Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Làm thể nào để tinh hoa của cha mẹ truyền sang con cái?

Người ta có nói nhìn người lớn sẽ biết tương lai của con cái họ, ngược lại nhìn vào những đứa con sẽ biết được cha mẹ chúng là người thế nào.

Gia đình mình đi chơi biển Mito, Ibaraki vào tháng 7 năm 2020

Hình ảnh gia đình đi chơi biển Oarai, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản (tháng 7 năm 2020)

Bạn sẽ chợt giật mình khi chiêm nghiệm rằng cầu nối giáo dục giữa ba mẹ và con cái không còn quá chặt chẽ để có thể suy luận như trên.

Ngày nay, có những cha mẹ thiếu thốn mọi mặt về kiến thức, kỹ năng và tiền bạc để nuôi dạy con cái thì đứa con vẫn có nhiều cơ hội để có thể lớn lên và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt. Ngược lại, có không ít đứa trẻ lớn lên với nhiều khiếm khuyết về kiến thức, kỹ năng và cả thể chất mặc dù được sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ chúng là những người có trình độ cao. Con số "trái quấy" này sẽ còn tăng lên khi giáo dục đại chúng ngày càng hoàn thiện nhưng giáo dục gia đình bị mờ nhạt đi trong đời sống công nghiệp.

Sự tinh hoa của cha mẹ có thể sẽ khó có nhiều cơ hội để truyền thụ lại trọn vẹn tới con cái khi mà quỹ thời gian dành cho con cái của họ ngày càng thu hẹp dần. Chưa kể, để đạt cái "nhất nghệ tinh" cha mẹ cũng không còn thời gian để tìm hiểu thêm về những kiến thức và kỹ năng dạy con cơ bản.

Trí nhớ về những gì họ được học khi họ nhỏ đã không còn phù hợp để áp dụng cho con cái của họ trong bối cảnh giáo dục hiện tại. Như vậy, nhiều cha mẹ có trình độ cao cũng dần để con cái phụ thuộc nhiều vào nền giáo dục đại chúng, ở đó chúng sẽ cạnh tranh với những đứa trẻ khác trên một lộ trình học chung dành cho mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, việc định hướng của cha mẹ trong những giai đoạn nhất định cũng có thể mang đến cho các em những lợi thế hơn so với các bạn đồng lứa.

Cho dù muốn hay không, trong một xã hội ngày càng có tính phân công lao động cao, trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ càng xa rời với tầm tay của cha mẹ. Mọi người dần sẽ nương nhờ vào nó và tính ưu việt của từng ngôi trường sẽ cho ra những kết quả đào tạo khác nhau. Dẫu vậy, sự chuyển dịch chậm chạp của hệ thống giáo dục đại chúng khó làm cho nhiều người mãn nguyện nhất là những công việc của tương lai lại càng chuyên biệt hoá, và đòi hỏi sự chuyên sâu hơn cả bây giờ rất nhiều.

Như vậy, trào lưu nào đang diễn ra đã trao cho những đứa trẻ có ít thuận lợi hơn về truyền thống giáo dục gia đình nhưng lại hoàn có nhiều cơ hội khác nắm bắt tri thức? Đó chính là internet!

Có một nhóm lớn các em học sinh bứt phá được khỏi những giá trị trung bình để tự làm khôn chính bản thân mình thông qua hành trình tự học hỏi. Mặc dầu phương thức giáo dục này không chính quy nhưng lại tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức mà đặc biệt là đối diện với những tri thức sẵn có từ nhiều giác độ khác nhau.

Là người đang vào giai đoạn làm cha mẹ, những băn khoăn trong cách nhìn về giáo dục cho con cái là cảm giác chắc chắn sẽ đối diện thường xuyên. Việc tìm hiểu sau đó lựa chọn một cách tiếp cận tốt sẽ mang lại những lợi thế lớn cho con cái sau này. Trong quỹ thời gian hạn chế dành cho con cái mỗi ngày, đâu là những điều cô đọng nhất mà cha mẹ tối thiểu phải dạy cho con?

Video nói bằng tiếng Anh trong cùng nội dung với bài viết này.

Có một số thứ sau đây mà trường học khó lòng dạy cho con bạn trở nên hoàn chỉnh và chính những điều đó cần đến vai trò giáo dục của cha mẹ:

- Tương tác và trao đổi thông tin giáo dục thường xuyên với trường. Chọn học những trường mà họ có một kênh chia sẻ thông tin mỗi ngày (hoặc ít nhất là mỗi tuần) giữa nhà trường và phụ huynh. Đó có thể là qua cuốn sổ liên lạc, nói chuyện trực tiếp khi đưa và đón con, thông qua một phần mềm, họp phụ huynh... Đây là một lựa chọn cực kỳ quan trọng trong hành trình giáo dục lâu dài cho con. Nếu cha mẹ không nắm bắt được tình hình của con mình và cũng không cho thầy cô biết về những yếu điểm và những thói xấu thì chúng sẽ trở nên khó sửa hơn về sau.

- Dạy chủ động bằng một kế hoạch cụ thể. Quỹ thời gian buổi tối và cuối tuần là cố định nên hãy bố trí những giờ dạy con để "tinh hoa" của bạn có cơ hội được truyền sang cho con. Kế hoạch này bao gồm cả những thói quen tốt cần dạy, kỹ năng cần biết và những kiến thức đặc trưng khác. Mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu bạn không thu xếp được một lịch dạy cố định cho con mình.

- Dạy thụ động thông qua những việc phát sinh. Chắc chắn sẽ có rất nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra ngoài tính toán của gia đình bạn nên học cách giúp con đối diện và hiểu đúng cho những tình huống đó sẽ trở nên rất cần thiết. Nếu những điều đó xảy ra có tính lặp lại, hãy biến nó thành một hoạt động giáo dục cố định và chủ động như ý thứ hai ở trên.

Ngược lại, sẽ có những rủi ro lớn nếu cha mẹ để con cái phụ thuộc phần lớn vào giáo dục nhà trường hoặc xã hội. Nếu không may mắn lọt vào nhóm các em có thể tự học để thành tài, các em sẽ lớn lên với rất nhiều khuyết điểm và cơ hội để sửa nó sẽ càng ngày càng khó khi các em đã vào độ tuổi trưởng thành.

Bài này Ce Phan viết cho báo Vnexpress: https://vnexpress.net/lam-the-nao-de-tinh-hoa-cua-cha-me-truyen-sang-con-cai-4145148.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét