Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

"Cứu chữ" cho quan qua một bản đối chiếu ngữ pháp với một học trò lớp 12

Dư luận mấy ngày qua vẫn còn sục sôi khi biết một học sinh lớp 12 bị kỷ luật tại một trường học ở miền Tây Nam Bộ sau khi đăng mấy câu phê bình chất lượng phục vụ của một bệnh viện tuyến tỉnh. Sự việc còn tiến xa hơn khi nhà trường dựa vào sự kiện này để đánh giá hạnh kiểm của em trong học kỳ vừa rồi.

(Chụp màn hình về phần chia sẻ một em học sinh lớp 12 qua Facebook)


Bỏ qua những mặt tiêu cực về cách đánh giá một học sinh thông qua mấy dòng chia sẻ của em qua một trang mạng xã hội Facebook. Tôi nhìn thấy những nét sáng về văn phong trong cách mà em viết mấy dòng đó. Là một thầy giáo dạy tiếng Anh, nhưng vốn tiếng Việt của tôi cũng đủ đề phân tích ra điều gì đó trong cách viết của em khác biệt như thế nào trong một án văn phong chính thức trong một lá thư của cựu bộ trưởng bộ giáo dục Phạm Vũ Luận. 

Câu văn với ngữ pháp rất tệ của bộ trưởng Luận trong thư gửi giáo viên gửi cho giáo viên nhân ngày 21/11/2015 (ngày Nhà giáo Việt Nam). Không biết ông Luận được học hành thế nào mà viết một câu văn 121 chữ mà dấu phẩy, chữ "và" dùng tuỳ tiện vậy không biết.

"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục mọi hạn chế yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 29, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân."

Hãy đọc phần bình luận của một em học sinh lớp 12 khi viết lời chê một bệnh viện ở miền Tây và dẫn đến việc em bị đánh giá hạnh kiểm "khá" ( không phải "tốt" như đại đa số học sinh khác)

“Nói thật, thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém. Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”.

===

So với ngữ văn của ông bộ trưởng Luận thì em này viết có nghề hơn. Một đoạn văn tương đối ổn về mặt văn phạm và nổi bật hơn rất nhiều so với những bình luận trên Facebook của nhiều bạn mà tôi biết.

Phân tích: 

- Câu văn 1: Câu tiêu đề của đoạn với từ vựng chức năng "Nói thật," đóng vai trò dẫn dắt ý và cho biết góc nhìn của quan điểm. Đây là thành tố mà nhiều người Việt khác gặp nhiều khó khăn khi viết câu/đoạn.

Tương tự: Những từ vựng chức năng như vậy cũng phổ biến trong ngữ văn Anh, như:
   + To tell (you) the truth,
   + It can be seen that,
   + It is recognised that,
      .....

Câu văn chính "thái độ phục vụ của bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười rất kém" với đầy đủ chủ vị ngữ và đặc biệt là thông tin rất rõ ràng và tỉ mỉ. Em viết rõ "khu vực Đồng Tháp Mười" là thành phần bổ nghĩa (noun modifier) cho cụm danh từ của từ "bệnh viện Đa khoa". Cụm từ "Thái độ phục vụ của bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười" là cụm danh từ đóng vai trò làm chủ ngữ. Phần vị ngữ "rất kém" có đủ tính từ và phần bổ ngữ trong chỉ duy nhất 2 chữ.

- Câu văn thứ 2: Chức năng dẫn giải của câu văn này rất rõ ràng khi em đã đưa ra thông tin để giải thích cho câu chủ đề (câu số 1) mà em đưa ra.

Cụm từ mà em sử dụng trong câu này "nạt 1 nạt 2" gợi hình và ý rất nhiều.  Hơn nữa, câu văn này sử dụng các mệnh đề (clause) rất điêu luyện:

"Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viện, nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà"

Cách dùng dấu phẩy trong mệnh đề qua hệ (loại không xác định) này chuẩn xác. "Từ bác sĩ, nhân viên, y tá trong bệnh viên" là chủ từ chung cho lần lượt các vị ngữ đứng sau là ", nói chuyện nạt 1 nạt 2, làm như cha mẹ người ta vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà" với đầy đủ động từ và tân ngữ.

Em dùng kiểu câu như trên rất hợp lý vì là câu dẫn giải nên phải đầu đủ, chi tiết.

- Câu văn thứ 3: "Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi” là kiểu câu đóng đoạn điển hình.

Có 3 loại mà những người viết văn chuyên nghiệp hay dùng là: nhượng bộ (concession), tóm lược (summary) và gợi ý (suggestion). Ở trên, em chọn loại cú pháp thứ 3. Loại này cũng khá điển hình cho đoạn văn phàn nàn, tranh luận (argument).

Tóm lại, qua những cú pháp mà em học sinh này sử dụng thì tôi tin rằng khi em ở vào độ tuổi của ông Nhạ thì em có thể là "bậc thầy" của ông về ngữ pháp tiếng Việt. Em cũng chứng tỏ rằng em là người có ăn học đàng hoàng và có trình độ văn hoá nhất định trong cách ứng xử phản biện của trí thức.

Tôi mơ ước có một cô con gái có những nét văn chương như em có ở hiện tại khi con tôi bằng tuổi em.


Ce Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét