Trong 4 con vật mà Robert Kiyosaki minh hoạ cho 4 kiểu người trong một xã hội, gồm có: con khỉ, con sư tử, con cú và con ngựa thì tôi đặc biệt quan tâm tới con khỉ. Sở dĩ theo tác giả phác hoạ, con khỉ tượng trưng cho nhóm người thông minh, lanh lợi. Họ có năng lực làm việc rất linh loạt, biết dựa vào uy thế của sư tử, biết lắng nghe cú và biết cách sử dụng ngựa. Cũng vì thế mà mỗi khi tôi hỏi học trò về hình tượng con vật mà bạn yêu thích trong nhóm 4 con đó thì phần đông vẫn chọn con khỉ.
Đó là câu chuyện của một doanh nhân Mỹ gốc Nhật, còn người Việt thì tâm niệm nhân sinh quan theo thuyết ngũ hành có ảnh hưởng từ Trung Quốc. Người miền Bắc khi gặp nhau thì hỏi "bạn cầm tinh con gì?", câu này trong miền Nam thì được hiểu là "bạn tuổi con gì?". Những nhà bói toán thời xưa quan niệm từng con vật tái hiện cho một chòm sao chiếu mạng được gọi là can chi và mỗi người sẽ lớn lên và tái hiện rõ nét dần theo tâm niệm cho mỗi chòm sao đặc thù.
Dù chỉ có 12 chòm sao theo quan niệm cổ, nhưng những nhà chiêm tinh học tin rằng chừng ấy là đủ để có những dự báo cho số phận của mỗi con người. Và người Việt thời hiện đại thì có vẻ càng dễ tiên lượng hơn. Tôi thấy mình là một trong số khoảng 90 triệu con khỉ đang tồn tại với những biểu hiện rất giống nhau.
Người Việt đang trong 'giai đoạn quá độ' trong cả xu hướng chung được định nghĩa bởi một đảng phái chính trị duy nhất và cả tính cách riêng được tái hiện qua cách 'suy nghĩ nước đôi' (double-think) khi ai cũng phải học cách lươn lẹo để định nghĩa bản thân mình trong xã hội mà nó không cổ xuý cho chủ nghĩa cá nhân. Mặc dù theo cách hiểu triết học thì đi lên từ chủ nghĩa cá nhân tới chủ nghĩa cộng đồng (tập thể) hay ngược lại thì cả hai hình thái đó đều hiện diện bên trong mỗi người. Một trong hai điều bị loại trừ trong một thể chế chính trị nào cũng có thể khiến con người làm 'trò khỉ' để tồn tại.
*********
Một xu hướng mới mà gần đây các nhà lãnh đạo tương lai đều rất chú tâm đó là vấn đề về nhập cư. Tôi có đọc nhiều bài phân tích về quan điểm chính trị của 2 ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống vào đầu năm 2017 của nước Mỹ. Tất cả những lời tranh hùng trong giai đoạn bầu cử đều hướng về những điều cao cả nhất mà các vị muốn làm cho loài người, cụ thể đó là người Mỹ.
Ông Donald Trump thực sự làm tôi chú ý với phát biểu phản bác lại với chính sách nhập cư mà đối với người nước ngoài tới Mỹ thì cho là nhân bản, người bên trong thì khen ngợi như một chính sách hay để thu lời cho nước Mỹ. Đó là chính sách cho những bà mẹ mang bầu (Anchor Baby) có thể đến nước Mỹ để sinh con và tăng khả năng xin được giấy nhập cư cho con trong tương lai. Người Mỹ một thời gian dài rất biết kiếm lời từ kinh doanh "giấc mơ Mỹ". Trong cuốn Crippled America ông Donald Trump thể hiện ý đồng tình với chính sách này mà chỉ đề cao hình thức nhập cư mà người đến với nước Mỹ phải là những người có tài năng thật sự, có đóng góp lâu dài cho nước Mỹ chứ không phải những đứa trẻ "chưa được định nghĩa" như chính sách của TT đương nhiệm Barack Obama.
Nhiều tờ báo Mỹ và Âu Châu có cách gọi cho những công dân toàn cầu có trí tuệ, tiền bạc và địa vị xã hội là nhóm "high class" - bao gồm những con người mà đất nước nào cũng muốn có. Ở Việt Nam, một thời người ta nói đến công dân hạng A, theo cách tương tự và có thể ảnh hưởng từ Nga, đó là nhóm những người có đặc quyền, được ưu tiên về luật pháp và có "nhiều chế độ" riêng. Nếu vậy thì ở Việt có khoảng trên dưới 20 người bao gồm các uỷ viên BCT và những cốt cán đứng sau sẽ được xếp hạng A, nhóm hơn 1000 người uỷ viên trung ương Đảng đang làm các vị trí quan trọng theo các bộ, hoặc địa phương có thể sẽ là nhóm B+. Còn lại khoảng 90 triệu dân còn lại thì lần lượt là B,C,D... Gọi chung là nhóm con khỉ- phải lươn lẹo, chìm nổi với thế gian để được định nghĩa chính mình.
*********
Cách đây không lâu tôi đọc báo và thấy lời tự để trong ngoặc kép: "ai cũng muốn đi nước ngoài vậy ai sẽ xây dựng đất nước này đây?"- của một nữ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Tôi cũng tự hỏi bản thân mình những điều tương tự và miên man trong một câu nói khác của bà chủ tịch quốc hội đương thời Nguyễn Thị Kim Ngân là "bạn đã làm gì cho đất nước này chưa?".
Chưa tìm được câu trả lời lớn cho một bức tranh chung, nhưng những sự thật này thì có thể lý giải cho sự do dự của phần nào đó những người Việt có suy nghĩ như tôi. Nơi tôi sinh ra có tên gọi là Liên Trì, thuộc xã Bình Kiến, tỉnh Phú Yên, có một cái ao sen lớn được lấy đặt tên cho địa danh cả hơn 100 năm nay. Đó là một vùng đất trù phú-yên bình như cách các cụ nhìn nhận về nơi đây. Nhưng chỉ mới đây thôi, các ao sen diện tích chiếm không tới 1 hecta đất, nhưng cũng bị quy hoạch và lấp bỏ trong một dự án bắt đầu khoảng hơn 15 năm nay. Tới giờ, ao sen mất, dự án chưa xây và chủ thấy những hàng rào lưới thép B40 giăng khắp vùng để bao đất.
Tôi không thể định nghĩa quê hương mình sinh ra cho ngững người bạn từ Sài Gòn, hay ngoại quốc. Nhưng các em trẻ tuổi hơn thì có! Có em từng giải thích với tôi về cái tên "Liên Trì" sở dĩ là cái quán nhậu ở gần đó có một cái ao sen cũng khá lớn, có tên là "Hồ Sen quán". Tôi nói với em là tôi biết rất rõ lai lịch của quán này, nó chỉ mới mở từ năm 2001 từ một tay có "máu mặt" thôi. Vậy là tôi nhận ra, có một thế hệ mới đang tự tìm định nghĩa mới cho riêng mình về những dấu chỉ đã đánh mất.
Một cái tên Liên Trì khác cũng vừa bị chôn vùi trong đống đổ nát. Đó là tên của một ngôi chùa ở thành phố này. Nó bị buộc phải di dời để nhường chỗ cho một dự án mới, mặc cho sự ngăn cản của giới chuyên gia, những nhà tâm linh và cả sư trụ trì. Sự thay thế không đến sự tự nguyện hay chí ít là sự thoả hiệp mang tính cởi mở cho một ngôi chùa 70 tuổi, mà lại đến từ sự ép buộc, đàn áp.
Mặc dù, cũng có nhiều người nhìn về những dự án mới với nhiều điều thích thua, nhưng tôi đã không thể thuyết phục mình cho những điều mới mẻ đó. Tôi đã lỡ nói về những giá trị cũ là "quê hương tôi", là "đất nước tôi" với bạn bè nước ngoài, giờ có còn bao nhiêu cái là của chữ tôi nữa đây. Giờ nó là đất nước của các ông, các bà công dân hạng A hoặc hạng B. Hãy tự tiếp tục định đoạt cho cái "đất nước" của riêng mình đi chứ sao lại quay ra hỏi "tôi đã làm gì?".
Sống từng ngày trên đất nước mà mình là một phần nhỏ trong đất, từng hơi thở từng nhịp đập con tim của mình tìm thấy sự đồng điệu trong đó ... cũng là cho đất nước này chứ đâu? Bởi vậy, từng ngày từng giờ trôi đi khi những thứ xảy ra xung quanh chủ là trò khỉ (monkeying) thì tôi làm một con khỉ thay cho con người. Còn phần người tôi đang gửi gắm nơi nao!?
*********
Cũng như mọi ngày tôi vẫn ngồi viết blog tại một quán cafe nhỏ vào những lúc rảnh rỗi. Hoạt động thường ngày của tôi vẫn chỉ xoay quanh chuyện: nghe-nói-đọc-viết với góc nhìn ngôn ngữ là chính yếu, bởi lẽ từ lúc dạy tiếng Anh tôi có xu hướng để ý nhiều hơn tới cách mọi người biểu hiện thông qua ngôn ngữ.
Tôi vẫn ngồi viết khi mà những ông giáo già xung quanh mình đang nói nhiều về chuyện tướng số và tử vi. Tôi thích nghe hơn là quan tâm tới chủ đề của câu chuyện nên nhiều khi tôi trải nghiệm khác đi với những gì được nói ở đây.
Câu chuyện cho một ngày cuối tuần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét