Những vụ nho nhỏ liên quan tới các cá nhân ở Việt Nam
Gần đây nhất là bài phỏng vấn nhà văn 9x Tuệ Nghi về việc có nên gộp chung việc đón Tết ta và Tết tây. Cô đã bị cộng đồng mạng bếu rếu về những phát biểu ủng hộ cho việc đó, mặc dù phần đông đọc giả chỉ mới đọc cái tựa đề bài báo: 'Nhà văn trẻ Tuệ Nghi: 'Đã đến lúc chúng ta bỏ Tết cổ truyền'. Đây là một chủ đề lớn mà Ce Phan đã lý giải trong một bài gần đây rằng: cần đến một nhân vật cỡ bự trong chính phủ để thể hiện quan điểm chứ việc phóng viên gạ nhân vật này, nhân vật khác cũng chỉ là chiêu trò để xem những điều nào có thể "gây hấn" với đọc giả và tạo nên sự phẫn nộ và "câu view" qua lượt chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuệ Nghi đã có lời giải thích đầy đủ qua Facebook và tờ báo cũng gửi lời xin lỗi sau đó. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cho thấy báo chí Việt Nam rất yếu ớt trong cách tiếp cận các nguồn thông tin từ cách chính khách cỡ bự.
Xa hơn một chút là những phỏng vấn về các nhân vật về tình hình lũ lụt miền Trung. TS. Nguyễn Bách Phúc phát biểu rằng: "Thủy điện Hố Lô cũng chỉ là nạn nhân như dân chúng" khi tình hình lũ lụt ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người và của. Ai cũng biết ông chỉ là chuyên gia tư vấn trong hội Khoa học công nghệ TP HCM, chứ không phải là người có trách nhiệm liên quan tới những thiệt hại. Các giảm đốc sở, các bộ trưởng, thủ tướng và Đảng mới là nơi thực sự quyết định mọi chuyện. Tuy nhiên, cơ quan báo chí biết rằng đó là "tổ kiến lửa" không nên dây vào nên việc tìm một cá nhân để "gài bẫy" là cách vẫn thường làm. Câu thành ngữ "bút sa thì gà chết", ông TS. Phúc đúng là một con gà chết oan trong vụ này với câu nói "Nói là xả lũ nhưng thực tế là thủy điện cho nước lũ đi qua hồ mà thôi. Mà cho chảy qua là nước của trời, không phải nước của thủy điện”.
Câu chuyện cũng xảy ra tương tự về chủ đề "Có nên dạy tiếng Hán trong trường học?". Với phát biểu của Tiến sĩ Đoàn Lê Giang từ trường ĐH Xã hội và Nhân văn khi cho rằng cho những lý do xác đáng cho việc duy trì giảng dạy môn tiếng Hán như một ngoại ngữ bởi vì lịch sử Việt Nam từng trải qua một thời gian dài sử dụng ngôn ngữ này và Trung Quốc là một nước lớn ngay sát bên cạnh. Nhưng vì muốn lợi dụng tinh thần chống Trung Quốc đang lên cao trong những năm gần đây mà bài báo đã có phần thiên lệch trong cách viết bài để biến nhân vật của mình trở thành nạn nhân, mặc dù họ hoàn toàn biết cách dẫn giải khách quan hơn. Chuyện về mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc từ xưa tới nay cực kỳ mờ ám mà chỉ có những nhân vật trong bộ chính trị mới đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra bên trong, tầm nhìn giáo dục và truyền truyền của họ mới thực sự quyết định nhiều thứ, nhưng báo chí lại không đủ tầm để tiếp cận hoặc khai thác những thông tin đó.
Không chỉ có những nhân vật không chuyên và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với truyền thông mới mắc phải cái bẫy "chết người" đó, mà chính những chuyên gia về truyền thông cũng lâm nạn tương tự: Người giỏi, uy tín thì cũng bị hạ bệ và bị gài bởi những kênh truyền thông lớn hơn. Đó là trường hợp của tiến sĩ Bùi Trân Phượng khi bị báo chí cho mắc lưới với cái nhãn người đàn bà bảo thủ, trì trệ vì cố ôm lấy trường ĐH Hoa Sen; hoặc trường hợp của KTG Nguyễn Xuân Nghĩa trong vụ phỏng vấn với phong viên AC Thompson của đài ProPublica và Frontline về cuốn phim "Terror in Little Saigon". Có rất nhiều ví dụ về những trường hợp như vậy để mọi người có thể nhìn lại về tính trung thực của báo chí.
Tuy nhiên, cũng có một số nhân vật đã nổi tiếng hơn rất nhiều, và công việc cũng như sự nghiệp của họ ngày càng hanh thông hơn sau những sự cố truyền thông như trường hợp của MC Phan Anh và người mẫu Ngọc Trinh. Việc chia sẻ quan điểm về sử dụng mạng xã hội của Phan Anh trên đài VTV với người dẫn chương trình Tạ Bích Loan vào giữa năm 2016 đã tạo nên làn sóng chỉ trích giữa đọc giả và kênh truyền hình chính thống trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngọc Trinh cũng biết cách đẩy mạnh tên tuổi của mình thông qua "hợp đồng truyền thông" (!?-vẫn đang hoài nghi) với tỷ phú 72 Hoàng Kiều. Chưa biết tiền đồ của họ như thế nào, nhưng trước mắt hình ảnh của họ trước công chúng đang có vẻ thuận lợi, và đây là những trường hợp chưa biết là nạn nhân hay chính là một âm mưu khác của truyền thông.
Những vụ lớn hơn liên quan tới chuyện làm ăn, các công ty dưới bàn tay của truyền thông bẩn
Gần đây nhất là vụ ép phe giữa ba bên: nước chấm Nam Ngư, truyền thông (đặc biệt là báo Thanh Niên) và công ty tư vấn truyền thông do Nguyễn Thanh Sơn dẫn dắt. Đó là một tính toán bài bản giữa các bên để nhằm tạo ra tâm lý lo sợ của đám đông về sự an toàn của nước mắm truyền thông với hàm lượng thạch tín và một bản chứng nhận nước chấm Nam Ngư hoàn toàn không có thạch tín đồng thời là chiến lược quảng cáo số rầm rộ của sản phẩm này. Cuối cùng vụ việc cũng được khui ra: Tổng biên tập báo đã phải nhận trách nhiệm, Nguyễn Thanh Sơn được xem là phù thủy truyền thông cũng phải cúi mặt ẩn tích, công ty Masan vẫn cố gắng không phát biểu sau vụ việc. Người tiêu dùng và cánh bán lẻ được một phen hồ hởi, nhưng họ không nhận ra được rằng: họ là một tập thể rất yếu ớt, họ chỉ đứng lên mỗi khi quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng, những trường hợp ở mức cảnh báo thì hầu như không có dấu hiệu phản kháng.
Trường hợp của công ty Tân Hiệp Phát thì còn rắc rối hơn nhiều. Công ty này vẫn còn đang vướng tới 2 sự việc đều liên quan tới pháp luật: vụ thứ nhất là vụ con ruồi nửa ty và vụ dính dáng tới Phạm Công Danh. Chưa biết họ sẽ xử lý khủng hoàng truyền thông và thậm chí là dính dáng tới pháp luật như thế nào, nhưng mối quan hệ của họ, truyền thông và đọc giả là chuyện đầy toan tính. Kể cả các luật sư tham gia bào chữa, cùng với truyền thông cũng là những âm mưu quỷ quyệt tốn rất nhiều giấy mực và thời gian đọc không đáng có của người xem. Lẽ ra mọi người nên quan tâm tới những chuyện cấp bách hơn, cần thiết hơn là dính vào những thứ linh tinh đầy phép bẩn thỉu như thế này.
Cùng với sự việc liên quan tới cá nhân TS. Bùi Trân Phượng thì ĐH Hoa Sen cũng "bị dập tơi tả" kéo dài nhiều năm liền. Câu chuyện xoay quanh việc trường học này định hướng phát triển phi lợi nhuận hay một trường tư đơn thuần. Câu chuyện tiến quá xa so với ước mơ của những nhà sáng lập ra trường này cho tới những bước tính toán để thôn tính ngôi trường này. Chuyện cổ phần và những thông tin liên quan tới các cá nhân bị báo chí khai thác tới triệt để trong khi một nền giáo dục lụn bại và tụt lại đằng sau rất xa so với cách làm của trường Hoa Sen từ trước tới giờ thì giới truyền thông đều bỏ ngỏ và chưa bao giờ có quyết tâm đi xa hơn vào những chuyện mà họ cho là nhạy cảm.
Còn hàng trăm hàng nghìn sự việc khác trong mối quan hệ giữa các công ty và truyền thông. Tựu trung trên tất cả, những vấn đề được đưa lên mặt báo và truyền thông phần lớn là những toan tính của tờ báo đó và cái lợi của họ hơn là mang thông tin khách quan tới cho đọc giả. Số lượng những bài viết, bài phỏng vấn kiểu như vậy càng nhiều hơn cứ mỗi khi thế lực này lên thay thế lực khác khi nắm chính quyền. Mối quan hệ thân hữu với các cá nhân trong nhà nước chỉ giúp họ đứng vững trong thời gian những nhân vật "chóp bu" đó còn đương nhiệm, khi đã mãn nhiệm thì mọi chuyện trở nên khác hẳn. Điều này xảy ra ở cả Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác.
Nhiều quốc gia, dân tộc nhỏ cũng là nạn nhân của những hãng truyền thông lớn
Ngay từ thời chống Pháp, hay chống Mỹ những người lãnh đạo các phong trào kháng chiến đã biết dựa vào truyền thông để khơi dậy những tranh luận ở ngay tại những nước bản xứ. Mọi người thường nghe tới những từ như "truyền đơn", "biểu ngữ" trong các cuộc đấu tranh bằng ngòi bút kéo dài xuyên suốt bao nhiêu cuộc chiến. Sự thật trong những vụ lật đổ triều đại này, xây nên triều đại khác vẫn còn cần giải ảo rất nhiều. Nhưng hình ảnh của những nước nhỏ như Việt Nam trong con mắt của những độc giả cách xa nửa vòng trái đất nhưng có ảnh hưởng tới lá phiếu bầu cho các chính trị gia phụ thuộc hoàn toàn phụ thuộc vào giới làm truyền thông.
Chuyện tổng thống Ngô Đình Nhiệm và cố vấn Ngô Đình Nhu vị ám sát và bị lật đổ chính quyền vào những năm 1960s và những toan tính chính trị toàn cầu của các nước lớn đã biến Việt Nam trở thành một cái "cối xay thịt" như thế nào trong nhiều năm liền của cuộc chiến giữa: Tư bản phương Tây, Mỹ, Xô Viết, Trung Quốc ... Vai trò của truyền thông mang lại cái lợi cho truyền thông và đối tác của họ còn chuyện minh bạch và trung thực trong nghề làm báo giống như đòi hỏi tìm ra một "trinh nữ lầu xanh" của thời gian chênh lệch nam nữ.
Những tờ báo nổi danh như New York Times cũng từng bán đi linh hồn của mình khi bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc để gỡ bỏ những bài viết về vụ Thiên An Môn. Họ đã viết những chuyện có lợi về nhân quyền của Trung Quốc khi họ bắt đầu tham gia vào WTO vào năm 2001. Sau đó họ đã phải cải chính và rút bỏ những bài viết thiên lệch sau khi đã bị những đọc giả tinh ý nhận ra, và có bằng chứng về chuyện đi đêm giữa quan chức Trung Quốc và tờ báo này.
Mới đây nhất là sự tranh đấu bằng ngòi bút và thông tin giữa các hàng truyền thông và bầu cử ở Hoa Kỳ. Sự việc nghiêm trọng tới nỗi tổng thống tân cử Donald Trump đặt nghi vấn về cách làm việc của cơ quan tình báo Mỹ, giới truyền thông Mỹ trong sự trung thành của họ với nước Mỹ. Có thể sự trung thành đó được hiểu ở nghĩa rộng hơn rất nhiều so với cách hiểu của chúng ta, khi gần đây dấy lên một thuật ngữ mới "perception management" (quản lý nhận thức, hay thuật quỷ biển) được áp dụng trong những toan tính chính trị của Trung Quốc, Nga và cả Mỹ trong sự dàn sếp trật tự trên toàn cầu ở cả mặt trận kinh tế và quân sự. Thời đại của "conspiracy theory" (thuyết âm mưu) dần được nâng lên tầm cao mới mà các đọc giả không chuyên khó lòng có thể nắm bắt kịp. Rồi đây, với tấm phiếu bầu cử trên tay họ lại lơ ngơ quyết định vận mệnh của mình và dân tộc trong sự chỉ đường dẫn lối trong lớp sương mù dày đặc bị bủa quây bởi các chính khách và giới truyền thông không chính danh và không minh bạch.
Chúng ta đứng trước hai lựa chọn: một là bịt tai che mắt lại để khỏi phải nghe-đọc những lời nói dối, hai là học cách để nhận ra và nhìn xuyên qua những màn khói mờ ảo do giới truyền thông tạo ra. Đó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng!
Ghi chú:
- Đọc giả tự dựa vào những thông tin trong bài viết và tìm kiếm các từ khóa qua Google để tự đánh giá khách quan lại những nhận định trên.
- Bài viết không có ý khen, hay chê các cá nhân, công ty hay bất kỳ quốc gia nào. Mục đích chính của bài viết là nhằm làm rõ tính trung trực của giới truyền thông.