Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Ước mơ về môi trường giáo dục tốt hơn cho trẻ em Việt Nam

Cũng như bao giáo viên khác, tôi từng có những mơ mộng về một lớp học, một trường học mà ở đó có thể khắc phục được tất cả những điểm yếu của những ngôi trường mà tôi từng học qua khi ở Việt Nam. Tới bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh về những toilet chật hẹp, thiếu ánh sáng và bẩn trong suốt 12 năm học phổ thông. Đáng sợ hơn nữa là những giờ học rất chán, nặng thông tin, thiếu sự mường tượng mà học sinh phải ráng ghi nhớ một cách máy móc. 

Tôi đã tự tìm hiểu về những nền giáo dục khác qua mạng internet và qua sách nhưng quả thật rất khó lòng mường tượng được một ngôi trường giáo dục tốt hơn sẽ như thế nào. Những điều tôi khắc khoải mãi cũng được giải đáp từng bước khi tôi đặt chân vào môi trường ở Nhật Bản với vai trò là một giáo viên dạy tiếng Anh. Từ những điều rất nhỏ như là toilet của trường cho tới cách quản lý và vận hành một cơ sở giáo dục là một chân trời rất khác trong tôi. 

Từng ngày trôi qua tôi chiêm nghiệm từng chuyện giáo dục dựa trên ký ức cũ về Việt Nam và những khác biệt tại Nhật Bản, và hình ảnh về một môi trường giáo dục tuyệt vời như thế này một ngày nào đó sẽ hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam. Quả thật tôi tin rằng trẻ em Việt Nam rất đáng có được những gì tốt đẹp nhất mà người lớn cần làm cho chúng. 

Đồng nghiệp của tôi đến từ rất nhiều nước và cùng hoà nhịp vào giáo dục Nhật Bản dựa trên sự cởi mở trong định hướng giáo dục nước này trong những năm gần đây. Chúng tôi cùng chung tay cho một mục tiêu chung là đào tạo những đứa trẻ trở nên mạnh khoẻ, lành mạnh, hiểu biết và chia sẻ những giá trị cộng đồng. Nhưng có lẽ những tâm sự của tôi về hiện trạng giáo dục trẻ em tại Việt Nam làm ngạc nhiên rất nhiều đồng nghiệp. Họ đều mong rằng Việt Nam sẽ sớm có nhiều hành động hơn nữa để cải thiện môi trường giáo dục, đặc biệt là cho các cấp học nhỏ. 

Mọi sự so sánh đều rất khập khiễng, nhất là sự chênh lệch trong thu nhập của người dân ở hai nơi rất khác nhau. Tôi tránh việc phê phán và chê trách về những điểm khó khăn mà nền giáo dục của chúng ta đang trải qua, nhưng những gì tốt hơn cần chia sẻ thì lúc nào cũng có vẻ khó nghe và dễ bị gieo tiếng xấu. Tôi là giáo viên nên tôi biết những chừng mực mà một giáo viên có thể chia sẻ về nghề nghiệp của mình. Điều này sẽ còn là một khó khăn lớn hơn nữa nếu một giáo viên đặt trong bối cảnh ở Việt Nam. 

Chắc hẳn là sẽ còn nhiều giáo viên người Việt đang sống ở đâu đó khắp nơi trên thế giới này sẽ luôn nhìn về Việt Nam và mong muốn đóng góp một điều gì đó cho quê nhà. Tương tự thế, cũng có rất nhiều giáo viên trong nước vẫn luôn giữ cho mình một mơ ước về một môi trường giáo dục tốt hơn cho trẻ em và giáo viên Việt Nam. Một môi trường giáo dục mà nơi đó giáo viên được sự tôn trọng và được đánh giá đúng thông qua một mức lương tốt hơn, nơi đó cũng là nơi mà các em học sinh được sống trong một bầu không khí lành mạnh, cởi mở và phát triển. Liệu rằng mơ ước đó có quá xa tầm tay? Tôi tin chắc là sẽ làm được nếu như chúng ta thực sự muốn làm. 


Ce Phan 



Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Điểm qua một số phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em mầm non (dưới 7 tuổi)

Bên dưới đây là những phương pháp phổ biến được áp dụng trong việc giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ 2 dành cho các em thiếu nhi trước khi bước vào chương trình Tiểu học. Những phương pháp này được 2 tác giả Maria and Jesus tại trưởng ĐH King Juan Carlos điểm qua trong nghiên cứu "Những phương pháp giảng dạy tiếng Anh dành cho thiếu nhi" (English teaching methodologies for early childhood education).

Mình điểm qua từng phương pháp và sẽ bàn luận về dựa trên kinh nghiệm giảng dạy thực tế của mình thông qua trang Facebook: https://www.facebook.com/cephanafterschool 




1. Phương pháp học ngôn ngữ gần gũi (CLL - Community Language Learning)

Phương pháp học ngôn ngữ gần gũi cố gắng xây dựng mối qua hệ cá nhân mạnh mẽ giữa giáo viên và học sinh mà không có bất kỳ ranh giới học tập nào, sử dụng tiếng mẹ đẻ sau đó dịch nó sang tiếng Anh và ưu tiên lặp lại nhiều lần và từng bước làm quen với các khái niệm mới (theo tác giả Krashen, 1982).

2. Phương pháp lược giản từ (Silent Way)

Trong phương pháp lược giản từ, giáo viên cố gắng nói ít từ nhất có thể để giúp các bé cảm thấy thoải mái và tìm ra những từ phù hợp để bày tỏ suy nghĩ. Ngay cả khi một em nói "Me go toilet" (Con đi toilet), thì sẽ kiểm soát được những gì các em đang cố gắng nói tốt hơn mà không cần sử dụng tiếng mẹ đẻ.

3. Phương pháp trực tiếp (Direct  Method)

Đây là phương pháp sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Giáo viên sẽ hỏi bằng tiếng Anh và học trò được khuyến khích trả lời bằng tiếng Anh (chỉ đôi khi sử dụng tiếng mẹ đẻ trong những trường hợp cần thiết).

4. Phương pháp nghe hiểu  (Audio-lingual  method)

Đây là phương pháp học tiếng Anh việc thích nghi với những sinh hoạt thường nhật trên lớp học. Các bé đã làm quen với các hoạt động đó và dễ dàng hiểu được những chỉ dẫn của giáo viên. Phương pháp này nhấn mạnh việc nghe hiểu trước việc biết nhận diện ngữ vựng. 

5. Phương pháp "Tiếng Anh dễ lắm" (Suggestopedia method)

Phương pháp học tiếng Anh này giúp các bé tránh cảm giác sợ học tiếng Anh. Phương pháp này loại bỏ những phần không cần thiết trong cách giảng dạy thông thường và thay vào đó là những hoạt động dễ tiếp cận hơn ví dụ như: hát, chơi trò chơi, đọc truyện. 

6. Phương pháp giao tiếp theo tình huống (CLT - Communicative language teaching method) 

Phương pháp hướng đến việc tạo ra các tình huống giao tiếp theo các bối cảnh như trong lớp học, siêu thị, bệnh viện... Các tình huống thực tế được đề cập đến cũng như có những khách mời để tạo cảm giác giao tiếp thực tế hơn cho các em. 

7. Phương pháp tiếp cận tự nhiên (Immersion  method hay có tên khác là Natural Approach)

Phương pháp Immersion hướng các em đến một cách học tiếng Anh như nó là ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và xem nó như một phương tiện để "sống còn" ở môi trường 100% nói tiếng Anh. Phương pháp này  tương tự như phương pháp Natural Approach được phát triển bởi bởi Krashen (1982). Sẽ không có chỉnh sửa lỗi sai vì các em sẽ mắc lỗi một cách tự nhiên.

Sự khác biệt giữa phương pháp tiếp cận tự nhiên và phương pháp giao tiếp theo tình huống (6) ở chỗ môi trường nói tiếng Anh tự nhiên giống người bản xứ trong khi, theo phương pháp trực tiếp, học sinh học ngôn ngữ trong một môi trường nói tiếng Anh mà họ có thể hiểu được.

8. Phương pháp học kiểm tra (Task-based  Language  learning  method)

Phương pháp học này là cách dạy theo từng điểm mục trong tiếng Anh. Ví dụ như nhóm từ vựng, những điểm ngữ pháp được dạy trong một thời gian nhất định sau đó yêu cầu kiểm tra học trò khả năng ghi nhớ và áp dụng vào các bài tập. Ở giai đoạn mầm non, phương pháp này chỉ được khuyến khích sử dụng trong các tình huống mang tính ra lệnh/ yêu cầu. Chẳng hạn, giáo viên mầm non nói "give me an apple",nếu các bé làm theo được là đạt yêu cầu. 

9. Phương tác tương tác thể chất toàn diện (TPR - Total Physical Response)

 Phương pháp này ghi nhận một thức tế rằng trẻ em không thể ngồi yên! Phương pháp  tương tác thể chất toàn diện nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng hiểu bằng âm thanh khi mà các bé tham gia phản ứng tích cực với một số mệnh lệnh nhất định. Ví dụ, "Close your eyes", "Touch your nose", "Sit down", v.v. (theo tác giả Richards & Rodgers, 1986). Sử dụng các hoạt động TPR trong trường mầm non sẽ khuyến khích trẻ em hoạt động thể chất. Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất và một trong những phương pháp tạo nhiều thích thú nhất cho trẻ em. 


Từ việc hiểu căn bản sự khác biệt giữa các phương pháp sẽ giúp giáo viên/ phụ huynh đánh giá được bối cảnh học tiếng Anh của học trò/ con cái của mình. Ce Phan từng trải qua hầu hết các phương pháp nói trên và sẽ giúp các bạn hiểu sâu thêm một bước nữa thông qua một bài giảng qua video của mình nhé. 

Hãy giữ liên lạc nhé!
Ce Phan