Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Danh xưng nào phù hợp khi nói về Alan Phan

Tôi không biết nên gọi Alan Phan bằng danh xưng gì cho phù hợp. Ông có học vị tiến sĩ về kinh tế, từng là thầy giáo, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp vào các thị trường mới nổi như Hồng Kông, Trung Quốc và ông cũng là một nhà bình luận sắc sảo về nhiều mảng trong cuộc sống: kinh tế, chính trị, văn hóa. Chính vì sự đa dạng trong con người tài ba như Alan Phan mà tôi do dự không biết gọi ông bằng danh xưng gì cho lễ phép và trân trọng nhất. Tôi đã tìm thấy một vài danh xưng như: Tiến sĩ Alan, kinh tế gia Alan, nhà đầu tư mạo hiểm Alan, thầy Alan, ông già Alan ... và ngày cuối cùng của ông đọc giả biết tên một tên nữa mà gia đình gọi ông đó là Alan Phan Việt Ái (hay chỉ đơn giản là Ái theo cách gọi tên trong tiếng Việt). Xét về số lượng danh xưng có lẽ ông già Alan cũng không thua kém gì chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng có sự khác biệt là phần lớn danh xưng dành cho Alan Phan là do sự mến mộ của đọc giả gọi ông theo từng góc nhìn hay sự thể hiện của ông trong cuộc sống, nhưng ai cũng cũng biết chỉ có một Alan Phan như thế.  Trong khi đó danh xưng của Hồ Chí Minh phần lớn là những bí danh mà ông không muốn nhiều người biết đến con người thật của mình trong quá trình làm cách mạng.  
Sự do dự của tôi không chỉ dừng lại ở việc không biết gọi ông như thế nào, mà còn là sự hổ thẹn khi viết ra điều gì đó về ông với chữ nghĩa thô thiển của người mới tập viết blog như tôi. Lướt qua 1 vòng trang www.gocnhinalan.com của ông, tôi ấn tượng với cách đặt tên và sắp xếp của ông: khu vườn Alan, lang thang phố nhỏ, sân chơi của khách và tư duy đại dương, ký sự tháng ngày, hoa thơm bốn mùa. Đặc biệt nhất là mục thống kê 10 góc nhìn thơ mộng của Alan, nơi mà ông cho thế hệ trẻ thấy tuổi già không ngăn cản người ta mơ mộng. Đó đều là những chuyên mục tạo ra sự khác biệt trong cách đặt tên cho những gì mà Alan đã viết và định viết về những điều mà không bị ràng buộc bởi lối đặc tên truyền thống mà nhiều trang báo, trang blog khác đang sử dụng để có thêm một lượng view từ Google. Trang Góc nhìn Alan đủ ấn tượng để đọc giả tìm đến trực tiếp hơn là thông qua một công cụ tìm kiếm như Google. Chỉ mỗi điều này thôi, một người trẻ đã phải học rất nhiều để có được sự khác biệt trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân và cách nhìn nhận về những tác nhân thu hút. 
Dĩ nhiên là Alan sẽ được gọi tên nhiều hơn nếu ông vẫn còn chia sẻ điều gì đó với góc nhìn của ông bởi lối viết văn bài học nằm ở những điều nhỏ nhặt nhất. Một nhà báo, một tác giả thông thường có thể bị tụt hứng hoặc hết ý để viết vào một ngày đẹp trời nào đó bởi chính bức tường giới hạn mà họ tạo ra trong phong cách viết. Cầu toàn về bố cục, giới hạn về chữ nghĩa và thiếu trải nghiệm sẽ giết chết một cây bút bất kỳ lúc nào. Tôi phải trải nghiệm khá lâu cho một sự kiện rất đặc biệt nào đó mới có đủ tâm trạng để viết ra một điều gì đó cho hay ho và có giá trị. Cụ thể hơn, tôi đã do dự gần cả tháng nay kể từ ngày Alan mất mà vẫn ái ngại khi viết về ông bởi vì sự giới hạn trọng ý tưởng và câu chữ. Nhưng với ông già Alan thì mọi điều bình dị đều nhảy múa mà muôn sắc màu đối với lăng kính Alan. Ông luôn nhìn ra cái gì đó trong một vấn đề thời sự và sau đó giải ảo cho dư luận, ông biết tìm ra cái thú vị trong buổi ăn trưa với một nhân vật nào đó, ông biết bóp gọn một hành trình dài lê thê trong những câu chữ cô đọng nhất, dễ hiểu nhất ... Ôi tôi bái phục khả năng viết lách của ông!  
Tôi tin cái chết của ông già Alan Phan là sự tôn trọng cao nhất của chính ông cho những điều hữu hạn trên đời này. Tuổi trẻ nên học gì làm gì để không bị ràng buộc vì những điều nhỏ bé và có được những góc nhìn khác hay hơn, thơ mộng hơn, đặc sắc hơn cả cả ông già Alan. 
Tác giả: Ce Phan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét