Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017
Lương Kim Định: Vai trò Nho Giáo có thể đảm nhiệm trong thế giới hôm nay (phần 6)
(Xem phần trước)
27. Ðó là đại để tinh hoa của nguyên Nho được đúc kết trong ba chữ Chí Trung Hòa mà tôi đã thử trình bày qua 4 đợt từ, tượng, số, chế để cho dễ nhận diện ra nét đặc trưng của Nho
Từ giúp cho có một ngôn ngữ sắc bén, thâu tóm cả hai đường nội ngoại.
Tượng giúp cho nho triết nhìn ra vị trí hòa giải của mình thật bao la.
Số giúp cho đi sâu vào gốc rể để thấy những chân lý ngược chiều làm nên nét đặc trưng không ai có thể phủ nhận.
Chế giúp cho thấy nho vào đời một cách đặc sắc. Câu nói của hội nghị rằng "Khổng có chân trên cả hai tàu" được biểu thị cách cụ thể cùng tột bằng 4 bước trên. Nên hi vọng chúng giúp cho kỳ nhân của Nho xuất hiện. Vì nếu kỳ nhân không ra thì đạo không căn cứ vào ai để hiện hành. "Cẩu phi kỳ nhân đạo bất hư hành". Hệ từ hạ VIII.4. Xem đấy sẽ thấy nguyên Nho khác với Hán Nho chỗ nào. Xưa nay vẫn có lưu truyền cho rằng: Nho đến hết đời Khổng Tử thì mất chính truyền. Từ đời Hán về sau Nho đã bị bẻ quặt. Tuy lưu truyền đó ai cũng công nhận ít ra cách mặc nhiên, nhưng chưa có một cuộc khai quật để biết nguyên Nho khác với Hán Nho chỗ nào. Tôi thiết tưởng Hán Nho đã nhảng bỏ mất 3 bước sau là tượng, số chế mà chỉ còn chuyên có bước đầu là từ. Ðiều ấy truyền cho tới ngày nay lại càng gia tăng gấp bội, vì khi người Tàu gặp văn minh Thái Tây thì lại càng chú ý đặc biệt đến từ.
28. Hãy nhớ lại buổi đầu một số Nho gia đã bị thôi miên vì logic đến thế nào. Khỏi đi xa về trước chỉ cần nhắc đến Hồ Thích và Phùng Hữu Lan.
Hồ Thích đã say sưa logic đến nổi đã phá luân lý Nho để đề cao khoa lý luận của Mặc Dịch, của Huệ Thi, cuối cùng chẳng đi đến đâu.
Ðến Phùng Hữu Lan thì khá hơn nên ông đã được tặng danh hiệu triết gia. Nhưng danh hiệu này mới do ông Demiéville tặng, chưa được truy nhận rộng rãi. Tuy về phương diện văn học hàn lâm thì họ Phùng có đủ, hơn nữa về đàng triết ông cũng có bề thế vì đã nhìn ra tầm quan trọng của sự vô ích, vô dụng, tức đã nhìn ra sự quan trọng của chữ không. Nhưng rồi ông đã quá nghiêng về phía Hữu, phía Lý trí đến nỗi dùng cả kinh tế để giải nghĩa thượng tầng văn hóa y như cộng sản, thành thử cuối cùng ông đã giản lược Nho giáo vào 4 ý niệm trừu tượng là Lý, Khí, Ðạo, Ðại Khối. Nho giáo là một đạo hành vi mà trình bày qua mấy ý niệm trừu tượng đó tức là đã nhổ Nho ra khỏi đất tâm linh của nó để trồng sang bên đất duy lý đa tạp rồi. Nói trắng ra là ông chặt của Nho mất một chân, còn đâu đủ hai chân tâm vật để mà lưỡng hành. Thành thử ông mới là một học giả, kiêm triết học gia (ideologue) chưa là triết gia, ít ra chưa là triết gia của Nho vốn có cả ngoại lẩn nội. Nội nằm trong ba số tượng, số, chế, còn ngoại nằm trong từ. Ông chỉ chú ý có từ với ý tức là logic. Vì sức quyến dụ của logic quá mạnh nên ta cần xét về điều đó tận nơi tổ của nó là triết học Tây Âu.
29. Logic với từ chỉ là một: Logic là sự phát triển của từ, vì logic thành bởi ý niệm, mà dấu hiệu của ý niệm là từ. Nên bám ý niệm cũng là bám từ: không đi xa hơn từ bao lăm. Ta chỉ xem cái tam đoạn luận trong Logic Aristotle ông tổ của lý luận là thấy ngay: "mọi người phải chết. Socrate là người nên Socrate phải chết". Ðó là câu mẫu của danh lý hình thức mà mấy năm đầu ban triết tôi đã tốn biết bao thì giờ học để thi, đến cuối cùng gặp câu phê bình của Nietzsche: "Logic là một lối lý luận ngu đần nhất". Mà ngu thật. Nó có đưa lại yếu tố mới nào đâu, nó chỉ đi từ sự đã biết nọ đến sự đã biết kia, chứ nó không bắc sang một miền khác, sang cỏi vô thí dụ để đặt liên hệ uyên nguyên hầu mở rộng chân trời ôm luôn cả vô thể, vì thế tôi muốn nói tiếp theo Nietzsche rằng "đó là chứng bệnh nan y, đến nổi nhiều người đã biết nó là vô ích mà cũng không sao thoát được". Khỏi nói về Nietzsche mà hãy lấy ngay ví dụ về Hegel vì ông cực kỳ chống logic mà ông cho là bất động, vì nó thành bởi những ý niệm đặc. Ông đề nghị phương pháp mới thay thế đó là biện chứng pháp là cái gì động, vì có hai mặt, thành bởi những cái chống đối nhau, nên gọi là mâu thuẫn. "Mâu thuẫn là mẹ tiến bộ", "chống đối là cha tiến hóa". Mới đọc ông, ta tưởng ông là kiện tướng dẫn ta leo trên cây cầu ngũ sắc để đi sang một thế giới huy hoàng, trung thực có hai chiều. Nhưng cuối cùng ông đã làm ta thất vọng. Cái cầu ông bắc giống cầu vòng, vươn lên thì có cao thật nhưng rồi lại cắm đầu xuống đất, thành ra một thứ duy kiểu mới, nên có người muốn gọi ông là "đứa con trụy thai của Á Châu". Con Á Châu vì có thể ông lấy hứng để lập ra biện chứng pháp ở cặp đôi Âm Dương của Kinh Dịch. Nhứt là những đề luận lớn của ông như óc thượng sử, óc phiếm thần, sự coi vũ trụ như một cơ thể (thay vì cơ khí) là những điêu na ná với lập trường Nho nên gọi là con Á Châu, nhưng là đứa con sinh sớm nên trụy thai. Vì ông mới đi hết được có một vòng ngoài, gọi là vòng kháng, mà chưa đi tới vòng trong hay vòng sinh nên cuối cùng triết thuyết của ông không thoát khỏi vòng tay của logic tức cũng lại trở nên một duy "ism" như trước, duy tâm.
30. Karl Marx chê ông là đi ngược: đầu ở dưới hai chân giơ lên trời, nên đã chữa lại cho biện chứng đi hai chân lên đất, thành ra duy vật biện chứng (Mao Trạch Ðông đã khai mạc cuộc cách mạng của ông bằng quyển "Mâu Thuẫn" là đi đúng với tinh thần một chiều của Hegel và Marx. Ðó là chiều kháng, thiếu vòng sinh). Chỉ nội một tấm gương đó của Hegel đã đủ chứng tỏ duy lý (logicisme) là một chứng ung thư chưa tìm ra thuốc chữa. Sau bao thất bại mà mãi đến tận nay logic vẫn còn được dưỡng bồi nhiều kiểu khác nhau. Nhưng phát triển đến đâu mặc, triết vẫn tiến tại chỗ. Logic không giúp cho triết có thêm chiều kích tâm linh để có được chân trên cả hai tàu. Chính tổ Logic mà còn vậy, phương chi mình còn học mót thì trông làm sao hơn đặng. Vậy phải trở về con đường hai chiều của nguyên Nho. Hãy nhớ chính vì chỗ hai chiều đó mà hội nghị Honolulu không còn chọn triết Tây vì ngầm hiểu là nó thiếu hai chiều, nên phải chọn triết Nho, vì cho rằng Nho có hai chiều. Nhưng trớ trêu thay triết Nho đã được trình bày một chiều theo triết Tây nghĩa là duy trí. Và đó là lý do tại sao Khổng Tử chưa thể ra cầm trịch là vì ông vẫn còn què, cái Nho được trình bày là cái Nho thọt, nó đi ngược với truyền thống Nho vốn đặt lập đức trước hết, thứ đến là lập công, cuối cùng mới đến lập ngôn, tức tu từ, tu lý bị kể vào hạng bét. Tôi thiết nghĩ cần trở lại con đường cũ gồm cả bốn bước từ, tượng, số, chế thì Nho mới đủ hai chân. Có lẽ chỉ nên đổi thứ tự và chỗ nhấn để hợp tinh thần ngày nay hơn. Thay vì từ, tượng, số, chế, thì nay sẽ là dụng, từ, ý, cơ. Tức nhấn mạnh đến việc làm gọi là Dụng (đối với thể là lý).
31. Từ giữ y nguyên, còn ý thay cho tượng, tức biểu tượng phải bớt để nhường quyền cho ý, cho logic, và đó là phần mà Nho phải học với triết Tây để biết phân tích thấu đáo, luận lý rành mạch, hệ thống hóa chặt chẽ để hợp tâm trạng người mới. Sau đó đến số nên đổi ra cơ để khai thác những thành tựu của cơ cấu luận. Ðó cũng là sự phục hoạt con đường Nho nguyên thủy, thứ Nho còn dùng số, đồ, biểu, biểu tượng. Cho nên với phần này ta có thể đưa lại cho Nho những khía cạnh mới mẻ hợp cảm quan thời nay. Người nay đã chán lối suy tưởng duy lý, trừu tượng, khô khan, và đang mong muốn một thứ triết cụ thể. Với cơ cấu cùng các tùy phụ như tiêu biểu, truyền kỳ, chúng ta có thể nếu không tạo dựng một nền triết mới ít ra cũng nhìn Nho bằng một lối mới, một kiểu trình bày Nho một cách cụ thể, có màu sắc, có truyện tích, điểm pha lịch sử cho bớt tính chất trừu tượng của duy lý. Và trên hết là dụng.
32. Dụng là làm, tôi muốn dùng chữ này thay cho chữ chế là có ý mở rộng chế hơn. Tôi muốn dùng chữ này trước hết để chỉ tất cả mọi lời nói phải hướng vào hành động, cần gạt bỏ những vấn đề quá hàn lâm, thuyết lý. Sau là muốn chỉ những hoạt động nào nhằm tu thân. Vì nhiều thể chế cũ nay đã lỗi thời. Và vì lối tu thân xưa đã thất, nói vắn tắt là nhạc đã mất, nên không còn rõ người xưa tu cách nào. Ta có thể thay vào bằng thi ca, nghệ thuật thì mới có phương tiện thanh lọc tâm tình để cân đối với logic suông.
Ngoài ra nên thêm một lối thiền mà ta ưng ý hơn hết. Vì thiền cụ thể hóa lối tu trong nhà Minh Ðường hơn cả. Thiền đi vào nội tâm để trai tâm y như Minh Ðường là để thực hiện lời Kinh Dịch "Dịch cô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Dịch là không suy tư, không làm nữa, ngồi bất động để rồi tự nhiên thấu suốt các lời lẽ đất trời". Phải có thế thì Mạnh Tử mới nói được câu "phản thân nhi thành lạc mạc đại yên". Có như vậy mới đúng câu mở đầu sách Luận Ngữ "vừa học vừa tập vui biết mấy" (câu 2), và câu sách Ðại Học (câu 3) "Hữu phỉ quân tử như thiết như tha, như trác như ma. Người quân tử chú ý đến tu thân cách chăm chú như người thợ ngọc "như cắt, như dũa, như đục, như mài" Bỏ phần tu luyện thì làm sao có thể nói những câu như thế, làm sao có thể nói vừa học vừa tập vui biết mấy. Không có tập luyện thì lấy gì mà vui. Mà tu tập là một kiểu thiền nào đó. Cái ấy tôi gọi bằng tên bao quát là dụng. Phải Dụngtrên đầu, trước cả từ, ý, cơ. Ðó cũng là hợp câu châm ngôn "tiên học lễ hậu học văn". Văn là từ, ý, cơ đi sau, còn lễ là dụng, là tu luyện, là tất cả những hiện thực phải để lên đầu, phải cho là quan trọng bậc nhất. Như vậy mới có một cái gì thực nghiêm chỉnh đặng cân bằng với lý luận lý trí để thiết lập lại con đường "lưỡng hành".
33. Ðó là đại để nét đặc trưng của Nho giáo mà hội nghị Honolulu đã gọi là có chân trên cả hai tàu, cả tàu vật chất lẫn tàu tinh thần, cả dụng lẫn từ, ý, cơ. Sỡ dĩ hội nghị đã bầu Khổng Tử lên cầm trịch mà ba mươi lăm nay chưa thấy ông xuất hiện, thì truy căn ra ông còn cụt một chân: mới có đi chân từ, ý, chưa chắc đến chân cơ, dụng. Mới có học giả để nghiên cứu, chưa có triết gia để suy tư, để đưa ra những tư tưởng hướng dẫn. Thế giới tuy bao giờ cũng được hướng dẫn do ý tưởng thực, nhưng nó không chịu ăn đồ hộp là ý tưởng cũ, mà đòi hỏi những tư tưởng mới vọt lên, còn nóng sốt. Ðó là ý nghĩ của tôi về lý do sự chọn lựa của hội nghị Honolulu năm 1949, và tại sao Nho giáo chưa nổi lên được.
Tôi xin kết thúc bài nói bằng câu hỏi sau: có vẻ tư riêng hơi kỳ nhưng vì yêu thực tế nên cứ hỏi là liệu hội nghị này có chọn một triết gia nào, hoặc một loại triết lý nào để dẫn đưa nhân loại trong giai đoạn đang tới chăng? Tôi không biết rồi đây trong các cuộc thảo luận câu hỏi trên có được đặt ra chăng? Nếu không tôi ước mong được mỗi quý vị ghi ý kiến mình vào mảnh giấy nhỏ và trao cho tôi để tôi có bằng chứng mà đo mức độ tâm thức nhân loại hiện nay cũng như dùng làm kỷ niệm quý báu về hội nghị này.
Cám ơn quý vị.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét