Vừa rồi thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm tỉnh Phú Yên và đăng đàn với một loạt bài báo nói về tự tụt hậu của tỉnh Phú Yên so với sự phát triển chung của đất nước. Chưa hiểu đằng sau câu nói của ông có ý răng đe, trách móc hay muốn thúc đẩy tỉnh thành này có những bước phát triển với dàn lãnh đạo mới trong thời gian sắp tới, nhưng tâm lý chung của phần lớn những người con đất Phú là có chút tủi thân, có chút hờn dỗi với lãnh đạo tỉnh nhà. Sau đó, cư dân mạng trên Facebook chia sẻ nhau một bài viết "gỡ vốn" cho người xứ nẫu về một vẻ đẹp thôn quê như một cô gái chưa dính chàm như những tỉnh thành ồn ào xung quanh như Khánh Hòa hay Bình Định.
Nhân dịp mọi người chiếu cố nhắc đến miền đất nơi tôi sinh ra và lớn lên nên tôi sẽ thử nhìn quê nhà theo một số hướng để xem thực sự Phú Yên đẹp chỗ nào, tụt hậu ra làm sao trong hai chiều hướng được dư luận thực sự quan tâm. Nhưng trước hết dù có là một nhà chiến lược gia trong phát triển kinh tế địa phương hay là một kẻ chiêm ngưỡng một vẻ đẹp nào đó, thì yếu tố địa dư và con người ở một vùng đất sẽ là căn nguyên cho mọi hiện tượng mà mọi người có thể chỉ nhìn thấy phần ngọn.
Về địa dư
Phú Yên là một tỉnh thuộc miền Trung cách khá xa TP HCM (hơn 500 km) và rất xa so với trung tâm hành chính toàn nước đặt tại Hà Nội. Hai nơi được xem là: 1 là đầu máy của nền kinh tế Việt Nam, 1 nơi cầm quyền quyết định mọi chính sách của các địa phương. 3 mặt giáp núi và đèo hiểm trở bậc nhất (cụ thể: phía tây giáp Đăk Lăk, Gia Lai, phía nam giáp Khánh Hòa, phía bắc giáp Bình Định), một mặt giáp biển (mặt nước nông, và không có đảo chắn gió ở thủ phủ Tuy Hòa). Diện tích đất nông nghiệp của Phú Yên được đánh giá là có độ vuông vức và đủ màu mỡ để phát triển lúa nước, và hoa màu (được sự bồi tụ phù sa của sông Ba phía nam và sông Cầu phía tây).
Về con người
Địa dư ngăn sông cách núi, và hở hang ở phía đông nhưng lại có khả năng phát triển nông nghiệp tốt nên người dân Phú Yên khá an lành trong đời sống bám liền với ruộng đồng và nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử của tỉnh. Và đúng như tên gọi của nó Phú- trù phú, Yên- yên bình, người dân ở đây không cảm thấy thiếu thốn và phải di cư đến những nơi khác để làm những công việc khá nặng nhọc như làm công nhân nhà máy cho các tỉnh phía Nam, hay phiêu bạc kiếm cơm bán vé số nhiều như những tỉnh miền Trung khác. Nhưng sống trong địa dư có tính ngăn cách nên người Phú Yên cũng không cởi mở nhiều trong suy nghĩ để tạo ra những thay đổi trong cộng đồng người ở đây. Và đây cũng là yếu điểm cơ hữu để đón nhận những trào lưu phát triển chung từ nơi khác.
Thử nhìn xa hơn một chút
Nhìn chung về lịch sử qua nhiều giai đoạn con người và phong tục tập quán của người Phú Yên không quá bị xáo trộn như những địa phương khác. Ngay cả vua Lê Thánh Tông khi đã chiếm được, nhưng cũng không cho lính tới canh gác và cũng không xem đây là một vùng đất có nhiều lợi ích. Theo sử có ghi Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đánh Chăm Pa đến tận đèo Cả. Tuy nhiên sau đó Lê Thánh Tông chỉ sát nhập vùng đất từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông (phía bắc Phú Yên) vào lãnh thổ Đại Việt. Vùng đất Phú Yên vẫn thuộc quyền quản lý của Chăm Pa với tên gọi Ayaru. Những năm trong cuộc chiến chống Pháp-Mỹ, Phú Yên được biết đến với cảng biển Vũng Rô với những con thuyền không số. Sau năm 1975 Phú Yên vẫn thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa, với thủ phủ chính là Nha Trang. Năm 1989 thì tách ra thành 2 tỉnh, Tuy Hòa trở thành trung tâm hành chính của tỉnh Phú Yên.
Nhìn lại lịch sử cận đại
Từ khi Đảng lãnh đạo với đặc thù quản lý theo hướng nhánh từ trung ương tới địa phương. Nghĩa là phần lớn quyết định quan trọng từ cấp nhà nước truyền đạt xuống. Và Phú Yên có lẽ luôn là địa phương áp dụng các hình thức mới, cách thức mới, kỹ thuật mới chậm hơn so với những địa phương khác. Nhưng may thay trong nhiều chệch choạc mà những tỉnh thành khác mắc phải, đã tạo nên sự "chùn chân" nhất định trong nhiều quyết định của các đời lãnh đạo tại địa phương. Vì thế, có những giá trị có thể còn nguyên vẹn không hẳn đến từ quyết định đúng đắn của người dẫn đầu, mà chỉ đơn giản là đi sau, làm sau nên cái gì chưa biết nên như thế nào và cuối cùng là không làm.
Không như các lãnh đạo ở các địa phương khác đón đầu trong các làn sóng đầu tư từ trong nước (cả tư nhân và nhà nước) và cả doanh nghiệp nước ngoài, thì Phú Yên có vẻ vẫn còn "ơ thế cơ ah" và chưa biết gì về những cách làm của những "tay chơi" thực sự khác. Nói cho khác hơn, cho dù có muốn làm một vụ gì đó lấy tiếng theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực thì người Phú Yên đương thời cũng không hẳn có thể làm được.
'Ăn chắc mặc bền' và cho con cái đến trường với niềm hy vọng đỗ đạt để sau này có công việc ổn định chỉ là một bước thúc đẩy duy nhất mà cả cộng đồng người Phú Yên muốn làm. Nhưng có vẻ chính cái suy nghĩ khá cũ đó không giúp Phú Yên có nhiều nhân tài trẻ tuổi và cũng không nhiều những người có tinh thần cầu tiến để mang lại sự thay đổi vượt bậc. Nhìn chung, người Phú Yên được giáo dục căn bản khá đầy đủ và không nổi tiếng với những vấn nạn về giáo dục, nhưng để tìm kiếm những cách làm mới từ những con người mà cái cốt lâu đời dính chặt vào địa thế đặc thù như vậy quả thật không có nhiều hy vọng.
Nhưng có phải hoàn toàn như vậy?
Mặc dù gần đây tỉnh có nhiều điều hướng về thu hút người giỏi trong tỉnh và ưu tiên cho người gốc Phú Yên, nhưng từ năm 1975 những đồng chí từ Bắc vào lãnh đạo tỉnh nhà cũng mang tới những "làn gió mới" trước khi có những tai tiếng và nhường sân chơi lại "những người học việc" mới. Đặc biệt là cách "ăn chơi" sao cho ngang bằng với các anh bạn hàng xóm như Nha Trang, Quy Nhơn. Cũng có một số dự án được cò mồi giới thiệu (như dự án Nam Tuy Hòa) và cũng mang tiếng trong nhiều công trình xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng độ nổi tiếng để mọi người ở cả nước chú ý thì vẫn chưa thực sự đủ tầm.
Một vài doanh nghiệp địa phương cũng mở rộng "dây nhợ" ra khỏi tỉnh như: công ty vận tải Thuận Thảo, tập đoàn xây dựng Hải Thạch, .... phần còn lại hầu hết là các hộ kinh doanh cá thể về quán cafe, nhà hàng, khách sạn. Có rất ít những công ty tư nhân liên quan tới các ngành nghề mới như: công nghệ thông tin, thương mại hay dịch vụ cao cấp. Có lẽ đây cũng là những kênh liên lạc duy nhất giúp các chính khách trong tỉnh kết nối được với các thân hữu cấp chính phủ. Nhưng quả thật là không mạnh như những tỉnh thành khác với khá nhiều doanh nghiệp đình đám được chính phủ đặc biệt quan tâm.
Nhưng chừng ấy phương tiện cũng đủ để người trong nhìn ra kẻ ngoài, và ở ngoài nhìn được đôi điều bên trong làm gì. Ít nhất, những trào lưu cả tích cực và tiêu cực cũng được áp dụng ở một mảng nào đó mặc dù còn nhiều e dè do đặc thù cố hữu tích tụ nhiều năm.
Như vậy, nếu chọn hình ảnh một cô gái để hình dung về một bức tranh chung thì bạn thấy Phú Yên giống gái thành thị quê mùa hay cô thôn nữ miền quê?. Bạn có yêu ai trong số 2 hình tượng đó không?
Bài tiếp theo: Phú Yên nên làm gì để định hướng phát triển dài hạn
Tác giả: Ce Phan