Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Hiểu về các trào lưu giáo dục trẻ em | Kỳ 1



Hiểu về các trào lưu giáo dục trẻ em

Hiện tại có rất nhiều trào lưu giáo dục trẻ em có thể khiến bạn bối rối bằng không biết bằng liệu phương pháp nào là phù hợp nhất đối với con cái của mình. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm của các trào lưu giáo dục ấy, chúng ta sẽ quay ngược trở lại một chút với lịch sử giáo dục. Chủ đề này dự kiến sẽ bao gồm nhiều bài và sẽ lần lượt điểm qua những cái tên nổi bật nhất với cách tiếp cận giáo dục của họ. 




Giáo dục nói chung bao gồm cả giáo dục ở trường học, gia đình và xã hội đều bắt nguồn từ những triết lý sống phổ quát. Ví dụ, ở nhiều nước Châu Á thì triết lý của Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống giáo dục trong thời kỳ phong kiến. Trong triết lý đó, giáo viên đóng một vài trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò. Do vậy, giáo viên đã từng là trung tâm của mọi mô hình giáo dục trong thời kỳ đó. Cũng chịu ảnh hưởng bởi chế độ quân chủ lập hiến trong quá khứ, nhưng các nước Tây phương chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thuyết duy vật biện chứng có nguồn gốc từ Socrates ( ông mất khoảng 400 năm trước Công Nguyên, khoảng vài mục năm sau Khổng Tử). Từ khởi điểm với vai trò đặc biệt quan trọng của người thầy, học trò được thúc đẩy bởi thuyết duy vật biện chứng đã có nhiều không gia để góp tiếng nói hơn trong các mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến ở Châu Âu. Hai triết lý này tồn tại song song và tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa giáo dục mang phong cách phương Đông và phương Tây.

Tuy nhiên, quá trình từ lý thuyết đến thực tiễn là một quá trình rất dài nên không phải đất nước nào cũng theo đuổi những mô hình giáo dục giống nhau cho dù họ sử dụng chung những triết lý đó. Quá trình áp dụng đó đi từ triết lý sống đến triết lý giáo dục và sau đó nữa mới đến các phương pháp giáo dục. Ví dụ, Nhật Bản là một đất nước phương Đông, đã từng chịu ảnh hưởng bởi triết lý Khổng Tử một cách sâu sắc nhưng kể từ thời Minh Trị đã thay đổi toàn diện và có những đường lối giáo dục mà sau này biểu hiện nhiều nét tương đồng với giáo dục của phương Tây. Mặc dù vậy, chúng ta cũng khó lòng kết luận là các chương trình giáo dục dùng chung một phương pháp lại có thể tạo ra những “sản phẩm” giáo dục giống nhau do nhiều yếu tố mang tính địa phương. Hơn nữa, dường như tất cả mọi quá trình là liên quan tới con người thì không thể tạo ra những kết quả giống nhau.

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp nặng diễn ra từ cuối thế kỉ 18, thế giới trải qua nhiều thay đổi sâu rộng ảnh hưởng tới tất cả các hệ thống giáo dục trên thế giới. Khi đó, những nước tư bản xem giáo dục là cách để tạo ra một lực lượng lao động có trình độ (kiến thức và kỹ năng) để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp. Trong thời gian này, khi mà hệ thống sản xuất đã tạo ra tiền đề quan trọng cho sự phát triển xã hội của những đất nước tư bản. Việc nắm bắt được các kiến thức (thông tin) về khoa học kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng trong các trường học trong thời kỳ bấy giờ. Dĩ nhiên, những kiến thức và kỹ năng liên quan tới nghệ thuật, giải trí chưa được xem là những giá trị cốt lõi trong các chương trình đào tạo. Lúc này, thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bật của các nước phương Tây với sự hiệu quả trong các chương trình đào tạo của họ. Ngôi sao sáng nhất tại Châu Á trong thời kỳ này chính là Nhật Bản. Sự phát triển khoa học kỹ thuật lúc này cũng đã thúc đẩy cho một chu kì mới đó là nghiên cứu khoa học. Các học giả đã biết tận dụng tối đa nền tảng của khoa học thực chứng để khám phá ra sự thật và quy luật của rất nhiều ngành nghề trong đó bao gồm cả giáo dục.

Cho tới thế kỉ 20 khi những nghiên cứu về bộ não con người đã được những thành công quan trọng thì những kết quả của nó đã ảnh hưởng lớn đến cách mà các nhà giáo dục quan niệm về “sự học”. Bom tấn trong thời kỳ này đó chính là nghiên cứu của tiến sĩ Roger Sperry tại Hoa Kỳ về chức năng của bán cầu não phải và não trái. Tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài đến ngày nay trong giáo dục hiện đại. Năm 1981, tiến sĩ Roger Sperry đã được vinh danh với giải thưởng Nobel cho nghiên cứu về chức năng của hai bán cầu não của ông. Khi thế giới vinh danh ông, điều đó cũng có nghĩa là nghiên cứu đó đã có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Điều đó đúng cả trong lĩnh vực giáo dục khi mà các chương trình giảng dạy về sau đều cố gắng phát triển dựa theo các miền phát triển của bộ não con người. Một cách chung nhất, các nhà giáo dục quan niệm rằng não trái của con người có thể thu thập và xử lý số liệu trong khi não phải có thể kích hoạt khả năng sáng tạo.

Từ cuối thế kỉ 20 cho tới thế kỉ 21, có rất nhiều nhà giáo dục nổi tiếng ra đời khi họ nhấn mạnh cách thức giáo dục dựa trên những đặc điểm của bộ não. Riêng trong giáo dục trẻ em thì những cái tên như Maria Montessori, Makoto Shichida, Glenn Doman đã trở nên ưa chuộng bởi vì họ chủ thuyết khai phá tiềm năng cho đứa trẻ dựa dựa trên các đặc điểm được phát hiện trước đó trong nghiên cứu về thần kinh. Những diễn ngôn giáo dục của họ lại càng có cơ hội được ủng hộ khi mà yếu tố “thông tin” không phải là điều quá khó để đạt được trong thời kỳ công nghệ số (liên đới tới khả năng ghi nhớ của não trái). Nhiều người tự nghiệm ra rằng, việc khai sáng để tạo ra sự khác biệt sẽ đến từ việc nhấn mạnh và phát triển chức năng của não phải. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực chứng về sự liên quan trong chức năng của bộ não tới các cách tiếp cận cho tới ngày nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục. Phần lớn những nghiên cứu kiểm nghiệm cách tiếp cận giáo dục dựa vào đặc điểm các bán cầu não vẫn chỉ dừng lại ở mức định tính (qualitative method).

Tại những đất nước phát triển, vẫn luôn tồn tại song song nhiều trào lưu giáo dục. Phần lớn các hệ thống giáo dục chính thống và được chuẩn hoá dựa trên những nghiên cứu mang tính định lượng (quantitative method) với các nghiên cứu đã được thực nghiệm trên số lượng lớn dữ liệu và được bổ trợ bởi những nghiên cứu có liên quan khác như xã hội học, thần kinh học, tâm lý học … Các hệ thống giáo dục khác (phần lớn là giáo dục tư nhân) có xu hướng lựa chọn những phương pháp tiếp cận mới hoặc có tính đột phá cao như các phương pháp của những nhà giáo dục vừa đề cập ở trên.

Kỳ tới, chúng ta sẽ điểm qua những trào lưu giáo dục trẻ em trên thế giới bao gồm cả giáo dục tiêu chuẩn của các quốc gia và những cách tiếp cận khác tồn tài song song với hệ thống ấy. 

Ce Phan
Giáo viên mầm non tại Nhật Bản