Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Người nước ngoài cần được giải ảo trong cách nhìn về Việt Nam


Khi tôi đang ngồi vào bàn ăn với món thịt gà luộc, đối với tôi đó là một món ăn dân dã tuyệt vời, đối với một người ngoại quốc đó có thể là món ăn nhàm chán vô vị, đối với những con gà khác khi tình cờ đi ngang qua thì đó có thể là một tội ác ghê tởm mà tôi là thủ phạm.

(Hình ảnh minh họa: TT Mỹ Obama ăn thịt gà và phản ứng của con gà)

Tôi dẫn dắt câu chuyện như vậy để bắt đầu cho phần chia sẻ bên dưới đây mà bạn đọc có thể sẽ phải nhìn rộng hơn một chút để hiểu người Việt, nước Việt Nam được định vị như thế nào trong con mắt của người nước ngoài cũng như trong trong việc phân định đúng-sai và hợp lý.

Đó chắc hẳn là sẽ là câu chuyện gồm nhiều phần bao gồm những phần dẫn giải, ví dụ điển hình và cách để làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Khác với thường lệ là viết phần mở đầu trước, thì tôi sẽ viết phần giải pháp trước để bạn đọc đã hiểu chuyện có thể áp dụng ngay tức thì. Phần đông bạn đọc còn lại hãy kiên nhẫn chờ những phần khác sẽ được viết trong những bài chia sẻ khác.

III. Phần giải pháp

Kinh nghiệm cá nhân khi nói chuyện với người nước ngoài về những chủ đề phức tạp ở Việt Nam. Ce Phan nhận thấy, ngoài người Trung Quốc và Nhật Bản khá hiểu về Việt Nam, thì phần lớn người từ nơi khác đều có những nhìn nhận thiếu chính xác.

1. Thông thường, phần lớn người ngoại quốc đều có cái nhìn thiên lệch về Việt Nam (tích cực quá, hoặc tiêu cực quá). Để họ hiểu ra được câu chuyện mà bạn đang nói tới thì ngoài chuẩn bị các ý để chia sẻ, bạn luôn phải bắt đầu câu nói với: "Although, ........" ; "I know that you hold the view ...., but ...." hoặc tương tự như thế.

2. Người nước ngoài có niềm tin rất lớn vào chân lý, văn minh, khoa học ... và "đạo" nên trong phần lớn nhưng câu nói của họ ở thì tương lai đều khá lạc quan. Bên cạnh đó, họ thường rất tự tin về nền tảng giáo dục mà họ được học do đó sẽ có thể tranh luận tới cùng cho một chủ đề mà bạn đang nói tới. Nếu bạn muốn thuyết phục họ cho một điều bạn cho là đúng thì hãy kiên nhẫn "gỡ rối" từng phần trong hệ quy chiếu của họ cho một chuyện khác hệ quy chiếu đang diễn ra ở Việt Nam.

Ví dụ: người phương Tây nhìn vào cách ăn mặc vest, cách họp hành nội các, quốc hội, các biểu hiện trong nền kinh tế thị trường, nói tiếng Anh .... thì phần lớn đều cho rằng Việt Nam, Trung Quốc ... đã bắt đầu chuyển mình theo cách giống họ ở phương Tây. Rồi thế nào cuộc sống ở đó cũng sớm đi theo con đường mà họ đang trải qua. Để nói cho họ biết rằng họ đang "lầm to" thì bạn nhất thiết phải kiên nhẫn và giải thích từng bước một.

3. Người nước ngoài sống cho hiện tại và tương lai vì thế thường không kiên nhẫn nghe những câu chuyện về quá khứ. Đó cũng là dấu chỉ tại sao ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế tại Đại học ở Mỹ, phương Tây đang xa rời lịch sử của họ và lịch sử thế giới. Nhiều trường còn biểu tình để không học lịch sử của phương Tây.

Chính vì vậy, để thuyết phục được họ thì phải kiên nhẫn dẫn giải những câu chuyện về địa dư và lịch sử. Điều quan trọng nhất là sự hình thành và phát triển của Việt Nam và các nước xung quanh khác khá nhiều so với những gì họ tưởng tượng.

4. Người nước ngoài liên tiếp "mắc sai lầm" trong hầu hết các đối sách với Việt Nam - xét trên khía cạnh họ hợp tác và muốn giúp cho cuộc sống của người dân Việt Nam.

Nên hiểu một điều rằng tất cả các đối sách ngoại giao của bất kỳ cường quốc nào cũng nhắm tới một phần lợi nhiều hơn cho dân tộc họ, đất nước họ. Vì thế việc thương thảo với Việt Nam nhiều phần thiên lệch và mang tới những hệ luỵ mà người dân Việt Nam có thể sẽ gánh phải trong nhiều đời.

Đó là điều quan trọng mà mình cần giải thích cho người Anh, người Mỹ hiểu rằng chính phủ của họ đại diện cho lá phiếu của họ "đi bày trò" khắp nơi và chưa chắc điều đó đúng với nguyện vọng của cử tri. Hầu như tất cả người dân trên thế giới này đều yêu thương nhân loại. Chỉ có số ít người tham vọng muốn can thiệp nhiều hơn với mục đích khác.

Ví dụ: việc Việt Nam mắc kẹt trong đối sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khoảng trước và sau năm 1975 đã đẩy Việt Nam vào nhiều cuộc chiến bị động.

5. Người nước ngoài nhìn tiêu cực về chính trị nước họ và tìm thấy sự chia sẻ ở Việt Nam. Những người như vậy nhiều vô số kể. Họ chán ghét chính trị là điều hết sức bình thường vì chính trị nước họ là đa cực- không thể làm hài lòng mọi nhóm người được. Và nhóm người không ưa thể chế đang điều hành họ thường di chuyển đến những nước ngoài nhóm đồng minh để sống, du lịch, làm việc. Họ yêu cuộc sống mới cũng là lẽ thường tình bởi vì họ đang được trả thù lao theo người nước ngoài như chi tiêu theo kiểu nội địa. Hơn nữa họ còn được nhiều phần kính trọng của dân chúng địa phương.

Phải nói thật đây là nhóm người "tệ hại" nhất nếu bạn muốn nói cho họ nghe về sự thật đó. Mắt và tai của họ bị "mờ và điếc" đi đáng kể nên bạn sẽ gặp khó khăn hơn 10 lần, 100 lần khi nói chuyện với họ.

Xét về mặt nhận thức, họ trông tội nghiệp chẳng khác gì phần đông người dân đang sống ở đây. Hãy chấp nhận sự hồ đồ của họ và bình tĩnh nói chuyện trong trạng thái bình thường nhất. Có thể mất 5 năm, 10 năm nữa họ mới hiểu. Đây cũng được xem là nhóm người "dân chủ" hão huyền nhất toàn cầu.

Tóm lại, mọi góc nhìn đều có thể bị giới hạn bởi kiến thức và trải nghiệm. Cách Ce Phan hiểu vấn đề đang nói có thể khác với bạn, nhưng một điều gần như trở thành chân lý đó là cách đánh giá sẽ đúng hơn, xác thực hơn nếu bạn có nhiều thông tin hơn, nhiều kiến thức hơn trong một chiều gì đó. Niềm tin thông thường sẽ khó áp dụng trong những câu chuyện phức tạp mà tôi đang nói tới ở trên.

Việc giúp người nước ngoài hiểu về giá trị, con người, lịch sử và bối cảnh Việt Nam cũng chính là cách chúng ta giúp chính mình. Họ sẽ cư xử trên tinh thần là người bạn và đặt chúng ta ở vị trí hợp lý hơn trong tính toán ngoại giao của họ.

Đất nước và con người Singapore là một ví dụ tốt đẹp để chúng ta nhìn nhận. Họ làm ăn tốt với Trung Quốc, bang giao mật thiết với Anh và là bạn hàng tin cậy của Mỹ. Họ bang giao được với phần đông thể chế chính trị đối lập. Đó là điều tốt mà chúng ta cần học hỏi.


Ce Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét