Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Từ Nguyễn Trường Tộ cho đến những tranh luận ngày nay về dạy tiếng Hán ở Việt Nam



Bài viết của tác giả: Phạm Minh Tùng, đang du học tại Baden-Württemberg, CHLB Đức. Bài báo này được đăng tại báo BBC Tiếng Việt để góp ý một góc nhìn mới về giáo dục tiếng Hán trong chương trình học chính khóa tại Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử cuối thế kẻ XIX, nhà duy tân tiên phong lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ trong khi chủ trương xây dựng chữ Quốc Ngữ ở Việt Nam, đã không dùng chữ Quốc ngữ do các nhà truyền đạo phương Tây sáng tạo.

Ông chủ trương lấy chữ Hán để đọc âm theo nghĩa Việt.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận lợi ích của chữ Quốc Ngữ được latin hóa. Trong khi đó, với chữ Hán, phải “thập niên đăng hỏa” (mười năm đèn sách), chữ Quốc ngữ chỉ cần học hết lớp một (theo chương trình giáo dục Việt Nam) cũng đã có thể đọc thông viết thạo.

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng chữ Quốc ngữ đã giúp Việt Nam xóa nạn mù chữ sau năm 1945, và quan trọng hơn cả là giúp Việt Nam phân định sự khác biệt đối với anh bạn “láng giềng lâu năm”.

Lịch sử đã sang trang, Việt Nam ngày hôm nay là sự năng động và toàn cầu hóa.

Và trong sự toàn cầu hóa này, Việt Nam cần phát huy và tận dụng lịch sử, ngôn ngữ lâu đời để tiếp cận tinh hoa và kiến thức Đông Á một cách dễ dàng hơn.

Nền tảng cường quốc

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trong bài viết "Chữ Tây và Chữ Hán chữ nào hơn?" (theo Bán Nguyệt san Kiến thức ngày nay, 1989), cho rằng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, người châu Âu yên trí rằng mình dùng chữ viết ABC - thứ chữ ghi âm là hợp lý nhất.

Nhưng từ sau những năm 30 của thế kỷ XX, sau các công trình của trường ngữ học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó khác với ngôn ngữ nói thì quan điểm chữ viết ghi âm ưu việt hơn đã phải nhường chỗ cho quan điểm “tổ hợp âm” chữ viết.

Năm 1978, một nhóm học ở Mỹ đã làm thí nghiệm, họ mở một lớp gồm trẻ em bị chứng Alexia (chứng bệnh không học chữ được) bằng cách dạy cho chúng tiếng Anh nhưng bằng chữ Hán.


Tác giả dẫn lời học giả nước ngoài cho rằng chữ Hán là một nền tảng của sự thịnh vượng của một số cường quốc châu Á ngày nay.

Ví dụ: “He came to a high mountain”, chữ Hán là 他 到 及 一 高 (tha đáo cập nhất cao sơn), thì sau 1 năm, các em đọc và viết được 1.600 từ đơn và về khả năng hấp thụ tri thức tỏ ra không 'đần độn' chút nào.

Thậm chí kết quả học tập có phần trội hơn các em tiểu học bằng chữ ABC. Điều này có thể lý giải bời vì, đối với loại trẻ khuyết tật, khả năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn khả năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích).

Để chứng minh tính ưu việt của hiện tượng này, người ta còn xét đến cơ chế của việc đọc chữ, và khi đọc, người biết chữ thành thục không cần đánh vần.

Họ nhận ra các từ qua diện mạo chung của chúng không khác gì bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, mũi, miệng, rồi tai…), mà nhận ra ngay toàn thể diện mạo của vật hay người đó.

Tâm lý học hiện đại từ đó mà có khái niệm “diện mạo tổng quát”, được gọi là Gestalt.

Nếu Gestalt càng gọn ghẽ thì việc nhận dạng càng nhanh chóng. Chính từ quan điểm trên mà năm 1985, trong cuốn sách 'Le nouveau monde sinisé' (tạm dịch “Thế giới Hán hóa mới”), Leon Vandermeersch đã chỉ ra rằng: sở dĩ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, và Singapore phát triển nhanh chóng thành những “con rồng” của châu Á vì họ vẫn dùng chữ Hán.

So sánh khập khiễng

Theo tôi đã có sự so sánh khập khiễng giữa hệ thống chữ Latin với hệ thống chữ Hán.

Chữ Latin đã tồn tại từ rất lâu và ngày hôm nay hệ thống latin có ảnh hưởng không nhỏ đến từ vựng của ngôn ngữ Phương Tây.

Bằng chứng là rất nhiều từ vựng tiếng Anh giống tiếng Đức, tiếng Pháp. Vì thế, giới trẻ phương Tây có thể thành thạo nhiều thứ tiếng và trở nên năng động hơn, trở thành công dân toàn cầu một cách dễ dàng.

Còn với Việt Nam, gần như chúng ta đã thay đổi hoàn toàn một thệ thống chữ cái khác hẳn. Hệ thống chữ cái Việt Nam ngày nay chẳng còn liên hệ một chút nào đến các từ Hán - Nôm.

Vì thế người Việt học tiếng Anh, Pháp, Đức cũng khó (chữ Latin, nghĩa Hán - Việt), học tiếng Trung, Nhật, cũng khó (Nghĩa Hán Việt, chữ Hán tự).

Nói một cách khác, người Việt học tiếng Anh và tiếng Hán đều mất nhiều thời gian. Một sự bất lợi mà chính sau khi Chính Phủ Trần Trọng Kim ban hành phổ cập chữ quôc ngữ cũng không thể ngờ tới.

Về Thế giới Hán hóa ngày nay, có thể chia sẻ một chuyện. Tại một ngôi làng nhỏ thuộc bang Baden-Wuttemberg, nước Đức, một bộ phận sinh viên Đức học kinh tế chính hiệu có thể giao tiếp cơ bản tiếng Hán.
Chữ Hán có thể giúp đỡ việc học văn hóa và ngôn ngữ của một số đối tượng là trẻ em khuyết tật, theo tác giả.

Vào mỗi thứ năm hàng tuần, ngay chính tại night club Expressguthalle nổi tiếng nhất ngôi làng đó, sau khi chìm đắm vào những ly rượu Cocktail, các sinh viên Đức lại thi tài với nhau về khả năng nói nhiều thứ tiếng. Và một trong những ngôn ngữ không thể thiếu đó là tiếng Trung.

Tại các thành phố lớn như London, New York, Paris đều có một bộ phận không nhỏ người Hoa đang sinh sống và làm việc.

Còn đối với Việt Nam, các nước nói tiếng Trung như Đài Loan, Singapore, Trung Quốc và cả Malaysia đều là những đất nước có lượng đầu tư lớn vào Việt Nam. Một số lượng lớn du học sinh Việt hiện đang du học tại những đất nước này. Và quan trọng hơn cả, số lượng người nói tiếng Trung đã vượt qua số lượng người nói tiếng Anh trên toàn thế giới.

Sự 'giống nhau' Hán - Việt

Tiếng Hán đã gia nhập kho tàng ngôn ngữ Việt dưới tên gọi Hán - Việt. Nó chiếm khoảng 70% vốn từ tiếng Việt như ta thường thấy, đặc biệt là trong kinh tế và chính trị .

Đơn giản như từ: “chủ quyền” thì tiếng Hán là “主权”- đọc là “Zhǔquán”, còn tiếng Anh là sovereignty. Khả năng ghi nhớ từ vựng tiếng Hán (âm pinyin) sẽ nhanh hơn tiếng Anh.

Như một sự khởi đầu, theo tôi, dẫu biết thay đổi một sớm một chiều một hệ thống giáo dục là vô cùng khó, thế nhưng thay đổi step-by-step (từng bước một) là điều hoàn toàn có thể làm được. Phổ cập chữ Hán - Nôm cơ bản có thể khởi đầu từ những học sinh cấp hai.

Sự kết hợp giữa ngữ văn và đọc viết cơ bản chữ Hán Nôm nên đi song hành vào các tác phẩm thơ phiên âm đang giảng dạy. Những bài thi, bài kiểm tra Hán - Nôm học thực sự cần sự trú trọng và tính nghiêm túc trong giảng dạy.

Nếu truyện Kiều được dạy bằng Hán - Nôm thì chắc chắn sẽ đặc sắc hơn cái kiểu học thuộc lòng “bằng chữ Quốc ngữ” như bây giờ.

Các nhà làm chính sách nên coi chữ Hán Nôm như là một văn hóa từ ngàn đời nay do cha ông ta đúc kết lại để những thế hệ sau có cơ hội được quảng bá một loại chữ viết đặc sắc của Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để thay cho lời kết, chúng tôi nghĩ rằng ngược dòng lịch sử cuối thế kẻ XIX, nhà duy tân tiên phong lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ khi chủ trương xây dựng chữ Quốc Ngữ, đã không dùng chữ Quốc ngữ do các nhà truyền đạo phương Tây sáng tạo.

Ông chủ trương lấy chữ Hán để đọc âm theo nghĩa Việt. Hơn một thế kỷ trôi qua, có lẽ đề xuất của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn mang tính thời đại.

(Ghi chú của tác giả: "Bài viết có dùng nguồn từ bài báo “Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam” của Nguyễn Đình Chú trong tạp chí Hán Nôm số 2 (69) năm 2005.")

Ghi chú: Tựa đề do Ce Phan đặt lại để phù hợp với nội dung của bài đăng trên blog này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét