Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Căn phòng nhỏ



Căn phòng nhỏ

Căn phòng nhỏ mẹ cho
Bọc ước mơ đủ lớn
Bao chí trai không sờn
Căn phòng thời vàng son

Ngày bóng lạc mây trôi
Tôi nhìn ra cửa sổ
Căn phòng vừa đủ nhỏ
Thấy niềm tin căng tròn. 

Hỏi ai đủ giỏi giang
Hỏi ai lòng đủ rộng
Che đậy một quan san
Mãi tìm hoài chửa thấy 

Trong buổi chiều mây bay
Tháng ngày dài lãnh lẽo
Mẹ tôi vẫn còn đấy
Bên căn phòng đơn sơ

Lặng nhìn mẹ bồi hồi
Tôi mới chợt hiểu ra
Giấc mơ là có thật
Của mẹ và của tôi.

Ce Phan
20/7/2017

Đêm ba mươi



Xuân nào cũng vội tựa tình ta

Sắc đêm ba mươi chưa kịp tới

Lo ra tới sáng Tết đã già




Thắp vội nén nhang lòng đợi ấm

Ngọn gió ban chiều khẽ đan qua

Mang theo chút sắc hương trong nhà




Ce Phan

Đêm 30 Tết



Thiền và tu tập của trí nhân Việt Nam

 Sáng nay dậy sớm để nghe những người rất nổi tiếng nói về thiền và tu tập. Đầu tiên là nghe chủ tịch Thái Hà Books, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Sau đó nghe kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và nhớ lại cả bài nói chuyện của ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ. 


Mặc dù nghe cũng thấy hay nhưng có một điều mình nghiệm thấy đó là khi người ta đã tu quá sâu thì họ càng muốn tách biệt ra khỏi với đời sống thực tế. Khi tu rồi chứng đắc thì họ làm cho ta thấy cái đạo mà họ thụ lý là đặc biệt và duy nhất. Như vậy, sự dung nạp những yếu tố khác biệt sẽ giảm đi rất nhiều trong các môi trường mà họ tham gia vào.

Mặc dù tui tin là họ tu thật và cũng tin rằng con đương Đức Phật chỉ ra là đúng để mọi người thực hành theo và giải thoát. Nhưng người ngoài đạo với những niềm tin tín ngưỡng khác cũng có những con đường riêng của họ. Chưa biết ai đi trên con đường nào thì hạnh phúc hơn, và mang lại lợi ích cho người khác hơn!?

Riêng trong môi trường làm việc, nếu nói nhiều về tín ngưỡng của mình và xem lơ trải nghiệm tín ngưỡng của đồng nghiệp thì đó là một điều tồi tệ. Chẳng lẽ Phật tử chỉ làm việc được với Phật tử hay sao? Cái đích đến của một công ty có phải là mục tiêu giác ngộ? Nếu một ông chủ công ty đã giác ngộ rồi thì liệu có cần cái công ty nữa hay không?

Quay trở lại chuyện của mình. Mình sẽ dung nạp như thế nào những người với niềm tin tín ngưỡng khác (kể cả các niềm tin khác như chính trị, xã hội, gia đình)? Một mảng rất hay trong giáo dục đó chính là sự “đa dạng”. Lịch sử của nó đi từ việc bị xem là rào cản trong công việc, trong học tập nhưng giờ đây người ta lại tìm thấy vô vàng giá trị hay ho từ nó. Có những bước nào trong diễn biến thay đổi cách nhìn về sự đa dạng? Tui chỉ ra vài bước sơ sơ:

1. (Ngày trước) chấp nhận sự khác biệt của người khác
2. (Ngày nay) tập trung vào những giá trị chung
3. (Ngày mai) tìm kiếm sự sáng tạo từ sự khác biệt

Là một người trẻ thì việc tốt đó là gia tăng sự va chạm với đời sống thực. Không có người thầy nào tốt hơn đời sống thực tế bởi vì đó chính là môi trường mà chúng ta sống và tương tác trong cả cuộc đời. 

Ce Phan



Nghĩ về ngày lễ Thành Nhân



Nghĩ về ngày lễ Thành Nhân (trở thành người lớn, 成人の日) ở Nhật Bản, ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 1.
Có thể với nhiều người thì đó là ngày để chúc mừng các thanh niên đã trưởng thành (20 tuổi). Nhưng xét về khía cạnh quốc gia dân tộc thì đó là ngày biểu dương sức trẻ. Một đất nước mà có hừng hừng sức trẻ thì nó báo hiệu một tương lai sáng lạn cho xứ đó.
Ngày nay, Nhật Bản đón ngày này với bao nỗi lo âu vì sự sụt giảm rất nhanh số lượng thanh niên bước vào độ tuổi này. Nguyên nhân chính từ việc tỉ lệ sinh suy giảm nhanh chóng.
Trong lúc này, có hàng vạn thanh niên Việt Nam 18, 20, 22 tuổi lên đường sang Nhật mỗi năm để thực hiện xứ mệnh "xuất khẩu lao động" giá rẻ với danh nghĩa là "tu nghiệp sinh" hoặc "sinh viên trường tiếng". Để mưu sinh nơi xứ người, các em đã đánh đổi sức khoẻ và sức trẻ của mình với những công việc chân tay nặng nhọc.
Khi nhìn nam thanh nữ tú người Nhật mặc đồ đẹp để chụp hình kỉ niệm ngày để biểu dương sức trẻ của họ mà không khỏi buồn cho một thế hệ trẻ Việt Nam.
----
Nghe kể lại rằng, cố tổng thống Park Chung-hee khi ra nước ngoài và thấy thanh niên Hàn Quốc phải làm những công việc nặng nhọc để mưu sinh xứ người. Ông đã thề rằng phải biến xứ Hàn trở thành cường quốc và người nước khác phải qua xứ Hàn mưu sinh chứ thanh niên xứ này sẽ không bán sức trẻ cho đất nước khác. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới. Không biết lãnh đạo Việt Nam khi đi qua Hàn Quốc và Nhật Bản thấy người Việt làm việc vất vả như vậy thì nghĩ gì?



Nhớ ba qua cơn mơ



Nhớ ba qua cơn mơ


Mấy mươi năm chưa cũ
Ngọn sóng còn trơ trơ
Vẫn như đêm chưa rũ
Vén màn nhìn giấc mơ

Người đi bên miền nước
Bóng xa dần chân mây
Vang trong từng ngọn sóng
Giọng như còn đâu đây

Con bước đi theo gió
Tìm theo từng bước chân
Xa dần nơi trần thế
Lạc theo người mênh mông

Bóng chiều dần buông xuống
Gió cũng dần lặng thinh
Sóng thu luôn tiếng gọi
Mãi bóng hình hư không.

Ce Phan
2/4/2023


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Hiểu về các trào lưu giáo dục trẻ em | Kỳ 1



Hiểu về các trào lưu giáo dục trẻ em

Hiện tại có rất nhiều trào lưu giáo dục trẻ em có thể khiến bạn bối rối bằng không biết bằng liệu phương pháp nào là phù hợp nhất đối với con cái của mình. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm của các trào lưu giáo dục ấy, chúng ta sẽ quay ngược trở lại một chút với lịch sử giáo dục. Chủ đề này dự kiến sẽ bao gồm nhiều bài và sẽ lần lượt điểm qua những cái tên nổi bật nhất với cách tiếp cận giáo dục của họ. 




Giáo dục nói chung bao gồm cả giáo dục ở trường học, gia đình và xã hội đều bắt nguồn từ những triết lý sống phổ quát. Ví dụ, ở nhiều nước Châu Á thì triết lý của Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống giáo dục trong thời kỳ phong kiến. Trong triết lý đó, giáo viên đóng một vài trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò. Do vậy, giáo viên đã từng là trung tâm của mọi mô hình giáo dục trong thời kỳ đó. Cũng chịu ảnh hưởng bởi chế độ quân chủ lập hiến trong quá khứ, nhưng các nước Tây phương chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thuyết duy vật biện chứng có nguồn gốc từ Socrates ( ông mất khoảng 400 năm trước Công Nguyên, khoảng vài mục năm sau Khổng Tử). Từ khởi điểm với vai trò đặc biệt quan trọng của người thầy, học trò được thúc đẩy bởi thuyết duy vật biện chứng đã có nhiều không gia để góp tiếng nói hơn trong các mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến ở Châu Âu. Hai triết lý này tồn tại song song và tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa giáo dục mang phong cách phương Đông và phương Tây.

Tuy nhiên, quá trình từ lý thuyết đến thực tiễn là một quá trình rất dài nên không phải đất nước nào cũng theo đuổi những mô hình giáo dục giống nhau cho dù họ sử dụng chung những triết lý đó. Quá trình áp dụng đó đi từ triết lý sống đến triết lý giáo dục và sau đó nữa mới đến các phương pháp giáo dục. Ví dụ, Nhật Bản là một đất nước phương Đông, đã từng chịu ảnh hưởng bởi triết lý Khổng Tử một cách sâu sắc nhưng kể từ thời Minh Trị đã thay đổi toàn diện và có những đường lối giáo dục mà sau này biểu hiện nhiều nét tương đồng với giáo dục của phương Tây. Mặc dù vậy, chúng ta cũng khó lòng kết luận là các chương trình giáo dục dùng chung một phương pháp lại có thể tạo ra những “sản phẩm” giáo dục giống nhau do nhiều yếu tố mang tính địa phương. Hơn nữa, dường như tất cả mọi quá trình là liên quan tới con người thì không thể tạo ra những kết quả giống nhau.

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp nặng diễn ra từ cuối thế kỉ 18, thế giới trải qua nhiều thay đổi sâu rộng ảnh hưởng tới tất cả các hệ thống giáo dục trên thế giới. Khi đó, những nước tư bản xem giáo dục là cách để tạo ra một lực lượng lao động có trình độ (kiến thức và kỹ năng) để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp. Trong thời gian này, khi mà hệ thống sản xuất đã tạo ra tiền đề quan trọng cho sự phát triển xã hội của những đất nước tư bản. Việc nắm bắt được các kiến thức (thông tin) về khoa học kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng trong các trường học trong thời kỳ bấy giờ. Dĩ nhiên, những kiến thức và kỹ năng liên quan tới nghệ thuật, giải trí chưa được xem là những giá trị cốt lõi trong các chương trình đào tạo. Lúc này, thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bật của các nước phương Tây với sự hiệu quả trong các chương trình đào tạo của họ. Ngôi sao sáng nhất tại Châu Á trong thời kỳ này chính là Nhật Bản. Sự phát triển khoa học kỹ thuật lúc này cũng đã thúc đẩy cho một chu kì mới đó là nghiên cứu khoa học. Các học giả đã biết tận dụng tối đa nền tảng của khoa học thực chứng để khám phá ra sự thật và quy luật của rất nhiều ngành nghề trong đó bao gồm cả giáo dục.

Cho tới thế kỉ 20 khi những nghiên cứu về bộ não con người đã được những thành công quan trọng thì những kết quả của nó đã ảnh hưởng lớn đến cách mà các nhà giáo dục quan niệm về “sự học”. Bom tấn trong thời kỳ này đó chính là nghiên cứu của tiến sĩ Roger Sperry tại Hoa Kỳ về chức năng của bán cầu não phải và não trái. Tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài đến ngày nay trong giáo dục hiện đại. Năm 1981, tiến sĩ Roger Sperry đã được vinh danh với giải thưởng Nobel cho nghiên cứu về chức năng của hai bán cầu não của ông. Khi thế giới vinh danh ông, điều đó cũng có nghĩa là nghiên cứu đó đã có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Điều đó đúng cả trong lĩnh vực giáo dục khi mà các chương trình giảng dạy về sau đều cố gắng phát triển dựa theo các miền phát triển của bộ não con người. Một cách chung nhất, các nhà giáo dục quan niệm rằng não trái của con người có thể thu thập và xử lý số liệu trong khi não phải có thể kích hoạt khả năng sáng tạo.

Từ cuối thế kỉ 20 cho tới thế kỉ 21, có rất nhiều nhà giáo dục nổi tiếng ra đời khi họ nhấn mạnh cách thức giáo dục dựa trên những đặc điểm của bộ não. Riêng trong giáo dục trẻ em thì những cái tên như Maria Montessori, Makoto Shichida, Glenn Doman đã trở nên ưa chuộng bởi vì họ chủ thuyết khai phá tiềm năng cho đứa trẻ dựa dựa trên các đặc điểm được phát hiện trước đó trong nghiên cứu về thần kinh. Những diễn ngôn giáo dục của họ lại càng có cơ hội được ủng hộ khi mà yếu tố “thông tin” không phải là điều quá khó để đạt được trong thời kỳ công nghệ số (liên đới tới khả năng ghi nhớ của não trái). Nhiều người tự nghiệm ra rằng, việc khai sáng để tạo ra sự khác biệt sẽ đến từ việc nhấn mạnh và phát triển chức năng của não phải. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực chứng về sự liên quan trong chức năng của bộ não tới các cách tiếp cận cho tới ngày nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục. Phần lớn những nghiên cứu kiểm nghiệm cách tiếp cận giáo dục dựa vào đặc điểm các bán cầu não vẫn chỉ dừng lại ở mức định tính (qualitative method).

Tại những đất nước phát triển, vẫn luôn tồn tại song song nhiều trào lưu giáo dục. Phần lớn các hệ thống giáo dục chính thống và được chuẩn hoá dựa trên những nghiên cứu mang tính định lượng (quantitative method) với các nghiên cứu đã được thực nghiệm trên số lượng lớn dữ liệu và được bổ trợ bởi những nghiên cứu có liên quan khác như xã hội học, thần kinh học, tâm lý học … Các hệ thống giáo dục khác (phần lớn là giáo dục tư nhân) có xu hướng lựa chọn những phương pháp tiếp cận mới hoặc có tính đột phá cao như các phương pháp của những nhà giáo dục vừa đề cập ở trên.

Kỳ tới, chúng ta sẽ điểm qua những trào lưu giáo dục trẻ em trên thế giới bao gồm cả giáo dục tiêu chuẩn của các quốc gia và những cách tiếp cận khác tồn tài song song với hệ thống ấy. 

Ce Phan
Giáo viên mầm non tại Nhật Bản