Những hoạt động như vậy thực sự đánh thức những làng quê nghèo nàn quanh năm suốt tháng làm việc phơi lưng cho nắng và sương ở nơi ruộng đồng, nương rẫy và biển khơi. Ngày đó băng đĩa nhạc chưa phát triển như bây giờ và đương nhiên máy tính cũng như các thiết bị chơi nhạc cũng không đó luôn. Do vậy, những âm thanh sập sình, ánh đèn sân khấu chiếu rọi, những tiếng hát hò giữa một khoảng đất trống bao quanh là ruộng đồng và nhà cửa lụp sụp có thể là một đặc sản của thời bấy giờ.
Cũng ở quê tôi, sau đó một thời gian thì những trào lưu thưởng thức âm nhạc có thay đổi khi đĩa nhạc, máy nghe nhạc và đặc biệt là dàn karaoke rẻ hơn và bán ở khắp nơi. Gia đình nào có chút tiền tiết kiệm thì thường mua sắm những thiết bị và đặt rất trang trọng ngay trong phòng khách. Mỗi lần khách đến chơi hay bạn bè tụ tập đều có màn ăn nhậu và hát hò. Quán nhậu, quán karaoke, và những dàn nhạc sống mọc lên khắp nơi như một hiện tượng về nhạc trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tưởng chừng đời sống mọi người được nâng cao thực sự, nhưng cũng chính từ đó những người Việt quanh tôi bắt đầu ngủ từ từ theo tiếng nhạc.
Không ai biết rằng họ đang làm nhiều hơn và cũng đang trả tiền nhiều hơn cho những thứ bình thường như: tiền điện, tiền xăng, tiền lương thực .... ít ai biết lạm phát là gì và tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn dài thì tiền lãi thực nhận là bao nhiêu ... ít ai biết được rằng đất đai ruộng vườn của họ dần bị thu hẹp do chính sách phân chia đất trên đầu người trên chính đất mà họ làm ra hoặc khai khẩn ... Dù vậy, tiếng nhạc vẫn được mở và giọng hát karaoke thì không bao giờ ngớt. Có lẽ mọi người ráng hát, ráng nghe, ráng cười như liều kháng sinh cho những mất mát!?
Tưởng chừng chỉ có người ở quê tôi mới say mê âm nhạc đến thế, không ngờ đó cũng chính là trào lưu diễn ra tương tự ở nhiều nơi khác và cả ở các thành phố lớn như Sài Gòn. Ở đây, tiếng Karaoke càng gia đình hóa ở những khu vực nghèo, có đông công nhân và những người làm công khác. Nghĩa là: những nơi nào cuộc sống càng khó khổ trong cuộc sống hiện đại thì dàn máy karaoke càng được trang bị tại nhà và tiếng nhạc vẫn đều đặn vang vang lan ra cả một vùng. "Ca sĩ gia đình" không chỉ hát cho gia đình mình nghe mà cả những hàng xóm bất đắc dĩ cũng tận hưởng "âm nhạc khủng bố" mọi lúc mọi nơi. Như một cách trả đũa trong bất lực, những người hàng xóm cũng dần trang bị cho mình những "vũ khí hạng nặng" theo đó là: dàn máy hi-tech, loa khủng và mic không dây. Đôi khi bạn còn chứng kiển cả cảnh ca sĩ gia đình nhậu nhẹt say sỉn và cầm micro hát lêu ngêu ngoài đường.
Người Việt Nam có thói quen nghe nhạc bất chấp dù đang nghe nhạc trả tiền hay miễn phí. Nhạc mở lên ở bất kỳ thời điểm và thời gian. Nhạc mở lên bất kể ô nhiễm tiếng ồn ở khu vực xung quanh. Nhạc mở lên ở bất kỳ một cửa hàng nào ở góc đường. Nhạc được hát bất chấp ý nghĩa của lời ca và nhạc lý của nhạc sĩ.
Từ ca sĩ chuyên nghiệp cho đến những người biểu diễn âm nhạc nghiệp dư đều không màn đến ý nghĩa thực sự của ca từ, hoặc trân trọng tác giả của bài hát. Người dẫn chương trình thì thường xuyên bỏ qua vai trò của nhạc sĩ khi giới thiệu bài hát hoặc giới thiệu về cái hay, cái độc đáo của ca khúc. Người nghe đến để xem nhiều hơn nghe và reo hú lên bất kỳ khi nào thấy kích thích ở cả sân khấu lớn hay sân khấu nhỏ, ở cả nhạc sôi động hay trữ tình. Khán giả đều thích yêu cầu người đối diện hát mỗi khi có cơ hội gặp gỡ cho dù người đó là: người mẫu, cầu thủ bóng đá, bình luận viên... Câu cổ động "hát đi - hát đi - hát đi" được áp dụng như cách để xua tan sự trầm lắng và dồn ép người đối diện vào thế buộc phải hát.
Thói quen nghe nhạc và chơi nhạc bất chấp của người Việt càng rầm rộ hơn trong dịp Tết. Những buổi tiệc tất niên không bao giờ thiếu âm nhạc. Âm nhạc mang lại không khí hay ho tới mức nào trong một bàn tiệc với rượu bia, thịt và tiếng ồn. Âm nhạc mang lại giá trị tinh thần lớn như thế nào cho người nghe trong cuộc và tệ hại như thế nào cho người nghe bất đắc dĩ. Chẳng ai nghiên cứu và làm rõ chuyện đó bởi vì ai cũng cho đó là chuyện vui.
Âm nhạc của thế giới đã chuyển từ âm nhạc cộng đồng (biểu diễn phần lớn ở sân khấu) sang nền âm nhạc cá nhân (nghe nhạc theo thiết bị cá nhân), trong khi đó cách cảm nhận âm nhạc từ xưa tới giờ ở Việt vẫn quê mùa: nghe chung mới vui, dẫu cho đó là hoạt động mang tính cá nhân hay cộng đồng và dẫn hình thành nền âm nhạc khủng bố màng nhĩ.
Bài viết không liên quan gì đến ngày 19 - 1, nhưng đang lúc viết thì một người bạn nhắn tin nhắc: 19-1-1974 là ngày Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa với sự làm ngơ của lính đồng minh Mỹ ở cách đó không xa. Một trung đoàn VNCH đã hy sinh nhưng tới giờ nhà nước vẫn chưa chính thức ghi nhận.
Liệu lời nhắc có làm tỉnh giấc những ai đang say sưa với âm nhạc và muốn hát ca triền miên như những chú ve sầu không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét