo dục ngoài giờ (dạy sau giờ học chính khoá hoặc vào cuối tuần). Có một điều mà có lẽ mọi người ít để ý đến là chức năng “giữ trẻ” của những trung tâm này bởi vì phụ huynh ở Nhật Bản thường đi làm về muộn nên họ thường sẽ cho con họ học tiếp thứ gì đó sau thời gian học chính khoá. Một điều nữa đó là các kỹ năng được học trò Nhật thường chọn để học thêm rất đa dạng: học vẽ, học khiêu vũ, học thể dục thể thao, học nhạc và học luyện thi. Những trung tâm này thường có giáo viên cơ hữu chứ không dựa vào nguồn giáo viên ở các trường học. Cũng có thể có những giáo viên nhận những công việc bán thời gian ở các trung tâm này, nhưng phần lớn họ sẽ ưu tiên những công việc của gia đình sau một ngày làm việc. 


 

Ce Phan

Hãy ngưng lạm dụng châm ngôn và biểu ngữ trong giáo dục

 Tại sao cứ phải dùng những câu khẩu hiệu giống nhau cho hàng loạt trường thế nhỉ? Mỗi ngôi trường có những đặc điểm và truyền thống riêng vì thế không nên gán những cái nhãn giống nhau ở mọi nơi. Càng dùng đại trà thì càng nhàm chán và phản tác dụng chứ chắc gì đã hay. 

Nếu thực sự muốn một triết lý vào đó được gieo một cách lành mạnh vào tâm trí học trò thì chuỗi những hành động (cụ thể hơn là bài giảng) mới thực sự là điều cần làm. Sử dụng biểu ngữ như một cách lười biếng trong việc tìm kiếm giải pháp và luôn muốn gán cho một cái đích mà chẳng bao giờ làm được. Nếu nhìn rộng hơn ra ngoài xã hội thì bạn có thể sẽ nhận ra rằng ở những nơi càng có nhiều vấn đề thì càng xuất hiện biểu ngữ. Ví dụ, chỗ toàn thấy rác thì có biển "cấm xả rác" hoặc "xanh, sạch, đẹp". Biểu ngữ không phải là giải pháp!

Quay trở lại chuyện trường bọc. Thay vì đặc biểu ngữ, ban giám hiệu trường học có thể đặc ra mục tiêu cụ thể cho từng năm trong kế hoạch của trường. Ví dụ: Trong năm học này, trường sẽ áp dụng các giải pháp A,B,C để giảm đi những hành vi bạo lực xảy ra trong trường học so với năm ngoái. Mục đích của cách làm như vậy là để có thể cải thiện được những vấn đề đang nảy sinh trong trường theo khả năng có thể của trường. Một khi từng mục tiêu được thực hiện tốt thì từng bước ngôi trường đó sẽ đạt được những tiêu chuẩn cao hơn mà không cần phải ghi ra những điều không thực tế. 

Trong môi trường giáo dục ở Nhật Bản, nơi tôi đang dạy học cũng có những biểu ngữ được sử dụng nhưng nó phần lớn liên quan tới những nhắc nhở về sự an toàn. Tôi xem những câu chữ mang tính chỉ dẫn hơn là đưa một mục tiêu để thực hiện.  Nhiều nơi đặt tượng của những học giả lớn và những câu châm ngôn của họ. Nhưng mỗi trường thì mỗi khác tuỳ theo lịch sử của trường và những triết lý mà họ chịu ảnh hưởng. 

Có một cách làm của người Nhật mà tôi thấy rất hay mặc dù có thể nó là chuyện nhỏ thôi, đó là sự đánh giá hay nhận xét trong nội bộ. Nghĩa là những hoạt động diễn ra trong trường cho dù là nhỏ nhất đều được các thầy cô ngồi lại để xem xét tốt, xấu, hay, dở ra làm sao và đưa ra những giải pháp để cải thiện. Sự giao tiếp và tương tác nội bộ rất quan trọng vì nó giúp trường tự mình giải quyết những vấn đề đang vấp phải hơn là chỉ nghe những mục tiêu và giải pháp từ các cơ quan quản lý giáo dục ở cấp cao hơn.

Một ví dụ nhỏ về sự an toàn trong trường học không phải được cam kết bằng câu biểu ngữ "an toàn là trên hết" mà là một chuỗi rất nhiều những hành động nhỏ được thực hiện và cải thiện trong rất nhiều năm. Nếu có bất kỳ một giáo viên nào mà không nắm vững được các thao tác sơ cứu, cấp cứu cho học trò thì không thể nào xem trường đó thực sự an toàn được. Càng làm việc nhiều hơn với giáo viên người Nhật thì tôi càng học được rằng mình cần phải thực hành nhiều lần chứ không chỉ nói suông. Làm một lần thành công cũng chưa chắc là thành công mà phải lặp lại nhiều lần hơn nữa. 

Tóm lại, tôi tin rằng kỹ năng giải quyết vấn đề bên trong mỗi trường sẽ giúp trường học đó trưởng thành hơn chứ không phải các câu biểu ngữ hoặc khẩu hiệu. Và nếu muốn dùng các câu khẩu hiệu thì hãy để các trường học tự do lựa chọn những điều mà họ thấu gần gũi và phù hợp nhất. Nếu nó trở thành một câu châm ngôn hay và tạo ra sự khác biệt cho trường thì đó mới là điều đáng quý. 

Ce Phan

Trí thông minh đa dạng của trẻ em, Howard Gardner

 Tôi thử kiểm tra trí thông minh của mình bằng một bài kiểm tra dựa trên nghiên cứu của Howard Gardner (1). Dựa trên kết quả đạt được của tôi,  họ xếp 3 loại trí thông minh thuộc nhóm trên bao gồm: nội tâm (khả năng phân biệt giữa các loại cảm giác, tạo dựng sự suy nghĩ thấu đáo và đưa ra quyết định về cuộc sống); ngoại cảm (khả năng nhận biết và hiểu được đối phương); cảm nhận hình ảnh và không gian (khả năng nhận thức bằng thị giác và ngoại cảnh và tạo ra các không gian nhận thức một cách hiệu quả)

 

Trước tiên, phải nói rằng tôi đã rất ngạc nhiên và ấn tượng rằng người ta có thể tạo ra một tiêu chuẩn nào đó để đo lường trí thông minh của con người. Lý thuyết về trí thông minh đa dạng của Howard Gardner đã làm lu mờ đi những quan điểm truyền thống hạn hẹp về trí thông minh khi lý thuyết của ông đã vạch ra chín điểm thông minh (ngôn ngữ, logic, hình ảnh/không gianthể chất, âm nhạc, ngoại cảm, nội tâm, thế giới tự nhiên và hiện sinh). Khi nghiên cứu về lý thuyết này, Zhou & Brown nói rằng những loại trí thông minh này có khả năng tạo ra và giải quyết các vấn đề, tạo ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ được đánh giá cao trong một nền văn hóa hoặc xã hộiTrước đây, tôi đã biết tới cách người ta đánh giá thông qua chỉ số IQ nhưng dường như nó chỉ kiểm tra những đặc điểm liên quan tới ngôn ngữ và logic. Quan niệm về trí thông minh đa dạng của Howard Gardner đã thực sự mở ra một cách nhìn bao quát hơn về sự thông minh của con người. Tôi cho rằng, những phát hiện đó có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em. 

 

Quay trở lại kết quả mà tôi nhận được từ bài kiểm tra MI. Tôi nghĩ kết quả đó mô tả đúng với những khả năng mà tôi tin là nổi bậc nhất của tôi ở thời điểm hiện tại. Trong khi thực hiện bài test, tôi có một chút do dự khi trả lời một số câu hỏi đặc biệt là những câu hỏi về logic hoặc các trò chơi sử dụng tư duy logic. Thực tế, có những kỹ năng là thế mạnh của tôi trong những năm về trước nhưng lại không thường xuyên được thể hiện ở thời điểm hiện tại. Tôi nhận ra ở mỗi giai đoạn của cuộc đời thì tôi lại có những mối quan tâm và sự ưu tiên khác nhau. Theo như nghiên cứu tâm lý học về các giai đoạn của một đời người, Daniel Levinson đã chia làm 5 giai đoạn chính và mỗi giai đoạn chúng ta có những thay đổi lớn về biểu hiện, suy nghĩ và những sự ưu tiên trong cuộc sống rất khác nhau. Theo đó, với độ tuổi này, tôi đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ “tự điều chỉnh” tới “ổn định”. Trong giai đoạn này, tôi thường xem xét lại những thành tựu đã đạt được và điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Tôi cũng phấn đấu hoàn thành những mục tiêu cho cuộc đời và bắt đầu lo cho gia đình và cộng đồng. Do đó, tôi cho rằng kết quả chúng ta nhận được thông qua MI trong mỗi giai đoạn là khác nhau. 

 

Tóm lại, tôi cho rằng có khả thi khi dựa vào những con số thống kê về những loại trí thông minh theo từng giai đoạn phát triển của học trò. Từ đó, các nhà giáo dục có thể xác định những ưu tiên cần thiết cho học trò trong chương trình giáo dục. Nếu chúng ta xác định được một giai đoạn vàng về sự phát triển thịnh vượng nhất các loại trí thông minh thì chương trình giáo dục sẽ có những điều chỉnh phù hợp và phát huy tốt nhất tiềm năng của trẻ em. 

 

Ce Phan

(1)  Multiple intelligences. (2021). Career insite. https://alis.alberta.ca/careerinsite/know-yourself/multiple-intelligences-quiz/

Gian hùng thời hiện đại

Ngày xưa, những có những vị vua thường được xưng tụng là vì dân khi họ thực sự làm cho đời sống nhân dân phùng thịnh. Nhưng cũng có những vị rất gian hùng, họ hiểu lòng dân và chỉ lợi dụng cho mục đích vương quyền là chủ yếu. 

Thời tam quốc ở Tàu, Tào Tháo nổi tiếng là gian hùng. Ông đã khai thác triệt để những bài pháp dân tuý để an dân và an quân. Có tích rằng ông mượn cái đầu của thuộc cấp là tướng quân lương Vương Hậu để quân không loạn trong lúc công phá thành của Viên Thuật. Ông cũng dùng thủ tháp tương tự như khi xe ngựa của ông dẫm phải hoa màu của dân và để lại những tiếng vang để đời. Đó là những bệ phóng để đưa Tào Tháo lên đỉnh cao quyền lực về sau. 

Thời nay tuy có hiện đại, có nhà lầu xe hơi nhưng những bài pháp cũ cũng thường được giới lãnh đạo độc tài sử dụng. Mỗi khi có một sự kiện thu hút dân chúng mà có thể gia tăng uy tín của họ. Họ sẽ làm liền và thường làm quá lên để thu phục nhân tâm. Chính phủ của họ không đủ thực lực để giải quyết những vấn đề có tính tầng bậc, đa dạng và phổ quát. Họ thường chỉ để mắt tới những vụ mà họ dễ chiến thắng lòng dân nhất. 

Thật bi ai là những giai đoạn lịch sử mà chủ nghĩa dân tuý được phát huy tối đa thì giai đoạn đó lại là giai đoạn đen tối nhất. Sự phát triển của một đất nước thường chỉ bền vững khi có một nền pháp trị vững vàng và khi đó: công lý không dành cho một vài sự kiện thu hút lòng dân mà nó lành cho tất cả mọi người. 

Tào Tháo hay Lưu Bị chỉ vài trong số những gian hùng được hậu thế dựng lại nhưng họ chưa phải là "những ngôi sao sáng nhất". Lãnh đạo thời nay đã làm cho các nhân vật ấy lu mờ bởi vì họ còn điệu nghệ hơn rất nhiều lần. Trong tương lai, họ sẽ là những nhân vật lịch sử đầy tính truyện và mọi người sẽ lưu truyền ngàn đời. 

Ce Phan