Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Thực tế là người thầy tốt nhất

 Sáng nay dậy sớm để nghe những người rất nổi tiếng nói về thiền và tu tập. Đầu tiên là nghe chủ tịch Thái Hà Books, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Sau đó nghe kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và nhớ lại cả bài nói chuyện của ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ. 


Mặc dù nghe cũng thấy hay nhưng có một điều mình nghiệm thấy đó là khi người ta đã tu quá sâu thì họ càng muốn tách biệt ra khỏi với đời sống thực tế. Khi tu rồi chứng đắc thì họ làm cho ta thấy cái đạo mà họ thụ lý là đặc biệt và duy nhất. Như vậy, sự dung nạp những yếu tố khác biệt sẽ giảm đi rất nhiều trong các môi trường mà họ tham gia vào.


Mặc dù tui tin là họ tu thật và cũng tin rằng con đương Đức Phật chỉ ra là đúng để mọi người thực hành theo và giải thoát. Nhưng người ngoài đạo với những niềm tin tín ngưỡng khác cũng có những con đường riêng của họ. Chưa biết ai đi trên con đường nào thì hạnh phúc hơn, và mang lại lợi ích cho người khác hơn!?


Riêng trong môi trường làm việc, nếu nói nhiều về tín ngưỡng của mình và xem lơ trải nghiệm tín ngưỡng của đồng nghiệp thì đó là một điều tồi tệ. Chẳng lẽ Phật tử chỉ làm việc được với Phật tử hay sao? Cái đích đến của một công ty có phải là mục tiêu giác ngộ? Nếu một ông chủ công ty đã giác ngộ rồi thì liệu có cần cái công ty nữa hay không?


Quay trở lại chuyện của mình. Mình sẽ dung nạp như thế nào những người với niềm tin tín ngưỡng (kể cả các niềm tin khác như chính trị, xã hội, gia đình)? Một mảng rất hay trong giáo dục đó chính là “sự đa dạng”. Nó từng việc bị xem là rào cản trong công việc, trong học tập nhưng giờ đây người ta lại tìm thấy vô vàng giá trị hay ho từ nó. Có những bước nào trong diễn biến thay đổi cách nhìn về sự đa dạng? Tui chỉ ra vài bước sơ sơ:


1. (Ngày trước) chấp nhận sự khác biệt của người khác

2. (Ngày nay) tập trung vào những giá trị chung

3. (Ngày mai) tìm kiếm sự sáng tạo từ sự khác biệt


Là một người trẻ thì việc tốt đó là gia tăng sự va chạm với đời sống thực. Không có người thầy nào tốt hơn đời sống thực tế bởi vì đó chính là môi trường mà chúng ta sống và tương tác trong cả cuộc đời. 


Ce Phan



Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Giáo viên Việt Nam chập chững tìm hiểu các khái niệm về giáo dục



Đọc qua các diễn đàn về giáo dục mầm non trên facebook có cảm giác là giáo viên trẻ bây giờ rất chịu học hỏi. Các trào lưu giáo dục mới đều được đề cập ở đó. 




Cái còn thiếu là gì? 

Tôi nghĩ đó chính là trải nghiệm giáo dục thực tế. Khoảng cách giữa lý thuyết là thực tiễn cách rất xa nhau. Ví dụ, khi nói "lấy học sinh làm trung tâm", nhưng để làm được điều đó thì chỉ có 1/1000 trường học có thể làm được và hiểu thấu đáo về nó. Để kiểm chứng bạn có dám trả lời một số câu hỏi căn bản này không!


1. Ngôi trường với cơ sở vật chất được xây nên với lối kiến trúc có dựa vào những nghiên cứu kiến trúc trương quan với đặc điểm phát triển của trẻ em hay không?
2. Triết lý giáo dục của trường có được kiểm nghiệm bởi các nhà chuyên môn giáo dục trẻ em hay không?
3. Từng giáo viên có được đào tạo và hiểu được cách hướng dẫn trẻ em theo từng đặc điểm học tập và trải nghiệm riêng hay không?
4. Môi trường xung quanh trẻ em như không gian tương tác xã hội, gia đình có tương tác tích cực tới sự phát triển của trẻ em hay không?

.... Trên đây chỉ là một số trong vô vàng những yếu tố để một môi trường giáo dục có thể chứng minh rằng đó là môi trường lấy trẻ em làm trung tâm.
Từ những khái niệm đầu tiên, giáo viên Việt Nam cần thêm những sự rèn luyện tích cực hơn nữa thì mới có thể nâng lên một cấp độ nữa trong công việc của mình. Nhưng dù sao, việc tìm tòi học hỏi lúc nào cũng đáng khích lệ. 

Không cần theo đuổi những lý thuyết quá xa vời. Trường học ở Việt Nam chỉ cần làm được những điều căn bản sau đây đã là rất tuyệt vời.
1. Sự an toàn của trẻ em được cam kết và thực hiện đầy đủ.
2. Sức khoẻ thể chất của trẻ em được quan tâm tương xứng với sức khoẻ tinh thần
3. Xây dựng một môi trường học tập lạc quan hơn, vui vẻ hơn. 

Ce Phan

Sự khan hiếm nguồn sinh viên cho các trường Đại học địa phương

 

Ngày nay lượng sinh viên Đại học ngày càng khan hiếm bởi vì sự sụt giảm người trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với nó là trào lưu không xem vào Đại học là con đường tiến thân chủ yếu như trước đây. Đó là lý do các trường Đại học lớn trên thế giới trở nên "khát" sinh viên. Vì mục tiêu sinh tồn, họ phải lôi kéo sinh viên quốc tế bằng mọi cách (thậm chí chỉ cần tấm bằng tiếng Anh tối thiểu là có thể đậu đầu vào). 

Một khi cái đà này tiếp diễn thì những trường ngoài TOP sẽ phải hạ mức sàn tuyển sinh để ráng vét cho hết học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3. Nhưng giải pháp này cũng không phải là cách bền vững. Sự sinh tồn của phần lớn trường ĐH ở Việt Nam sẽ ngày càng khắt nghiệt hơn trong tương lai gần. Mà hiện nay hình như đã thoi thóp. 

Một trong những HẠ sách mà chúng ta thấy trong những ngày vừa qua đó là việc xiết những kì thi kiểu như IELTS, TOEIC. Nhưng cho dù vậy, lượng học sinh đi du học vẫn sẽ tiếp tục bởi vì các kỳ thi chuẩn hoá bây giờ có thể thi online mà không cần tới cục khảo thí. 

Người Nhật, Hàn và Sing đã nhìn ra vấn đề này khá sớm và cố gắng "hút máu" nhân lực trẻ của những nước Á Châu kém cỏi khác. Dù vậy, họ đã đi chậm hơn các nước phương Tây, Úc, Canada và Hoa Kỳ. Gần đây, một trong những lời đề nghị mà thủ tướng Nhật Bản dành cho tân Bộ trưởng bộ Giáo dục đó là phải đổi mới hệ thống giáo dục để có thể đón hàng trăm ngàn du học sinh trong những năm tới. 

Kinh doanh giáo dục là 1 nhưng chuẩn bị nhân lực trong tương lai là 10. Nhiều nước đã không ngần ngại vung tay cấp thật nhiều chương trình học bổng để nhắm tới cái đích này. 

Việt Nam đã quá muộn màng. 

Ce Phan



Trở thành giáo viên mầm non chuyên nghiệp | 9 tình huống phổ biến


Để trở thành một giáo viên mầm non chuyên nghiệp điều bạn cần làm đó là hãy cải thiện bản thân mình qua những tình huống thực tế và xây dựng một thói quen ứng xử phù hợp với trẻ em và phụ huynh. Bên dưới là 9 tình huống phổ biến đầu tiên mà mình muốn giới thiệu tới các bạn. Hãy tự đặt mình trong những tình huống đó và nhớ lại rằng bạn có từng "CÓ" làm như vậy hay "KHÔNG". Nếu có, hãy học hỏi cách để làm tốt hơn trong lần tiếp theo. 




STT

Lịch trình

Những tình huống thường thấy 

Có/

Không

Cách cải thiện

1

Lúc đón vào trường

Bạn đã nói với một đứa trẻ không chịu rời mẹ chúng ở trường vào buổi sáng - "Thật xấu hổ khi luôn ôm chặt lấy mẹ của mình"


Có thể tốt hơn nếu nói, "Bạn trông rất hạnh phúc với mẹ" và hiểu cảm xúc của đứa trẻ, khi đó bạn có thể “thu phục” đứa trẻ sau đó có thể tự đi vào lớp.


2

Trong giờ học

Trong khi làm thủ công, bạn đã nói với một đứa trẻ đang vẽ “sai rồi, tôi đưa cho bạn một tờ giấy khác để bắt đầu lại nhé?” Rồi chỉ cần đưa tờ giấy đó cho chúng.


Thay vì chỉ ra rằng đứa trẻ đã làm sai điều gì đó hãy để chúng thử làm giúp chúng tự thể hiện mình.

3

Trong giờ học

Bạn đã đổ lỗi cho một đứa trẻ đã làm bẩn hoặc ướt mình


Điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương hoặc xấu hổ về bản thân. Tốt hơn là nên đưa trẻ đến một nơi nào đó có thể nhận biết được tình trạng của mình và cho trẻ biết rằng chúng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi thay quần áo.

4

Trong giờ học

Bạn đã tức giận và la mắng một đứa trẻ đã đánh bạn bè của chúng


Hãy giúp đứa trẻ hiểu rằng loại hành động này là sai sử dụng với lời nói là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa, bạn phải nhận ra nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn với bạn là một phần của sự phát triển.


5

Trong giờ học

Bạn đã nói với một đứa trẻ rằng bạn đang bận nói chuyện và bạn sẽ nói chuyện với chúng sau


Nếu đó là điều bạn thực sự không thể trả lời hoặc giải quyết ngay lập tức, sau đó hãy nhớ nói chuyện trở lại với đứa trẻ và hỏi lại họ những gì họ muốn và nói với họ rằng bạn xin lỗi. Hãy khẳng định rằng đứa trẻ có thể luôn nói chuyện với bạn bất cứ khi nào có thể.

6

Trong giờ học

Bạn đã nói với một đứa trẻ đang di chuyển chậm chạp "Nhanh lên, nếu con không làm được thì hãy quay lại chỗ cũ" và so sánh chúng với những đứa trẻ khác.


Công việc của giáo viên là khuyến khích các em, động viên các em và để chúng học cách thúc đẩy bản thân. Hãy dùng những lời động viên với trẻ em.


7

Trong giờ ăn

Để tránh thức ăn lộn xộn và rơi vãi, thay vì cho trẻ ăn cả bữa trưa, bạn hãy để riêng từng đĩa một.


Trẻ em nên được lựa chọn cách chúng ăn và thứ tự các món chúng muốn ăn. Thay vì chỉ tập trung vào sự lộn sộn xảy ra trên bàn ăn của trẻ, điều quan trọng là đảm bảo trẻ thích bữa ăn.

8

Khi tiễn trẻ về

Bạn đã nói với một phụ huynh rằng con của họ đã đánh nhau và khiến một đứa trẻ khác khóc, trong khi các bậc cha mẹ khác có thể nghe thấy.


Điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và cũng khiến phụ huynh cảm thấy khó chịu. Bất cứ khi nào bạn có điều gì cần trao đổi với cha mẹ, hãy cân nhắc và tìm hiểu cảm xúc của họ. Mục đích cuối cùng là để giúp trẻ hiểu được đâu là đúng, đâu là sai.

9

Tình huống khác

Bất cứ khi nào rắc rối xảy ra giữa hai đứa trẻ, bạn sẽ không lắng nghe những gì chúng nói và chỉ ngay lập tức đưa ra phán đoán.


Luôn có lý do cho một điều gì đó xảy ra khi rắc rối phát sinh. Khi những tình huống này xảy ra, đó là cơ hội tốt để trẻ học hỏi. Vai trò của chúng ta không phải là chỉ đưa ra phán xét, mà còn hơn thế nữa là lắng nghe từ mỗi đứa trẻ và giúp cả hai bên hiểu nhau hơn.


Ce Phan

Điều gì khiến bạn muốn trở thành giáo viên mầm non?



Điều gì khiến bạn muốn trở thành giáo viên mầm non?


Tôi muốn hỏi điều này tới hầu hết mọi giáo viên mầm non mà tôi trò chuyện, kể cả các đồng nghiệp ở Nhật Bản và những đồng nghiệp mới của tôi ở Việt Nam. Tôi nhớ lại câu hỏi này ngay trong tuần đầu tiên khi tôi bắt đầu chương trình Thạc sĩ của tôi. Đó là thời điểm tôi học môn học Lịch sử giáo dục với bài học đầu tiên về mục đích của giáo dục. Giáo sư đã hỏi "Điều gì đã khiến bạn muốn trở thành giáo viên?". Có lẽ tới bây giờ, câu trả lời của tôi vẫn không thay đổi nhiều so với lúc đó.




Tôi muốn nói rằng: Nghề giáo là một nghề có thể mang lại cho tôi một cuộc sống ổn định tại Nhật Bản cùng với những phúc lợi xã hội khác. Nó cũng đã giúp tôi có cơ hội cùng học với chính học trò của tôi. Cho dù cả hai điều quan trọng trên được thoả mãn, nhưng chắc chắn là tôi đã không chọn cái nghề này nếu tôi không có tình yêu đặc biệt với giảng dạy. Tôi yêu thích truyền đạt những kiến thức hay tới học trò bằng nhiều cách khác nhau và tôi cũng muốn nhìn thấy sự trưởng thành từng ngày của những đứa trẻ.


Có lẽ hầu hết mọi đồng nghiệp yêu nghề mà tôi đã trò chuyện đều có những suy nghĩ tương tự. Điều thú vị nhất mà tôi nhận ra đó là họ yêu trẻ nhiều hơn tôi! Có lẽ đó là cách tự nhiên mà bất kì giáo viên mầm non nào được hỏi câu hỏi đó. Hoặc cũng có thể tôi là giáo viên nam hiếm hoi trong lĩnh vực này và tôi nghiêng phần nhiều vào lý trí hơn là cảm xúc!? Nhưng cho dù như thế nào đi nữa, lý do mà bạn lựa chọn để trở thành giáo viên sẽ trở thành nguồn động lực quan trọng để bạn phát triển trong lĩnh vực này. 


Tôi tin rằng việc tự hỏi bản thân mình về lý do khiến mình làm điều gì đó cũng chính là kim chỉ nam để giáo viên nhận ra đó là lẽ tự nhiên liên quan tới động lực của trẻ em. Tuy ở giai đoạn đầu đời và chưa sử dụng ngôn ngữ linh hoạt để thể hiện mong muốn cá nhân, nhưng mọi trẻ em đều được thôi thúc bởi những động lực riêng. Điều này còn được hiểu là mối quan tâm hay những đặc điểm riêng trong cách phản ứng và tương tác của trẻ. Khi nói tới đây, chúng ta thử ngẫm lại: Liệu trẻ em có lựa chọn việc đến trường mầm non hay không?. Câu trả lời chắc chắn là không! Vì thế để một đứa trẻ chuyển biến từ một điểm khởi đầu bị động thành một đứa trẻ chủ động và yêu thích những gì mình làm ở trường không phải là một điều dễ dàng.


Tôi nghĩ thách thức trên không chỉ là trở ngại ban đầu khi trẻ mới nhập học mà cũng là rào cản trong việc phát triển của trẻ em trong suốt quãng thời gian ở trường mầm non. Nếu giáo viên biết tập trung tìm ra nhiều phương cách khác nhau để để trẻ em cũng tìm được động lực thôi thúc cho riêng mình thì giáo viên đó cũng đã hoàn thành được một nhiệm vụ lớn lao trong nghề giáo của mình.


Mặc dù đã điều lần được hỏi và tự hỏi về “Điều gì khiến bạn muốn trở thành giáo viên mầm non?”. Tôi vẫn luôn muốn nhắc lại để nhắc nhở bản thân mình về những gì mà tôi đang hướng đến. Đó cũng là một phần trách nhiệm của tôi với công việc giảng dạy mà tôi đang làm hằng ngày. Còn bạn thì sao? Bạn đã có câu trả lời cho riêng mình chưa?


Ce Phan