Mở đầu với tựa hơi quái lạ và không mấy suông chữ sở dĩ là do tôi đang nghĩ tới câu chuyện ở một đất nước Nam Mỹ xa xôi và quy chiếu tới những con người quanh mình để thấy cái rối rắm của trí nhân và cái giá có thể nhìn thấy được cho những quyết định của riêng mình và trò chơi đang diễn ra xung quanh.
Hôm nay (15/9) các tờ báo lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự suy sụp kinh tế của Venezuela dẫn tới mối nguy vỡ nợ mà nhiều chủ nợ đang thấp thỏm và bàn tính mưu kế để dàn xếp cho một nền chính trị mới cho đất nước này sau 16 năm với cuộc chơi có tên gọi là "chủ nghĩa xã hội" được Hugo Chavez khởi xướng năm 1999.
Kiểu não toàn đất chắc hẳn không dành cho lãnh đạo của đất nước Nam Mỹ này và cũng không dành cho giới lãnh đạo những nước khác có cùng thể chế chính trị. Thực ta, họ quá khôn trong toan tính chính trị khi các đối thủ thất thế và nhanh chóng quốc hữu hoá tài sản để giành lấy quyền quyết định về cho đảng lãnh đạo và thong thả nhìn về lợi ích của riêng mình. Tôi đang nghĩ tới phần đông người còn lại, họ luôn bị cuốn hút bởi những mỹ từ về "quyền bình đẳng", "quyền làm chủ" và đồng ý xây dựng thiên đàng với quỷ dữ.
Đó quả là một canh bạc, mà người dân đặt cược tài sản, tính mạng và cả tiền đồ của mình cho nhà cái. Quá dễ để những người là tụ con trong canh bạc đó có cảm giác rằng tụ cái đang làm mọi điều trong sạch khi xào bài ngay trước mắt mình. Có lúc thắng, có lúc thua tuỳ thuộc vào độ "ban phước" của thằng bồi. Nhưng hơn hết ai cũng nhận ra là nhà cái lúc nào cũng kiếm bộn và sẵn sàng mở thêm nhiều sòng khác để mân mê con bạc!
Trở lại câu chuyện đang diễn ra ở Venezuela khi mà những là phiếu nâng dỡ bộ óc chứa sạn của Hugo Chavez vào giai đoạn thất thế của chính trường khi kinh tế lao vào khủng hoảng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá dầu thô ở nước này. Thể chế cũ với thị trường tư hữu các nguồn khai thác và sản xuất dầu không thể biện hộ cho nhu cầu tiêu dùng đang lên trong khi tiền trong túi của dân chúng thì đang cạn dần. Đảng của ông Hugo đã thắng khi ông tạo ra một niềm tin lớn về con đường xã hội chủ nghĩa và quản lý 'an toàn' nguồn dầu thô này bằng cách quốc hữu hóa chúng.
Bây giờ, giá dầu thô một lần nữa suy trầm nằm ngoài toan tính chính trị và người dân nơi đây mới thực sự cảm nhận thiên đường thực sự là như thế nào? Tính tới giai đoạn này, thế giới nhìn về đất nước và con người nơi đây với hình tượng 'con buôn thất bại'- hiểu theo nghĩa hẹp khi mà họ đã phải qua nhiều lần vỡ nợ và chu kỳ đổ vỡ kinh tế càng về càng ngắn sau khi ông Simon Bolivar giải phóng đất nước từ đề quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19 và độc tài toàn trị như là một đặc sản của đất nước giàu tài nguyên nhất lục địa Nam Mỹ này.
Người dân là vậy, cho dù giai cấp được định nghĩa theo kiểu nào đi nữa thì số dân nghèo nhất, đông nhất luôn luôn là nhóm sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất cho mỗi khủng hoảng mà đất nước đó xảy ra. Dẫu vậy mà họ vẫn luôn bị 'trùm đầu' bởi nhiều cái bọc khác nhau và mãi vẫn chưa hiểu nổi điều trái ngang.
Người dân nghèo hiếm nghĩ mà một khi được thôi thúc từ giới "làm chữ" thì họ có thể tưởng tượng rằng họ sẽ trở thành người làm chủ thật sự bằng cách phá bỏ đi quyền lãnh đạo của tầng lớp tri thức thay vì chỉ cần giành lấy quyền cầm lá phiếu trên tay để quyết định người lãnh đạo mình tốt nhất. Họ rất dễ bị lợi dụng bởi những nhóm lợi ích trong xã hội. Chính sách luôn được mong đợi để bảo hộ cho tầng lớp thấp-chiếm đa số lá phiếu, nhưng đó phải là một chính sách thực tế và dài hạn chứ không phải là những tác phẩm về những nấc thang lên thiên đàng. Thực tại vẫn là thực tại và có chăng đó là hố sâu của sự u ê và địa ngục của niềm tin bị đánh mất.
Trí khôn của tôi đâu?
Đáng lẽ ra con người chúng ta phải xem nó là thứ gắn trên đầu, nhưng không! Phần đông vẫn nhìn về "rừng vàng biển bạc", nhìn về nguồn tài nguyên thiên nhiên mà lãnh thổ của mình bạn tặng và xem như đó là bửu bối cho dân tộc mình. Đó quả là "dòng sữa ngọt" nuôi dưỡng những 'em bé của thời đại' mãi không bao giờ lớn nổi.
Lấy một vài nước làm ví dụ, chính phủ Trung Quốc nhìn về kích thước lãnh thổ mà hãnh diện là trung tâm của vũ trụ; Việt Nam tự hào có vị trí đắc địa ở Đông Nam Á với bở biển dài, hanh thông và trữ lượng khoáng sản phong phú, đa dạng; trong khi đó Venezuela luôn thấy trữ lượng dầu mỏ nằm dưới chân mình là một gia tài lớn nhưng cả ba nước đều đang phải loay hoay giải quyết các nhu cầu cơ bản của người dân về cái ăn cái mặc và chỗ ở hàng ngày trong khi đó người dân ở các nước khác thì quan tâm nhiều hơn tới xây dựng giá trị cá nhân và những kết nối cộng đồng ý nghĩa.
Nhìn thấy gì khi những chiếc iPhone được bán ra với khoảng 1000 USD cho mỗi phiên bản và liên tục có sản phẩm mới thì ở cách đó không xa trong cùng lục địa nhưng khác lãnh thổ mỗi thùng dầu ở đây có giá bán khoảng 80 USD trong 30 năm trước và duy trì ở mức trên dưới 40 usd/ thùng như hiện tại. Với trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu đứng thứ nhì trên thế giới cả chính quyền và người dân Venezuela không tưởng tượng được ngày họ phải "đói ăn" như ngày hôm nay dẫu cho bài học về những lần khủng hoảng giá dầu vẫn cứ thường được nhắc đến.
Một khi đầu chứa đất thì nó sẽ hóa sạn?
Khi nhìn khủng hoảng xảy ra ở xứ sở của những người đẹp, thì khả năng mở ra một cấu trúc xã hội mới tốt đẹp hơn hay chính trên cơ thể héo úa tồi tàn của cô đào lỡ xuân lại tiếp tục được tô son trét phấn. Đó sẽ là câu chuyện của tương lai nhưng vẫn có nhiều manh mối để nhìn thấy trước một số vấn đề.
Như đã nói trong phần mở đầu, Trung Quốc đang là nước sốt sắn nhất trong tình trạng mà nước đối tác dầu mỏ lớn là Venezuela đang lâm vào khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị. Vì muốn đảm bảo ổn định về mức tiêu thụ năng lượng dài hạn để kéo nền kinh tế của mình đi lên Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ sâu vào bên trong nhà nước Venezuela để có được lợi thế trong việc mua bán dầu mỏ nơi đây.
Một mặt báo chí mới đây ghi nhận giới doanh gia Trung Quốc đang làm ăn ở đây đang bỏ của chạy lấy người. Tuy nhiên, nhìn xa hơn một chút, kể từ năm 2007 ông Hugo Chavez đã đồng ý nhận tiền của Trung Quốc thông qua ngân hàng Phát triển Quốc gia (viết tắt là CDB) để giải quyết những cục u của nền kinh tế và tuyên bố đuổi cổ các doanh nghiệp Âu Mỹ đang khai thác và sản xuất dầu mỏ ra khỏi nước và tiếp nhận những mối liên kết ngầm từ Trung Quốc thông qua quỹ nợ gán trực tiếp bằng dầu với khoảng 430 nghìn thùng và cổ phiếu nhà nước. Khi mọi chuyển vỡ lỡ từ cách làm ăn bất minh bạch từ hai quốc gia này, kèm với sự phẫn nộ của người dân thì khả năng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp với những nhân vật lãnh đạo mới để kỳ vọng lấy lại số tiền cho vay hoặc chí ít là duy trì kênh đối tác về dầu mỏ với mức chia phần hợp lý hơn.
Rõ ràng là trong tất cả các phép tính từ kinh tế cho tới chính trị thì người dân hoàn toàn không ý thức được những gì đang xảy ra ở thượng tầng mà nó thực sự ảnh hưởng tới từng bữa ăn và cả những cuộn giấy vệ sinh trong mỗi nhà tắm. Không một nhóm dân chủ nào sắp tới có thể ngay lập tức đảm đương được trọng trách vực dậy một nước Venezuela như thời kỳ giàu có trước đây, nhưng dường như khả năng rất cao là họ sẽ tiếp tục mang đến những mỹ từ để thu hút lá phiếu của người dân và âm thầm thỏa hiệp để tiếp tục duy trì một dạng thể chính trị mới mà nguồn tài nguyên dầu mỏ chính là trở lực lớn cho mọi sự thay đổi.
Thế hệ lãnh đạo mới sẽ có những bước cải tổ để cân bằng giữa quyền lực và lợi ích xã hội mà người dân Venezuela được hưởng bởi thế khả năng có một chu kỳ phát triển dài hạn và bền vững lấy "trí thức" làm trọng vẫn còn là một bài toán chưa có lời đáp. Cục đất trên đầu sẽ chưa được thay thế mà có khả năng sẽ tự thạch hóa và sẽ kéo con thuyền Venezuela đi thêm những chặn đường kế tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét